Cảm giác như xe đang xé rừng đước, băng vào, vừa đã… vừa hồi hộp, trùng trùng, xanh mướt một màu. Con mắt tôi lướt không kịp, tôi muốn thu vào, thu vào hết, vì chắc gì lại có dịp đến ? Quả là tham lam!
Cái nắng trưa không oi bức như ở quê tôi, vì cứ trói mình trong bốn bức tường hừng hực nắng, hầm hì bức bối. Đi đâu bây giờ, nắng như mưa lửa cứ trút ào ào, hết cơn này đến cơn khác. Ở đây khác, giữa lòng thiên nhiên, cũng nắng, mà có vẻ như dịu hơn vì nắng chỉ lọt qua kẽ lá, hoặc là vì gió cuốn đi bớt, lọt tõm giữa rừng đước bạt ngàn, đều trân, bàn tay Tạo Hóa khéo gọt dũa.
Lúc đầu thấy đường vắng, toàn là đước hai bên, chỉ có con lộ ngoằn ngoèo một vệt trắng, còn lại toàn bộ một màu xanh um của đước. Trước khi đến đây, tôi mường tượng Cà Mau qua nét bút của Cha Pi- ô Ngô Phúc Hậu. Kênh lạch, rễ cây đước, cây mắm, con tôm, con sú, hoặc lồ lộ hình ảnh những con người chất phác thật thà, nông dân trắc nịch. Cà Mau cái thuở ban sơ trong tôi là thế. Đọc truyện của cha viết, tôi ước có lần được ngồi trên chiếc tắc ráng như Cha, để ai đó lái quanh co trong rừng đước, hoặc trải nghiệm một buổi câu cua dưới trăng, hay đổ sú trong đêm, thật lãng mạn, để lả lướt ngòi bút cho thỏa thích.
Và rồi tôi đã đến, đó là dịp lễ Chúa Phục Sinh, tôi dẫn mấy bạn nhỏ nhà tôi đi trải nghiệm, vùng đất xa nhất và là tận cùng tổ quốc : “Mũi Cà Mau”. Đi cùng chúng tôi có Ông Cố của một Cha. Mấy bạn nhỏ nằng nặc đòi đi với Ông Cố, vì Ông Cố hiền dễ thương, không la rầy, càm ràm như mấy người lạ. Ông Cố ngày xưa lái xe tuyến Bắc Nam, giờ thì nghỉ hưu, thi thoảng lái xe cho Trung Tâm Mục Vụ.
Sau khoảng 5- 6 tiếng đồng hồ trên xe, chúng tôi đặt chân đến “Đất Mũi” nắng chan chát, mọi người núp vào quán lá được dựng bằng thân gỗ đước, nhìn có vẻ rất lạ mắt. Mát thật! Mấy bạn nhỏ thấm mệt, ngồi la liệt dưới thềm hứng gió, hướng mắt ra biểu tượng mũi tàu, có một nhóm người bất chấp nắng đang háo hức ghi lại vết tích nơi này bằng cách chen nhau chụp ảnh các kiểu. Hình như một đoàn người từ cực Bắc, họ đến đây với mục đích đặt dấu chân mình nơi tận cùng của cực Nam Tổ Quốc, để tự hào và hãnh diện. Đất nước Việt Nam tôi! Tôi đã từng đến nơi được mệnh danh là lá phổi của thế giới rừng đước xanh um, bạt ngàn.
Tôi nhớ đã từng đọc đâu đó trong hành trình truyền giáo của Cha Pi-ô về cây đước rễ nó bám sâu vào đất, chùm rễ bung lên cao khỏi mặt nước, vững trãi, rắn chắc, không cần phải trồng, tự nó lớn lên ra hoa đươm trái rồi đến lúc trái già rụng cắm đầu xuống đất lại mọc lên cây khác. Một vòng tròn sinh sản… dễ thiệt. Tôi ngó thấy mấy cây đước con đang lên, buột miệng nói lúc về xin mấy cây về trồng.
Ông Cố cười: – Nó sống ở nước mặn, về trên mình nó chết, không trồng được.
Mấy đứa nhỏ ồ lên cười trọc quê tôi. Ừ hén, quên! Cây đước chỉ sống ở nước mặn, nó sẽ chết khi nhổ nó đem đi nơi khác. Tự dưng tôi nghĩ nếu nhổ tôi ra khỏi những chuyến đi kiểu như vầy, chắc tôi cũng héo hắt, tong teo cả tâm hồn. Nhổ tôi ra khỏi việc ngồi cọc cạch gõ xếp mấy con chữ kiểu này chắc tôi cũng buồn heo hắt mà chết. Có mấy lần tôi định nghỉ không viết vì có lúc xếp lộn chữ sao đó mà chọc ngoáy vào nỗi đau của chính mình, lở loét, nhức nhói, muốn bỏ cuộc. Rồi lại thấy đời buồn tênh, vác ba- lô ra đi, mà hễ đi thì phải viết, không viết để ứ trong đầu sao chịu nổi, viết để xả ra bớt. Tự nhủ, viết đi mình vui, mình thấy đời hạnh phúc là đủ. Không vì ai, không vì một cái gì khác, ai thích thì lướt mắt nhòm, không thích thì để nó cứ trôi trên cái dòng sông mà tạp nhạp những thứ rác, mà rác càng độc thì càng nổi lềnh bềnh càng được lan tỏa. Mấy lần lướt vèo vèo trên Facbook, tôi cảm nhận, nên viết nhiều những cái hay, ánh mắt, bước chân, bàn tay xòe ra thật đẹp vì mưu ích chung của nhân loại để nhận chìm bớt những tin đau lòng cứ sùng sục sôi và nổi cồm cộm lên facebook từng giây. Ý tưởng cuối cùng là tôi chọn việc phải viết. Nhẹ lòng!
Nắng dịu xuống, mấy bạn nhỏ bắt đầu mon men ra bờ biển, hớp từng đợt gió biển thoang thoảng vị mặn đến tận cõi lòng. Dọc theo chiếc cầu đê bắt ven theo mé biển, nhìn ra mênh mông để lòng trôi theo từng dạt sóng. Mấy bạn nhỏ rối rít, chụp hết cảnh này, kiểu nọ, lòng dang rộng ra giữa đất trời mà khoe sự trẻ trung khỏe mạnh.
Chúng tôi đi dọc hết con đê. Trời chưa tắt nắng, lúc này nền trời đang đẹp, mọi người tranh thủ, ghi lại nhiều bức hình, nhiều thước film. Cà Mau, mũi đất thân thương đang dạt dào cảm xúc trong lòng mọi người. Tay chạm cột mốc, lòng rưng rưng niềm hãnh diện, tận cùng của chữ S là đây… mong sao nó còn mãi, trường tồn với tên gọi Việt Nam…
Bóng chiều xuống mau, màu trời sậm, tắt nắng, vạc cây đước lặng lẽ bên sóng biển nhấp nhô, như vẫy tay chào. Mấy đứa nhỏ nán lại selfie vài bức hình cuối cùng. Chút quà cho thiếu nhi chuyển xuống tắc ráng xong xuôi, bọn nhóc không biết bơi, leo lên ghe đò, không nhẹ khỏe như thói thường. Tất cả yên vị, anh lái đò nổ máy, chiếc tắc ráng xé hai bên làn nước vọt nhanh. Ai đó chỉ kịp đưa máy lên, chụp vội vài tấm ảnh, rồi buộc chặt linh hồn xuống khoang ghe. Có đứa tái mặt ngồi bệt xuống. Trải nghiệm này vui nè! Một đoạn clip kênh rạch quí hiếm được quay lại. Có chiếc tàu, cái mũi vảnh cao lên chảnh chọe đang bay vèo lên từ phía sau, đảo một vòng rồi ghé vào bờ khoe cái dáng lêu nghêu. Tàu cập bến, Giáo Điểm Đất Mũi ngay trước mắt chúng tôi.
Lòng tôi dâng lên niềm cảm xúc rất lạ khi nhìn thấy cổng vào nho nhỏ, có giàn hoa giấy đỏ che hờ hững chữ “Giáo Điểm Đất Mũi” Tôi thấy vui hơn khi bước vào và nhìn ngôi nhà sàn khang trang, gọn sạch, thoáng mát, khác với bức vẽ trong suy nghĩ của tôi là một mái lá sập xệ, hay bạc thếch vì mưa nguồn nắng hạ. Có tháp chuông cao đứng khoe dáng mà không có chuông. Sau này khi nói chuyện với một Bác tôi mới biết chuông được treo lên và gỡ xuống ngay lập tức…( vì an ninh tổ quốc…vì hạnh phúc nhân dân… hihihi…). Mọi người đang nguyện gẫm trong nhà nguyện, tiếng kinh cầu đều đều, yên lành.
Lặng lẽ bình yên!
Mấy ngày đầu của tuần thánh, tôi có mặt ở một giáo xứ rất lớn, việc chuẩn bị đón Chúa Phục Sinh rầm rộ, cả bên trong lẫn bên ngoài. Nghi thức sám hối và nhận lãnh bí tích hòa giải, đã thấy rất đông người tham dự. Hành trình Tam Nhật Thánh bài bản, chỉn chu từng cetimet. Có cả đoàn diễn minh họa cho cuộc thương khó, lính tráng, gậy gộc, giáo mác, quân dữ rần rần kéo nhau đi bắt Chúa, niềm vui từ trong ngõ tràn ra đường. Diễn thiệt là hay!
Truyền thông đưa tin ầm ầm, nó cứ trồi lên trên facebook từng giây, từng khoảnh khắc, hình ảnh cập nhật liên lục từ các nhà thờ lớn xa tận ngoài Bắc. Quả thật Chúa Phục Sinh là tin vui cho toàn thể địa cầu. Ấy vậy mà lòng tôi vô cảm, dây cảm xúc của tôi bị đông cứng, chẳng mảy may, chẳng nhúc nhích. Ba tôi nói: – Con này chắc linh hồn bị nhiễm độc. Tôi cũng không biết mà dường như nó xơ cứng, không còn cảm nhận có Chúa.
Buồn chân, tôi rủ mấy bạn nhỏ quảy ba- lô đi tuốt các giáo họ vùng sâu xem Chúa Phục Sinh thể nào?
Hun hút giữa bạt ngàn rừng cây. Đêm Phục Sinh ấm cúng, long trọng, linh thiêng. Giáo điểm chừng 100 người ở rất xa trong các vuông tôm, rừng đước, họ lặn lội tề tựu về bên căn nhà sàn nhỏ. Sạch sẽ, gọn gàng của Giáo Điểm Đất Mũi.
Tôi thấy lòng vui, lân la theo các bác có tuổi hỏi chuyện, chuyện xa chuyện gần, chuyện con tôm , con sú, chuyện đời sống mưu sinh, chuyện đạo nghĩa, trên trời dưới đất, càng nói chuyện tôi càng thấy niềm vui, tình cảm mộc mạc.
– Thấy vậy chứ hân hạnh đón rước Đức Hồng Y Mẫn, Đức Tổng Đọc rồi nghen! Đâu phải chỗ nào cũng có niềm vinh dự đó, mà giáo điểm xa xôi này được chúa thương. Một cụ già bọc bạch, thấy niềm tự hào sâu trên khóe mắt đậm đặc trên môi cười toe toét.
Hình như người ta ở đây, chưa hay tin Đức Tổng đã qua đời, có lẽ lắm vì ánh sáng văn minh khó lọt vào nơi này. Họ tin rằng Đức Tổng đang còn trên cõi đời này và ở mãi trong câu chuyện giáo điểm của họ! Tôi gạt nước mắt, thương cho một thiên đàng ẩn khuất nơi trần thế kiểu này.
– Buổi đầu cơ cực lắm!
Cha tìm đến làm lễ ở nhà người này người kia, đi gom đi kiếm nhau, kể đến vùng Cà mau, Năm Căn người ta không thể quên những vị Mục Tử đầu tiên như Cha Pi- ô Ngô Phúc Hậu; Dominico Nguyễn Đức Mười; Mart. Nguyễn Hoàng Hôn; Dominico Châu Hoàng Ngọc và đặc sắc nhất là những câu truyện được viết từ xứ truyền giáo rất đời thường của Cha Pi- ô khơi dậy cảm xúc dạt dào nơi độc giả.
Đạo đã thấm vào máu những con người tiên khởi nơi đây nên không thể tách rời. Họ thuộc từng dấu chân nhỏ của các mục tử đi tìm chiên, hay anh em lạc bầy đi tìm nhau, từng sợi nhớ sợi thương, nỗi thống khổ vất vả, lặn lội tìm kiếm nhau trong tình thân Ki- tô. Họ trân trọng những Mục Tử từ thuở ban đầu đến lân la sống cùng, dấn thân giữa đàn chiên tan tát, tanh hôi mùi chiên, mộc mạc nghĩa tình đậm sâu.
Niềm vui sum hợp trong những thánh lễ lớn như thế này rất ý nghĩa, rất long trọng, vì giáo điểm được đón Cha Khách, Thầy, Sour đến dạy dỗ cả tuần. Được ở gần là đủ hạnh phúc rồi, nghe một Sour trẻ về đây giúp tuần thánh kể chuyện, những trải nghiệm vui mà người dân ở đây ưu ái mang đến. Cuộc sống bình yên đến lạ lùng, xe đạp cứ chạy đến nhà thờ để đó nhiều khi qua đêm chẳng ai lấy, xe máy loanh quanh làng cứ để yên chìa khóa dựng đại bên đường không ai lấy trộm, họ là tai mắt của nhau. Chia sẻ đùm bọc nhau khi nhà nào có hữu sự… Đúng là một thế giới yên bình!
Giáo điểm Đất Mũi này in đậm bao hình hài mà khi khơi gợi, họ kể vanh vách từng cái nhíu mày, từng giấc ngủ trằn trọc, từng bàn tay xòe ra nâng cái nhà lá rách nát lên thành căn nhà sàn khang trang, ấm cúng. Họ nhớ Đức Tổng Đọc với món quà như vết khắc đậm sâu trong trái tim họ vì đó là căn nhà sàn mới ấm cúng để anh em sum vầy bên Thánh Thể Chúa.
Tôi nhìn thấy mấy em thiếu nhi nô đùa trước sân và lời nói rất đậm tình: – Tao méc cha đó! Cha ơi! Nó rượt con, nó lấy dép con… Nhà có Cha, có Thầy thật vui.
– Ở đây, chúng tôi được 2 ngày trong tuần có Cha thứ 5 và Chủ Nhật, có thánh lễ. Cha Sở từ Rạch Gốc xuống. Một chị bọc bạch.
Tự dưng nghĩ, có nhiều người ở sát nách nhà thờ, thánh lễ mỗi ngày mà chẳng tha thiết ghé qua. Đời trớ trêu!
Đêm vọng Phục Sinh đầy đủ nghi thức, nến Phục Sinh cháy sáng giữa rừng đước sầm uất, ánh sáng quí hiếm linh thiêng. Giữa bóng tối bao trùm, nỗi khiếp sợ vây kín… ánh nến Phục Sinh bừng sáng. Giống y như lịch sử những con người nơi giáo điểm mút cùng Tổ Quốc này. Họ lạc trong đêm tối đức tin và ánh sáng của Đức Ki- tô leo lét kiên nhẫn cháy trong tim một vài người và bùng dậy khi các Mục Tử đến tìm kiếm khơi nguồn, thắp sáng, dẫn họ về bên cung lòng thương xót Chúa Cha.
Đoàn người gom tụ lại trước sân giáo điểm, rước nến Phục Sinh, hát vang bài ca khải hoàn giữa bóng đêm dày đặc vô cùng xúc động: Mừng vui lên, hỡi muôn lớp cơ binh thiên thần trên trời… Mừng vui lên, hỡi Mẹ Hội Thánh vui lên…Tôi thấy giọt nước mắt lóng lánh niềm vui trong lòng các bạn nhỏ.
Công bố Tin Mừng Phục Sinh, không chuông trống rền vang, chỉ có niềm vui lăn xăn của mọi người thắp nến, chuyền nhau rộn ràng, rất vui. Thánh lễ long trọng, tâm tình sâu lắng rồi vui tươi phấn khởi với tin mừng Chúa đã sống lại.
Bài giảng lễ của Cha Khách như lật mở từng trang tin mừng của Chúa Phục Sinh gắn liền với tin mừng mà Thiên Chúa đã qua nhiều cách ban cho giáo điểm. Giữa âm u rừng thẳm, một giáo điểm mọc lên như một đóm sáng niềm tin, một ánh sao lạ xuất hiện định hướng, chiếu sáng cho những con người, chân chất, mặt cúi xuống đất, lưng hứng nắng trời quanh năm gắn bó với cây đước cây mắm, con cua, con sú mà vẫn vươn lên đứng thẳng làm người.
Khởi sự của hạt giống đức tin nơi này chỉ ít ỏi vài ba gia đình công giáo, nhờ ân sủng Chúa ban, niềm tin ẩn sâu trong lồng ngực đã được thắp sáng, lan ra một ngày một xa và từng bước bùng cháy giữa rừng đước âm u.
Ma- sơ kể chuyện, con tôm, con sú, con cá thòi lòi to bằng cùm tay, ngồi xuồng bơi len trong rừng đước, chim chóc loi nhoi, cách bắt con cua, cho nước vào vuông, xả nước ra, đổ sú… lạ lùng, mới đến có một tuần lễ mà rành như chuyện bếp núc nhà mình.
Thánh lễ xong bàn tiệc nhỏ dọn ra để gọi là đãi khách cây nhà lá vườn, mộc mạc, ấm cúng như bữa cơm gia đình. Trên bàn ăn dĩa sú luộc, lẩu con lịch. Mấy bạn nhỏ mới đến nhìn đĩa sú mắt long lanh trong khi Cha, Thầy và Ma- sơ ngán đến tận mũi. Thầy gọi vui: Khoai đất mũi đó, ăn mạnh vào, về nhà không có khoai như vậy mà ăn đâu. Nghe từ khoai, tự dưng thấy dội ngược, ở đây mở mắt ra là ăn khoai, trưa khoai, chiều khoai, mà thật tình những món mà được cho là đặc sản, chảnh chọe trên mâm cỗ khi tiệc tùng thì ở nơi này nó là của dùng hàng ngày của mọi người. Người ta ví như khoai, như sắn. Trời cho!
Chia tay Giáo Điểm, những câu chuyện được nghe cứ như cổ tích đời thường. Con cái đi học lên cao phải gửi trọ tới Cà Mau. Con sú là cứu cánh, gánh hết mọi thứ, mà dân lái buôn có khi làm khổ bà con. Ướp mùi ướp màu, chích rau câu vào làm nó bấp bênh chao đảo, bà con nông dân đứng ngồi không yên. Khuấy động cuộc sống bình thường, chặn đứng bước đường, hướng mang ánh sáng văn minh về làng của giới trẻ.
Tôi với tay vịn cái rễ đước, kéo chiếc tắc ráng vào sát bờ, cho mọi người bước xuống, sóng chòng chành, lòng chao nghiêng. Rồi đây hình ảnh thắp nến đêm Phục Sinh sẽ theo tôi mãi với niềm tin rằng nến Phục Sinh luôn cháy sáng trong lòng bà con giáo điểm Đất Mũi, Tin Mừng Phục Sinh sẽ được loan báo rộng khắp vùng đất xanh mướt rừng đước này.
Tiểu Hổ.