Một cuộc phỏng vấn Đức Ông Georg Ratzinger

Bào huynh của Đức Bênêđíctô XVI vừa qua đời hôm qua 1 tháng 7, 2020 tại Regensburg, hưởng đại thượng thọ 96 tuổi, sau khi được “Em trai tôi” vượt ngàn dặm, tới thăm viếng lần cuối cùng cách nay hai tuần lễ.

Nhân dịp này, tạp chí National Catholic Register cho đăng lại bài phỏng vấn Đức Ông Ratzinger của phóng viên Robert Rauhut thực hiện năm 2008 giữa lúc Đức Bênêđíctô XVI viếng thăm Hoa Kỳ.

Khi Em Trai Làm Giáo Hoàng

Trước khi Đức Bênêđictô XVI qua Mỹ, tạp chí The National Catholic Register có thực hiện một cuộc phỏng vấn người anh ruột của ngài là Đức Ông George Ratzinger, người thân duy nhất của ngài hiện còn sống. Ký giả Robert Rauhut gặp và nói chuyện với vị giáo sĩ này tại căn nhà nhỏ ở thành phố lịch sử Regensburg, vị giáo sĩ được anh mô tả là nồng ấm, thân thiện và đạo đức.

Tuổi Nhỏ Ở Bavaria

Đức ông, em trai và em gái đức ông đã giữ đức tin cách nào trong những lúc khó khăn thời niên thiếu?

Ngay từ đầu, Mẹ Thiên Chúa đã đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc sống thiêng liêng của chúng tôi.

Trong nhà cha mẹ chúng tôi, chúng tôi thường qùy dưới đất đọc Kinh Mân Côi, tay tựa vào ghế dựa. Điều ấy cho chúng tôi thấy rất sớm tầm quan trọng của Mẹ Thiên Chúa đối với người Kitô Hữu.

Chúng tôi cũng giữ nhiều ngày lễ kính Đức Mẹ. Mẹ và chị gái tôi đều lấy tên Maria. Hiển nhiên, tên ấy rất quan trọng trong gia đình tôi. Chúng tôi cũng đến Đền Altotting (một trong các đền Đức Mẹ nổi tiếng nhất Âu Châu). Chúng tôi biết chúng tôi mang ơn Mẹ Thiên Chúa nhiều lắm và có thể đem mọi ưu tư của chúng tôi đến với Ngài.

Lần chuỗi Mân Côi, các buổi đọc kinh ban trưa Chúa Nhật, các cuộc rước kiệu ngày Lễ Mình Thánh Chúa ở Bavaria: các thực hành lòng đạo bình dân này khiến cho đức tin người ta trở nên bản thân, không trừu tượng hay hình thức nhưng thiết thân, nhân bản, êm ái và qúy hóa, một đức tin đi vào câu truyện đời mình và đòi cho được một chỗ đứng thiết yếu.

Đức ông và người em trai của đức ông đều bị động viên vào quân đội Đức lúc còn thiếu niên. Ngài thoát qua kinh nghiệm ấy ra sao?

Nói chung, đó là thời kỳ đầy nôn nóng, chờ đợi và hy vọng, hy vọng nó sẽ chấm dứt và mình có thể sống thoát. Người ta không chú tâm chi đến hiện tại, mà luôn hướng về tương lai. Tôi xin đơn cử một thí dụ. Một đêm kia, chúng tôi được trao nhiệm vụ sửa đường giây điện thoại. Bầu trời lúc ấy được một đám cháy rừng vĩ đại thắp sáng, và ai trong chúng tôi cũng nghĩ: mình phải sống qua đêm nay. Cứ thế chúng tôi hy vọng sống thoát để có được cuộc sống bình thường, cuộc sống dân sự, trong đó mình có hể thực hiện được các kế hoạch trong đời, tham gia một nghề nghiệp, chuẩn bị một tương lai và rồi thực hiện được tương lai ấy, nghĩa là trở về cuộc sống có trật tự.

Lúc kết thúc chiến tranh, giống như em trai của đức ông, đức ông từng bị bắt làm tù binh. Em trai của đức ông nói rằng ngài không bao giờ quên được niềm vui được trở về nhà.

Tôi bị Mỹ bắt làm tù binh, ở miền Nam nước Ý gần Vesuvius, và không có bất cứ tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài. Chúng tôi chỉ biết rằng mọi sự đang rối tung khắp hướng ở Đức, rằng người Mỹ đang tới, và người Đức đang cố đánh trận đánh cuối cùng. Nhưng tôi không biết liệu cha mẹ tôi còn sống hay không, chị gái và em trai tôi ra sao. Nhà chúng tôi còn đó hay không? Tôi thật sự không biết gì cả.

Đầu tháng Bẩy, chúng tôi được tầu chở lên miền Bắc rồi đi xe búyt tới Bad Aibling (một trại tù binh khổng lồ). Ở đó ít ngày, rồi chúng tôi được thả. Người Mỹ dùng xe tải chở chúng tôi về quê cũ. Tôi vội chạy về nhà và muốn biết xem “Có ai còn sống không? Vẫn những người cũ ở đấy đấy chứ? Nhà tôi còn đó không? ”. Ôi, mẹ tôi đang đứng ngay tại giếng, cha tôi thì ở trong nhà, em trai tôi cũng được thả khỏi tù, và cả chị gái tôi cũng đang có mặt. Đấy có lẽ là giây phút ngọt ngào nhất trong suốt cuộc đời tôi.

Về Nước Mỹ

Đức ông đã cùng ca đoàn Regensburg thăm viếng nước Mỹ. Đức ông còn nhớ nước đó không?

Đó là một đất nước rộng lớn với nhiều bộ mặt khác nhau. Các buổi trình diễn của chúng tôi đặc biệt thu hút người Đức lưu vong. Họ rất vui được gặp lại người từ quê cha và được nghe những bài ca đem quê hương lại gần họ.

Tôi nhớ một buổi phụng vụ trong nhà thờ ở Boston, trong đó chúng tôi cũng có hát. Qủa là một buổi lễ đầy nhân bản, thân ái, không gò bó. Chúng tôi rất thích. Đó là khía cạnh quan trọng nhất.

Tôi cũng nhớ có đến tiệm McDonald và rất lấy làm lạ thấy các anh ăn xong liệng hết chén dĩa đi. Nhưng lẽ dĩ nhiên, các anh cũng có nền văn hóa biết ăn trong khung cảnh tư riêng của đời sống Mỹ, bên ngoài các tiệm ăn lẹ.

Em trai đức ông sắp sửa thăm viếng nước này. Đức ông có nỗi sợ hay niềm mong ước gì không?

Tôi không hề sợ có chuyện xẩy ra. Tại Mỹ, khó có mưu toan ám sát. Tuy nhiên sợ là sợ không biết ngài có thành công trong việc thực hiện được các hoài mong của công chúng hay không thôi.

Ngài vốn có tài năng biết nói với người khác, tỏ ra một con người nhân bản đầy thiện cảm. Tôi hy vọng điều ấy sẽ rõ ràng đối với mọi người ở Mỹ.

Cuộc thăm viếng này không những chỉ có khía cạnh nhân bản, mà đặc biệt còn có khía cạnh tôn giáo nữa. Tôi hy vọng ngài sẽ làm cho đức tin thành thiện cảm, đáng tin. Đó mới là mục tiêu thực sự của cuộc thăm viếng mục vụ này. Đây không phải là vấn đề đi du lịch.

Tôi thực sự hy vọng rằng điều ấy sẽ thành công ở mọi giới ngài đến thăm. Hy vọng nó sẽ đem lại cho Giáo Hội Hoa Kỳ một thúc đẩy về mục vụ.

Thăm Đức Giáo Hoàng

Bây giờ em trai của đức ông đã là giáo hoàng. Đức ông nhớ gì về cuộc đến thăm ngài mới đây nhất, dịp lễ Giáng Sinh?

Thường thường chúng tôi dâng lễ với nhau vào buổi sáng. Em trai tôi là chủ tế: các thư ký và tôi cùng đồng tế. Sau thánh lễ, chúng tôi im lặng tạ ơn. Rồi ngài đọc sách nguyện cho tôi nghe; vì mắt tôi lôi thôi lắm. Tôi không còn đọc sách nguyện được nữa.

Chúng tôi cũng đọc kinh sáng (lauds) và kinh trưa với nhau. Tôi phải bằng lòng với Kinh Mân Côi thôi. Ngài đọc trọn bộ sách nguyện bằng tiếng Latinh.

Rồi chúng tôi dùng điểm tâm, với một số người khác. Sau đó tôi về phòng riêng. Đôi khi, Nữ Tu Christina đọc to một vài điều cho tôi nghe. Tôi nghe khá nhiều CD.

Trước bữa trưa mấy phút, ngài tới mời tôi, chúng tôi cùng nhau xuống dùng bữa. Ở đó đã có một số các vị thư ký. Ngài lưu tâm đến việc đi bộ, đến vận động, vì điều ấy quan trọng đối với tình trạng thể lý của ngài.

Tôi còn nhớ có lần chúng tôi được lái xe xuống Hang Đức Mẹ Lộ Đức trong Vườn Vatican. Tình trạng của tôi tệ đến nỗi không đi bộ xuống đó được. Và ở đó, chúng tôi cùng lần chuỗi Mân Côi với nhau. Rồi chúng tôi tản bộ trong chốc lát và sau đó gặp nhau ở bữa tối.

Ăn tối xong, chúng tôi xem tin tức trên Đài RAI (Đài Truyền Hình Ý), rồi tản bộ một lần nữa, đọc kinh tối (compline) và thế là hết ngày.

Các ngài có nhiều thì giờ để chuyện trò với nhau không?

Chút chút thôi, nhưng chúng tôi đã có những giờ ăn chung với nhau, cử hành Thánh Thể, đọc kinh Mân Côi buổi chiều và hầu hết buổi chiều Chúa Nhật, sau giờ nghỉ trưa, nhất là lúc ở Castel Gandolfo.

Thí dụ, chúng tôi ngồi bên cạnh hồ tắm, để cùng đọc sách và chuyện gẫu với nhau tại đó… Sau một ngày, thường thì thời giờ chẳng còn bao nhiêu. Nhưng những giây phút ở bên nhau như thế cũng đủ rồi.

Đức ông có dự tính một cuộc viếng thăm khác nữa không?

Tôi sẽ xuống dưới đó ngày 22 tháng Tư này vì ngày 24 tháng Tư sẽ có buổi hòa nhạc do Tổng Thống Ý (Giorgio) Napolitano tổ chức, và tôi sẽ tham dự buổi hòa nhạc đó. Do đó, tôi sẽ lưu lại ít bữa nữa.

Sau khi em trai đức ông được bầu làm giáo hoàng, có điều gì thay đổi trên bình diện bản thân chăng?

Không. Em trai tôi đã 78 tuổi khi được bầu làm giáo hoàng. Mối liên hệ bản thân của chúng tôi lúc ấy đã kéo dài được 78 năm rồi. Nên về căn bản, chả có chi thay đổi về phương diện ấy cả.

Nhưng rất có thể đức ông sẽ phân biệt “đứa em trai” của mình với Đức Thánh Cha chăng?

Chắc chắn rồi, tôi vốn kính trọng ngài và người ta phải phân biệt giữa khía cạnh nhân bản tổng quát, (thì) ngài là em trai tôi, với khía cạnh giáo hội, (thì) ngài lại là bề trên của tôi. Và trong khía cạnh đó, ngài cũng được tôi hết sức thán phục.

Nhưng khi chuyện trò bản thân, chúng tôi vẫn như xưa.

Các ngài có bao giờ chuyện trò về thần học và chính trị giáo hội không?

Ít khi lắm. Chúng tôi thường nói về chuyện thường ngày, và cả các hoài niệm nữa. Về chính trị giáo hội, rất ít, vì nói chung, tôi không muốn can dự vào công việc của ngài và không muốn gây ảnh hưởng bất cứ cách nào đối với ngài.

Những vấn đề mọi người đều biết thì đôi lúc được đưa vào câu truyện, nhưng thường thì rất ít.

Còn thần học?

Tôi thích đọc các tác phẩm của ngài, nhưng nói về chúng lại là chuyện khác. Đôi lúc, sau khi đọc được điều gì đó, tôi mang ra hỏi để ngài giải thích. Nhưng (phần lớn) chúng tôi… chỉ ở bên nhau theo cách nhân bản và nói về cuộc sống nhân sinh hàng ngày.

Ngài hỏi thăm về những người ngài biết ở Regensburg và những nơi khác. Ngài muốn biết họ ra sao, họ sắp làm gì.

Các ngài có thường xuyên gọi điện thoại cho nhau không?

Cái đó không nhất định; không có luật lệ chi cả, nhưng nói chung, ít nhất mỗi tuần một lần. Bắt đầu ngài muốn biết chuyện đã xẩy ra, tôi cho ngài hay. Và ngược lại. Chúng tôi thường nói với nhau khá lâu trên điện thoại.

Có lợi lộc thực tiễn nào cho đức ông khi em trai đức ông làm giáo hoàng không?

Hiển nhiên là có, tôi thấy có lợi lộc thực tiễn khi đến thăm em trai mình ở Rome: từ phi trường về Vatican rất lẹ. Nếu anh biết nạn kẹt xe ở Rome thì hẳn anh biết việc đó không dễ dàng gì đâu.

Cũng còn một chiều kích quan trọng quanh Phép Thánh Thể: ở đây, chính Đấng Đại Diện Chúa Kitô đang cử hành Thánh Thể. Có cả một bầu khí đặc biệt đâu đó. Ngoài những chuyện đó, mọi sự khác đều như nhau thôi.

Di Sản Bênêđíctô

Em trai của đức ông đã quen với chức vụ mới của ngài chưa? Con muốn nói, ngài vốn có kế hoạch khác cho đời sống.

Ngài rất mềm dẻo. Ngài có thể thích ứng dễ dàng với một hoàn cảnh nhất định. Và ngài hoàn toàn chú tâm đến mọi điều người ta đòi hỏi, người ta chờ mong ở ngài. Và đây là một đòi hỏi mới, một chiều kích mới trong cuộc sống hàng ngày của ngài, một điều ngài đã mau chóng thích ứng được.

Việc bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô có thay đổi Giáo Hội tại Đức không?

Khó thấy được sự dị biệt hiển nhiên. Đối với những người đã tin, chắc chắn có cải tiến. Đối với những người đứng bên lề, không hẳn chống lại nó, chắc chắn đây là dịp để suy tư một cách bén nhậy. Nơi một số giới, nó đã dẫn tới sự thay đổi thái độ bản thân. Một số giới đã tìm thấy sự nối kết cách này cách khác với Giáo Hội, đến mức nào thì tôi không thể nói được. Thí dụ, tôi từng được nghe rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Cologne mang lại nhiều thành quả cho thừa tác vụ giới trẻ ở giáo xứ: quan tâm nhiều hơn, nhiều thái độ tích cực hơn, sống động hơn và nhiều thiện chí hơn. Đấy mới chỉ là một chứng tá, chắc chắn còn nhiều chứng tá khác nữa.

Liệu em trai của đức ông có viếng thăm Đức lần nữa không?

Ý muốn thì có đó. Nhưng ngài cũng có cùng một bổn phận ấy với toàn thể thế giới. Ngài vốn đã về Đức hai lần rồi. Bây giờ đến lượt các nước khác. Bởi vậy, một dấu hỏi có lẽ khôn ngoan hơn. Mặt khác, du hành đâu còn dễ dàng gì với tuổi gìa.

Khi cuộc đời về chiều, đức ông có kế hoạch hay ước muốn gì không?

Đến tuổi của chúng tôi, cuộc sống đã được sống trọn rồi. Người ta hoặc đã đạt được mục đích hoặc ngồi mà hối tiếc chúng. Người ta ráng sống những tháng hay những năm cuối cùng một cách nào đó để không gây ra vấn đề, mà là để tạo ra bình an, cố gắng thi hành bổn phận của mình bao nhiêu có thể. Đức Giáo Hoàng có một viễn tượng mới, một chân trời mới, sau khi được bầu, cũng đã được ba năm rồi, (tuy) ngài không có những kế hoạch đặc biệt lớn lao gì (nhưng vẫn phải) giáp mặt với một thực tại hoàn toàn mới và cố gắng tìm ra giải pháp đúng đắn cho thực tại ấy. Còn giấc mơ hay ước muốn ư? Không, giờ đây tôi chả còn giấc mơ hay ước muốn chi.

Làm thế nào Đức Ông phát hiện ra ơn gọi của ngài?

Lúc ấy là một thời điểm rất khác. Ngày nay, người ta mong đợi một sự kiện soi sáng, một cảm giác chắc chắn mang lại cái nhìn sâu sắc.
Từ thời thơ ấu, chúng tôi đã tham gia vào đời sống giáo hội. Tôi đã trở thành một cậu giúp lễ từ rất sớm. Đó là thế giới được tôi cảm thấy như ở nhà. Và trong kinh nghiệm thường xuyên về phụng vụ này, cũng trong tư cách cậu giúp lễ, tôi thấy rõ điều này: Đây là nơi chốn của tôi, đây là nơi tôi thuộc về.

Tôi không cần một biến cố đặc biệt. Ơn gọi của tôi dần dần rõ ràng hơn.

Cha mẹ Đức Ông phản ứng thế nào? Cả hai con trai quyết định chọn chức linh mục.

Không có phản ứng đặc biệt nào của cha mẹ chúng tôi vì nó phát triển dần dần.

Cha mẹ chúng tôi nói: “các con phải biết điều đó. Cha mẹ giúp đỡ các con, cha mẹ làm phần của cha mẹ, cha mẹ tạo cơ hội cho các con, nhưng các con phải biết điều đó”.

Cha mẹ chúng tôi nói điều đó ngay từ đầu: “Cha mẹ không được phép ép buộc con cái cách này hay cách khác. Các bậc cha mẹ phải đứng đằng sau các quyết định của con cái họ”.

Tôi nhớ Đức Hồng Y [Joseph] Höffner, tổng giám mục đã qua đời của Cologne, đã nói về ơn gọi của ngài. Cha ngài không nói nên lời, mãi mới nói vỏn vẹn “ba giả thiết ba sẽ phải mua cho con bộ đồ màu đen”.

Đức Ông có bất cứ nghi ngờ nào không?

Không, không có bất cứ nghi ngờ nào về đức tin. Nhưng luôn có những câu hỏi, trong đó, tôi phải nói, “tôi không hiểu điều đó, đó là một điều khó hiểu đối với tôi và tôi không biết người khác hiểu điều đó như thế nào. Chúa chúng ta sẽ soi sáng, ở phía bên kia”.

Các khó hiểu luôn có đó, hết lần này đến lần nọ. Nhưng nghi ngờ về đức tin ư? Không.

Điều gì là cao điểm của Đức Ông trong suốt cuộc đời làm linh mục?

Tại Công đồng Vatican II, Regensburger Domspatzen và tôi được phép thiết kế âm nhạc trong một cử hành Thánh Thể. Mỗi phiên họp của công đồng đều bắt đầu bằng một Thánh lễ trọng thể, trong đó tất cả các nghị phụ công đồng đều tham dự. Thật là tuyệt vời.

Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một cuộc cử hành Thánh Thể tại Nhà thờ Thánh Phêrô – một phiên họp của các giám mục, Đức Giáo Hoàng tại bàn thờ, những người không theo đạo Công Giáo và các nhà quan sát báo chí… tham dự Thánh lễ thật hết sức nâng cao tinh thần.

Có một ốc đảo nào đó, nơi Đức Ông có thể làm mình tươi mát về thiêng liêng không?

Phần quan trọng nhất trong ngày là Phép Thánh Thể, mà tôi đồng tế hàng ngày. Vì mắt tôi có vấn đề, nên tôi không thể tự mình cử hành được, vì vậy tôi buộc phải đồng tế.

Tôi không thể tưởng tượng cuộc sống mà không được cử hành hàng ngày. Chỉ cử hành mỗi tuần một lần – như một số linh mục làm – là điều tôi không thể tưởng tượng nổi.

Tôi làm mình tươi mát lại trong Bí tích Thánh Thể, vào sáng sớm, trong bầu không khí tĩnh lặng, bình an, thờ lạy. Nó cũng là một một việc xây dựng bên trong. Điều đó đủ cho cả ngày.

Đó là cách bắt đầu một ngày; Tôi thích nhất Phép Thánh Thể vào buổi sáng. Sau đó, bạn không cần nhiều hơn để nuôi sống bản thân về thiêng liêng.

Lòng yêu nước, vốn gắn liền với gốc rễ của người ta, có ý nghĩa gì đối với Đức Ông và gia đình Đức Ông?

Nhà của chúng tôi ở đây, nơi tâm trí của chúng tôi nghỉ ngơi, nơi chúng tôi thuộc về. Đầu tiên ở Traunstein, sau ở Regensburg. Sau tất cả các cuộc hành trình, người ta có nơi chốn của mình, sự ổn định của mình, nơi người ta thuộc về, nơi người ta có thể đến để nghỉ ngơi, về hưu.

Được gắn liền với gốc rễ của mình là một điều cần thiết trong cuộc sống của con người. Điều đó sẽ không bao giờ trở thành quá khứ; điều này đúng với những người trẻ, cả với những người sống ở thị thành.

Có nơi nào Đức Ông muốn đi cùng với em trai Đức Ông hay không?

Trước đây tôi muốn thực hiện một chuyến đi đến Tây Ban Nha, đến Santiago de Compostela, nơi hành hương có liên hệ với Thánh Giacôbê. Tôi rất thích được thấy nơi đó, nhưng cả Toledo nữa với những nhà thờ lớn tuyệt vời.

Hôm nay, tôi đã xóa bỏ ý định đó rồi. Nhưng nó vốn là giấc mơ của tôi trong một thời gian dài.

Âm nhạc là niềm đam mê của Đức Ông. Đức Ông đã điều khiển ca đoàn Regensburger trong một thời gian dài, một trong những ca đoàn nổi tiếng nhất thế giới. Âm nhạc phụng vụ cần chu toàn các tiêu chuẩn nào?

Âm nhạc phụng vụ phải dẫn đến việc cầu nguyện và suy niệm. Nó phải làm người ta thanh thản, giúp người ta tập trung vào Thiên Chúa, vào điều cốt yếu.

Thái độ căn bản, thờ lạy, là điều thiết yếu trong phụng vụ. Nó phải giúp đỡ trong việc đó. Điều gì không giúp đỡ rõ ràng là không phù hợp.

Đức Ông thích thể loại nhạc nào?

Đối với tôi, thánh ca Gregorian mạnh mẽ gắn liền với thời kỳ đầu tiên của Kitô giáo – không tình cảm ướt át, không có gì hoành tráng, chỉ đơn giản, tập trung vào nội tâm, nhưng cũng cổ điển, đa âm và là âm nhạc cổ điển như Haydn, Mozart và Schubert.

Đối với nhiều người, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một vị thánh. Đức Ông nghĩ gì về ngài?

Tôi ngưỡng mộ ngài ngay từ đầu. Tôi đích thân được gặp ngài tại hội trường Hercules ở Munich trong chuyến ngài viếng thăm Đức đầu tiên, nơi ngài nói chuyện với các nghệ sĩ. Chúng tôi được phép hát ở đó.

Ngài có vẻ thích tôi ngay từ đầu. Ngài là một kiểu người cha, tỏa sáng lòng tốt và lòng nhân từ. Người ta biết điều này căn cứ vào hình ảnh và truyền hình, nhưng cả trong các cuộc gặp gỡ bản thân, người ta trải nghiệm nó cách trực tiếp.

Tình liên đới của ngài, tình thân ái của ngài – không những do tính khí nhân bản của ngài, mà còn được gia tăng và sâu sắc hóa vì ngài đã làm điều đó trong tư cách đại diện đức tin của chúng ta, trong tư cách giáo hoàng, để tính nhân bản được kết hợp với sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa một cách tốt đẹp.

Tư cách thánh nhân thường bị đặt ở một nơi không thể với tới. Tôi có “một khái niệm thực tiễn về việc làm thánh”: hữu thể nhân bản đơn giản chỉ là các hữu thể nhân bản, nhưng trong lĩnh vực nhân bản này, họ tỏa sáng một lý tưởng về tính nhân bản. Và đó là ấn tượng tôi có được từ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Tôi nhớ, trong chuyến đi thứ hai tới Rôma, chúng tôi được phép hát trong nhà nguyện riêng của ngài và sau đó chúng tôi được phép hát hai bài hát trong một căn phòng bên cạnh nhà nguyện. Đức Giáo Hoàng đến với mỗi chúng tôi, chào hỏi mọi người, gửi lời chào đến cha mẹ của các ca viên và phân phát một món quà nhỏ.

Ở đấy, ông có thể cảm nhận được bầu khí nhân bản đó một cách rất cô đọng và nồng đậm. Tôi rất quý trọng ngài ngay từ đầu và nghĩ rằng đây là vị giáo hoàng cho thời đại chúng ta. Có lẽ chẳng ai muốn một vị Giáo Hoàng tốt hơn.

Khi tôi đến thăm em trai tôi ở Rôma vào thập niên 1990, tôi bị nhồi máu cơ tim và em trai tôi nói với Đức Giáo Hoàng. Và Đức Gioan Phaolô II nói rằng ngài sẽ cầu nguyện cho tôi. Đó là một niềm an ủi rất đặc biệt, một sự hỗ trợ rất đặc biệt.

Tình bạn giữa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và em trai của Đức Ông có ảnh hưởng đến cá nhân Đức Ông không?

Về việc ấy, tôi không biết rõ lắm về Đức Thánh Cha, nhưng phần nào có lẽ có.

Trong chuyến đi thứ hai đến Rôma, tôi nhớ đã tham gia bữa ăn sáng với Đức Thánh Cha, cùng với em trai và chị gái của tôi. Người ta cảm thấy một tình bạn thực sự.

Nhưng tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất tử tế với mọi người ngài gặp. Tôi tin chẳng cần thêm bớt gì nữa.

Theo quan điểm của Đức Ông, các tín hữu nên chú ý điều gì?

Tôi nghĩ nên có sự thay đổi trong suy nghĩ. Một mặt, tình hình của Giáo hội được mô tả một cách nhẫn nhục như không có tương lai. Nhưng mặt khác, người ta nhận thấy rằng ở chính những nơi người ta nhẫn nhục cách nào đó, lại thường có những cuộc tan rã.

Đức tin rất sâu xa ở bên trong, nó vẫn còn sống động trong khu vực của chúng ta và tự phát biểu trong những sự kiện và hành động bất ngờ. Điều quan trọng là những người trung thành sâu sắc nên thực hành đức tin của họ, đừng che giấu đức tin của mình, họ nên công khai tuyên xưng nó – họ nên sống đức tin của họ một cách cương quyết. Tôi nghĩ rằng trong một bối cảnh như vậy, các điểm cố định vô cùng quan trọng, và chúng sẽ lôi kéo những người chao đảo, những người không biết phải làm gì, những người có lẽ cởi mở nhưng không thể quyết định. Họ cần những cột hướng dẫn.

Vũ Văn An – Vietcatholic

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *