Đừng ngạo mạn,
tưởng con người thống trị thế gian
Đó là tựa đề một bài báo thời Covid : Đừng ngạo mạn, cho rằng con người có thể thống trị thế gian. Đúng thế : Con người bấy lâu tự nhận là chúa tể của muôn loài, tự phong quyền trên vạn vật. Họ thuần hóa động vật : bắt trâu đi cày, bắt ngựa kéo xe, bắt chó giữ nhà. Chúa sơn lâm như sư tử cũng bị nhốt vào cũi, khỏe như voi cũng bị xiềng để kéo gỗ hoặc giam vào sở thú để bán vé tham quan.
Người ta hô các khẩu hiệu : Chinh phục thiên nhiên. Khuất phục thiên nhiên. Đội đá vá trời. Bắt nước chảy ngược. Thay trời làm mưa. Toàn là mỹ từ mạnh mẽ biểu hiện khát vọng thống trị. Họ quên rằng loài người yếu đuối cần được Mẹ thiên nhiên nuôi dưỡng, bao bọc, chở che…. quên rằng họ chỉ là một chủng loại nhỏ bé, mong manh, chỉ hắt hơi, sổ mũi cũng đủ làm họ nháo nhác, hoảng loạn.
Con người ăn mọi vật bốn chân trừ bốn chân ghế, chén mọi thứ hai chân, trừ hai chân thang. Rắn độc bắt ngâm rượu. Hổ báo, hươu nai, gấu, khỉ… chế biến món nhậu hay nấu cao. Rừng tàn phá xơ xác, biển cạn kiệt cá tôm và nhiễm độc. Họ đào bới, xúc, móc, moi mọi thứ từ ruột trái đất phục vụ đời sống hiện tại, tiêu xài hết tài nguyên cha ông để lại, và ăn luôn phần kế thừa của con cháu mai sau.
Covid-19 kẻ thù thế giới không phải từ một hành tinh khác, mà từ trái đất chúng ta. Nhiều nhà khoa học ở nhiều quốc gia, cho rằng con Corona là sản phẩm của con người.
Con người chống lại biến đổi khí hậu, nhưng khí hậu biến đổi là vì sự tàn phá thiên nhiên và khí thải của con người.
Con người chống lại lũ lụt, hạn hán, nhưng hạn hán, lũ lụt là vì tàn phá rừng, sông suối và thổ nhưỡng.
Con người chống lại bệnh ung thư, ung thư là do nguồn nước, không khí ô nhiễm và thực phẩm độc hại của con người.
Con người chống lại chiến tranh… chiến tranh sinh ra từ chính tham vọng xâm lược và áp đặt các quốc gia khác….
Có quốc gia chỉ thông báo số người bệnh hay khỏi, và tự hào vì chưa ai chết, trong khi mỗi năm tàn sát 1,6 triệu thai nhi. Họ là Chúa nên có quyền sinh sát.
Chia sẻ trước phép lành Toàn xá phục sinh ngày 12/4, ĐTC Phanxicô đã nói : “Đức Kitô niềm hy vọng đã Phục sinh không phải là một công thức phù phép, làm tan biến mọi khó khăn. Phục sinh chính là sự vinh thắng của tình yêu trước sự dữ. Đấng Phục sinh cũng là Đấng chịu đóng đinh. Thân thể Phục sinh của ngài vẫn mang những vết thương, là niềm hy vọng chữa lành cho những ai tổn thương… là miền an ủi cho ai gặp thử thách, là trợ lực cho ai đau khổ thân xác hoặc tinh thần.
Tại TGP Chicago, có một nhóm 24 linh mục dưới 60 tuổi không có tiền bệnh, tình nguyện đi xức dầu cho bệnh nhân. Các vị nói “Chúng tôi ý thức những rủi ro trong nhiệm vụ nhưng tầm quan trọng của bí tích vượt xa điều đó, và sứ vụ linh mục, là phải có mặt cho mọi người” …
Tương tự, lời đức TGM Sàigòn về linh mục trao bí tích xức dầu : “Nếu phải hy sinh mạng sống vì thừa tác vụ thánh, thì đó là một hiến tế thánh thiêng cao đẹp của đời linh mục”.
Sức mạnh niềm tin là thế. Người tin vào Thiên Chúa, không sợ đối mặt với tử thần, họ biết mình sẽ sống lại với Đức Kitô. Như lời Chúa trong sách Gióp : “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống và ngày sau hết tôi sẽ từ bụi đất sống lại, và trong xác thịt, tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tôi”.
Thưa cộng đoàn, như với bà Mađalêna trong tin mừng, Chúa Giêsu đặt tay trên ta và nói “đừng sợ”… “Hãy đi báo tin cho các anh em trở về Galilê, họ sẽ gặp Ta ở đó “. Hãy xác tín : “Sức mạnh của sự trao ban, đẩy lui sự sợ hãi của lây lan”.