ĐTC gặp các tham dự viên Hội nghị quốc tế về nạn buôn người; ĐTC bày tỏ gần gũi với Giáo Hội tại Chile; ĐTC bổ nhiệm bà Amalia D’Alascio làm Chánh Văn phòng Thư viện Vatican

 

ĐTC gặp các tham dự viên Hội nghị quốc tế về nạn buôn người

Lúc 12h ngày 11/4, Đức Thánh Cha gặp các tham dự viên Hội nghị quốc tế về nạn buôn người tại hội trường Thượng Hội đồng ở Vatican. Hội nghị quốc tế về nạn buôn người được tổ chức từ 8-11/4 bởi Bộ Phát triển Con người Toàn diện.
ĐTC gặp các tham dự viên Hội nghị quốc tế về nạn buôn người

Trong bài huấn dụ của Đức Thánh Cha với các tham dự viên, Đức Thánh Cha khởi đi từ đoạn Tin Mừng của thánh Gioan (10,10): “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, để nói về sứ mạng của Chúa Giêsu: ban sự sống tròn đầy cho tất cả mọi người nam nữ thuộc mọi thời đại theo kế hoạch của Chúa Cha.

Nhưng tiếc là thế giới hiện tại vẫn tồn tại những hoàn cảnh ngược lại, cản trở việc hoàn thành sứ mạng này. Như bảng Định hướng Mục vụ về Nạn Buôn người chỉ ra, “thời đại chúng ta đã đánh dấu sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa quy kỷ, những thái độ có xu hướng xem người khác theo quan điểm duy lợi, coi họ như một giá trị theo tiêu chí tiện lợi và lợi thế cá nhân” (số 17).

“Giữa nhiều thảm kịch đương đại có nạn buôn người, xem người khác là một đối tượng hàng hoá. Bằng nhiều hình thức khác nhau, nó tạo thành một vết thương ‘trong cơ thể của nhân loại đương đại’, một nỗi đau sâu thẳm trong bản tính con người của những nạn nhân gánh chịu cũng như những người thực hiện nó. Thật vậy, nạn buôn người làm mất đi bản tính nhân loại của nạn nhân, xúc phạm tự do và nhân phẩm của họ. Nhưng đồng thời, nó phá hoại nhân tính của những người thực hiện, không cho họ tiếp cận với ‘sự sống dồi dào’. Cuối cùng, nạn buôn người gây thiệt hại nghiêm trọng cho toàn thể nhân loại, xé nát gia đình nhân loại và Thân thể Chúa Kitô. Đây là một tội ác chống lại nhân loại.

“Những người phạm tội này gây thiệt hại không chỉ cho người khác mà còn cho chính họ. Thật vậy, mỗi chúng ta được tạo dựng để yêu thương và chăm sóc người khác, và điều này đạt đến đỉnh điểm nơi việc trao ban chính mình: ‘Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình’ (Ga 15, 13). Trong mối quan hệ mà chúng ta thiết lập với người khác, chúng ta đang đụng đến chính bản tính con người của chúng ta, để mình tiến gần hoặc ra xa mẫu người mà Thiên Chúa Cha muốn và được mặc khải nơi Người Con nhập thể. Do đó, mọi chọn lựa trái với việc thực hiện công trình của Thiên Chúa dành cho chúng ta là sự phản bội bản tính nhân loại của chúng ta và từ bỏ ‘sự sống dồi dào’ được Chúa Giêsu Kitô ban tặng.

“Tất cả các hành động nhằm khôi phục và thăng tiến bản tính nhân loại của chúng ta và của những người khác đều phù hợp với sứ mạng của Giáo hội, như một sự tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Giá trị truyền giáo này thể hiện rõ nơi cuộc đấu tranh chống lại mọi hình thức buôn người và trong việc dấn thân giải cứu những người còn sống sót; đây là cuộc đấu tranh và dấn thân ảnh hưởng đến cả lợi ích trên bản tính nhân loại của chính chúng ta, mở đường cho sự sống viên mãn, đích đến cuối cùng cho sự hiện hữu của chúng ta.”

Đức Thánh Cha đánh giá cao những dấn thân của Giáo hội địa phương về sự quảng đại đảm nhận lĩnh vực mục vụ này, trong đó những người hiện diện tại hội nghị này là một dấu hiệu hữu hình. Rất nhiều sáng kiến đã được đề ra và áp dụng để ngăn chặn nạn buôn người, bảo vệ những người sống sót và truy tố những kẻ phạm tội. Đức Thánh Cha đặc biệt cảm ơn các dòng tu đã và đang hoạt động trong sứ mạng của Giáo hội chống lại nạn buôn người.

Đức Thánh Cha cũng nói đến những việc cần phải tiếp tục làm. Đối diện với một hiện tượng phức tạp và mờ tối như nạn buôn người, thì nhất thiết phải có sự phối hợp trong nhiều sáng kiến ​​mục vụ khác nhau, cả ở cấp độ quốc gia lẫn quốc tế. Các văn phòng phụ trách của các Giáo hội địa phương, các dòng tu và các tổ chức Công giáo được mời gọi chia sẻ kinh nghiệm, kiến ​​thức và tập trung sức mạnh trong hành động liên quan đến các quốc gia nguyên quán, chuyển tiếp và nơi đến của những nạn nhân bị bán.

Hơn nữa, để hành động thích hợp và hiệu quả hơn, thì Giáo hội cũng phải biết tận dụng sự giúp đỡ của các chủ thể chính trị và xã hội khác. Việc hợp tác chiến lược với các cơ cấu và các tổ chức xã hội dân sự khác sẽ đảm bảo kết quả lâu dài và bền vững hơn.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha thay mặt những nạn nhân vô tội cám ơn những người tham dự hội nghị, các giáo dân, tu sĩ về những dấn thân nguy hiểm và âm thầm của họ. Và ngài khuyến khích họ tiếp tục kiên trì dấn thân cho sứ mạng này.

Văn Yên, SJ

ĐTC bày tỏ gần gũi với Giáo Hội tại Chile

ĐTC bày tỏ sự gần gũi với Cộng đồng Công Giáo tại Chile và mong muốn có những vị chủ chăn tốt nhất cho Giáo Hội tại nước này, trong tình trạng khó khăn và đau thương hiện nay.

Đức Cha Celestino Aós Braco, dòng Capuchino, Giám quản Tông Tòa tổng giáo phận Santiago de Chile, cho giới báo chí biết như trên hôm 8-4-2019 sau khi được ĐTC Phanxicô tiếp kiến 1 giờ đồng hồ tại Vatican.

Về Roma thăm Tòa Thánh

Đức TGM Aós Braco đã được ĐTC thuyên chuyển từ giáo phận Copiapó ở miền bắc về thủ đô Santiago thay thế ĐHY Andrello Ezzaati, SDB, 77 tuổi, hôm 23-3-2019. 10 ngày sau đó, ngài về Roma để gặp gỡ các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh, cụ thể là ĐHY Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, Bộ giáo lý đức tin, và được ĐTC tiếp kiến riêng ngày 5-4-2019.

Cộng đồng Công Giáo tại Chile

Giáo Hội Công Giáo tại Chile đang bị chao đảo vì những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Tất cả các GM nước này đã đệ đơn từ chức lên ĐTC và cho đến nay ngài đã thay thế 9 vị, nghĩa là 9 giáo phận hiện do một vị Giám quản Tông Tòa tạm thời coi sóc.

 Lập trường của Đức Cha Aós

Trong cuộc họp báo, Đức Cha Aós Braco cho biết ngài cố gắng để các cơ cấu của Giáo Hội cộng tác bao nhiêu có thể với nền công lý dân sự, mục đích là để kiến tạo một ”tương lai khác” để các vụ lạm dụng khỏi tái diễn. Đức Cha cũng tiết lộ rằng trong cuộc gặp gỡ, ngài đã xin ĐTC mau lẹ bổ nhiệm các GM phụ tá cho tổng giáo phận thủ đô Santiano vì giáo phận này rất rộng lớn (4 triệu 210 ngàn tín hữu Công Giáo, 214 giáo xứ).

Theo chương trình ngày 9-4-2019, Đức Cha Aós gặp các vị lãnh đạo của Bộ Giám Mục và sẽ gặp Đức TGM Charles Scicluna, Đồng Tổng thư ký Bộ giáo lý đức tin, chuyên gia về các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em (Cath.ch 8-4-2019)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican

ĐTC bổ nhiệm bà Amalia D’Alascio làm Chánh Văn phòng Thư viện Vatican

Ngày 10/4/2019 Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm một phụ nữ, Tiến sĩ Amalia D’Alascio làm Chánh Văn phòng Thư viện Vatican.

Tiến sĩ Amalia D’Alascio từng là viên chức của của Thư viện Vatican. Tổ chức này của Tòa thánh là nơi có nhiều phụ nữ lãnh đạo nhất so với các cơ quan khác của Tòa Thánh, ngoài bà Amalia D’Alascio còn có hai phụ nữ khác cũng ở trong ban lãnh đạo.

ĐTC trong một lần viếng thăm Thư viện Vatican

Thư viện Vatican được Đức Thánh Cha Nicolas V thành lập. Nơi đây có các tài liệu liên quan đến việc quản trị và các hoạt động mục vụ của Đức Giáo Hoàng và các tổ chức của Tòa thánh. Mục đích của Thư viện là bảo tồn những cuốn sách và bản thảo, các hoạt động của các Đức Giáo Hoàng và các tổ chức của Tòa thánh, và chuyển giao chúng qua các thế kỷ. Thư viện luôn sẵn sàng phục vụ cho các nhu cầu của Tòa thánh và của các chuyên gia trên khắp thế giới.

Thư viện Vatican lưu giữ gần 1.600.000 cuốn sách cổ và hiện đại, 8.300 sách được in theo kỷ thuật của thế kỷ 15, bao gồm hàng loại giấy da, hơn 150.000 bản thảo và tài liệu lưu trữ, không kể 100.000 bản in và khắc, 300.000 đồng xu và huy chương và một số tác phẩm nghệ thuật.

Ngọc Yến – Vatican

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *