Tamara Chikunova là một phụ nữ người Uzbekistan. Sau khi Dmitry Chikunov, con trai duy nhất của bà bị kết án tử hình và bị xử bắn ngày 10/7/2000, bà đã thành lập hiệp hội “Các bà mẹ chống án tử hình và tra tấn”. Bà đi khắp thế giới kể lại câu chuyện của bà, kể về cuộc hành quyết phi lý của con trai, sự kiện đã khiến bà phải đi theo con đường gập ghềnh khó khăn để bảo vệ nhân quyền và nhân bản hóa các nhà tù. Và bà làm điều này, đặc biệt tại các quốc gia mà “hình phạt tối đa” vẫn còn hiệu lực (trong những tháng gần đây, bà tập trung vào Belarus). Tại quê hương của bà, nhờ hoạt động dũng cảm của bà, được Cộng đồng thánh Egidio ủng hộ, ngày 1/1/2018, án tử hình đã được bãi bỏ và chính nhờ việc này, hàng trăm mạng sống con người đang sống trong khu tử tù đã được cứu.
Chấm dứt tra tấn
“Nhưng chúng ta kể theo thứ tự”; bà yêu cầu ngay lập tức và không chừa tí thời gian nào cho các câu hỏi, “Chúng tôi sống và làm việc tại Tashkent cho đến cái ngày 17/4/1999 đáng nguyền rủa đó. 3 người mặc thường phục đã bắt con trai tôi tại văn phòng của nó. Tôi đã ở đó khi xảy ra cuộc viếng thăm kỳ bí đó”. Bà giải thích rõ ràng là ngay tức khắc, bà có cảm giác rằng có điều gì đó uẩn khúc. “Tôi hỏi lý do của vụ bắt bớ này và được trả lời đó là một thủ tục. Từ ngày đó, Dmitry không bước ra khỏi tù nữa”. Ít giờ sau, bà cũng bị bắt và bị tra hỏi 12 tiếng đồng hồ. “Họ đã đánh tôi bởi vì tôi liên tục hỏi tin tức về con tôi. Tôi chỉ có thể nhìn thấy nó 6 tháng sau đó và khó để nhận ra nó”.
Những khoảnh khắc không thể xóa nhòa đối với một người mẹ bị buộc phải nghe những lần tra tấn và sỉ nhục theo mọi cách mà người bà yêu thương nhất trên đời phải gánh chịu. Lý do? “Tôi không chấp nhận ký vào một bản làm chứng chống lại con tôi, chứng nhận nó đã thực hiện vụ giết người kép, vụ án mà nó bị kết án”. Bà Tamara không dừng lại để lấy hơi, cứ thế, không chần chừ, tiếp tục tái dựng lại các sự việc . “Do đó, nó bị dẫn đến hiện trường vụ án, họ bắt nó quỳ xuống, trói hai tay ra sau lưng và chĩa súng vào đầu nó. Hoặc là anh ký tên vào bản cung khai hoặc chúng tôi sẽ bắn anh, đó là mối đe dọa. Nhưng Dmitry vẫn từ chối; nhưng nó đã nhượng bộ khi họ để cho nó nghe thấy tiếng hét tuyệt vọng và đau đớn trong cuộc thẩm vấn của tôi. Vì vậy, con trai tôi đã ký bản án của mình để cứu tôi”. Bản án đã được ban hành tại Tashkent vào ngày 11/11, nhưng chỉ bảy tháng sau đó, bà Tamara mới có thể gặp con bà tại khu tử tù.
Sau cuộc xử bắn, di chúc
Ngày 10/7, con tôi bị xử bắn bí mật trong nhà tù Tashkent”. Nỗi đau của người phụ nữ là không thể đo lường được, đặc biệt là khi được kết hợp với nhiều câu hỏi không bao giờ được trả lời. Tại sao là con bà và tại sao lại tàn nhẫn đến thế? Bốn mươi ngày sau, lá thư cuối cùng do Dmitry viết trước khi chết được gửi đến cho bà: đó là di chúc của anh. “Mẹ yêu quý của con, con xin mẹ tha thứ cho con nếu số phận không cho phép chúng ta gặp nhau. Mẹ hãy nhớ rằng con không có tội, con không giết ai cả. Con muốn chết hơn, nhưng con sẽ không để ai làm tổn thương mẹ. Con yêu mẹ. Mẹ là người yêu quý duy nhất trong đời con. Con xin mẹ hãy nhớ đến con”. Đó là nỗi đau, nỗi đau thực sự và mạnh mẽ, nhưng hoà trộn của bà Tamara. Sau hai năm bị mất ngủ, đánh dấu bởi khát khao trả thù mạnh mẽ, bà Tamara đã mang lấy ước nguyện cuối cùng của đứa con yêu dấu và bắt đầu chiến đấu chống lại án tử hình, “điều mà ở quá nhiều nơi trên thế giới vẫn được coi là một biện pháp để giảm tội phạm bạo lực. Tuy nhiên, theo cách này, người bị kết án trở thành nạn nhân của một vấn đề xã hội, làm con tin cho một tội ác nhân danh luật pháp. Đó là sự trả thù của xã hội!
Do đó, mục tiêu của bà là chiến đấu để giữ cho ký ức về sự hy sinh của Dmitry được sống động và biến nỗi đau của bà thành chứng tá cụ thể bên cạnh các nạn nhân. “Với sức mạnh của sự tha thứ,” bà nói thêm. Sau đó, bà chuyển sang theo dõi các tiến trình, tư vấn cho thân nhân của các tù nhân về các hành động có thể được thực hiện, để giúp họ trong việc chuẩn bị thư và kháng cáo. “Tôi nhắc lại với những người phụ nữ đi đến khu tử tù để thăm con cái, thăm chồng, thăm anh em của họ: Đừng khóc, hãy cho họ sức mạnh để chiến đấu và tiến về phía trước. Cuộc chiến của các chị là một trận chiến cho cuộc sống. Và đừng bao giờ nói về sự trả thù “. Sức mạnh của ý chí và các sáng kiến của Hiệp hội của bà, cũng được hỗ trợ bởi “những người bạn của Cộng đồng thánh Egidio”, giúp bà Tamara đạt được mục tiêu.
Bãi bỏ án tử và các cuộc đời được cứu
Vào ngày 1/1/2008, Uzbekistan đã bãi bỏ án tử hình và quốc gia này trở thành quốc gia thứ 134 trên thế giới và thứ ba ở Trung Á cựu Xô Viết, sau Turkmenistan và Kyrgyzstan, bãi bỏ án tử hình. Tamara đã làm được và ngay cả ngày nay, bà là một công dân Uzbekistan “không được mong muốn”, bà đã vượt qua ranh giới địa lý và kể câu chuyện của mình và của những người sống sót. Trong số những cuộc đời mà bà đã cứu được là của Evgeny Gugnin: “Bản án đã được ban hành cho anh ta”, bà nói tiếp. “Tại khu tử tù, anh ta đã được rửa tội và bày tỏ ý muốn trở thành linh mục nếu anh ta có thể thoát khỏi địa ngục đó. Evgeny đã được ân xá và ra tù vào năm 2011. Hiện nay anh ấy là một sinh viên trong chủng viện Tashkent”.
Khung hình của Tamara
Một câu chuyện với một kết thúc có hậu như nhiều câu chuyện mà bà Tamara thu thập trong một phong bì chứa các hình ảnh và ghi chú. Một tấm card cỡ trang A4, với bức ảnh lớn của đứa con trai yêu dấu của bà, cùng với hàng chữ: “Chikunov Dmitry, 28 tuổi, một công dân Nga, Kitô hữu, không có giá trị gì cho xã hội, và không thể được cải tạo trong tù. Do đó, đối với các tội ác đã gây ra, anh ta bị kết án tử hình, bị xử bắn”. Vào tháng 3/2005, Dmitry đã được phục hồi sau khi chết, được công nhận vô tội và phiên tòa của anh đã được tuyên bố không công bằng, vì anh ta, cũng như vì nhiều người khác. Bà Tamara kết luận: “Cửa nhà tù quá rộng khi anh ta bước vào, nhưng vô cùng hẹp vào lúc anh ta cố gắng để thoát ra khỏi đó”.
Davide Dionisi – Vatican
Hồng Thủy chuyển dịch