ĐTC tiếp kiến chung 12.05.2021: Chúa Giê-su luôn ở bên chúng ta dù chúng ta có thể không biết

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng 12/5/2021, Đức Thánh Cha nói rằng cầu nguyện không phải dễ dàng vì bản tính con người chúng ta dễ chia trí, chán nản. Ngài khuyên chúng ta theo gương các thánh, dù trong đêm tối của đời sống nội tâm, luôn kiên trì cầu nguyện hơn. Ngài khẳng định rằng chúng ta không bao giờ cô độc vì Chúa Giê-su luôn ở bên chúng ta,dù chúng ta có thể không biết.

Sau 6 tháng phải tổ chức các buổi tiếp kiến chung trực tuyến vì tình hình đại dịch vẫn còn nghiêm trọng, sáng thứ Tư 12/5,  Đức Thánh Cha Phanxicô lại có thể gặp gỡ trực tiếp các tín hữu trong buổi tiếp kiến chung tại sân Damaso ở nội thành Vatican.

Đức Thánh Cha đi xe hơi đến sân Damaso giữa tiếng hô “Viva Papa” của các bạn trẻ. Sau khi chào các linh mục thông dịch các ngôn ngữ chính, Đức Thánh Cha nhận những bức tranh của các trẻ em, chào một phụ nữ ngồi xe lăn, và ngài đi vòng quanh chào hỏi, trò chuyện với các tín hữu, nhận và ký tặng các món quà của một số tín hữu. Khoảng 500 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến đến từ các miền nước Ý, từ Hoa Kỳ, Colombiacũng tỏ ra rất vui mừng khi được nhìn thấy Đức Thánh Cha sau một thời gian dài.

Bài giáo lý trong buổi tiếp kiến nói về đề tài “cuộc chiến thiêng liêng”. Đức Thánh Cha nói rằng cầu nguyện không luôn luôn là điều dễ dàng, vì bản tính con người chúng ta thường bị chia trí hoặc bị cám dỗ bởi những ưu tiên dường như quan trọng hơn. Lời cầu nguyện có thể bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm chán nản, buồn bã hoặc thất vọng của con người chúng ta. Trong thực tế, nhiều vị thánh đã trải qua thời gian dài của sự khô khan về thiêng liêng và thậm chí là tăm tối. Các ngài dạy chúng ta rằng cách đáp trả duy nhất đối với những cám dỗ này là sự kiên trì hơn.

Thánh I-nhã sử dụng hình ảnh quân đội để nhấn mạnh tầm quan trọng của kỷ luật trong nỗ lực của chúng ta để phục vụ dưới ngọn cờ của Chúa Kitô. Thánh Antôn đã học được từ những trận chiến thiêng liêng khó khăn khắc nghiệt trong sa mạc rằng mặc dù đôi khi Chúa dường như vắng mặt giữa những cuộc chiến này, nhưng Người vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta. Trong nỗ lực kiên trì cầu nguyện hàng ngày, chúng ta có thể tin tưởng rằng cuộc chiến thiêng liêng của chính chúng ta, giống như cuộc chiến của Gia-cóp với thiên thần (xem St 28,16), sẽ sinh hoa kết quả trong mối quan hệ sâu sắc và trưởng thành hơn với Chúa.

Buổi tiếp kiến được bắt đầu với việc lắng nghe đoạn sách thánh trích từ Thánh vịnh 10 (1.12-14):

Lạy CHÚA, sao Chúa nỡ đứng xa,

ngày khốn quẫn, sao Ngài đành ẩn mặt?

Lạy CHÚA, xin đứng dậy ra tay,

xin đừng quên những người nghèo khổ.

Sao kẻ ác dám khinh thường Thiên Chúa,

dám nhủ thầm : “Chúa chẳng phạt đâu!”

Nhưng Chúa nhìn nỗi khổ cực đau thương,

Chúa để ý, tự tay lo liệu.

Người yếu thế giao phó đời mình cho Chúa,

kẻ mồ côi được chính Chúa phù trì.

Niềm vui gặp gỡ

Trước khi bắt đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất vui khi gặp lại nhau “diện đối diện”. Ngài nói rằng thật không vui khi nói mà không có cử tọa, khi phải nói chỉ với máy quay phim, nhưng thật tuyệt vời khi gặp dân chúng, mỗi người  với câu chuyện đời mình, những người ở xa nhưng luôn đến gần với nhau. Ngài cảm ơn sự hiện diện của các tín hữu và yêu cầu họ mang sứ điệp của ngài cho tất cả mọi người, đó là: “Tôi cầu nguyện cho tất cả và tôi xin tất cả hiệp nhất trong cầu nguyện, cầu nguyện cho tôi.”

Cầu nguyện không phải là điều dễ dàng

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Việc cầu nguyện của Ki-tô  giáo, giống như toàn bộ đời sống Ki-tô  hữu, không phải là một “cuộc dạo chơi”. Không một bậc thầy cầu nguyện nào mà chúng ta gặp trong Kinh Thánh và trong lịch sử Giáo hội lại có đời sống cầu nguyện “thoải mái”. Cầu nguyện chắc chắn mang lại hòa bình tuyệt vời, nhưng thông qua một cuộc chiến nội tâm, đôi khi khó khăn, có thể gặp thấy trong suốt thời gian dài của cuộc đời. Cầu nguyện không phải là một điều dễ dàng. và vì thế chúng ta thường trốn cầu nguyện.

Mỗi khi chúng ta muốn cầu nguyện, trong tâm trí ngay lập tức xuất hiện nhiều hoạt động khác, vào lúc đó dường như quan trọng và cấp bách hơn. Hầu như luôn luôn, sau khi trì hoãn việc cầu nguyện, chúng ta nhận ra rằng những điều đó không cần thiết chút nào, và chúng ta có thể đã lãng phí thời gian. Kẻ thù lừa dối chúng ta như thế.

Đêm tối tâm hồn

Đức Thánh Cha nói tiếp: Tất cả những con người của Thiên Chúa không chỉ kể lại niềm vui khi cầu nguyện, nhưng cả sự buồn chán và mệt mỏi mà nó có thể gây ra: đôi khi trung thành với việc giữ thời gian và cách thức cầu nguyện là một cuộc chiến đấu  khó khăn. Một số vị thánh đã cầu nguyện trong nhiều năm mà không cảm nếm được niềm vui, không nhận thức được sự hữu ích của cầu nguyện. Thinh lặng, cầu nguyện, tập trung là những bài tập khó, và đôi khi bản chất con người nổi loạn. Chúng ta thà ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, nhưng không phải ở đó, ngồi trên ghế nhà thờ đó để cầu nguyện. Những ai muốn cầu nguyện phải nhớ rằng đức tin không dễ dàng, và đôi khi nó diễn ra gần như hoàn toàn trong bóng tối, không có điểm quy chiếu. Có những thời điểm đen tối trong đời sống đức tin mà các thánh gọi là “đêm tối tâm hồn”, bởi vì chúng ta không cảm thấy được điều gì. Nhưng chúng ta tiếp tục cầu nguyện.

Những kẻ thù của cầu nguyện

Sách Giáo lý liệt kê một danh sách dài những kẻ thù của sự cầu nguyện, những thứ gây khó khăn cản trở việc cầu nguyện (xem 2726-2728). Một số người nghi ngờ rằng lời cầu nguyện có thể thực sự đến được với Đấng Toàn năng: nhưng tại sao Thiên Chúa vẫn im lặng? Nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn năng, Người có thể nói hai ba tiếng và chấm dứt sự việc. Đối mặt với sự khó nắm bắt của thần thánh, những người khác nghi ngờ rằng cầu nguyện chỉ là một hoạt động tâm lý đơn thuần; là điều gì đó có thể hữu ích, nhưng không đúng và cũng không cần thiết: một người thậm chí có thể là một người cầu nguyện mà không phải là một người có đức tin.

Tuy nhiên, những kẻ thù tồi tệ nhất của sự cầu nguyện được tìm thấy trong chúng ta. Sách Giáo lý mô tả chúng: “Chán nản vì khô khan, buồn phiền vì mình không tiến dâng tất cả cho Chúa, (vì chúng ta có nhiều của cải) , thất vọng vì Chúa không theo ý mình, kiêu ngạo nên chai lỳ trong tình trạng bất xứng của tội nhân, dị ứng với việc cầu nguyện vì cho rằng cầu nguyện là xin xỏ và việc cho không của Chúa” (GLCG 2728). Đó rõ ràng là một danh sách tóm tắt; nó có thể được mở rộng.

Kiên trì cầu nguyện hơn

Chúng ta phải làm gì khi bị cám dỗ, khi mọi thứ dường như lung lay? Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử tu đức, ngay lập tức chúng ta thấy rằng các bậc thầy của linh hồn biết rất rõ ràng về tình huống mà chúng ta đã mô tả. Để vượt qua nó, mỗi người trong số họ đều đưa ra một số đóng góp: một lời nói khôn ngoan, hoặc một gợi ý để đối phó với những thời điểm khó khăn. Vấn đề không phải là những lý thuyết phức tạp, mà là những lời khuyên được đúc kết từ kinh nghiệm, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc bền vững và kiên trì trong lời cầu nguyện.

Lời khuyên của thánh I-nhã

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu xem lại ít nhất một số lời khuyên này, bởi vì mỗi lời khuyên đều đáng được khám phá thêm. Ngài nói: Ví dụ, các Bài Linh thao của Thánh I-nhã là một cuốn sách ngắn chứa đầy sự khôn ngoan tuyệt vời, dạy cách sắp xếp trật tự cuộc sống của mình. Nó làm cho chúng ta hiểu rằng ơn gọi Kitô hữu là chiến đấu, đó là quyết định đứng dưới ngọn cờ của Chúa Giêsu Kitô chứ không phải dưới ngọn cờ của ma quỷ, bằng cách cố gắng làm điều tốt ngay cả khi điều đó trở nên khó khăn.

Kinh nghiệm của Thánh An-tôn ẩn tu

Và Đức Thánh Cha nhắn nhủ: Trong những lúc gặp thử thách, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta không đơn độc, nhưng có người đang quan sát và bảo vệ chúng ta. Thánh An-tôn viện phụ, người sáng lập ra đời sống ẩn tu Ki-tô giáo, cũng phải đối mặt với thời kỳ khủng khiếp ở Ai Cập, khi việc cầu nguyện trở thành một cuộc đấu tranh khó khăn. Thánh Atanasio, Giám mục thành Alexandria, người viết tiểu sử của thánh An-tôn, đã kể lại rằng một trong những giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc đời của vị thánh ẩn tu là vào khoảng năm 35 tuổi, tuổi trung niên mà nhiều người gặp khủng hoảng. Thánh An-tôn đã bị xáo trộn bởi thử thách, nhưng đã chống cự. Cuối cùng khi đã thanh thản trở lại, ngàiquay sang Chúa với giọng điệu gần như trách móc: “Chúa đã ở đâu? Tại sao Chúa không đến ngay lập tức để chấm dứt sự đau khổ của con? ” Và Chúa Giê-su trả lời: “An-tôn, Ta đã ở đó. Nhưng Ta đã chờ đợi để xem con chiến đấu” (Cuộc đời thánh An-tôn, 10).

Một kinh nghiệm chiến đấu trong cầu nguyện

Cầu nguyện nhiều khi là một cuộc chiến. Đức Thánh Cha thuật lại một kinh nghiệm của ngài: một người đã vượt qua chặng đường 70 km để đến đền thánh Đức Mẹ Luján ở Argentina để cầu nguyện cho đứa con gái bị bệnh nặng và các bác sĩ không thể giúp được gì hơn. Đến nơi vào lúc 10 giờ đêm, đền thánh đã đóng cửa, người này cầu nguyện suốt đêm ở đền thờ để xin Đức Mẹ chữa lành cho con gái. Đến 6 giờ sáng, khi đền thánh mở cửa lại, ông vào chào Đức Mẹ và trở về bệnh viện và con gái ông đã được chữa lành. Đức Mẹ đã lắng nghe lời cầu nguyện của ông. Đức Thánh Cha khuyên các tín hữu cầu nguyện kiên trì, như một cuộc chiến.

Chúng ta sẽ thấy Chúa hiện diện bên mình

Kết thúc bài giáo lý, Đức Thánh Cha khẳng định: Nếu chúng ta không thể nhìn thấy sự hiện diện của Người trong một giây phút mù mịt, thì chúng ta sẽ có thể nhìn thấy trong tương lai. Chúng ta cũng sẽ lặp lại chính câu mà tổ phục Gia-cóp đã từng nói: “Chắc chắn, Đức Chúa ở nơi này mà tôi không hề biết” (St 28,16). Vào cuối cuộc đời mình, nhìn lại quá khứ, chúng ta cũng có thể nói: “Tôi đã nghĩ rằng tôi cô độc, nhưng không, tôi đã không đơn độc: Chúa Giê-su đã ở với tôi.”

Hồng Thủy – Vatican News

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *