Thánh Gioan Masias
*.*
Nội dung
Chương IV: Hành trình về hướng Tây
Chương V: Thành phố của các vua chúa
Chương VI: Người con của Thánh Đa Minh
Chương VII: Người giữ cửa tu viện
Chương VIII: Các vị thánh của Mỹ Châu
Chương IX: Người bạn cần được giúp đỡ
Chương X: Các bạn mới của Thầy Gioan
Chương XI: Cánh cửa mở đón niềm vui
Chương XII: Thầy Gioan an nghỉ
Chương XIII: Từ biệt tu viện Madalêna
Chương XIV: Vị anh hùng Mỹ Châu
*.*
Chương XI: Người bạn cần giúp đỡ
Hai người bạn được một ngày sung sướng với nhau. Sau buổi lễ ở Đan viện mới, họ cùng nhau đi tới tu viện Thánh Đa Minh cầu nguyện trước một thánh Rosa de Flores. Rồi đi thăm mộ cha Phanxicô Solano. Sau đó, họ tới nhà thờ chánh toà viếng mộ Đức Tổng Giám Mục Turribius. Nhớ lại mình được ngày nghỉ, Martino đề nghị họ đi dạo trên một ngọn đồi, thưởng thức không khí trong lành, xem đồi vả và Oliva mà Martino trồng để giúp người nghèo.
Buồi chiều còn lại, hai người ngồi yên lặng bên nhau. Bên dưới đồi là thành phố Lima rộng lớn, thành lập năm 1535 do Don Francisco Pizarro. Đó là thành phố của vàng bạc, quyền thế và cũng là của các thánh và đau khổ nữa.
Khi nhìn quang cảnh nơi chôn nhau cắt rốn của mình, Martino thầm thì: “Có lẽ một ngày nào đó sẽ trở nên chỗ hành hương chăng? Vì Đức Tổng Giám Mục Turribius, Cha Francis Solano và Rosa được chôn ở đây.”
Gioan thầm nghĩ: “Chắc chắn một vị thánh nữa sẽ được chôn cất ở đây. Đó là bạn, một người bạn tốt.” Nhưng Gioan không dám nói ra ý tưởng này kẻo Martino cảm thấy bối rối. Rồi, thầy đáp lại Martino : “Đúng, Lima là thành phố lớn. Tôi cảm thấy thực sự sung sướng sống ở đây.”
Vài giờ nữa trôi qua nhanh chóng, mặt trời đã ngả về phương Tây. Họ biết rằng đã đến giờ phải ra về, vì trời tối rất nhanh, Gioan nói: “Bạn phải đến và thăm tôi sớm. Bạn có hứa điều này không ?” Martino gật đầu: “Tôi vui mừng đi thăm bạn lần tới. Cách đây 4 tuần nữa nhỉ ?” Gioan hỏi: “Đúng vậy, ngày 10 tháng Ba. Xin Chúa ở với bạn luôn!” Martino nhẹ nhàng: “Và ở cùng bạn nữa, đừng quên cầu cho các bạn hữu và tôi nhé.”
Họ chia tay, Martino đi về hướng Nam trở về tu viện thánh Đa Minh, còn Gioan nhắm hướng Đông về tu viện thánh Madalena, và thầy bắt đầu lần chuỗi.
Mới đi được quãng ngắn, thầy nghe thấy tiếng khóc của một đứa bé đâu đây, nên ngừng lại và tìm kiếm. Thầy gọi “Con ở đâu vậy ? Đừng sợ, ta đến giúp con.” Một lúc trong yên lặng, rồi tiếng nức nở lại vang lên. Gioan nhận ra đứa bé ở cách xa vài thước. Thầy vội vã đi tới và gặp một đứa trẻ trai da đen khoảng 9 tuổi, gầy gò và khoác tấm vải rách dơ bẩn từ trong bóng tối của một lối đi vào một căn nhà bỏ hoang, nó nhìn lên thầy cách sợ hãi, tru trếu: “Đừng đánh tôi. Tôi không làm gì sai trái cả.”
Gioan mỉm cười: “Cháu bé ơi! Tôi không đánh đấm gì đâu. Nhưng tại sao cháu không về nhà. Trời đã tối và trẻ con không nên ở ngoài phố.”
Cậu bé vẫn nức nở: “Cháu không có nhà. Cháu đi xin ăn hôm nay ở tu viện mới, nhưng chẳng ai cho cháu cả, nên cháu đói và mệt quá.”
Gioan im lặng. Thầy đã thấy rõ cảnh cực kỳ giàu có, và cực kỳ nghèo đói đã xuất hiện ở Lima hàng trăm năm rồi… Thầy hỏi: “Tên cháu là gì?” Nó thưa: “Peter.” Thầy tiếp: “Cháu được Rửa tội chưa? Cháu có nghe về Chúa bao giờ không?” Nó đáp: “Không.” Thầy nắm lấy bàn tay lạnh lẽo của nó : “Được, đi với thầy, thầy sẽ dạy cho. Đừng sợ, Peter. Cháu sẽ được bữa ăn ngon và quần áo để mặc.”
Cả hai cùng đi, cậu bé rất yếu vì đói. Gioan nhớ rằng ở tu viện Madalena chẳng có bộ nào vừa cỡ cho Peter cả. Thầy tự nghĩ : “Mình sẽ đi tới tiệm. Chắc có người chủ tiệm nào đó sẽ giúp mình.”
Không may tất cả các tiệm đều đóng cửa. Lễ làm phép tu viện mới trở thành ngày lễ nghỉ của thành phố. Chỉ có một tiệm lớn mở cửa, đó là tiệm của một người rất giàu có, Don Franciso de Bustamante. Gioan nói: “Vào đây, Peter. Thầy sẽ kiếm cho con bộ đồ tốt!” Đứa bé kéo tay thầy lại: “Đừng vào tiệm này, con van thầy.” Giọng nói của nó tỏ rõ sự sợ hãi thực sự, và Gioan bối rối. Thầy phải làm gì bây giờ! Thầy không thể để nó ngồi ngoài đường giá lạnh, và cũng không thể có cho nó bộ đồ vừa vạn. Thầy đề nghị: “Vậy con có muốn núp dưới áo choàng của thầy không? Không ai thấy con và con sẽ được che ấm áp.” Đứa bé ngần ngại. Rồi nó mỉm cười: “Được, thầy ạ!” Và nó chui vào trong áo choàng đen của thầy.
Khốn thay, Don Francisco là một ông chủ khó tính. Ông chưa hề nghe biết về thầy Gioan Masias. Khi nghe thầy hỏi về bộ quần áo cho một đứa bé, giống như xin cho một trẻ nghèo, ông rống lên: “Thầy điên hả? Tôi không làm việc bác ái, tôi không có giờ để nói với thầy. Xem tôi bận rộn với công việc thế nào rồi!”
Gioan vẫn tiếp tục: “Chắc chắn ông có chút gì giúp chứ ? Tấm vải len chẳng hạn, một miếng nhỏ cho một đứa bé trai ấy mà.” Ông gằn giọng: “Đứa con trai ? Nó đâu ?” Gioan mỉm cười, kéo mép áo choàng để lộ thằng bé: “Cậu bé này, tên nó là Peter.”
Khi ông nhìn thấy đứa bé. Nó nhìn ông cách sợ hãi, khuôn mặt ông trở nên dữ tợn: “Đứa trẻ da đen! Đứa trẻ da đen ăn mày ở trong tiệm tôi.” Gioan bào chữa: “Một đứa trẻ với một linh hồn bất tử. Nó xin ông giúp vì Danh Chúa. Chắc chắn ông không thể từ chối được.”
Như đã định, Don Francisco rời chỗ tính tiền, mở hé cửa và rít lên: “Ra khỏi đây. Còn thầy, thầy nên làm điều gì có ý nghĩa hơn là đi làm phúc.”
Không một lời với ông chủ, Gioan cúi đầu cách khiêm tốn dẫn đứa bé ra khỏi tiệm, thầy nói với nó: “Đừng sợ con ạ.” Rồi thầy quàng áo trên mình nó nói tiếp: “Con sẽ có đủ áo quần khi tới tu viện. Ông chủ tiệm này sẽ không bao giờ quên những gì đã xảy ra tối nay.”
Lời Gioan nói rất đúng. Những ngày sau đó Don Francisco nhận ra rằng dù hàng hoá của ông vẫn thế, giá cả và chất lượng cũng y nguyên, nhưng chẳng một ai đến mua hết. Các khách hàng quen thuộc của ông đều tới các cửa tiệm khác để mua bán mà không có lời giải thích lại.
Ông chủ trở nên lo lắng nói với một người bạn: “Tôi không hiểu được. Nếu cứ thế này, chỉ một năm nữa là tôi vỡ nợ mất.” Người bạn này đồng ý, ông suy nghĩ và hỏi Don Francisco xem ông có nhớ ai là người đã vào tiệm ông lần cuối cùng.
Ông chủ lẩm bẩm: “Dĩ nhiên tôi nhớ chứ, một thầy dòng Đa Minh.” Người bạn hỏi thêm: “Tên thầy ấy là gì ?” Chủ đáp: “Thầy Gioan Masias, người coi giữ cổng nhà Dòng Thánh Madalena”. Người bạn hỏi tiếp: “Vậy anh có làm phúc cách đại lượng cho thầy ấy không?” Ông chủ ngần ngừ, lắc đầu: “Không, tôi nói thầy Gioan hãy ra khỏi tiệm, đừng quấy rầy tôi, vì tội bận bịu và việc bác ái thì quá sức tôi. Ngoài ra thầy Gioan lại đem theo một đứa bé da đen bẩn thỉu, coi như nó có thể ăn cắp bất cứ khi nào tôi quay đi. Như thế, tại sao mà tôi không mời hai người ra khỏi tiệm được?”
Ông bạn sợ hãi trước lời biện bạch kia, và cho Don Francisco biết rằng ông sẽ không gặp may mắn vì sự đối xử tồi tệ đối với người của Chúa. Ông nghiêm trang: “Tốt hơn ông nên đi tới tu viện Madalena lập tức, và xin thứ lỗi, có thể thầy sẽ xót thương ông, và xin Chúa giữ lại các khách hàng cho ông.”
Don Francisco không ngại phải xin lỗi vì sợ công việc làm ăn thất bại, nên ông lấy hết can đảm tìm đến Gioan và đặt trước thầy Gioan một ít vải len tốt. Ông nói cách ấp úng, không dám, ngửa mặt lên: “Xin thầy tha lỗi cho tôi đã không tốt với thầy trước đây. Tôi đã không biết điều…”
Thầy Gioan hơi mỉm cười khi nhìn thấy ông chủ tiệm đang run rẩy. Thầy nói: “Cám ơn ông. Đây là số vải tôi cần cho các bạn tôi.” Lời này gây phấn khởi cho ông khách: “Thầy thực sự tha thứ cho tôi chứ ? Và thầy cầu nguyện cho việc buôn bán của tôi thành công chứ !”
Gioan gật đầu: “Tôi sẽ nhớ bạn, không những bạn sẽ thành công trong việc buôn bán. Nhưng tôi còn xin Chúa ban cho ông một ân huệ cao cả nhất nữa kia.” Ông chủ tiệm mở to mắt: “Thầy nói sao ? Đó là ân huệ gì ?” Thầy vui vẻ: “Đó là ông được cứu rỗi. Vì nếu như có sống cả ngàn năm nữa, thì chẳng có việc gì quan trọng hơn công việc này.”
Ông chủ tiệm có chút thất vọng, ông nghĩ rằng : ân huệ lớn phải là hoặc sức khoẻ, hay địa vị cao trong xã hội. Nhưng ông không dám phàn nàn thêm, chỉ nói lời cảm ơn và xin cầu nguyện. Ông hứa: “Tôi sẽ trở lại. Nếu thầy cần bất cứ cái gì, hãy cho tôi biết, tiệm tôi lớn nhất ở Lima mà!”
Thầy Gioan đồng ý, nhưng trái tim thầy vẫn cảm thấy buồn, vì ông ta vẫn không hiểu biết về vấn đề yêu thương kẻ nghèo, người da đỏ, người da đen… Vì thế, thầy nghĩ rằng thầy sẽ phải cầu nguyện cho người đàn ông kém may mắn này.
Đêm đó, thầy coi cổng tu viện quỳ một mình trước Thánh Thể, và định lấy chuỗi để lần hạt cầu cho Don Francisco de Bustanant. Bất chợt những âm thanh nhỏ nhẹ và sầu muộn từ đâu vẳng tới, dường như từ hướng ở bàn thờ chính.
Thầy ngước mắt lên, Nhà Nguyện vẫn tối, chỉ trừ ở đền Thánh một ngọn nến hồng đang chập chờn và mỗi đền Thánh có một cây nến nhỏ đang cháy. Thầy khẽ hỏi: “Ai đó, ai đang ở đấy ?” Lập tức, như tiếng một đạo binh các người sầu khổ van xin, và thầy thấy hình dáng một đám đông người ở trong bóng tối: “Thầy Gioan thầy là bạn của các kẻ nghèo khổ bệnh tật, hãy là bạn của chúng tôi nữa. Hãy làm cho chúng tôi xứng đáng là bạn của Chúa và các Thánh.”
Thầy Trợ Sĩ choáng váng, hàng trăm đàn ông, đàn bà, trẻ em đang ở chung quanh bàn thờ. Mỗi khuôn mặt đều có dấu cô đơn và đau đớn.