Tôi thấm thía hai chữ “bao dung” của người Sài Gòn từ má Năm qua “vụ án” con gà. Đó là năm 1989, tôi khăn gói từ Bình Định vào Sài Gòn bắt đầu chinh phục giấc mơ đại học.
Năm thứ nhất, sinh viên một số khoa của Trường đại học Tổng hợp Sài Gòn chúng tôi được ở ký túc xá tại cơ sở 3 thuộc TP Thủ Đức hiện nay. Chiều hôm ấy, đang chơi bóng chuyền thì trời mưa lớn, chúng tôi vào hành lang ký túc xá chờ mưa ngớt. Tôi nhìn thấy một con gà mái khá “đẹp gái” cũng đang nép mình trong góc. Chợt nảy ra ý định nghịch ngợm, tôi rủ các bạn cùng phòng vây bắt.
Nồi cháo gà đáng nhớ
Phòng chúng tôi 6 người hình thành hai luồng ý kiến tranh luận nên “trả tự do” cho con gà hay giữ lại. Thế rồi tất cả đã đi đến quyết định sai lầm mà đến bây giờ vẫn ân hận: nấu cháo gà. Con gà đáng thương đã nhanh chóng bị cho vào nồi. Cũng có người thương cảm cho phận gà tội nghiệp nhưng rồi đều tặc lưỡi “nào biết gà của ai”.
Khi chúng tôi đang thưởng thức món cháo gà, bỗng một bác gái tìm đến tận phòng. Vẻ mặt rất lo lắng nhưng không hề căng thẳng, bác hỏi chúng tôi rất nhẹ nhàng, thì ra bác đi tìm con gà mái bởi thường ngày vào giờ này nó đã lên chuồng. Cả phòng chúng tôi im bặt. Chuyện bắt trộm gà rất nhiều người biết nên việc tìm ra “thủ phạm” không hề khó.
Bác nhìn vào nồi cháo và hiểu ra tất cả, song bác vẫn không nói gì, chỉ bật khóc. Chúng tôi chưa kịp nhận lỗi thì bác đã ra về.
Đến lượt cả phòng tôi tìm gặp bác. Vừa bước vào nhìn ngôi nhà của bác, chúng tôi đã muốn rơi nước mắt.
Gọi là nhà chứ thực ra vách và mái đều toàn bằng lá. Cửa nhà bác không cần khóa vì chẳng có gì để lo mất trộm, duy có chuồng gà được làm khá kiên cố, đủ thấy rằng với bác con gà quý như thế nào. Chồng mất sớm, hằng ngày bác đi bán vé số dạo, con trai bác thì ai thuê gì làm nấy.
Con gà mái đang đẻ trứng đều đặn vừa bị chúng tôi bắt trộm chính là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho cô con dâu sắp vượt cạn của bác.
Bài học làm người
Tiếc con gà đứt ruột nhưng bác không hề trách mắng chúng tôi. Bác thấy anh em tôi biết nhận lỗi nên vui lòng bỏ qua. Bác ôn tồn hỏi thăm quê quán, hoàn cảnh gia đình của từng người để cùng quên đi chuyện hôm ấy. Bác dặn chúng tôi rằng con trai bác không được học hành đến nơi đến chốn là điều rất thiệt thòi, anh em tôi may mắn hơn nên hãy cố gắng học tốt, sống tốt.
Một người phụ nữ bình dị nhưng giàu lòng vị tha cùng những lời căn dặn mộc mạc, chân chất như cuộc đời của bác đã khiến chúng tôi xúc động và khâm phục. Tất cả hứa với bác sẽ luôn xứng đáng với lòng khoan dung và tình cảm của bác.
Kể từ đó chúng tôi thường xuyên đến thăm gia đình bác. Có lần tôi hỏi: “Sao hôm ấy bác không giận dữ khi biết tụi con bắt trộm gà?”. Bác cười đôn hậu và hóm hỉnh: “Nhờ bác không giận nên mới có thêm sáu đứa con trai”.
Tôi không bỏ lỡ cơ hội: “Trước giờ tụi con gọi là bác Năm. Vậy từ nay con xin gọi là má Năm nha!”. Thế là chúng tôi có thêm một người mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học dù công tác ở những cơ quan khác nhau, chúng tôi vẫn đều đặn đến thăm má.
Tôi còn học được ở má Năm tình người sẻ chia. Má nghèo nhất xóm nhưng không chịu nhận mình nghèo. Hôm nào bán được nhiều vé số má đều mua bánh chiên tặng trẻ em gần nhà. Có chị nằm viện cả tuần mà gia đình neo người, má tranh thủ về sớm hơn mọi ngày để vào bệnh viện suốt đêm chăm sóc chị. Trong tâm trí chúng tôi, má Năm hội tụ đầy đủ phẩm chất đạo đức dịu hiền của người mẹ Công Giáo Việt Nam kiên cường, và cũng tựa như là một vị “Thánh” sống.
Lá vàng, lá khô rồi lá rụng. Ngày má Năm về trời, cả sáu anh em chúng tôi túc trực tại đám tang như người ruột thịt. Hằng năm vào ngày giỗ má, chúng tôi đều đến nhà má thắp nhang tưởng nhớ và đi xin lễ cầu nguyện cho linh hồn Anna của má. Má không sinh ra chúng tôi nhưng cũng là mẹ hiền dạy chúng tôi nên người. Lời má dặn “đói cho sạch, rách cho thơm” tôi không bao giờ quên.
Ấn tượng tốt đẹp của tôi về má Năm chính là những bài học nhân cách ngoài giảng đường. Má dạy tôi biết giữ mình trong sạch, tránh được những cám dỗ vật chất đời thường. Tôi – “kẻ chủ mưu” vụ bắt trộm gà gần 32 năm trước – giờ đây đã có thể tự hào khi được là con của má Năm Sài Gòn.
BCT ( TTO )