Cũng như lời xin lỗi không chỉ là chuyện xã giao nhưng còn gắn liền với ý nghĩa nhân sinh và ý nghĩa của đời sống đức Tin, thì lời cám ơn cũng gắn với những giá trị căn bản của đời người và của vận hành ơn cứu độ.
Trước tiên, chúng ta có thể nhận thấy rằng những hoạt động của con người trong xã hội, đặc biệt trong thế giới hiện đại hôm nay, luôn được so chiếu với nguyên lý công bằng, mặc dù là thực chất những hoạt động ấy không bao giờ thực sự và trọn vẹn công bằng. Sự công bằng thực sự là điều “còn khuya” con người mới đạt được; nhưng có lẽ thái độ xuất phát từ nguyên lý công bằng ấy, thái độ sòng phẳng, lại càng ngày càng thấm sâu vào tâm trí con người thời đại. Trong thế giới sòng phẳng như thế, rất nhiều những lời cám ơn thực chất chỉ là chuyện mầu mè giả tạo.
Tuy vậy, trong sinh hoạt xã hội của con người, luôn vẫn có những thái độ hoặc hành động không xuất từ nguyên lý trao đổi sòng phẳng, tiền trao cháo múc hoặc thuận mua vừa bán, nhưng xuất phát từ lòng tốt, từ thiện chí… và nơi đây, lời cám ơn mới có được ý nghĩa. Dù vậy, lời cám ơn ở đây vẫn chỉ dính dáng tới những chuyện tuỳ phụ bên lề cuộc sống.
Cuối cùng, chúng ta thấy lời cám ơn đích thực và chân thật nhất giống như hành động công bố một “độ lệch” trong tương quan ngã vị; nghĩa là tương quan chân thực của con người với nhau, tương quan ở mức độ phẩm giá người, tương quan ngã vị, luôn vượt qua mức độ trao đổi sòng phẳng, nhưng thực sự là mối tương giao của tình nghĩa, của trao tặng và lãnh nhận với lòng tri ân.
Như thế, chúng ta có thể tạm sắp xếp ba cấp độ của lời cám ơn :
– Lời cám ơn trong một thế giới hoàn toàn là sòng phẳng, bị chi phối do nguyên lý trao đổi, thì chằng qua chỉ là chuyện lễ nghĩa bên ngoài mà thôi.
– Lời cám ơn sẽ chân thực hơn khi người ta đón nhận được một sự trợ giúp tự nguyện nào đó, trong một tình huống nào đó vượt qua lẽ công bằng. Lời cám ơn như thế vượt qua tầng lễ nghĩa của phong tục xã hội, nhưng là dấu chỉ tỏ lộ phẩm tính tình nghĩa trong tương giao con người với nhau.
– Lời cám ơn, hoặc đúng hơn, tâm tình tri ân, gắn liền với bản chất sâu xa của phận người, thì thực sự chính là lời công bố một thế chế mới trong tương giao con người với nhau, thể chế của ân phúc, được hướng dẫn cho nguyên lý trao tặng.
Lời cám ơn ở tầng lễ nghĩa hoặc chỉ là những hoạt động bên lề cuộc sống có lẽ không có gì đáng nói. Những lời cám ơn ấy chỉ là chuyện xã giao thường tình, góp phần làm đẹp thêm cho cuộc sống một chút. Điều quan trọng hơn, như đã nói trên, lời cám ơn chân thực giống như một lời công bố về một thế giới tình nghĩa của con người. Quả thật, đời sống của con người không thể dừng lại ở mức độ trao đổi sòng phẳng, không thể mang lại niềm vui sâu xa cho lòng người nếu không đạt đến mức độ tình nghĩa, nếu không đạt đến mức độ của tình yêu trao tặng, tình yêu tha thứ và tình yêu hy sinh…
Đức Benêdicto XVI, trong thông điệp Bác ái trong Chân lý đã nói : “Công lý là con đường đầu tiên của bác ái, hay, như đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói – là “tiêu chuẩn tối thiểu” của bác ái”. (CV s. 6)
Công lý là con đường đầu tiên, như mức độ tối thiểu. Như thế, cuộc sống của con người với nhau, xã hội con người, “thành phố của con người” còn cần phải không ngừng vươn tới đẳng cấp tình nghĩa, được thực hiện bằng những hành vi trao tặng vô vị lợi, và đưa con người vào mối tương quan “mắc nợ nghĩa tình” với nhau :
“… bác ái vượt trên công bằng và hoàn thiện trong luân lý ban tặng và tha thứ. “Thành phố của con người” đòi buộc không những các liên hệ phải dựa trên quyền lợi và trách nhiệm, nhưng còn hơn nữa và trước hết, qua những nối kết vô vị lợi, nhân từ và hiệp thông” (Benedicto XVI, Thông điệp VC s. 6).
Nếu xã hội con người càng ngày càng bị chi phối do nguyên lý sòng phẳng, thì người Kitô hữu, hơn lúc nào hết, trong nền tảng đức Tin của mình, càng khẩn thiết tìm lại giá trị cuộc sống tình nghĩa, bắt nguồn từ tình yêu lớn lao, tình yêu tặng không, tình yêu quảng đại và tha thứ của Thiên Chúa; và người Kitô hữu càng nhận ra sứ mạng làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với con người bằng cách đưa vào thế giới này thứ tương giao mắc nợ nghĩa tình.
Từ ý nghĩa sâu xa ấy, lời cám ơn bình thường trong cuộc sống có thể được “cử hành” như một tỏ lộ sự sống mới, như một lời công bố thế giới mới đầy hương vị tình yêu.