Ngôi mộ trống (27.12 – Lễ Kính Thánh Gio-an, Tông đồ)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Ngày 27.12:  Lễ Kính Thánh Gioan, Tông đồ

Lời Chúa: 1 Ga 1,1-4, Ga 20,2-8

 

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 20,2-8)

2 Sáng sớm ngày Phục Sinh, bà Ma-ri-a Mác-đa-la chạy đi gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

 

Ngôi mộ trống (27.12.2024)

Bài Phúc Âm hôm nay Thánh Gioan kể cho chúng ta nghe về ngôi mộ trống. Theo phong tục La Mã, tội phạm bị đóng đinh sẽ không được chôn cất, xác của họ thường bị bỏ cho chim trời và thú rừng ăn. Thế nhưng cả bốn sách Phúc Âm đều kể về việc Ông Giuse, người thành  A-ri-ma-thê đã mai táng Chúa Giêsu trong huyệt đã mới “đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về.”

Ngôi mộ đã được niêm phong và canh gác cẩn thận. Thế nhưng, vào lúc sáng sớm ngày thứ hai trong tuần, các a, trong đó có Maria Madalena đã đến mồ và phát hiện ra rằng tảng đã che lấp cửa mộ đã được lăn ra và bên trong trống rỗng…

Có nhiều thuyết âm mưu để ra, thí dụ như:

– Người La Mã đã lấy xác của Ngài. Điều này thật vô lý. Người La Mã chỉ muốn Chúa Giêsu chết. Và hễ  nghe ai tuyên bố Chúa đã sống lại, họ chỉ cần trưng xác của Ngài ra là đủ.
– Nhà cầm quyền Do Thái đã lấy xác của Ngài. Gợi ý này cũng vô lý. Chính quyền Do Thái muốn loại bỏ Chúa Giêsu, họ không những muốn Ngài phải chết, mà còn muốn đảm bảo Ngài phải nằm yên dưới mồ.
– Các môn đồ lén lấy xác Ngài. Các môn đồ không có động cơ, phương tiện, hay cơ hội để lấy trộm xác của Chúa Giêsu. Quan trọng hơn, chính thánh Matthêu thuật lại thôi: “Các thượng tế, Biệt phái đến tâu Philatô : Chúng tôi còn nhớ, lúc còn sống, ông Giê-su gian dối này có nói : Khỏi 3 ngày sẽ sống lại. Vậy xin quan lớn dạy cho canh mồ đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ của ông ấy đến lấy xác rồi phao tin sống lại. Như thế sự lừa dối sau này còn tệ hơn sự gian dối trước kia”. Philatô đáp: “Lính canh đó các ông cho canh thế nào tùy ý”. Họ đã canh và niêm phong tảng đá. Canh kỹ quá làm sao các môn đệ lấy trộm xác thầy mình?

Như vậy ngôi mộ trống chỉ vì một lý do duy nhất: Chúa của chúng ta đã phục sinh.

Ngôi mộ nói với chúng ta về chiến thắng của Chúa Giêsu; Chúa chiến thắng bạo lực. Thập giá là bạo lực của con người dành cho Con Thiên Chúa. Một số biệt phái và luật sĩ, có sự chống lưng của các tư tế và nhất là vị tư tế thượng phẩm, đã lên án tử cho Chúa và quyết định giết Người bằng một hình thức vừa gây đau đớn, vừa gây nhục nhã. Khi giết được Chúa và khi thấy các môn đệ đã an táng Thầy mình trong huyệt mộ, những kẻ giết Chúa nghĩ mình đã diệt được một kẻ thù. Họ đã nhầm. Chúa Giêsu đã bước ra khỏi mộ, vinh quang sáng láng. Thiên Chúa đã chiến thắng mưu mô của con người. Tình thương đã thắng thù hận. Ánh sáng đã thắng tối tăm. Chúa Giêsu không sống lại để trả thù những người đã hành hạ và đã giết Chúa. Người sống lại để khẳng định rằng: mưu mô gian trá chỉ là nhất thời, tình yêu bao dung sẽ tồn tại mãi mãi.

Đấng Phục sinh không chỉ chiến thắng sự chết, mà Người còn giải phóng con người khỏi sự chết. Người cũng giải phóng con người khỏi sự giam cầm của quyền lực tối tăm, tức là ma quỷ và tội lỗi xấu xa.

Ngôi mộ trống là khởi điểm cho Đức tin Kitô hữu. Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng. Người có quyền trên sự sống và sự chết. Người đã tự ý trao ban sự sống của Người và Người có quyền lấy lại, như chính Người đã tuyên bố. Vì vậy, sự chết không còn làm chủ được Người. Ngôi mộ là bằng chứng hùng hồn về quyền năng của Chúa Giêsu, là Thiên Chúa tối cao.

Ngôi mộ nói với chúng ta về niềm hy vọng Kitô giáo. Con người được tạo dựng không để nằm yên trong huyệt mộ, sau khi đã trải qua một cuộc sống đan xen hoà quyện giữa hạnh phúc và đau khổ, nhưng được tạo dựng để hưởng hạnh phúc vinh quang đời đời với Chúa. Chúa phục sinh bước ra khỏi mộ khơi nguồn hy vọng cho con người nói chung, người Kitô hữu nói riêng. Bởi lẽ từ nay, họ xác tín rằng, thân phận con người không chỉ là “hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi”, nhưng trong con người có mầm sống siêu nhiên, thúc đẩy con người sống lương thiện. Mầm sống ấy không chết khi con người nhắm mắt xuôi tay, nhưng sẽ bừng lên cho một cuộc sống mới, như hạt giống gieo vào lòng đất, chấp nhận mục nát để nảy mầm sinh bông kết trái. Niềm hy vọng của người tín hữu giúp họ vượt lên những khó khăn của cuộc đời, với niềm xác tín Đấng Phục sinh đang hiện diện với họ, để dẫn họ đi trên mọi nẻo đường.

Ngôi mộ trống hôm nay mang đến cho chúng ta nhiều trải nghiệm phong phú. Một ngôi mộ rỗng tuếch nhưng không câm nín. Một lỗ hổng đen ngòm nhưng chan chứa ánh sáng mặc khải. Một sự trống rỗng mênh mông lại lấp đầy sự sống. Một thực tại gợi nhớ bao kỷ niệm quá khứ. Một sự vắng mặt tràn đầy sự có mặt. Một kết thúc bi thảm mang vóc dáng của sự khởi đầu tinh khôi. Một cái chết để bước qua sự Phục sinh.

Thêm vào đó, thái độ và phản ứng của ba nhân vật trong trình thuật buổi sáng Phục Sinh cũng cho ta nhiều bài học quý giá. Tin mừng Phục Sinh quá vĩ đại khiến cho họ không thể trì hoãn một giây phút nào. Cả ba đều chạy do một động lực chung là đức tin, một niềm vui chung là Tin Mừng Sống Lại, và một Tình Yêu chung là Đức Giêsu Phục Sinh.

Phần chúng ta, khi nhận lãnh tin vui Phục Sinh, chúng ta cũng được mời gọi trở nên như Maria Madalena, Phêrô và Gioan chạy thật nhanh trên đường đức tin, tình yêu và hy vọng vào Đấng đã sống lại từ cõi chết. Giữa cuộc đời đầy tăm tối, u sầu, chán chường, thử thách, thất vọng có khi đi đến tuyệt vọng, niềm tin Phục sinh cho chúng ta ánh sáng hy vọng để dọi chiếu vào thế gian tăm tối. Do đó, làm chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh là dùng chính đời sống mình để chứng tỏ cho mọi người, cho thế giới biết quyền năng Đức Kitô Phục Sinh đã tác động và biến đổi chúng ta.
Ngôi mộ trống cho chúng ta biết, mỗi người hãy để tâm hồn mình trở nên ngôi mộ trống của ngày Phục Sinh và lấp đầy bằng tình yêu, niềm tin của Đấng chịu đóng đinh. Chúng ta đừng để thất bại, đau khổ, hiểu lầm, chỉ trích, yếu đuối, buồn phiền, chia ly, chết chóc niêm phong chúng ta lại. Không nên để những lợi lộc riêng tư, những dự án của cá nhân, những thói hư tật xấu, đam mê… như phiến đá che lấp Tình Yêu và sự giải thoát.
Ngôi mộ trống nói với mỗi người, hãy có tình cảm như Maria đã dành cho Chúa Giêsu, xin cho mình có được niềm tin của Phêrô, và cố gắng giải thoát mình khỏi mọi vướng bận để có một tình yêu cao thượng, trong sáng như tình yêu của Gioan dành cho Thầy Giêsu. Để từ đây mọi hành động, suy nghĩ và lối sống của mình chứng minh cho con người nhận biết chúng ta đang tin yêu và theo đuổi Đấng Kitô, Người đã chết và đã sống lại.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh,

Qua thập giá sẽ đến vinh quang, sau nấm mồ tang thương sẽ là sự Phục Sinh vinh hiển. Ước gì khi đối diện với những “ngôi mộ” cuộc đời, chúng con vẫn nhìn thấy sự hiện diện của Chúa, vẫn yêu mến Chúa để được ơn “thấy và tin” như “người môn đệ Chúa yêu” đã thấy và tin vào Ngài. . Xin Chúa kéo chúng con ra khỏi mồ tối, để nhờ ánh sáng phục sinh chiếu soi, chúng coi can đảm vươn tới ánh sáng và trở nên ánh sáng giữa đời. Amen.

Người môn đệ được Chúa yêu (27.12.2023)

“Môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông”. (Ga 20,4)

Thánh Gioan Tông Đồ, thánh sử, vị Tông đồ của tình yêu. Thánh nhân là tác giả sách Tin Mừng thứ IV, ba lá thư và sách Khải Huyền. Ngài là   ngư  phủ ở  Galilê,   con của ông   Giêbêđê  và bà Salomê. Năm 20 tuổi, Ngài là môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả đang giảng dạy trong sa mạc. Ngài luôn khát khao tìm kiếm sự hoàn thiện. Gioan Tẩy Giả đã thấy Chúa Thánh Thần xuống trên Chúa Kitô và loan báo cho mọi người rằng Người ở giữa họ, nhưng người ta không nhận biết Người.

Ngày kia, Chúa Giêsu đi qua, Gioan Tẩy Giả chỉ cho Gioan và Anrê: “Đây là chiên Thiên Chúa”. Lập tức, hai ông đã theo Chúa Giêsu. Tin Mừng hôm nay cho biết: khi bà thánh Madalêna báo tin ngôi một trống thì chính thánh Gioan đã chạy đến mộ Chúa Giê-su trước thánh Phêrô, nhưng Ngài nhường cho Anh Cả Phê-rô vào trước, Ngài vào sau. Và chính Ngài đã xác nhận trong Tin Mừng: “Gioan đã thấy và đã tin”. Theo như lời truyền tụng thì Ðức Mẹ đã về ở với thánh Gioan ở Ephesô và chính ở đó thánh Gioan đã viết sách Tin Mừng thứ tư. Sau đó thánh Gioan lui về sống ở Patmôs. Ở đó Thánh Gioan được thị kiến và đã ghi lại trong Sách Khải Huyền.

Trong tuổi già thánh Gioan muốn truyền đạt lại cho hậu thế điều căn bản mà Gioan đã học được nơi Thầy của mình: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúng ta hãy yêu thương nhau.” Mừng lễ Thánh Gioan Tông Đồ Thánh Sử trong những ngày Bát nhật mừng Chúa Giáng Sinh, ước gì đại gia đình Đa Minh chúng ta hãy cùng Ngài khát khao nên hoàn thiện trong Thiên Chúa là Tình Yêu, hân hoan đón nhận tình Chúa yêu, và sẻ chia tình yêu của Chúa cho đời.

Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng Giáng Sinh, chúng con xin tôn vinh Chúa là Tình Yêu. Nguyện Chúa ban ơn cho mọi thành viên trong đại gia đình Đa Minh chúng con, biết hết lòng kính mến phụng thờ tin yêu Chúa, yêu nhau và yêu tất cả mọi người. Amen.

BCT

Được nghe và được thấy (27.12.2022)

Thánh Gio-an đã làm chứng về Lời Sự Sống – Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu tạo thành vũ trụ, vạn vật, và con người – Ngôi Lời Nhập Thể; Ngôi Lời là Sự Sống.

Thánh nhân đã được sống cùng với Ngôi Lời, đã được nghe tiếng của Lời Sự Sống, đã thấy tận mắt, đã chiêm ngưỡng và cũng đã sờ chạm đến.

Thánh Gio-an đã được mặc khải về Ngôi Lời Nhập Thể khi được diễm phúc làm người môn-đệ-Chúa-yêu, có lẽ vì có lòng mến yêu Chúa nhiều nên thánh nhân đã thấy và đã tin (x. Ga. 20,8). Ngài tin đó chính là Lời Hằng Sống, là Ánh sáng, là Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha, tin Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính.

Thánh nhân đã viết ra, đã loan báo những điều tai mình đã được nghe, mắt mình đã nhìn thấy để tất cả mọi người lúc bấy giờ và ngay cả nhân loại hôm nay đây được diễm phúc hiệp thông với Nhiệm thể của Lời Sự Sống, hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người; và để niềm vui trong Lời Sự Sống được nên trọn vẹn (x. 1Ga. 1, 1- 4)

Điều thánh Gio-an tông đồ nói trên; đó là một điều răn cũ, không phải là một điều răn mới nhưng đó cũng là một điều răn mới; bởi vì bóng tối (tội lỗi và sự chết) đang qua đi và ánh sáng thật (sự công chính hóa, sự sống đời đời) đã tỏ rạng (x. 1Ga.1,5-11).

Niềm vui Giáng Sinh chính là niềm vui sống trong tình yêu của Thiên Chúa; niềm vui tin vào tình thương của Thiên Chúa đối với phàm trần.

Đó cũng chính là sứ điệp thánh Gio-an muốn gởi đến chúng ta hôm nay, nhất là trong những ngày này khi con được chiêm ngắm Hài nhi Giê-su nằm trong máng cỏ:

Niềm tin đã tỏ hiện và được củng cố từ trong sự trống rỗng (x. Ga. 20,1-8) hay qua một máng cỏ trơ trụi, nghèo nàn (x. Lc.2,7;12). Hình ảnh đó cho thấy Thiên Chúa đến với con người qua những cái nhỏ bé tầm thường và ngay cả qua những mất mát của cuộc sống.

Lạy Chúa, ước gì khi chiêm ngắm đời sống của thánh Gio-an tông đồ; con biết yêu mến Chúa nhiều hơn, biết mau mắn nhận ra thánh ý của Ngài. nhất là trong mùa Giáng Sinh này, khi chiêm ngắm Hài Đồng Giê-su nằm trong máng cỏ nghèo hèn, con càng cảm nghiệm sâu sắc thêm Tình Yêu Thiên Chúa dành cho đời con. Amen.

CÁT BIỂN

Tình yêu và niềm tin 

“Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào, ông đã thấy và tin”.

Khăn che đầu được xếp gọn lại, băng vải còn đó, mà người chẳng thấy đâu chỉ còn ngôi mộ trống. Bà Maria Mác-đa-na vì sự yêu mến Đức Giêssu, bà đã đôn đáo chạy về gặp ông Simôn Phêêrrô và Gioan báo tin. Hai ông vội chạy đến ngôi mộ thấy và đã tin.

Cuộc đời chúng ta đôi lúc cũng giống như ngôi mộ trống, bị đổ vỡ, bị mất mát, những gì yêu quý không còn nữa. Chúng ta tìm kiếm trong đau khổ, trong thất vọng.

Hôm nay Mừng Kính Thánh Gioan, Gioan nghĩa là thương mến. Ông cảm nghiệm được Đức Giêsu thương mến, trong buổi tiệc ly ông đã ngả đầu vào lòng Đức Giêsu . Ông vội vã chạy đi tìm với lòng yêu mển, ông đã thấy và đã tin.

Lạy Chúa Giêssu:

Xin lăn tảng đá ra khỏi cuộc đời con, qua những biến cố, mất mát. Để đức tin con ngày càng lớn mạnh hơn.

Xin giúp con biết nhận ra Chúa đang Giáng Sinh trong cuộc đời con, qua những mảnh đời bất hạnh, đau yếu, tù đày đang cần đến sự chăm sóc. Để con sống Nhập Thể như Chúa, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.

Thật là phúc cho người đặt niềm tin tưởng vào Chúa

Ghi nhớ:

“Ông đã thấy và ông đã tin” (Ga 20, 8).

 Suy niệm:

Một người vô thần nọ tuyên bố rằng: “Thời đại ngày nay, chúng ta không còn cần đến đạo nữa, vì đạo chỉ là một liều thuốc phiện mê hoặc dân chúng thôi. Còn Thượng Đế thì đã bị con người giết chết rồi, Đó là lời nói của triết gia F. Nietzsch”.

Nghe nói thế có một bác nông dân đặt câu hỏi cho người vô thần nọ.

– Ông bảo thời nay không còn cần đến đạo giáo? Và Thiên Chúa thì đã bị giết chết?. Vậy tôi xin hỏi ông hai điều này. Thứ nhất ông hãy cho tôi biết F. Nietzsch có còn sống đến ngày hôm nay không? Và nếu ông nói không còn cần đạo thì xin ông đưa ra để làm minh chứng cho tôi một người mà trước đây khi theo đạo người ấy sống bê bối và rồi khi người này bỏ đạo lại sống tốt, sống đàng hoàng tử tế. Về phần tôi, tôi sẽ dẫn đến cho ông mười người thậm chí cả trăm người mà trước đây khi không có đạo thì sống bất lương, trộm cắp, rượu chè… Nhưng khi tin đạo thì những người này lại trở nên gương mẫu sống hiền lành, tử tế! Ông có dám nhận lời thách thức này của tôi hay không?

 Người vô thần lẳng lặng bỏ đi!!!

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ kính thánh Gioan, tác giả sách Phúc Âm thứ bốn và cũng là người môn đệ được Chúa Giê-su yêu dấu, Tin Mừng kể lại rằng sau khi được bà Maria Magđana ra thăm mộ lúc tảng sáng, không thấy thi hài Chúa Giê-su liền trở về thuật lại cho hai tông đồ là Phêrô và Gioan nghe, và theo như ý nghĩ của bà Maria thì người ta đã đem đi cất giấu thi hài của Chúa ở một nơi khác mà bà không biết. Sau khi nghe được sự việc trên thì hai vị đều nhanh chân chạy ra mồ. Ông Gioan đến mộ trước nhưng ông không vào, chỉ đứng ở ngoài nhìn, Ông Phêrô đến sau nhưng ông lại bước vào trong mộ trước, ông thấy dải vải vẫn đặt đó, còn tấm khăn phủ đầu thì lại cuộn riêng ra để một chỗ. Sau đó ông Gioan mới bước vào, ông quan sát thấy mọi sự diễn ra trước mắt và ông đã tin. Ông tin rằng Thầy mình là Đức Giê-su Kitô thực sự đã sống lại, chứ không phải người ta đã giấu Ngài đi nơi khác như lời bà Maria nhận định.

Niềm tin Chúa Kitô phục sinh nơi thánh Gioan nói riêng, và nói chung của các vị tông đồ đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của các Ngài. Và sâu xa hơn đã thay đổi cả thế giới này. Bởi lẽ, chính vì niềm tin đó mà các Ngài đã không còn hoang mang sợ hãi. Một lòng ra đi loan báo Tin Mừng Chúa Cứu Thế đã phục sinh, trong hành trình làm chứng nhân Tin Mừng đó các Ngài đã phải trải qua bao vất vả, gian truân và cuối cùng ngay cả cái chết cũng  chẳng thể lung lạc được niềm tin đó nơi các Ngài.

Và rồi đã có biết bao người nhờ lời minh chứng của các Tông đồ đã tin tưởng vào Chúa Cứu Thế phục sinh để quy tụ, làm nên một Hội Thánh đã tồn tại hơn hai ngàn năm qua và sẽ còn tiếp tục trường tồn mãi theo thời gian cho đến ngày tận thế!

Triết gia Blaise Pascal nói: “Giả như Thượng Đế không có, ta chẳng mất gì cả nếu đã tin vào ngài. Nhưng nếu có Ngài thật, thì ta sẽ mất tất cả nếu như ta không tin Ngài”.

Thật là hạnh phúc cho chúng ta, những người đặt niềm tin tưởng vào Chúa, vì chúng ta có Đấng để mình ca ngợi, tôn thờ, có Đấng để mà cậy trông, dựa nương và cầu khẩn xin ơn. Còn biết bao người chưa nhận biết Thiên Chúa, khi gặp hoạn nạn, khổ đau, họ không biết chạy đến cùng ai để kêu cầu, để xin được trợ giúp, chở che! Điều đó thật là thiệt thòi thay!.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã đến để chiếu soi ánh sáng sự sống vào nơi tối tăm sự chết. Xin cho mọi người đều biết mở lòng ra để đón nhận Chúa. Đon nhận sự sáng của Ngài. Bởi chỉ có Chúa mới là lẽ sống và là gia nghiệp của đời chúng con thôi. Không có Chúa đời chúng con chẳng còn có ý nghĩa gì. Amen.

Sống Lời Chúa:

Để Chúa là trung tâm của đời sống mình.

Đaminh Trần Văn Chính.  

Thấy và tin

Ghi nhớ:

Ông đã thấy và ông đã tin” (Ga 2, 8).

Suy niệm:

Vào một buổi tối, trăng sáng, bầu trời không một gợn mây. Bố chỉ tay lên các vì sao và nói với con.

  • Sáng nay con có hỏi bố rằng làm thế nào chúng ta có thể nhận biết được Thiên Chúa. Thì giờ đây bố trả lời cho con; Con hãy nhìn lên bầu trời và đếm cho bố xem có bao nhiêu tinh tú?
  • Con chịu. Không thể đếm được!
  • Này nhé. Nhìn vào một tòa nhà chúng ta biết nó được xây dựng bởi những người thợ nề. Nhỏ bé hơn, như: cái bàn cái ghế phải được làm ra từ tay người thợ mộc, chẳng có vật  nào tự nhiên mà có được! Như vậy vũ trụ này phải được tạo dựng  bởi một Đấng siêu phàm, có quyền phép vô cùng.

Chính vì thế mà nhà bác học Isaac Newton khi quan sát các vì sao thấy nó hùng vĩ lại được xếp đặt trong một trật tự lạ lùng đã thốt lên rằng: “ ôi nhìn thấy Thiên Chúa ở đầu bên kia kính viễn vọng”.

  • Nhưng, bố ơi có biết bao người đã nhìn lên bầu trời mà họ chẳng nhận thấy Thiên Chúa?.
  • Bởi vì họ không được nghe Lời Chúa hoặc đọc Kinh Thánh nên họ chưa có lòng tin.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố Chúa Giê-su phục sinh. Khi bà Maria Madalena ra thăm mộ Chúa. Thấy ngôi mộ trống không, bèn chạy về báo tin cho các môn đệ biết, bà gặp hai ông:  Phê-rô và Gioan. Theo như “tư duy” của bà thì việc Xác Chúa không còn ở trong mộ nữa là do có người đã lấy mà mang đi nơi khác: “Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu?”. Để xác nhận thực hư sự việc này, hai ông đã lập tức chạy nhanh ra mộ. Khi đến nơi, nhìn vào trong, hai ông chỉ thấy còn những khăn che mặt và dải vải niệm. Thi hài Người thì không còn ở trong phần mộ nữa. Lúc này Ông Gioan mới nhớ lại Lời Kinh Thánh là Người phải sống lại từ cõi chết. Vì vậy nên ông đã tin!

Cùng nhìn vào ngôi mộ trống mà sự suy nghĩ lại khác nhau. Bà Maria Madalena thì cho rằng sở dĩ Xác của Thầy không còn ở mộ nữa là do đã có kẻ lấy mang đi. Nếu cứ suy diễn theo kiểu tự nhiên của thế gian, thì rõ ràng bà có lý. Vì mới ngày hôm qua người ta đã an táng Người trong ngôi mộ này, mà giờ đây xác Thầy Giê-su không còn ở đây nữa thì chỉ có một khả năng duy nhất xảy ra: Đó là đã có kẻ lấy Xác Thầy mang đi nơi khác thôi.

Phần Gioan, khi thấy ngôi mộ trống, nhớ lại Lời Chúa, ông đã tin rằng Thầy mình đã phục sinh.

Chính vì không được Lời Chúa soi sáng nên bà Maria đã có nhận định sai lầm. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta hãy lấy Lời Chúa làm chuẩn mực cho mọi suy nghĩ và hành động để khỏi phải chuốc lấy những hối tiếc vì những sai lầm đã xảy ra.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết suy nghĩ và hành động dựa trên nền tảng Thánh Kinh để trong cuộc lữ hành trần gian chúng con luôn được Lời Chúa soi sáng, hướng dẫn, và như vậy cuộc hành trình để tìm về bên Chúa của chúng con sẽ trở nên nhẹ nhàng và bình an. Amen.

Sống Lời Chúa:

Lấy lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc sống.

Đaminh Trần văn Chính

Vị Tông đồ của tình yêu

“Phúc cho ai có lòng trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Mối phúc ấy hôm nay đã đuợc thể hiện nơi Thánh Gioan tông đồ, Ngài là một gương mặt trong số mười hai môn đệ được coi là sáng giá, Ngài là em ruột của thánh Giacôbê tiền, ở Betsaiđa cùng quê với ông Phêrô và Anrê, Cha là Dêbêđê, mẹ Ngài là Salômê. Cả hai ông bà đều giúp việc cho Chúa cách trung thành.

Chúa là vua của Tình Yêu

Đoái thương nhân thế, ban nhiều phúc ân

Trời cao, Ngài đã giáng trần

Cứu chuộc nhân loại muôn phần thiết tha

*

Tình yêu của Chúa bao la

Muôn đời con mãi ngợi ca Ơn Ngài

Tình yêu của Chúa mãi hoài

Con xin nguyện hứa yêu Ngài thiết tha

Lòng con trổi khúc hoan ca

Vì Tình Yêu Chúa đậm đà thâm sâu

Ông Gioan là một trong số mười hai Tông đồ được Chúa Giêsu yêu thương nhất, vì rằng Gioan và Phêrô đã được chứng kiến phép lạ Chúa làm cho con gái ông Zairô sống lại. Thánh Gioan, Giacôbê và Phêrô đã từng được hưởng giờ phút ngây ngất trên núi Tabôrê khi Chúa biến hình và các Ngài cũng được thông chia, hiệp thông giây phút đau khổ nhất của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu. Thánh Gioan cũng được hạnh phúc tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly và dưới chân Thập Giá, thánh Gioan đã được hạnh phúc lớn lao, Chúa Giêsu trối Ðức Mẹ cho thánh Gioan và trối thánh Gioan cho Đức Mẹ. Thánh Gioan còn được hân hạnh thông báo cho thánh Phêrô biết Chúa đã phục sinh trong buổi sáng Chúa Giêsu sống lại.

Có Chúa, con hết âu sầu

Khó khăn tan biến, thương đau chẳng còn

Tình yêu của Chúa trường tồn

Để con đón nhận, tâm hồn vươn cao

*

Hồng ân thánh đức tuôn trào

Cuộc sống thánh thiện dạt dào hân hoan

Giúp con thân thiện kết đoàn

Thân thương hiệp nhất lan tràn muôn nơi

Theo Tin Mừng của Thánh Gioan hôm nay, Ngài tự xưng mình là “Người môn đệ Chúa Giêsu thuơng mến” và vì thế Ngài yêu thuơng Chúa cách đặc biệt, điều đó đuợc bộc lộ trong đoạn Tin Mừng: Ngày thứ nhất trong tuần,  bà Maria Mácđala liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Biến cố Ngài chịu chết chắc sẽ không còn xa lạ gì với chính chúng ta. Thánh Gioan cũng thế, Ngài đã thấy và đã tin.

Điểm tô hạnh phúc cho đời

Yêu thương phục vụ, sáng ngời niềm tin

Con luôn trân trọng giữ gìn

“Yêu người, mến Chúa”: nguyện xin thực hành

*

Mong cho cuộc sống an lành

Đức tin sống động như cành trổ hoa

Chắp tay cầu khẩn thiết tha

Cho nhân loại biết “CHÚA LÀ TÌNH YÊU”

Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh Gioan Tông đồ để mạc khải mầu nhiệm Ngôi Lời cho chúng con. Xin Chúa thương mở lòng soi trí để chúng con thấu hiểu những chân lý cao siêu mà Thánh nhân đã truyền lại cho chúng con, giúp chúng con biết mến yêu và tôn thờ Chúa bằng cả tấm lòng và tâm trí của chúng con. Amen. 

 

HOÀI THANH

Tình Yêu Nhập Thể

Ngay từ ban đầu, Mầu Nhiệm Nhập Thể đã bao hàm Mầu Nhiệm Cứu Độ rồi. Nói như thế quả không sai. Bởi khi ta suy niệm Tình Yêu Thiên Chúa, thì chính hai Mầu Nhiệm này là hệ quả tất yếu minh chứng cho những ai muốn hiểu cặn kẽ thuộc tính của Thiên Chúa.

Tình yêu nối kết tình yêu. Tình yêu nối kết tâm lòng. Tình yêu nối kết nghĩ suy và hành động. Vâng, chỉ có tình yêu mới hiểu được những nghịch lý của cuộc sống và mới có thể dễ dàng hiểu được những bí nhiệm xảy ra…

Nhờ tình yêu sâu nặng của Chúa Giêsu dành cho tông đồ Gioan và chính bởi sự đáp trả tình yêu mãnh liệt của tông đồ Gioan dành cho Thầy của mình; nên khi chứng kiến sự trống không trong ngôi mộ của Chúa Giêsu thì vị tông đồ “được Thầy thương mến” đã nhận biết ngay lúc chạy đến xem mộ Chúa, và ông đã tin vì ông vẫn còn nhớ rõ những lời Chúa Giêsu đã loan báo trước khi chịu khổ nạn và chết trên thập giá.

Thánh Gioan tin rằng Chúa Giêsu đã phục sinh. Khi nhìn thấy những băng vải liệm, và khăn che đầu Chúa Giêsu đuợc xếp riêng ra, cuốn lại không để lẫn với các băng vải khác (x. Ga 20, 4-8)  Sự nhạy bén của tình yêu dành cho Thầy mình đã giúp thánh Gioan nhận ra Chúa Giêsu đã sống lại qua “cách thức” Ngài đã xếp gấp những băng vải, khăn liệm của mình rất cẩn thận, và ngăn nắp.  Qua kiểu “xếp đồ” quá quen thuộc của thầy Giêsu, mà trò Gioan khi vừa trông thấy đã tin ngay.

Biết bao nhiêu biến cố, những dấu chỉ xảy ra với tôi hằng ngày, nhưng tôi vẫn không nhận ra sự hiện diện, tiếng nói của Thiên Chúa với mình.

Qua hình hài một trẻ nhỏ trong hang Bê-lem; qua hình bánh rượu trao tay linh mục; qua những kẻ nghèo hèn thấp kém; qua những bệnh nhân ốm yếu trong đời thường…tôi chưa nhìn thấy được sự kỳ diệu của Tình Yêu Nhập Thể. Chúa vẫn gần gũi nói cười, khóc thương…với tôi; nhưng tôi vẫn chưa nhận ra Ngài đang hiện hữu và đồng hành với mình trong cuộc đời này .

Lạy Chúa, mỗi lần mừng Mầu Nhiệm Giáng sinh là mỗi lần con được mời gọi sống tình yêu của Chúa. Xin ban cho con sự tinh tế, nhạy bén nhận ra ý muốn của Thiên Chúa trong mọi biến cố của đời sống; để mỗi ngày con biết sống quảng đại với anh em mình hơn, biết yêu thương anh em mình hơn, và biết phục vụ anh em mình một cách vô vị lợi như Chúa đã phục vụ. Amen.

CÁT BIỂN

Trợ lực cho nhau

1. Ghi nhớ:“Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền thờ, theo tập tục ngày lễ” (Lc 2,41- 42 ).

2. Suy niệm: Chỉ hai câu Tin Mừng cũng diễn tả được biết bao sự thánh thiện nơi gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Đây là một gia đình gương mẫu về sự trung thành với lề luật Chúa. Vì luật Do thái chỉ buộc tất cả những người đàn ông đến tuổi khôn phải lên Giêrusalem một năm ba lần vào các dịp: lễ Vượt Qua, lễ Cầu Mùa và lễ Lều. Như vậy, theo luật thì chỉ có mình thánh Giuse lên Giêrusalem, nhưng do lòng đạo đức mà cả ba người cùng lên Đền thờ. Điều đó cho thấy, đây không phải là một gia đình chỉ giữ lề luật theo cảm tính, mà còn giữ với tinh thần nhiệt thành và ý thức cao độ nên làm hơn những gì luật buộc. Tình cảm gia đình Thánh Thất thật cao đẹp biết bao! Thể hiện cao đẹp khi sum họp lẫn khi xa cách, đau khổ. Noi gương Thánh Gia, mỗi thành viên trong gia đình nên trợ lực cho nhau trong tình yêu Chúa và giúp nhau chu toàn bổn phận hàng ngày.

3. Sống Lời Chúa: Trung thành với lề luật Chúa qua việc chu toàn phận hằng ngày: tham dự Thánh Lễ, giữ Kinh hôm, Kinh mai là làm theo ý Chúa.

4. Cầu nguyện:Lạy Chúa! Xin cho con có cái nhìn tích cực với lề luật Chúa, vì luật là nhằm để giúp con sống thánh thiện hơn chứ không phải là gánh nặng bó buộc. Amen.

Vị tông đồ của tình yêu

Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước cũng đi vào. Ông đã thấy và ông đã tin. (Ga 20,8)

Suy niệm: Nhiều người đã cảm nhận phần nào đó về Thiên Chúa, nhưng có lẽ, thánh Gioan là người đã có cảm nhận sâu sắc nhất về tình yêu của Đức Ki-tô vì chỉ có thánh Ngài mới phát biểu một câu “định nghĩa” ngắn gọn nhưng thật đầy đủ: “Thiên Chúa là tình yêu”. Định nghĩa không nói đến tinh yêu như một ý niệm trừu tượng, nhưng cụ thể bằng xương bằng thịt: “Chúng tôi đã thấy tận mắt, chúng tôi đã ngắm nhìn và tôi chúng tôi đã sờ đến.” Thiên Chúa tỏ tình với con người không bằng những lời nói suông, nhưng bằng hành động cụ thể và cao độ nhất là hành vi hiến trao mạng sống làm giá chuộc muôn người: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian. Cuộc sống của Chúa Giêsu, nhất là cái chết của Ngài là hành động yêu thương cụ thể nhất Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu là động lực cho Gioan chạy tới mộ, để thấy và tin Đức Giêsu đã phục sinh.

Mời Bạn: Yêu thương là cốt lõi của Kitô giáo, và cũng là ý nghĩa cuộc sống bạn. Sống yêu thương chính là sống sung mãn đích thực. Tình yêu thương này bạn phải bắt đầu cách cụ thể trong nơi bạn sống: gia đình, xóm làng, giáo xứ, công sở… nếu không thì tình yêu nơi bạn chỉ là tình yêu chết. Đây cũng chính là sứ điệp của Mùa Giáng sinh.

Chia sẻ: Cụ thể tôi sẽ sống yêu thương thế nào trong Mùa Giáng sinh này?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ chăm sóc cha mẹ bằng những hành động cụ thể hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống hoà bình, quảng đại, cảm thông và tha thứ cách cụ thể với những người chúng con gặp gỡ hằng ngày.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *