Vấn nạn về các ngôi mộ vô danh tại Canada – Những điều người Công Giáo nên biết

Cuối tháng năm vừa qua, sử dụng radar xuyên đất, người ta phát hiện ra 215 ngôi mộ vô danh tại một trường nội trú cũ ở Kamloops, British Columbia. Các phương tiện truyền thông mô tả điều này là một chứng tích cụ thể nói lên điều họ gọi là “tội ác” của Giáo Hội Công Giáo và đang làm ầm ĩ lên để buộc Đức Thánh Cha Phanxicô phải sang tận Canada xin lỗi.

Vấn nạn về các ngôi mộ vô danh tại Canada – Những điều người Công Giáo nên biết

Những điều người Công Giáo nên biết là:

Thứ nhất: Chính sách buộc các trẻ em thổ dân da đỏ theo học tại các trường nội trú nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách của chính phủ Canada, không phải của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả 130 trường nội trú đều là do chính phủ Canada dựng lên. Các phái bộ truyền giáo tham gia điều hành các trường nội trú này là vì thấy ở đây cơ hội truyền giáo.

Thứ hai: Ngày nay, người ta nói rằng chính sách hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách diệt chủng văn hóa. Cho mãi đến thập niên 1990, nhà cầm quyền Canada và xã hội nói chung không nghĩ như thế, mà đơn thuần chỉ nghĩ rằng chính sách này mang lại ánh sáng văn minh, và một cuộc sống khả quan hơn người bản địa.

Thứ ba: Sau khi giao phó các trường nội trú cho các tôn giáo điều hành, chính phủ đã cung cấp một kinh phí hạn hẹp. Điều này cộng hưởng với nỗi buồn phải xa nhà, tình trạng y tế khó khăn ở các vùng xa xôi đã khiến một số trẻ em thiệt mạng vì bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng tỷ lệ tử vong của các em sống trong các bộ lạc còn cao hơn rất nhiều so với các trường nội trú.

Thứ tư: 215 ngôi mộ vô danh này là những ngôi mộ cá nhân, không phải các mồ chôn tập thể như báo chí cố ý xuyên tạc; và các học sinh này qua đời trong nhiều thập niên, chứ không phải cùng một lúc.

Giọng điệu của nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày này thể hiện tâm tình bài Công Giáo mà họ đã ấp ủ từ lâu.

Trong chương trình hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu với quý vị và anh chị em phát biểu của Đức Hồng Y Thomas Collins, Tổng giám mục Toronto; và Cha Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada.

1. Tuyên bố của Đức Hồng Y Thomas Collins, Tổng Giám mục Toronto về vụ Kamloops

Kể từ khi việc phát hiện ra hài cốt tại Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Kamloops, Canada, được loan tin rộng rãi trên báo chí vào ngày 30 tháng 5, đã có những áp lực ngày càng tăng đối với Giáo Hội Công Giáo ở Canada, và cả ở Vatican, phải xin lỗi công khai và chính thức về những điều người ta cho là “tội ác” gây ra ở trường này và các trường nội trú khác trên khắp đất nước.

Đức Hồng Y Thomas Collins, Tổng Giám mục Toronto, đã đưa ra tuyên bố sau. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

“Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau.” (1Cr 12:26)

Trong những ngày gần đây, cả nước đã bàng hoàng, đau buồn và phẫn nộ khi phát hiện ra hài cốt của 215 trẻ em trong những ngôi mộ vô danh tại một trường nội trú ở Kamloops, British Columbia. Chúng ta cầu nguyện cho những trẻ em đã chết ở Kamloops và trong các trường nội trú trên khắp đất nước để các em không bị lãng quên. Chúng ta cũng phải nhận ra sự phản bội lòng tin của nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo, những người chịu trách nhiệm điều hành các trường nội trú, khi từ bỏ nghĩa vụ chăm sóc trẻ nhỏ và vô tội.

Tất cả chúng ta đều tìm kiếm sự thật và khám phá bi thảm này mang đến một cơ hội khác để chúng ta tìm hiểu thêm về chương đen tối này trong lịch sử của chúng ta và hành trình đau thương mà rất nhiều anh chị em bản địa của chúng ta đã trải qua.

Còn nhiều việc phải làm. Kể từ những năm 1990, nhiều tổ chức Công Giáo chịu trách nhiệm về hoạt động của các trường nội trú đã xin lỗi công khai về hành động của họ và đồng hành cùng các nạn nhân trên con đường đi đến sự thật và hòa giải. Trong số này có Dòng Truyền Giáo Vô Nhiễm Mẹ Maria, là dòng tu điều hành trường nội trú ở Kamloops, vào cuối tuần qua một lần nữa đã xin lỗi về vai trò của mình trong hệ thống trường nội trú. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng đã có cơ hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo Bản địa vào năm 2009 để tự mình bày tỏ nỗi buồn và nỗi thống khổ của mình.

Những hành động này không xóa đi lịch sử của chúng ta; nhưng thừa nhận quá khứ của chúng ta, buộc chúng ta phải đối mặt với hậu quả của những hành vi của mình và buộc chúng ta phải bảo đảm rằng tội lỗi của chúng ta không được lặp lại.

Trong khi Tổng Giáo phận Toronto không điều hành các trường nội trú, chúng tôi tham gia với các dân tộc Bản địa, cộng đồng Công Giáo và người Canada từ bờ biển này sang bờ biển khác trong một giai đoạn đau buồn chung cho những người bị thương về thể xác, tình cảm và tinh thần. Chúa Nhật này, tôi sẽ dâng thánh lễ cho những người đã chết hoặc bị ngược đãi tại các trường nội trú và cho tất cả những ai đang đối phó với những tổn thương giữa các thế hệ do hệ thống này gây ra. Chúng ta cũng phải tiếp tục xây dựng dựa trên các sáng kiến cụ thể hiện có trên khắp đất nước, như Hội Đức Mẹ Guadalupe, nơi các giám mục và linh mục, phụ nữ tôn giáo, giáo dân và người dân bản địa cam kết đồng hành cùng nhau trên con đường hòa giải.

Như tôi đã nói trước đây khi nói về sự lạm dụng trong Giáo hội, tai tiếng thực sự xảy ra khi ma quỷ hoành hành trong bóng tối. Một khi đã được mở tung, cái ác có thể bị tận diệt tận gốc. Điều đó phải xảy ra. Sau đó, cuộc sống mới có thể bắt đầu. Chúng ta hãy cùng nhau hành trình tìm kiếm ánh sáng xuyên qua bóng tối một lần nữa.

Thánh Kateri Tekakwitha, cầu cho chúng con.

+ ĐHY Thomas collins

Tổng giám mục Toronto


Source:Archdiocese Of Toronto

2. Linh mục Raymond J. de Souza nhận định về vụ Kamloops

Khám phá tại Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Kamloops đặt lại câu hỏi về việc Truyền bá Tin Mừng dưới sự hỗ trợ của nhà cầm quyền

Gần 3/4 trong số 130 trường nội trú tại Canada do các phái bộ truyền giáo Công Giáo điều hành. Họ là những tổ chức Công Giáo được nhà nước tài trợ, thông thường với các kinh phí hạn hẹp, nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada.

Theo Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, khám phá gần đây tại Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Kamloops đặt lại câu hỏi quan trọng là Giáo Hội có nên truyền bá Tin Mừng dưới sự hỗ trợ của nhà cầm quyền hay không.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ nỗi đau và tình đoàn kết với các dân tộc bản địa của Canada sau phát hiện gần đây liên quan đến 215 ngôi mộ vô danh tại một trường nội trú cũ ở Kamloops, British Columbia. Phát hiện này đã gây chấn động cuộc sống công cộng của Canada như một vài vấn đề trong những năm gần đây.

Trong vài ngày qua, ta có thể thấy ngày càng có nhiều lời kêu gọi, bao gồm cả từ Thủ tướng Justin Trudeau, yêu cầu một lời xin lỗi chính thức từ Đức Giáo Hoàng. Những người kêu gọi điều đó nhận thấy những bình luận của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 6 tháng 6 là không đầy đủ.

Vấn đề có liên quan rộng rãi hơn ngoài Canada. Ngày nay, Giáo hội nghĩ thế nào về việc truyền giáo và phương thế truyền giáo được hỗ trợ bởi quyền lực nhà nước – những câu chuyện về các cuộc truyền giáo xảy ra gần như ở khắp mọi nơi, cho dù là Canada, Mễ Tây Cơ, Ấn Độ hay Brazil? Nếu dự án thuộc địa của Âu châu là sai lầm về mặt đạo đức, thì làm thế nào để suy nghĩ về thực tế là đại đa số người Công Giáo trên thế giới đã nhận được đức tin nhờ dự án này?

Đây không phải là một vấn đề mới. Có lẽ bộ phim Công Giáo hay nhất từng được thực hiện, The Mission (1986), đã xem xét sự vướng mắc của sứ vụ truyền giáo, Phúc Âm hóa, chế độ nô lệ, chính trị thuộc địa và mối quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước ở Nam Mỹ vào thế kỷ 18. Vào năm 1992, nhân kỷ niệm một năm Kha Luân Bố đi thuyền đến Mỹ châu, vấn đề này đã được đưa ra trong một cuộc thảo luận công khai mà phần lớn đều có thiện cảm với Kha Luân Bố. Vào năm 2020, khi các bức tượng của Thánh Junipero Serra bị lật đổ ở California, cuộc tranh luận của công chúng đã thay đổi rõ rệt.

Trường nội trú

Vào cuối thế kỷ 19, chính phủ liên bang ở Canada đã khởi xướng chính sách cung cấp giáo dục cho trẻ em thổ dân – khi đó được gọi là “thổ dân da đỏ” và bây giờ được gọi là “thổ dân”. Nền giáo dục nhằm cung cấp những nền tảng cơ bản của nền giáo dục Âu Châu và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các dân tộc Bản địa vào nền kinh tế rộng lớn hơn.

Nhưng dự án có một mục đích văn hóa cơ bản hơn, đó là thúc đẩy sự đồng hóa bằng cách đàn áp ngôn ngữ, quần áo, kiểu tóc và văn hóa Da Đỏ. Trong một cụm từ khét tiếng, mục đích là “giết chết tinh thần da đỏ của đứa trẻ”.

Chính phủ đã xây dựng các trường nội trú để làm nơi ở cho trẻ em bản địa và bắt buộc trẻ em phải theo học. Một số gia đình tự nguyện gửi con; nhưng nhiều người đã phải chứng kiến con cái họ bị nhà nước bắt đi và buộc phải sống trong các “trường nội trú” trong suốt năm học.

Đó là một chính sách của chính phủ và các trường học được xây dựng bởi chính phủ. Nhưng hoạt động của các trường phần lớn được chuyển giao cho các Giáo Hội Kitô khác nhau, những người có lòng nhiệt thành truyền giáo hăng say để có thể gửi giáo viên đến các vùng sâu vùng xa. Các giáo phận và dòng tu Công Giáo điều hành khoảng 60% số trường nội trú.

Chính sách này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên tất cả các thành phần của chính phủ và xã hội Canada. Các trường nội trú đã tồn tại tốt vào những năm 1960 nhưng cuối cùng đã phải đóng cửa vào thập niên 1990. Vào cuối năm 1969, chính sách chính thức của Thủ tướng Pierre Trudeau lúc bấy giờ và thủ tướng tương lai Jean Chretien là ủng hộ sự đồng hóa của các dân tộc Bản địa.

Lạm dụng và xin lỗi

Vào cuối những năm 1980, các cựu học sinh tại các trường nội trú bắt đầu kể những câu chuyện của họ về tình trạng lạm dụng thể chất và tình dục. Trong số 150,000 trẻ em bản địa theo học tại các trường học, khoảng 6,000 trẻ em đã chết khi ở đó do các bệnh truyền nhiễm, chăm sóc y tế kém và bị bỏ rơi.

Ngoài lạm dụng, toàn bộ tiền đề của các trường nội trú cũng bị cho là bất công. Một báo cáo mang tính bước ngoặt của Ủy ban Sự thật và Hòa giải, gọi tắt là TRC, năm 2015 không chỉ nêu chi tiết về việc lạm dụng mà còn lên án toàn bộ công việc này là “tội ác diệt chủng văn hóa”.

Báo cáo của TRC về cơ bản đã thay đổi quan điểm đồng thuận về lịch sử Canada trong chính phủ, các trường đại học và giới truyền thông, đến nỗi ngay cả những bức tượng của Sir John A. Macdonald, thủ tướng đầu tiên, cũng đã bị dỡ bỏ ở các thành phố trên khắp đất nước. “Sir John A”, là danh xưng thường được nhắc đến của ông, được coi trọng trong giới thượng lưu hơn là trường hợp của những người cha sáng lập chế độ nô lệ Hoa Kỳ như Thomas Jefferson.

Trong số 70 giáo phận của Canada, 16 giáo phận có trường nội trú. Những giáo phận và dòng tu Công Giáo điều hành các trường nội trú đã tham gia vào các hoạt động xin lỗi, điều tra, bồi thường và hòa giải trong nhiều thập kỷ. Ví dụ, vào năm 1991, Dòng Truyền Giáo Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội, là người điều hành Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Kamloops, đã nói xin lỗi trong một tuyên bố dài đến bốn trang:

Chúng tôi xin lỗi vì phần tham dự của chúng tôi trong chủ nghĩa đế quốc về văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, vốn là một phần trong tâm lý của các dân tộc Âu châu lần đầu tiên gặp gỡ các dân tộc thổ dân và luôn tiềm tàng trong cách thức các dân tộc bản địa của Canada đã từng trải qua bởi các chính phủ dân sự và bởi các Giáo Hội.

Đã có hàng chục lời xin lỗi tương tự của người Công Giáo trong ba thập kỷ kể từ đó. Tuy nhiên, giữa các nhà lãnh đạo Bản địa và các quan chức chính phủ đã có một sự thất vọng từ lâu rằng, không giống như những người theo đạo Tin lành được tổ chức trong các Giáo Hội quốc gia, chưa bao giờ có một lời xin lỗi chính thức từ toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Hội đồng giám mục quốc gia đã liên kết chính mình với nhiều lời xin lỗi được giới Công Giáo, cũng như các hội đồng giám mục trong khu vực đưa ra. Nhưng, do không có thực thể nào được gọi là “Nhà thờ Công Giáo ở Canada” – không có Tổng giáo phận Canada – vấn đề về lời xin lỗi của người Công Giáo vẫn còn tồn tại trong tâm trí của nhiều người.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô

Để giải quyết mong muốn này vào năm 2009, sau nhiều năm đối thoại chân thành giữa các giám mục Công Giáo và các đại diện Bản địa, Đức Bênêđíctô XVI đã tiếp một phái đoàn tại Vatican, bao gồm khoảng 40 hiệp hội người bản địa, do Phil Fontaine, lúc đó là thủ lãnh quốc gia của Hội Đồng Các Quốc Gia Thứ Nhất dẫn đầu.

Đó là một khoảnh khắc lịch sử của đau khổ, đau buồn, hòa giải và hàn gắn. Bài phát biểu của Fontaine vào dịp đó là một trong những bài phát biểu sâu sắc và soi sáng về mối quan hệ của Giáo Hội Công Giáo với các dân tộc bản địa của Canada.

Vào thời điểm đó, nó được coi là “mảnh ghép cuối cùng” của quá trình hòa giải kéo dài gần 20 năm đã “khép lại vòng tròn”, theo lời của Fontaine. Vì vậy, tất cả các bên đều tin tưởng rằng một biện pháp hàn gắn tốt đã diễn ra – lời xin lỗi đã được đưa ra và lời xin lỗi đã được chấp nhận. Đây là cách hiểu được đưa ra bởi các tuyên bố của Người Bản Địa vào thời điểm đó, và trên các phương tiện truyền thông bản địa, Công Giáo và thế tục.

TRC, bắt đầu công việc một cách nghiêm túc sau cuộc họp giữa Đức Bênêđíctô và ông Fontaine, đã không chấp nhận quy trình đó và kết quả của nó. Nó không bác bỏ những gì đã được thực hiện, hoặc đặt câu hỏi việc xin lỗi đã được thực hiện hay chưa, nhưng đánh giá rằng việc xin lỗi đã được thực hiện như thế nào và quyết định rằng việc xin lỗi như thế là không đầy đủ.

TRC nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô phải xuất hiện ở Canada trong vòng một năm để đưa ra một lời xin lỗi khác. Về phần mình, Fontaine vào năm 2018, không “lật ngược lại” bất cứ điều gì trong quá trình năm 2009, nhưng đã tự điều chỉnh cho phù hợp với khuyến nghị của TRC.

Quan điểm của TRC là một lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng ở Rôma là không đủ; nó phải xảy ra ở Canada. Chính phủ liên bang cũng đồng ý với quan điểm đó. Vào năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời rằng ngài không thể “tự mình trả lời” khuyến nghị của TRC.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rất thẳng thắn về những tội lỗi và tội ác do người Công Giáo gây ra đối với các dân tộc bản địa ở Mỹ châu, như thế, có vẻ như ngài sẽ sẵn lòng làm như vậy đối với Canada. Vấn đề là liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có “đích thân” đến Canada để nói những gì Thánh Gioan Phaolô đã nói chung, những gì Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã nói trực tiếp với các nhà lãnh đạo Bản địa Canada, và chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rất rõ ràng tại Bolivia vào năm 2015.

Đức Thánh Cha Phanxicô và những ngôi mộ Kamloops

Trong vòng vài ngày sau khi phát hiện ra Kamloops, vấn đề nổi bật của giới truyền thông không phải là liệu chính phủ liên bang Canada có sơ suất trong việc xác định các ngôi mộ vô danh tại các trường nội trú hay không, mà là liệu Đức Giáo Hoàng có xin lỗi hay không. Sau nhiều ngày chịu áp lực căng thẳng – kể cả từ các cấp cao nhất của chính phủ liên bang – Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một tuyên bố dài trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, nhưng không phải là một lời xin lỗi chính thức:

Tôi đau đớn theo dõi tin tức đến từ Canada về sự phát hiện gây kinh hoàng liên quan đến hài cốt của 215 trẻ em, là học sinh của Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Kamloops, ở tỉnh British Columbia. Tôi tham gia cùng các giám mục Canada và toàn thể Giáo Hội Công Giáo ở Canada bày tỏ sự gần gũi của tôi với người dân Canada, bị tổn thương bởi tin tức gây kinh hoàng này. Khám phá đáng buồn càng nâng cao nhận thức về những đau đớn và đau khổ trong quá khứ. Mong các nhà chức trách chính trị và tôn giáo của Canada tiếp tục cộng tác với quyết tâm làm sáng tỏ câu chuyện đáng buồn đó và khiêm tốn dấn thân vào con đường hòa giải và hàn gắn.

Những khoảnh khắc khó khăn này làm dấy lên một lời kêu gọi mạnh mẽ đối với tất cả chúng ta, hãy rời xa mô hình thuộc địa, cũng như thoát khỏi chế độ thực dân ý thức hệ ngày nay, và sánh bước bên nhau trong đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các quyền và các giá trị văn hóa của tất cả những đứa trẻ ở Canada.

Chúng ta hãy phó thác cho Chúa linh hồn của tất cả những trẻ em đã qua đời trong khu nội trú trường học ở Canada và cầu nguyện cho các gia đình và cộng đồng bản địa Canada đang bị đau đớn. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng.

Vấn đề về một lời xin lỗi khác của Đức Giáo Hoàng trên đất Canada lần đầu tiên được nêu ra vào năm 2015, và trở lại sự chú ý của công chúng vào năm 2018 và 2021. Nó có thể sẽ được nêu ra trong tương lai, vì bất kể điều đó có đóng góp được gì hay không trong việc hòa giải với người bản địa, đó là một sự phân tâm thuận tiện cho một chính phủ liên bang không thực hiện được những lời hứa của mình đối với người Canada bản địa.

Tuy nhiên, đối với người Công Giáo, toàn bộ câu hỏi về liên minh lịch sử truyền giáo và quyền lực nhà nước vẫn còn hiện tại, cho dù ở Kamloops với những ngôi mộ trẻ em, ở California liên quan đến Thánh Junipero Serra, hay tại Khu Kha Luân Bố ở Manhattan.


Source:National Catholic Register

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *