Một tuần trôi qua.
Thứ Tư tuần trước, 28.7.2021, các em lên đường tâm tư đầy cảm xúc, nếm trải nhiều cung bậc : hồi hộp, phấn khởi, lo âu và … sợ hãi. Nỗi sợ lặng lẽ vào giấc mơ nên đêm đầu tiên ở khu cách ly em thấy mình nằm thở nặng nhọc bên một chiếc máy vô tình. Sợ là một cảm xúc rất tự nhiên và rất đáng trân trọng; cảm xúc sợ được phú ban cho con người để cảnh báo tình cảnh an nguy. Lúc này mọi người nên biết sợ, đừng coi nhẹ những việc nhỏ góp phần ngăn chặn sự lây lan Covid. Vì một lý do nào đó mà có người không sợ chết, nhưng thêm một người nhiễm bệnh là thêm gánh nặng cộng đồng, thêm nỗi lo âu và đẩy xa hơn niềm hy vọng sớm thấy lại cuộc sống bình thường. Con người không chỉ sợ như một bản năng : tránh nơi nguy hiểm tìm nơi an toàn, sợ đói khát, sợ khổ cực, sợ đau đớn.
Con người là một sinh vật có lý trí và biết yêu thương nên không chỉ sợ cho mình mà còn sợ cho người khác : sợ mất người mình quý, sợ khổ người mình thương. Mỗi tối nghe em kể chuyện phục vụ trong khu cách ly, hình như nơi em tình thương đã thắng nỗi sợ.
Dù mỗi ngày em vẫn sợ con virus nhỏ bé đến vô hình kia, em nghĩ nó ở khắp nơi : mẫu xét nghiệm, tờ dữ liệu, thùng rác, giường bệnh, trên mặt bàn, trong không khí. Sau mỗi lần test lại, em hồi hộp như bệnh nhân, không biết mình có còn âm tính ? Thế nhưng, em lại kể, nhìn ánh mắt xa vắng và nỗi buồn mênh mông của bệnh nhân, em thấy sự sợ hãi của mình dường như có điều gì đáng xấu hổ vì không xứng đáng với Đức Kitô. Không phải vậy đâu ! Chúa Giêsu khi nhập thể làm người cũng sợ hãi trước cuộc khổ nạn. Như thế mới thấy tình yêu của Ngài cao cả biết bao nhiêu. Em đã học được nhiều bài học giá trị cho cuộc sống.
Em kể một hôm nhóm thiện nguyện sơ suất không phục vụ phần ăn trưa cho mấy bệnh nhân, vậy mà đến chiều họ mới hỏi “bữa nay có phát phần ăn không?”, rồi vui vẻ dùng bữa trưa muộn, thái độ biết ơn, không hề phàn nàn. Ở đây, điều bệnh nhân mong chờ hơn cả là tờ giấy xác nhận âm tính để được trở về nhà, với nương rau với chuồng gà, chẳng mơ ước gì cao xa. Em nghe trong tiếng thở hụt hẫng của những bệnh nhân nặng nỗi trăn trở vì mẹ già con nhỏ, không biết rồi đây ai sẽ đưa mẹ đi nhà thương, ai sẽ chở con đến trường.
Em còn kể chuyện một bác hấp hối, nhờ sơ nhắn với người nhà : bác ở đây bằng an, không thiếu thốn gì; dường như bác đã chấp nhận sự nghiệt ngã của kiếp người tử biệt sinh ly, trong nỗi cô đơn tột cùng, không bóng dáng một người thân. Thương quá đi thôi ! Em có sợ cũng là chuyện bình thường. Nhưng tình thương của em đủ lớn để vượt qua nỗi sợ, đó mới là chuyện phi thường. Trong ta luôn có một cuộc chiến giữa tình yêu và nỗi sợ. Đừng để nỗi sợ lướt thắng, nó sẽ làm em ngại hy sinh.
Trên mặt trận chống Covid, bên kia chiến tuyến không phải đồng loại, càng không phải đồng bào. Quê hương dù sao cũng không tả tơi, hoang tàn dưới những cơn mưa bom đạn. Để thắng cuộc chiến này chỉ cần tình thương; mong cuộc sống yên bình trở lại chỉ cần chung tay góp sức.
Mẹ Việt Nam không thể một mình chăm sóc đàn con trong cơn hoạn nạn nên anh chị em mình phải ra sức đùm bọc lẫn nhau. Đây không phải là lúc để so sánh, để trách hận. Hãy cho nhau cơ hội sống, rồi mọi người sẽ có thời giờ phản tỉnh, và tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Người ở tiền tuyến, kẻ ở hậu phương. Trong hoàn cảnh này em có thể ở một nơi an toàn và cầu nguyện, đó cũng là một đóng góp tuyệt vời.
Nhưng cầu nguyện và dấn thân là hai trải nghiệm thiêng liêng không giống nhau. Em cần được rèn luyện cả hai để bước theo thầy Giêsu : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu”.
Nt Anna Trần Thị Nguyệt
Tổng Phụ Trách Mến Thánh Giá Xuân Lộc