Cha và con

Nam bị ốm, bé Su con gái anh mới năm tuổi sà vào lòng ba to nhỏ:

-Ba ốm hả, ba ăn cháo chưa? Uống thuốc mà không ăn gì là đau bao tử đó. Ba ốm không đi lễ được để con đọc Kinh Thánh cho ba nghe nha?…

Con bé cứ bô lô bô la như một bà cụ non, nghe con nói tự nhiên trong lòng Nam nghe đau nhói. Hình ảnh bé Su gợi nhắc đến mẹ của anh, sao con bé có thể giống bà nội nó đến thế. Ngày mẹ Nam còn sống, anh chẳng bao giờ hỏi han, quan tâm đến mẹ già, suốt ngày tụ tập bạn bè ăn chơi nhậu nhẹt, có hôm đến tận mười hai giờ đêm. Những lúc ấy mẹ lại gọi điện hỏi: “Bao giờ con về?”. Mỗi khi thấy anh ở nhà, bà vui ra mặt, ân cần hỏi han: “Con đã ăn gì chưa?” rồi lo chuẩn bị cơm nước cho con như đãi một vị khách quý đến chơi nhà.

Nam coi việc mẹ quan tâm chăm sóc mình là bổn phận đương nhiên của bậc làm cha làm mẹ nên chẳng bao giờ nói lời cảm ơn hay xin lỗi. Càng trưởng thành, khoảng cách giữa anh và mẹ càng lớn dần, thậm chí những câu hỏi han thông thường bỗng trở nên gượng gạo, những cuộc nói chuyện cũng thưa dần và ngày càng vội vã đến nỗi anh cho rằng, những quan tâm của mẹ thật vụn vặt và phiền phức. Nhưng bây giờ nằm ốm ở đây, bạn bè chiến hữu mới hôm qua thề sống thề chết bên nhau mà nay chẳng thấy bóng dáng một ai đến thăm. Nam ước mong có mẹ ở bên, hỏi han những câu vặt vãnh năm xưa, nhưng tất cả đã quá muộn màng…

Nghĩ đến đây, hai hàng nước mắt của Nam tuôn ra mặn chát. Anh chợt nhận ra mẹ là người luôn bên cạnh khi anh cần để chăm sóc, vỗ về, yêu thương. Tình yêu của mẹ luôn đơn giản, thầm lặng nhưng hết lòng cho dù con có ngỗ nghịch thế nào đi chăng nữa. Giọng bé Su đọc Kinh Thánh chợt vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ của anh: “Một người kia có hai con trai, người con thứ nói với cha rằng: Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng…Người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa, ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình…” (Lc 15, 11-24).

Anh như người con thứ ấy, muốn tự do để thỏa mãn những đam mê thấp hèn, để mặc cha mẹ gìa mòn mỏi đợi chờ, lo lắng không biết con mình có bằng an không, no đói thế nào, tương lai ra sao… Anh không cần quan tâm đến nỗi lòng của mẹ mà chỉ biết tìm vui thú cho riêng mình. Mặc dù anh vô tâm, nhưng ngày ngày mẹ vẫn mong ngóng anh trở về, không phải một lần mà rất nhiều lần. Đối với Thiên Chúa cũng vậy, trái tim của Người luôn dịu dàng, bao dung như trái tim của người mẹ, lúc nào cũng lo lắng cho đàn con. Vậy mà tại sao anh lại cứ muốn tách rời khỏi tình yêu cao vời ấy, dù biết rằng Người vẫn luôn chờ đợi anh quay trở về để tha thứ, yêu thương và giúp con tìm được hạnh phúc đích thực?

Mình phải quay trở về, phải làm lại cuộc đời thôi, để mẹ nơi chín suối được an nghỉ và hơn hết để trở nên tấm gương tốt cho bé Su noi theo. Ngày xưa khi bé mới một tuổi, anh để trước mặt con gái một cây viết, một tờ tiền, và một món đồ chơi tượng trưng cho trí tuệ, sự giàu có và thú vui rồi xem con bé chọn món nào. Thật ngạc nhiên, con bé đã không chọn những thứ dó mà sà vào lòng anh. Có thể đối với nó, anh là thứ quan trọng nhất. Thì giờ đây anh phải đưa ra sự lựa chọn của riêng mình: Chọn Chúa hay tiền bạc, danh vọng, thú vui? Và anh đã tìm được câu trả lời: “Có Chúa là có tất cả”.

Ôm bé Su vào lòng, anh thỏ thẻ: “Cảm ơn con gái đã giúp ba nhận ra nhiều điều. Ba hứa từ nay ba sẽ là người cha tốt của con, con chịu không?”. Nghe ba nói vậy, bé Su reo lên vui sướng vì từ nay ba sẽ không bỏ mẹ con nó mà đi nhậu thâu đêm nữa. Niềm hạnh phúc dâng tràn, hai cha con cất cao tiếng hát: “ Con nay trở về, trở về cùng Chúa Chúa ơi. Con nay trở về, lòng sầu thống hối không nguôi. Muốn khóc cho một niềm tin, đã trót bao phen ngả nghiêng, bước chân hoang đàng đây bến yêu thương tình đáp tình”.

KimMary

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *