Trước sự tham dự của hơn 500 tín hữu hiện diện tại sân Damaso ở nội thành Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày bài giáo lý cuối cùng trong loạt bài về đề tài cầu nguyện, đã được bắt đầu từ tháng 5/2020. Tập trung suy tư về “lời cầu nguyện linh mục” của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly, Đức Thánh Cha lưu ý rằng trong những giờ phút cuối của cuộc sống trần gian, những lời cầu nguyện liên lỉ của Chúa Giêsu với Chúa Cha càng trở nên tha thiết và nhiều hơn, khi Người bước gần đến cái chết và phục sinh mang lại ơn cứu độ cho chúng ta.
Trong “lời cầu nguyện linh mục”, Chúa khẩn cầu cho các môn đệ của Người và cho tất cả những ai sẽ tin nhờ lời của họ. Trong cơn hấp hối trong vườn Cây Dầu, Chúa dâng lên Chúa Cha nỗi thống khổ của mình và yêu thương đón nhận thánh ý của Người. Vào giờ phút đen tối nhất của cuộc thương khó trên thập giá, Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện, sử dụng những lời cầu nguyện truyền thống trong sách Thánh vịnh, đồng hoá mình với những người nghèo khổ và bị bỏ rơi trên thế giới. Trong những khoảnh khắc đó, Chúa chịu đóng đinh mang trên mình gánh nặng của tất cả tội lỗi của thế giới. Vì chúng ta, Người chịu sự xa cách ngăn cách tội nhân với Thiên Chúa, và trở thành Đấng Chuyển cầu tối cao và vĩnh cửu cho toàn thể nhân loại.
Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tín hữu rằng trong đời sống cầu nguyện của chính mình, hãy luôn nhớ rằng Chúa không ngừng cầu nguyện cho chúng ta, liên kết chúng ta vào cuộc đối thoại vĩnh cửu của Nguời với Chúa Cha, trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện là cốt lõi sâu sắc của tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu
Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “cầu nguyện là một trong những nét đặc trưng rõ ràng nhất trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúa cầu nguyện và cầu nguyện rất nhiều. Trong quá trình thực hiện sứ mệnh, Chúa Giêsu đã đắm mình trong cầu nguyện, bởi vì cuộc đối thoại với Chúa Cha là cốt lõi sâu sắc của tất cả cuộc sống của Nguời.”
Chúa Giêsu mang lại ơn cứu độ toàn diện
Đức Thánh Cha nhận xét: “Các sách Tin Mừng làm chứng rằng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu càng trở nên mãnh liệt và nhiều hơn trong những giờ phút của cuộc Thương khó và sự chết của Người. Thật vậy, những sự kiện cao điểm trong cuộc đời của Người tạo nên cốt lõi trung tâm của lời rao giảng Kitô giáo: những giờ phút cuối cùng Chúa Giêsu sống tại Giêrusalem là trọng tâm của Tin Mừng không chỉ vì các Thánh sử dành nhiều chỗ hơn cho tường thuật này, nhưng còn vì sự kiện Chúa chết và phục sinh – như một tia chớp – chiếu sáng phần còn lại trong cuộc đời của Chúa. Chúa không phải là một nhà từ thiện chăm lo cho những đau khổ và bệnh tật của con người: Người là như thế và còn hơn thế nữa. Nơi Người không chỉ có sự tốt lành: còn có ơn cứu độ, không phải ơn cứu độ theo một thời kỳ – là kiểu có thể cứu khỏi bệnh tật hay một khoảnh khắc tuyệt vọng – nhưng là ơn cứu độ toàn diện, ơn cứu độ của Đấng Thiên sai, mang lại hy vọng vào chiến thắng vĩnh viễn của sự sống trên sự chết.”
Gần gũi và tín thác vào Chúa Cha
Đức Thánh Cha nói thêm: “Do đó, trong những ngày cuối của lễ Vượt Qua cuối cùng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Người hoàn toàn đắm mình trong cầu nguyện. Chúa cầu nguyện rất nhiều trong vườn Ghết-sê-ma-ni, bị đau khổ thân xác hành hạ. Tuy nhiên, chính trong giây phút đó, Chúa Giêsu đã gọi Thiên Chúa là “Abba”, là cha (x. Mc 14, 36). Đức Thánh Cha giải thích: “Từ ngữ tiếng A-ram này, ngôn ngữ của Chúa Giêsu, thể hiện sự thân mật và tin cậy. Chính khi cảm thấy bóng tối bao trùm quanh mình, Chúa Giêsu vượt qua nó bằng một từ đơn sơ: Abba! Cha ơi!
“Chúa Giê-su cũng cầu nguyện trên Thánh giá, bị bao phủ trong bóng tối của sự im lặng của Thiên Chúa. Và một lần nữa từ ‘Cha’ lại xuất hiện trên môi Nguời. Đó là lời cầu nguyện tha thiết nhất, vì trên thập giá, Chúa Giêsu là Đấng chuyển cầu tuyệt đối: Chúa cầu nguyện cho người khác, cho tất cả mọi người, ngay cả cho những người đã lên án Người, mặc dù không một ai ngoài một tên vô lại đáng thương đứng về phía Người. Mọi người chống lại Chúa hoặc thờ ơ với Người. Chỉ có kẻ bất lương đó nhận ra Đấng quyền năng. ‘Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết việc họ làm’ (Lc 23, 34).”
“Giữa bi kịch, trong nỗi đau đớn tột cùng của tâm hồn và thể xác, Chúa Giêsu cầu nguyện bằng những lời Thánh vịnh; cùng với những người nghèo khổ trên thế giới, đặc biệt là những người bị mọi người lãng quên, Chúa thốt lên những lời bi thương của Thánh vịnh 22: ‘Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?’ (câu 2). Chúa cảm thấy bị bỏ rơi và Người đã cầu nguyện. Thánh giá là sự thành toàn ân sủng của Chúa Cha, Đấng ban tặng tình yêu; nghĩa là ơn cứu độ của chúng ta được thực hiện. Chúa Giêsu cũng khẩn cầu Chúa Cha: ‘Thiên Chúa của con’, ‘Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha’: tất cả những điều xảy ra trong 3 tiếng đồng hồ trên Thánh giá đều là lời cầu nguyện.”
Phục sinh là câu trả lời của Chúa Cha
Do đó, Chúa Giêsu cầu nguyện trong những giờ phút quyết định của cuộc thương khó và của sự chết. Đức Thánh Cha nhận định: “Chúa Cha đã nhận lời Người bằng sự Phục sinh. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thật mãnh liệt, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là độc nhất và cũng trở thành kiểu mẫu cho lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho mọi người, Nguời cũng đã cầu nguyện cho tôi, cho mỗi người trong anh chị em. Mỗi người chúng ta có thể nói: ‘Trên Thánh giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho tôi’. Chúa Giêsu có thể nói với chúng ta, với mỗi người chúng ta: ‘Ta đã cầu nguyện cho con, trong bữa Tiệc Ly, trên Thánh Giá.’” Đức Thánh Cha khẳng định: “Ngay cả trong nỗi đau nhất trong những đau khổ của chúng ta, chúng ta không bao giờ cô đơn. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ở với chúng ta.” Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu tiếp tục cầu nguyện để lời Chúa giúp chúng ta tiến bước.
Ân sủng: chúng ta không chỉ cầu nguyện, nhưng còn được “cầu nguyện cho”
Kết thúc bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói rằng đối với ngài, “điều tốt nhất cần ghi nhớ” đó là “ân sủng, là chúng ta không chỉ cầu nguyện, nhưng có thể nói, chúng ta đã được “cầu nguyện cho”, chúng ta đã được đón nhận vào cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Chúa Cha, vào trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần.”
“Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi”. Đức Thánh Cha nhắc các tín hãy ghi nhớ điều này và đừng quên nó. Ngài nói tiếp: “Ngay cả trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất. Chúng ta đã được đón nhận vào cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Chúa Cha, trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Chúng ta được Chúa Giêsu Kitô yêu mến, và thậm chí trong giờ phút của cuộc thương khó, sự chết và sự phục sinh, mọi thứ đã được hiến dâng vì chúng ta.”
Chúng ta chỉ cần can đảm và hy vọng để làm vinh danh Chúa bằng cuộc sống
Đức Thánh Cha kết luận: “Và vì vậy, bằng cầu nguyện và bằng cuộc sống, chúng ta chỉ cần có can đảm, hy vọng và với lòng can đảm và hy vọng này, mạnh mẽ nghe lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và tiến bước, để cuộc sống của chúng ta làm vinh danh Thiên Chúa khi nhận thức rằng Chúa cầu nguyện với Chúa Cha cho tôi, Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi.
Hồng Thuỷ – Vatican News