Tại Fatima, sau mỗi lần tượng Đức Mẹ Fatima được rước ra khỏi đền thờ, các tín hữu hành hương lại tham dự một cuộc rước rất đặc biệt mà người Bồ Đào Nha gọi là “Procissão do Adeus”. Procissão nghĩa là cuộc rước, Adeus nghĩa là tạm biệt. Ý nghĩa của cuộc rước này là tạm biệt Đức Mẹ và tạm biệt nhau.
8 người khiêng kiệu Đức Mẹ qua các lối đi trong khi các tín hữu vẫy những khăn tay màu trắng để tạm biệt Đức Mẹ. Hàng triệu những khăn tay màu trắng như thế tạo thành một quang cảnh rất ngoạn mục.
Nếu đã từng được tham dự cuộc rước Procissão do Adeus, quý vị và anh chị em sẽ cảm thấy một cảm giác rất khó diễn tả. Lưu luyến chào tạm biệt Đức Mẹ, trở về với đời thường, nhiều người không khỏi rơi lệ.
Lần này tuy không có người hành hương nào được tham dự, ban tổ chức vẫn tổ chức cuộc rước kiệu truyền thống này như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin tường trình về bài giảng của Đức Hồng Y António Marto trong lễ kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.
Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Đền thờ Đức Mẹ Fatima đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày 13 tháng 5 năm 1917 khi Đức Maria hiện ra mà không có sự hiện diện của công chúng.
“Đúng là thánh đường vắng vẻ, nhưng không bị bỏ hoang. Chúng ta xa cách về thể xác, nhưng hợp nhất về mặt tâm linh như một Giáo hội với Đức Maria, một cách mãnh liệt, với một trái tim tràn đầy đức tin và niềm phó thác,” Đức Hồng Y António Marto nói khi ngài chủ sự chuỗi Mân côi vào đêm trước ngày kỷ niệm.
“Đức Maria dạy chúng ta tin, hy vọng và yêu mến. Mẹ là Ngôi sao biển, tỏa sáng trên chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên con đường của chúng ta trong biển lịch sử.”
Đức Hồng Y Marto, giám mục của Leiria-Fátima, đã dâng thánh lễ ngày 13 tháng 5 được livestream từ đền thờ Fatima. Trong bài giảng, ngài kêu gọi hoán cải và lần hạt Mân Côi để đối phó với đại dịch coronavirus.
“Đại dịch này là một lời kêu gọi hoán cải tâm linh sâu sắc. Một thời gian ngắn trước đây, chúng ta sống với một sự tin cậy vững chắc vào sức mạnh khoa học kỹ thuật, vào sức mạnh kinh tế – tài chính, và nghĩ rằng chúng ta có thể miễn nhiễm khỏi bất kỳ dịch bệnh nào hoặc, nếu nó ập đến, một giải pháp nhanh chóng sẽ được tìm thấy. Nhưng, thật bất ngờ, một loại virus thầm lặng, vô hình, không thể đoán trước, có thể làm ô nhiễm tất cả mọi thứ và làm choáng váng cả thế giới. Chúng ta cảm thấy mặt đất như rung chuyển dưới chân mình.”
Đức Hồng Y Marto nhận xét rằng tình huống bi thảm và kinh hoàng hiện nay của đại dịch coronavirus đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương và yếu đuối của loài người, và mời mọi người suy ngẫm về những gì là thiết yếu trong cuộc sống.
Tại Bồ Đào Nha, lễ kỷ niệm Đức Mẹ Fatima bắt đầu vào đêm trước ngày lễ. Cha Carlos Cabecinhas, giám đốc của đền thờ Fatima, đã mời các gia đình đặt nến ở cửa sổ nhà mình như một cách để tham gia vào đám rước nến truyền thống tại Fatima.
Vị Giám đốc đền thánh Đức Mẹ nói rằng dù mọi người không thể hành hương bằng đôi chân của mình, họ vẫn có thể thực hiện một cuộc hành hương nội tâm bằng trái tim của họ.
Các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự sẽ được tái tục tại Bồ Đào Nha vào ngày 30 tháng 5 với một số hạn chế được đưa ra bởi Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha, để giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Tại Nhà nguyện Hiện ra Fatima, Đức Hồng Y Marto đã chủ sự chuỗi Mân Côi ngày 12 tháng 5 với Năm Sự Thương suy ngẫm về những mầu nhiệm trong cuộc thương khó Chúa và ý chỉ xin chấm dứt đại dịch coronavirus.
Ngài nói đứng trước đại dịch coronavirus kinh hoàng, chúng ta muốn hiệp nhất trong lời cầu nguyện, lòng cảm thông và dịu dàng với nhau.
“Hôm nay chúng ta đáp lại đại dịch coronavirus kinh hoàng này bằng chuỗi Mân Côi, là một lời cầu nguyện đặc biệt cần đến trong những thời điểm khó khăn. Khi suy ngẫm về những mầu nhiệm cuộc thương khó Chúa, chúng ta hợp nhất với tất cả nhân loại đau khổ. Chúng ta trao phó nỗi buồn và nỗi lo của mình cho trái tim từ mẫu của Đức Maria”.
Đức Hồng Y đã nhắc lại lời yêu cầu của Đức Trinh Nữ Maria khi Mẹ xuất hiện với ba trẻ chăn cừu là Lucia, Jacinta và Francisco vào ngày 13 tháng 5 năm 1917 rằng: “Các con hãy lần chuỗi Mân côi mỗi ngày để mang lại hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.”
Jacinta và Francisco Marto đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh vào ngày 13 tháng 5 năm 2017. Cả hai vị thánh trẻ tuổi đã chết vì đại dịch cúm Tây Ban Nha. Trận đại dịch kinh hoàng này đã giết chết khoảng 50 đến 100 triệu người vào đầu thế kỷ 20.