Năm Canh Tý Tản Mạn Về Con Chuột

 

Khi nói về họ hàng nhà chuột thì có rất nhiều loại  trong thiên nhiên; Như chuột túi, chuột bạch, chuột xạ, chuột cống và chuột nhắt… Nhưng trong bài viết này chỉ xin đề cập đến loài chuột thường gặp trong môi trường sống.

Chuột là con vật có dòng máu nóng, thuộc loài có vú, đào hang sống trong đất hoặc chui rúc trong những xó xỉnh, cống rãnh tối tăm dơ bẩn, chúng không được con người  có thiện cảm nếu không muốn nói là rất căm ghét vì những phá hoại và phiền phức mà chúng mang đến cho con người; Tuy nhiên; con vật này lại đã đi sâu vào văn học, âm nhạc, nghệ thuật. Chẳng hạn như trong những câu tục ngữ, cao dao. Cụ thể như; Cháy nhà ra mặt chuột; Đầu voi đuôi chuột; Chuột sa chĩnh gạo; Ướt như chuột lột; Chuột chạy cùng sào; Mèo bé bắt chuột con; Ném chuột vỡ bình và chuột gặm chân mèo. v.v…Rồi trong tranh ảnh như; Tranh đám cưới chuột. Tranh chuột rước đèn v.v… ( tranh Đông Hồ) mà ngoài việc làm cho chúng ta khi xem thấy rất vui mắt nó còn thể hiện sự năng động và ranh mãnh của lũ chuột, như trong bức tranh đám cưới chuột, chúng đã biết lo xa mà mang theo cá và chim để mãi lộ cho “chú mèo” nhằm mục đích cho đám cưới được diễn ra suôn sẻ!

Trong văn học, có lẽ chẳng ai mà không biết đến bài thơ lục bát mang tính trào lộng và giễu cợt sau:

Con mèo mà trèo cây cau.

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?

Chú chuột đi chợ đàng xa.

Mua mắm mua muối, biếu cha chú mèo.

Ở lãnh vực âm nhạc, chúng ta thấy cũng có nhiều bài hát về con chuột được sáng tác dành cho các em thiếu nhi; như: bài Lý con chuột; con mèo con chuột, chú chuột nhắt…

Cũng không thiếu những truyện cổ tích mang tính răn đời mà nhân vật chính lại là con chuột; Chẳng hạn như truyện “Ông quan thanh liêm tuổi tý” hay truyện “ đeo chuông cho mèo”.

Truyện Ông quan thanh liêm tuổi tý có nội dung xin được tóm tắt như sau:

Một vị quan nọ nổi tiếng là trong sạch thanh cao, ông đã làm được rất  nhiều việc hữu ích cho dân chúng. Người dân biết ơn đến biếu quà thì nhất quyết quan ông không nhận. Đến khi về hưu, gặp lúc gia cảnh túng bấn, con cái ốm đau. Bấy giờ quan bà mới đem ra một con chuột bằng vàng để bán lấy tiền chạy chữa bệnh cho con. Thấy thế nên quan ông mới hỏi ở đâu mà bà có con chuột bằng vàng vậy?. Quan bà trả lời rằng: Khi còn đương thời có người đến biếu quà song tôi không nhận, người ấy mới hỏi quan ông tuổi gì? Tôi bảo rằng ông tuổi tý. Vì thế họ đã đúc một con chuột vàng tặng cho tôi, vì họ năn nỉ  quá sức nên tôi đã nhận mà không dám nói cho ông hay! Lúc này quan ông mới bảo: Sao ngày đó bà không nói rằng tôi tuổi sửu có phải tốt hơn không?

Truyện đeo chuông cho mèo, xin giản lược như sau:

Vì giống mèo là khắc tinh của loài chuột nên để đối phó với mèo lũ chuột bèn ngồi lại họp bàn để tìm ra phương cách nhằm chống lại những nguy hiểm mà mèo sẽ gây ra cho chúng. Sau rất nhiều ý kiến được đưa ra thì có một ý kiến xem ra là hay nhất; Đó là đeo chuông vào cổ mèo để khi đi tới đâu tiếng chuông trên cổ con mèo sẽ vang lên mà nhờ đó lũ chuột sẽ biết mà trốn đi! Song để cái chuông có thể đeo được vào cổ của con mèo thì thật là một việc cực kỳ khó khăn, cần đến một con chuột có can đảm và khéo léo. Nhưng với nhiều lý do khác nhau, không một con chuột nào dám lãnh nhận trọng trách đó và cuối cùng cuộc họp đi đến kết thúc mà chẳng mạng lại được một kết quả gì?!

Con chuột xét về ngoại hình thì nó nhỏ bé nhất trong  số những con giáp nhưng nó lại có nhiều cái nhất; Chẳng hạn như về lãnh vực sinh sản thì có lẽ ít loài sinh vật nào sánh bằng. Chuột trưởng thành và bắt đầu sinh sản vào khoảng sáu tháng tuổi, và trong điều kiện thuận lợi cứ một tháng chúng  sẽ đẻ một lứa; mỗi lứa  từ 6-12 con. Như vậy trong vòng một năm, một cặp chuột vợ chồng sẽ sinh  sản ra khoảng trên mười ngàn con cái, cháu, chắt! Đấy là nói trên lý thuyết, còn trên thự tế thì loài chuột cũng luôn bị săn lùng và tiêu diệt bởi nhiều loại sinh vật săn mồi khác; như con người; các loại rắn và các loài chim.v.v…

Nói về sự tàn phá của chúng thì khỏi chê. Vì răng cửa của chúng liên tục mọc dài ra. Do vậy chúng phải luôn gặm nhấm để mài nòm, đó là lý do tại sao quần áo, đồ dùng của chúng ta thường bị loài chuột phá hoại. Để ăn một bông lúa non trước hết chúng sẽ cắn các nhánh lúa  để làm chỗ ngồi rồi sau đó mới bắt đầu ăn. Bởi vậy một thuở ruộng lúa đang thời kỳ trổ bông, chỉ cần vài chục con chuột thôi thì sau một đêm chúng đã tàn phá làm cho nhà nông thất thu đáng kể.

Trong sự tác hại của chúng  phải kể đến trận đại dịch hạch xảy ra tại Châu Âu vào khoảng giữa thế kỷ XIV. Làm chết trên 25 triệu người mà nguyên nhân chính là từ những con chuột mang mầm bệnh dịch hạch, và khi những con bọ chét ký sinh trên mình chúng chích hút máu chúng rồi  sang chích hút máu người làm lây bệnh sang cho người!

Loài chuột rất khôn, chúng thường đào hang và sinh sống trong cái hang đó. Trong một cái hang có rất nhiều mong ngách và để đề phòng, đánh lạc hướng khi người ta đào bắt chúng biết “đắp ụ”; nghĩa là dùng đất lấp lại cái hang để khi đào nếu không chú ý người ta có thể đánh mất, bỏ sót cái ngách đó. Lại nữa. một cái hang chuột ở chúng thường trổ một cái lỗ, gọi là lỗ“thông hơi” lỗ này không có đất đùn ra nên khó phát hiện và khi nguy hiểm chúng sẽ phóng ra từ lỗ này mà thoát thân! Bởi vậy những tay đi đào chuột đồng, trước khi đào thường phải tìm kiếm và bịt kín lỗ thông hơi lại nếu không muốn uổng công vô ích! Ngoài ra chuột còn rất đa nghi, do vậy muốn đánh bả chúng có hiệu quả, người ta phải rải cho chuột ăn thức ăn như thóc, gạo ở cùng một chỗ vài đêm cho chuột quen đi rồi sau đó mới cho thuốc diệt chuột vào bả, lúc đó chúng sẽ không còn nghi ngờ gì nữa và sẽ ăn.

Lũ chuột còn biết cách ăn cắp trứng. Để có trứng ăn lâu ngày phải mang trứng về dự trữ trong tổ, chúng phân công nhau; một con nằm ngửa có nhiệm vụ ôm quả trứng, con khác cắn đuôi con ôm trứng mà lôi về nơi cất giấu!

Có lẽ, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên, khi nói đến một con người, mà vị này ngoài việc có thể nói cho lũ chuột nghe được, ông còn có thể làm cho chuột tuân theo lời mình. Và một điều đặc biệt nữa là ông lại có một tấm lòng biết thương xót lũ chuột: Vị đó là thánh Martin de Porres. Chuyện kể rằng. Một ngày nọ có đàn chuột không biết từ đâu kéo đến tu viện Đức Mẹ Mân Côi cắn phá quần áo, đồ đạc. Các thầy trong dòng tìm cách đánh thuốc độc để tiêu diệt chúng. Động lòng thương xót lũ chuột nên thầy Martin gọi một chú chuột đến mà bảo:

– Này chuột ơi, bọn mi sắp nguy khốn rồi đấy! Hãy đi thông báo gấp cho đồng bạn về tập trung lại ở cuối vườn, ta hứa sẽ nuôi sống nếu bọn mi không phá hại tu viện nữa.

– Nghe tin ấy, chú chuột liền nhanh nhẹn chạy báo tin cho đồng bạn và trong chốc lát, từng đàn chuột lớn, chuột nhỏ bò về phía cuối vườn. Giữ lời hứa, hằng ngày thầy Martin đem đồ ăn ra nuôi chúng. Từ đó, tu viện không bị nạn chuột phá hoại nữa!

Đã nói chuyện về “anh Tý” thì không thể không nói đến các món ăn chế biến từ thịt của chúng. Đó là các món như:  Chuột sào sả ớt; chuột nướng; chuột khìa nước dừa; chuột nhồi thịt ba rọi; chuột sào lăn; chuột sốt cà chua; chuột nấu canh chua v.v…Còn rất nhiều các món ăn nữa mà người ta đã chế biến từ thịt chuột. Tuy mỗi nóm có hương vị đặc trưng riêng của nó, nhưng tựu chung  là tất cả đều là những món ăn khoái khẩu và giầu chất đạm. Chính vì vậy mà trước đây có nhiều người kiếm sống bằng nghề đi bẫy chuột!

Để kết thúc bài viết này, người viết xin kể lại một câu chuyện đã xẩy ra cách đây khoảng vài năm, câu chuyện kể về một con chuột, mà hiểu theo một cách nào đó có thể gọi nó là nhân vật chính! Sự việc này người viết vừa là người chủ đồng làm và đồng thời cũng là người đã chứng kiến!

Số là trong nhà bếp của tôi có một con chuột đến đào hang, cứ mỗi đêm là nó đùn ra cả một thúng đất nhỏ, song cứ lấp lại thì qua đêm sau chuột lại đùn đầy lên. Bực bội vì bị phá phách, và trong nhà bếp chất đầy đồ đạc nên rất khó để đào bắt nó được!. Nhưng tôi đã nghĩ ra một cách tốt nhất để loại trừ con chuột này; Đó là bơm nước vào hang. Sau khi rà soát tìm lỗ thông hơi và bịt kím tất cả các lỗ cho dù là nghi ngờ xong rồi thì tôi đặt một cái cạm ngay ở cửa hang để đề phòng khi con chuột bị ngạt nước thì phải phóng ra, và khi phóng ra thì nó sẽ lọt vào cái bẫy đã giăng săn này. Sau khi bơm nước đầy tràn vào hang  khoảng chừng được ba bốn phút thì đúng như dự đoán, con chuột phóng mình vào bẫy và bẫy sập xuống. Khi lấy chiếc cạm ra khỏi hang thì tôi đem nó dìm vào một cái lu nước nằm cạnh đó với mục đích làm cho con chuột này chết ngạt! Khoảng năm phút sau khi con chuột trong cạm không còn cựa quậy nữa thì tôi mang cái cạm ra khỏi lu. Khi đó tôi mới phát hiện ra trong cái cạm kia không chỉ có một con chuột mà là hai con, một con mới sinh còn đỏ hỏn! Lúc này tôi hiểu ra rằng: Đây là một con chuột mẹ mới sinh con, Và trong lúc nguy nan con chuột mẹ này chỉ kịp tha được một đứa con mà lao ra ngoài tìm sự sống!!!

Qua sự việc trên, người viết có suy nghĩ: Con chuột là một loài động vật chỉ hành động theo bản năng thôi! Vậy mà trong lúc nguy tử nó đã không chạy trốn thoát thân một mình mà còn cố mang theo một đứa con. Vậy mà loài người được Thiên Chúa tạo dựng. Ngài đã ban cho có trí khôn, có lý trí và có lương tâm mà đôi khi đã không hành xử được như con chuột này. Qua bài viết này, ước mong rằng nó sẽ như là một bài học cho chúng ta suy gẫm để rồi  chúng ta biết TÔN TRỌNG và BẢO VỆ SỰ SỐNG con người; Đặc biệt là đối với các bà mẹ trẻ trong xã hội thời đại hôm nay! Hãy biết tôn trọng và bảo vệ sự sống cho mọi người và cho con của mình cho dù khi chúng chỉ bắt đầu sự sống. Đó là những THAI NHI!

Những suy nghĩ trên đây phù hợp với Điều Răn Thứ Năm mà Thiên Chúa đã truyền dạy để cho con người phải tuân giữ; Đó là chớ giết người. Như sách giáo lý Công Giáo dạy: Phải tôn trọng giữ gìn thân xác và mạng sống của ta cũng như của người khác nữa…

Kính chúc Quý vị một năm Canh Tý trần đầy an vui và hạnh phúc.

 Đaminh Trần Văn Chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *