1. Bà mẹ Công Giáo Pakistan tự tử vì bị từ chối cung cấp lương thực trong tình trạng cô lập
Thông tấn xã UCANews cho biết chính quyền Pakistan đã ra lệnh điều tra cái chết của một phụ nữ Công Giáo, được báo cáo là đã treo cổ tự sát sau khi bị từ chối viện trợ của chính phủ dành cho những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng cô lập nhằm hạn chế sự lây lan của coronavirus.
Bộ trưởng Nhân quyền Shireen Mazari xác nhận rằng cảnh sát đang điều tra vấn đề.
Vụ việc xảy ra ở giáo xứ Francisabad, tức là giáo xứ Thánh Phanxicô, trong quận Gujranwala của bang Punjab, là bang đông dân nhất Pakistan.
Mariam Masih, là mẹ của ba của ba đứa con và là vợ của anh Tariq Masih, đã được phát hiện treo cổ tại một chiếc quạt trần trong nhà cô, theo một luật sư về quyền của các tín hữu Kitô.
Luật sư Rahat Austin đã viết trên Twitter rằng gia đình đang sắp chết đói của cô đã bị từ chối thực phẩm do chính phủ và các tổ chức phi chính phủ phân phối vì họ không phải là người Hồi giáo.
Trước diễn biến bi thảm này bà Bộ trưởng Nhân quyền Shireen Mazari cho biết văn phòng của bà đã liên lạc với cơ quan bảo vệ dân sự quận Gujranwala. Cơ quan này cho rằng vụ tự tử không phải là do từ chối lương thực vì lý do tôn giáo mà là do vấn đề hục hặc trong gia đình nạn nhân. Bà nói rằng việc phân phối lương thực của chính phủ Pakistan không dựa trên niềm tin tôn giáo.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra khiếu nại từ các tôn giáo thiểu số rằng họ bị từ chối thực phẩm hoặc tiền mặt vì niềm tin tôn giáo của mình.
Vào ngày 5 tháng Tư, hơn 100 gia đình Kitô giáo từ quận Vari Kasur của bang Punjab đã được báo cáo là bị loại khỏi danh sách viện trợ lương thực được phân phối bởi một ủy ban bao gồm toàn người Hồi giáo. Trong một biến cố khác, các Kitô hữu đã bị từ chối thực phẩm vào ngày 2 tháng 4 tại một ngôi làng gần thành phố Lahore.
Nhóm từ thiện Saylani Welfari cũng bị cáo buộc quyết liệt không phát lương thực cho các tín hữu Kitô và người Ấn giáo tại thành phố Karachi vào tháng 3.
Tính đến sáng thứ Tư 22 tháng Tư, tử vong tại Pakistan đã lên đến 201 người, trong số 9,565 trường hợp nhiễm coronavirus.
Trong một tuyên bố vào ngày 13 tháng 4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, cho biết họ quan ngại đặc biệt trước các báo cáo rằng viện trợ lương thực đã không đến tay những người theo Ấn Giáo và Kitô giáo trong bối cảnh Covid-19 lan rộng ở Pakistan. Đa số người dân Pakistan không có công ăn việc làm ổn định. Họ sống theo kiểu tay làm hàm nhai, không có bất cứ một thứ an sinh xã hội nào. Tình trạng cô lập trong suốt tháng Tư đã khiến nhiều người lâm vào tình cảnh đói kém. Các tổ chức phi chính phủ và cả các tổ chức chính phủ đã tận dụng tình hình này để buộc các tín hữu thiểu số phải cải đạo sang Hồi Giáo nếu không muốn chết đói.
“Những hành động này thật là đáng trách. Khi Covid-19 tiếp tục lan rộng, các cộng đồng dễ bị tổn thương ở Pakistan đang chiến đấu với nạn đói và để giữ cho gia đình của họ được an toàn và khỏe mạnh. Viện trợ thực phẩm không thể bị dùng như một hình thức áp đặt niềm tin Hồi giáo,” ông Anurima Bhargava, ủy viên của USCIRF nói.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Pakistan bảo đảm rằng viện trợ lương thực từ các tổ chức phân phối phải được chia sẻ đồng đều với người Ấn giáo, Kitô giáo và các tôn giáo thiểu số khác.”
Ủy viên USCIRF Johnnie Moore cho biết, Thủ tướng Khan của Pakistan gần đây đã nhấn mạnh thách thức mà các chính phủ ở các nước đang phát triển phải đối mặt để cứu người dân khỏi nạn đói trong khi cố gắng ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Ông Moore ca ngợi đường hướng này nhưng nhấn mạnh rằng không thể có sự phân biệt đối xử vì niềm tin tôn giáo trong công cuộc cứu đói.
Trong báo cáo thường niên năm 2019, USCIRF lưu ý rằng người Ấn giáo và Cơ đốc giáo ở Pakistan liên tục phải đối mặt với các mối đe dọa về an ninh và phải chịu nhiều hình thức sách nhiễu và loại trừ xã hội.
Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng “tự nguyện hợp tác trong việc tự tử là trái với luật luân lý,” nhưng nói thêm rằng “Người tự sát vì những rối loạn tâm thần trầm trọng, quá lo âu và sợ hãi trước một thử thách, trước đau khổ hoặc sợ bị tra tấn, có thể được giảm bớt trách nhiệm.”
Sách Giáo Lý nói thêm: “Ta không được tuyệt vọng về phần rỗi đời đời của những người tự tử. Thiên Chúa có thể thu xếp cho họ có cơ hội sám hối để được ơn tha thứ, bằng những đường lối mà chỉ một mình Người biết. Hội Thánh vẫn cầu nguyện cho những người hủy hoại mạng sống mình.”
Vì thế, xin hãy cầu nguyện cho linh hồn chị Mariam Masih. Trong những lời cầu nguyện xin nhớ các bệnh nhân không được chạy chữa, những người đói không được cứu tế chỉ vì họ là các tín hữu Kitô.
Source:Vatican News
2. Estonia được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, cầu xin cho đại dịch sớm kết thúc
Estonia là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong ba nước Baltic. Mặc dù tình hình không tồi tệ như ở một số quốc gia châu Âu khác, tính đến chiều thứ Ba 21 tháng Tư đã có 1,552 trường hợp được xác nhận và 43 trường hợp tử vong liên quan đến coronavirus.
Một hòn đảo của Estonia trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng. Một tỷ lệ lớn cư dân Saaremaa đã nhiễm virut, chiếm hơn một nửa số bệnh nhân phải điều trị tại bệnh viện.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng, Đức Cha Giám Quản Tông Tòa Estonia đã thánh hiến quốc gia cho Thánh Tâm Chúa Giêsu vào hôm Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót 19 tháng Tư.
Đức Cha Philippe Jourdan nói với Radio Vatican rằng hành động thánh hiến này nhằm hai mục đích: thứ nhất là cầu nguyện cho chấm dứt đại dịch Covid-19, và thứ hai là giúp mọi người biến những thời gian thử thách này thành cơ hội để hoán cải cá nhân.
“Chúng ta tin rằng Chúa không muốn điều xấu xảy ra với chúng ta, nhưng chúng ta nên sử dụng điều tệ hại này để hoán cải cá nhân,” Đức Cha nói.
Việc thánh hiến diễn ra vào Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót vì, theo Đức Cha Jourdan, Lòng thương xót Chúa được sùng kính cách đặc biệt ở các quốc gia Baltic. Ngài nhắc nhớ rằng một số lần hiện ra của Chúa với Thánh Faustina Kowalska đã xảy ra ở Latvia.
Về tình hình trên đảo Saaremaa, Đức Cha cho biết cuộc sống ở đó rất khác với phần còn lại của đất nước. Hòn đảo, và một số đảo lân cận, bị cô lập hoàn toàn. Một số người Công Giáo đang sống ở đó, và họ đang bị cách ly rất nghiêm nhặt.
Nhưng, người dân ở phần còn lại của Estonia ít bị hạn chế trong việc di chuyển.
Các nhà thờ vẫn mở cửa và mọi người có thể di chuyển tự do, mặc dù các cuộc tụ họp hơn hai người bị cấm, do đó, các thánh lễ đã bị đình chỉ.
Ít nhất các nhà thờ đều mở cửa, vì vậy mọi người có thể đến cầu nguyện trước Thánh Thể, được rước lễ – với tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết – và nhận Bí tích Hòa Giải. Theo một nghĩa nào đó, mọi người có khả năng sống một cuộc sống bí tích.
Đức Cha Jourdan cho biết thêm cảnh sát thỉnh thoảng kiểm tra để bảo đảm không có các cử hành tôn giáo nào được tổ chức. Ngài nói thêm rằng chính phủ đã rất hữu ích, cung cấp khẩu trang y tế và các sản phẩm vệ sinh khác cho tất cả các nhà thờ.
Tất cả các Thánh lễ đang được truyền trực tiếp trên internet, như ở các nơi khác trên thế giới.
Đức Giám Mục cũng bày tỏ sự cảm kích đối với những người trẻ tuổi đã đề nghị giúp đỡ những người già bằng cách mua sắm cho họ.
Ngài nói đây chỉ là một dấu chỉ của sự đoàn kết phi thường mà người Estonia đang thể hiện với nhau trong thời điểm khó khăn này.
Source:Vatican News
3. Các tín hữu Ý yêu cầu thánh hiến quốc gia cho Trái Tim Đức Mẹ
Sau khi nhận được hơn 300 lá thư trong đại dịch coronavirus, các giám mục Italia sẽ phó dâng quốc gia cho sự bảo vệ của Đức Mẹ vào ngày thứ Sáu, 1 tháng Năm, tại một đền thờ ở miền bắc Ý, nơi đang là tâm chấn của dịch bệnh.
Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội đồng giám mục Ý, nói rằng ngài đã nhận hơn 300 lá thư, “với tràn đầy tình yêu và lòng sùng kính đối với sự an ủi của Đức Mẹ”. Các lá thư này hỏi “tại sao Đức Hồng Y không dâng quốc gia cho trái tim vô nhiễm của Mẹ Maria? Tất cả những người đang đau khổ vì đại dịch này, tất cả những người đang làm việc trong các bệnh viện và phải chăm sóc cho tha nhân, tại sao không phó thác toàn quốc gia cho Mẹ Maria?”
Ngài lưu ý rằng công việc của các mục tử là hướng dẫn đoàn chiên của mình, “nhưng thường chính đoàn chiên, các Kitô hữu, lại những người thúc đẩy các mục tử của họ, như trong trường hợp này.”
Nghi lễ tín thác cho Đức Mẹ sẽ được cử hành chiều ngày 01/05 tại đền thánh Đức Mẹ Maria del Fonte, một đền thánh dâng kính Đức Mẹ ở Caravaggio thuộc tỉnh Bergamo, một trong những vùng của Ý bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi coronavirus; như thế, lời cầu nguyện “được bao bọc bởi những đau khổ và nỗi đau tại một vùng đất bị thử thách nặng nề bởi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.”
Tử vong tại Ý tính đến chiều thứ Ba 21 tháng Tư đã lên đến 24,648 người, trong số 183,957 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ trước đó, số trường hợp tử vong là 454 người, và thêm 2,256 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận. Như thế, các trường hợp tử vong và nhiễm bệnh mới đều giảm liên tục trong tuần qua.
Ngày 1 tháng Năm được chọn để dâng quốc gia cho Mẹ Maria vì ngày này bắt đầu tháng Năm, là tháng theo truyền thống được dâng kính Đức Mẹ. Ngày này cũng là lễ thánh Giuse Thợ và là cơ hội cầu nguyện cho những người lao động, hiện đang lo lắng về tương lai.
Theo truyền thống, Đức Mẹ đã hiện ra với một thiếu nữ nông dân, Giannetta Varoli, trên một cánh đồng cỏ khô bên ngoài thị trấn Caravaggio vào ngày 26/05/1432. Một đền thờ nhỏ đầu tiên đã được xây dựng vào cùng năm đó. Đến năm 1575, thánh Carolo Boromeo đã thuê một kiến trúc sư mở rộng đền thánh, như đền thánh hiện nay.
Từ đầu đại dịch coronavirus cho đến nay, Bergamo được coi là một trong những địa danh kinh hoàng nhất tại Ý. Từ ngày 22 tháng Hai, Thủ tướng Giuseppe Conte đã cách ly 10 thị trấn trong tỉnh Lodi cách Bergamo 70km về phía Nam. Đó là khu vực đỏ đầu tiên trên đất Ý. Quân đội và cảnh sát áp đặt lệnh cô lập trong nhà đối với cư dân trong khu vực. Tuy nhiên, Bergamo với 376 nhà máy và xí nghiệp mang lại một nguồn lợi lên đến 850 triệu Euros một năm đã được cho hoạt động bình thường. Vì thế, đến ngày 1 tháng Ba, số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại Bergamo đã lên đến 220 người. Một tuần sau thành phố mới bị cách ly. Lúc đó đã quá muộn. Trong một tuyên bố có tựa đề “Noi Denunceremo”, nghĩa là “Chúng tôi sẽ lên tiếng”, 30,000 chữ ký đã thu được cho đến nay nhằm yêu cầu chính quyền mở một cuộc điều tra về các quyết định đã được đưa ra liên quan đến thành phố này, dẫn đến cái chết của 4,800 người cho đến nay.
Bergamo có 992,300 dân. Trong số đó 937,200 là người Công Giáo, chiếm tỷ lệ 94.5%, sinh hoạt trong 389 giáo xứ, dưới sự chăm sóc mục vụ của 706 linh mục triều. Bên cạnh đó còn có 189 linh mục dòng.
Source:Catholic News Agency
4. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho Âu Châu có sự hiệp nhất huynh đệ những người sáng lập mơ ước
Lúc 7 sáng thứ Tư 22 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.
Trong Thánh lễ Đức Phanxicô cầu nguyện rằng Âu Châu, trong thời gian này khi sự hiệp nhất giữa các quốc gia cần hơn bao giờ, sẽ thành công trong việc đạt được một sự hiệp nhất huynh đệ.
Diễn biến này đã xảy ra sau khi bà Ursula von der Leyen thay mặt cho Liên Hiệp Âu Châu chân thành xin lỗi nước Ý vì đã không giúp quốc gia này ngay từ đầu khi trận đại dịch coronavirus kinh hoàng bùng phát.
Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
Trong thời đại này, trong đó sự hiệp nhất giữa chúng ta, cũng như giữa các quốc gia là cần kíp hơn bao giờ, chúng ta hãy cầu nguyện cho Âu Châu, để Âu Châu ngày nay có được sự hiệp nhất này, một sự hiệp nhất huynh đệ mà những người cha sáng lập ra Liên minh Âu Châu đã mơ ước.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã đưa ra các suy tư về bài Tin Mừng trong ngày (Ga 3: 16-21), trong đó Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng “Thiên Chúa đã sai Con Một Người đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ”.
PHÚC ÂM: Ga 3, 16-21
“Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa và đây là án luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách, nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Bài Tin Mừng này trích từ chương 3 Phúc Âm theo Thánh Gioan, tường thuật cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, là một luận thuyết thực sự về thần học vì mọi thứ đều ở đây. Đó là một bài giảng thuyết về tình yêu Thiên Chúa, một bài giáo lý, một suy tư thần học, một tổng luận triết học… có tất cả mọi thứ trong chương này. Và mỗi lần đọc nó, chúng ta bắt gặp thêm nhiều sự phong phú hơn nữa, nhiều lời giải thích hơn nữa, nhiều điều khiến chúng ta hiểu được mặc khải của Thiên Chúa. Thật tốt cho chúng ta để đọc đi đọc lại nhiều lần, ngõ hầu có thể đến gần hơn với mầu nhiệm cứu chuộc. Hôm nay tôi chỉ xin trình bày hai điểm trong số tất cả những điều này, chỉ hai điểm để chúng ta suy tư trong ngày hôm nay.
Đầu tiên là mặc khải về tình yêu của Chúa. Như một vị thánh nói, Chúa yêu chúng ta và luôn yêu chúng ta một cách điên rồ: tình yêu của Chúa quá sức điên rồ. Ngài yêu thương chúng ta: “đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”. Người đã ban cho chúng ta Con Một của Người, đã sai Con Một của Người đến thế gian và chết trên thập tự giá. Bất cứ khi nào chúng ta nhìn vào cây thánh giá, chúng ta thấy tình yêu này. Cây thánh giá chính xác là cuốn sách vĩ đại về tình yêu của Thiên Chúa. Nó không phải là một đối tượng để được đặt ở đây hoặc được đặt ở đó, đẹp hơn, không đẹp hơn, cổ xưa hơn, hiện đại hơn… không. Thánh giá chính xác là biểu hiện của tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta: Người đã sai Con của Người, tự hủy diệt mình cho đến khi chết trên thập tự giá vì tình yêu.
Có biết bao nhiêu người đã dành thời gian nhìn vào thánh giá… và ở đó họ tìm thấy mọi thứ, bởi Chúa Thánh Thần làm cho họ hiểu rằng ở đó có tất cả khoa học, tất cả tình yêu của Thiên Chúa, tất cả sự khôn ngoan của Kitô giáo. Thánh Phaolô nói về điều này, giải thích rằng tất cả những lý lẽ của con người mà thánh nhân từng theo đuổi đều chỉ đạt đến một điểm nào đó thôi, nhưng lý luận thực sự nhất, cách suy nghĩ đẹp nhất, và đồng thời giải thích được mọi thứ nhất là thập giá của Chúa Kitô, là Chúa Kitô bị đóng đinh. Thập giá là tai tiếng và điên rồ đối với nhiều người, nhưng đó là cách của Thiên Chúa. Đó là tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian Người Con duy nhất của Người. Và tại sao như thế? Thưa: Để bất cứ ai tin vào Người Con duy nhất ấy thì không bị hư mất nhưng có cuộc sống đời đời. Đó là tình yêu của người Cha muốn con cái ở với mình.
Chúng ta hãy nhìn vào Đấng bị đóng đinh trong im lặng, hãy nhìn vào những vết thương của Người, nhìn vào trái tim của Chúa Giêsu, nhìn vào toàn bộ: Chúa Kitô bị đóng đinh, Con Thiên Chúa, bị hủy diệt, bị sỉ nhục… vì tình yêu. Đây là điểm đầu tiên mà ngày hôm nay chúng ta thấy trong bài tổng luận thần học này, trong cuộc đối thoại này giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô.
Điểm thứ hai cũng là một điểm hữu ích cho chúng ta: “Sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa”. Chúa Giêsu là ánh sáng được đề cập đến ở đây. Có những người – nhiều lần bao gồm cả chúng ta – không thể sống dưới ánh sáng vì họ đã quen với bóng tối. Ánh sáng làm họ lóa mắt, họ không thể nhìn thấy. Họ là những con dơi người: họ chỉ biết di chuyển trong đêm. Và chúng ta cũng vậy, khi chúng ta ở trong tình trạng tội lỗi, chúng ta ở trong trạng thái không chịu đựng được ánh sáng. Thật thoải mái hơn khi chúng ta sống trong bóng tối; ánh sáng tát túi bụi vào mặt chúng ta, cho chúng ta thấy những gì chúng ta không muốn thấy. Nhưng điều tồi tệ nhất là đôi mắt, đôi mắt của linh hồn nào sống quá lâu trong bóng tối thì quen dần với bóng tối đến nỗi cuối cùng họ không còn biết ánh sáng là gì. Mất cảm giác về ánh sáng vì tôi đã quen với bóng tối. Và rất nhiều vụ tai tiếng của con người, rất nhiều những trò bại hoại cho chúng ta thấy điều đó. Những kẻ băng hoại không biết ánh sáng là gì, họ không biết. Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta ở trong tình trạng tội lỗi, trong tình trạng xa cách với Chúa, chúng ta trở nên mù quáng và cảm thấy tốt hơn là cứ sống trong bóng tối và cứ đi như thế, không nhìn thấy gì, giống như người mù, cứ thế mà húc tới, được đến đâu hay đến đó.
Anh chị em, hãy để tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã sai Chúa Giêsu đến cứu chúng ta, đi vào chúng ta cùng với ánh sáng mà Chúa Giêsu mang đến. Hãy để ánh sáng của Thánh Linh đi vào chúng ta và giúp chúng ta nhìn mọi thứ bằng ánh sáng của Thiên Chúa, với ánh sáng thật chứ không phải với bóng tối mà quyền lực tối tăm đưa ra chào mời chúng ta.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:
Ngày hôm nay, chúng ta hãy suy nghĩ về hai điều này, đó là tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô, được thể hiện trên thánh giá; trong cuộc sống hàng ngày, trong những vấn nạn hàng ngày của chúng ta. Và anh chị em hãy tự hỏi: “Liệu tôi có đang bước đi trong ánh sáng hay tôi đang lần bước trong bóng tối? Tôi có phải là con cái Chúa hay cuối cùng tôi chỉ là một con dơi tội nghiệp?”
Source:Vatican News