1. Những tấm lòng kim cương có ‘tác động to lớn’ đối với các học sinh Công Giáo Tây Pennsylvania
Một nhà tài trợ ẩn danh cùng các đối tác của ông sẽ tài trợ dài hạn 20 triệu đô la cho chương trình hỗ trợ học phí cho các trường Công Giáo của Giáo phận Greensburg. Chương trình này được thiết lập để hỗ trợ hàng trăm học sinh ở tây nam Pennsylvania trong ít nhất là 5 năm tới.
“Đây là những nỗ lực truyền giáo thực sự. Những khoản tiền này giúp bảo đảm rằng nhiều học sinh sẽ được theo học trong các trường Công Giáo và hiểu biết về đức tin tốt hơn”, Tiến sĩ Maureen Marsteller, Giám đốc các Trường Công Giáo trong giáo phận, cho biết hôm 21 tháng Bảy.
Vào năm 2020, Hiệp hội Đối tác Cơ hội Học phí của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trao gần 2.5 triệu đô la hỗ trợ học phí để hỗ trợ cho hơn 800 học sinh. Các nguồn này cũng bù đắp học phí cho 250 học sinh mới gia nhập hệ thống trường Công Giáo. Điều này đã thúc đẩy tỷ lệ nhập học của các trường Công Giáo tăng lên hơn 13%.
“Đây là cơ hội lớn cho các trường học Công Giáo của chúng ta, được thực hiện bởi các cá nhân có đầu óc cộng đồng sâu sắc, những người hiểu được tác động của giáo dục Công Giáo trong cuộc sống của một người”, Đức Cha Larry Kulick của giáo phận Greensburg nói. “Chúng tôi biết ơn dấn thân này của họ đối với các trường học và các gia đình trong giáo phận thông qua các mối quan hệ hợp tác này”.
Các khoản tiền này lần đầu tiên được công bố vào tháng Bảy năm 2020 với 2.5 triệu đô la từ một nhà tài trợ ẩn danh mà giáo phận cho biết là “cam kết củng cố nền giáo dục Công Giáo ở miền tây Pennsylvania”.
Nhà tài trợ ẩn danh có tấm lòng kim cương này đã gia hạn khoản đóng góp 2.5 triệu đô la mỗi năm trong suốt 5 năm tới. Đồng thời, các đối tác làm ăn chung với nhà tài trợ quảng đại này cũng xin được tham gia. Thành ra, trong 5 năm tới, giáo phận nhận được 20 triệu đô la.
“Đây thực sự là một ngày tuyệt vời đối với chúng tôi tại Giáo phận Greensburg với thông báo lịch sử và hoành tráng này”, Đức Cha Kulick nói trong cuộc họp báo tại Học viện Aquinas ở Greensburg. Ngài nói, chương trình này là một “cơ hội tuyệt vời” nhằm bảo đảm rằng mọi học sinh muốn có một nền giáo dục Công Giáo đều sẽ nhận được điều đó.
Source:Catholic News Agency
2. Vatican kết thúc cuộc điều tra một giám mục Công Giáo Ba Lan. Đức Cha được minh oan
Vatican đã kết luận rằng các cáo buộc lạm dụng tình dục đối với một giám mục Công Giáo Ba Lan là “không thể chứng minh được”.
Trong một tuyên bố ngày 23 tháng 7, sứ thần Tòa thánh ở thủ đô Warsaw của Ba Lan cho biết Đức Cha Jan Szkodoń đã là đối tượng của một cuộc điều tra giáo luật sau khi ngài bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.
Tuyên bố cho biết: “Sau khi phân tích kỹ lưỡng các bằng chứng thu thập được và sau khi nghe các nhân chứng trình bày, các cáo buộc chống lại Đức Cha Jan Szkodon là non constat, nghĩa là không chứng minh được”.
“Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, người ta phát hiện ra rằng Đức Cha Jan Szkodoń đã hành động thiếu cẩn trọng đối với trẻ vị thành niên, khi tiếp đón một cô bé trong Tòa Giám Mục mà không có sự hiện diện của cha mẹ cô ta, là những người đã biết vị giám mục trong nhiều năm”.
Đức Cha Szkodoń, 74 tuổi, một Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Kraków, được lệnh thực hiện một cuộc tĩnh tâm khép kín ba tháng, “dành riêng cho việc suy tư và cầu nguyện”.
Sứ thần Tòa thánh nói rằng Đức Cha Szkodoń đã đáp ứng yêu cầu này vì ngài đã sống ẩn dật kể từ tháng 2 năm 2020 – khi những cáo buộc chống lại Đức Cha được một tạp chí Ba Lan đăng tải.
Kể từ tháng 11 năm 2020, Vatican đã kỷ luật một loạt giám mục Ba Lan chủ yếu đã nghỉ hưu sau các cuộc điều tra về các cáo buộc cho rằng các ngài đã không trừng phạt thẳng tay các linh mục lạm dụng tính dục vì e ngại làm mất danh tiếng của Giáo Hội.
Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, bí thư của Thánh Gioan Phaolô II, đang phải đối mặt với cuộc điều tra của Vatican về những cáo buộc rằng ngài đã không quan tâm giải quyết các vụ lạm dụng trong thời gian làm tổng giám mục Kraków từ năm 2005 đến năm 2016.
Truyền thông Ý và Ba Lan hôm 23/7 đưa tin cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng về sự sơ suất, nhưng kết luận của cuộc điều tra vẫn chưa được công khai.
Source:Catholic News Agency
3. Độc tài Nicolás Maduro chỉ trích Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gởi một lá thư cho các nhà lãnh đạo kinh doanh Venezuela khuyến khích đối thoại để vượt qua cuộc khủng hoảng trong nước. Tuy nhiên, Nicolás Maduro, nhà độc tài của Venezuela, gọi lá thư này của ngài là “rác rưởi”, “độc ác”, “ đầy hận thù” và “ hoài nghi”.
Dưới chính quyền xã hội chủ nghĩa của Maduro, Venezuela đã bị tàn phá bởi bạo lực cũng như các biến động chính trị và xã hội, với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, mất điện và siêu lạm phát. Hơn bốn triệu người Venezuela đã di cư kể từ năm 2015.
Trong một chương trình truyền hình ngày 21 tháng 7, Maduro nói rằng “khi mọi người đang nói về sản xuất, đoàn kết vì tổ quốc Venezuela, nhằm vượt qua khủng hoảng kinh tế, thì ở đây xuất hiện một linh mục hoàn toàn vô danh, tôi không biết ông ta là đức ông hay giám mục, và ông ấy đọc một lá thư được cho là của Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người từng là đại sứ của Vatican tại Venezuela”.
Đức Hồng Y Parolin là sứ thần Tòa thánh tại Venezuela từ năm 2009 đến năm 2013, trong những năm cuối cùng của Hugo Chávez trên cương vị tổng thống. Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Parolin làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Bức thư ngày 23 tháng 6 của Đức Hồng Y được gửi tới Ricardo Cusanno Maduro, chủ tịch Fedecámaras, hay Liên đoàn Thương mại Venezuela. Bức thư được công bố trong cuộc họp thường niên lần thứ 77 của tổ chức này, và đề cập đến “các vấn đề về tương lai của nền kinh tế đất nước và mối quan hệ của Venezuela với hòa bình trong khu vực”.
Theo tuần báo Semana của Colombia, bức thư đã được đọc tại sự kiện này bởi Đức Cha Ricardo Aldo Barreto Cairo, một Giám Mục Phụ Tá của Caracas, là người mà Maduro gọi là “một linh mục hoàn toàn vô danh”.
Đối với Maduro, lá thư này của Vatican là “một hợp tuyển của hận thù, độc dược, cãi vã, giễu cợt, thật nực cười; một bức thư thực sự đầy hận thù.”
Maduro đặt câu hỏi: “Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thì liên quan gì đến cuộc tụ họp của một tổ chức kinh doanh ở Venezuela? Tôi hỏi, ông ta làm gì với điều đó? Giải thích điều đó đi, Pietro Parolini”
Trong bức thư gửi tới hội đồng Fedecámaras, Đức Hồng Y Parolin cho biết ngài nhận thức được cam kết của tổ chức này “đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, và những nỗ lực họ đang thực hiện để thúc đẩy một Venezuela công bằng, dân chủ, hiệu quả hơn, trong đó công lý xã hội thực sự ngự trị”.
Bức thư viết tiếp: “Giống như các bạn, tôi cho rằng điều quan trọng là xã hội dân sự cũng là nhân vật chính của các giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại ở đất nước thân yêu này, một giải pháp sẽ chỉ thoả đáng nếu người dân Venezuela, và đặc biệt là những người có trách nhiệm chính trị sẵn lòng ngồi xuống và đàm phán, một cách nghiêm túc, về các vấn đề cụ thể đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân Venezuela, và phải diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định”
Đối với Đức Hồng Y Parolin “điều này đòi hỏi ý chí chính trị từ phía những người có liên quan, sẵn sàng để lợi ích chung chiếm ưu thế hơn lợi ích cá nhân, và sự hỗ trợ có trách nhiệm của xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế”.
“Vì vậy, tôi khuyến khích các bạn ủng hộ tất cả các sáng kiến thúc đẩy sự hiểu biết và hòa giải giữa những người Venezuela”, Đức Hồng Y Parolin viết.
Source:Catholic News Agency