1. Tượng Đức Mẹ được báo cáo đang khóc ra dầu và mật ong ở Brazil
Hôm 14 tháng 10, Mạng ChurchPOP tường thuật câu chuyện thật lạ lùng nhan đề “Our Lady Statue Allegedly Weeping Oil & Honey in Brazil, Priest Captures Incredible Video”, nghĩa là “Tượng Đức Mẹ được tường thuật là đang khóc ra dầu và mật ong ở Brazil, Linh mục ghi lại trong video đáng kinh ngạc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Trong ba thập kỷ qua, bức tượng được gọi là Đức Mẹ Mật Ong đã khóc ra muối, dầu và mật ong.
Tuy nhiên, vài tuần trước, Đức ông Edmilson José Zanin đã ghi lại một đoạn video đáng kinh ngạc, mô tả chi tiết những giọt nước mắt được cho là của Đức Mẹ.
Hình ảnh của Đức Mẹ Mật ong đã được đưa đến Nhà thờ San José và Santa Teresita ở Aguas de Santa Bárbara, nơi Đức Ông Edmilson José Zanin đã quay được video.
Chương trình truyền hình Brazil Padre em Missão của kênh TV Evangelizar lần đầu tiên kể câu chuyện ấn tượng vào năm 1993.
Chủ nhân bức tượng Lilian Aparecida có lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima và siêng năng lần chuỗi Mân Côi, đặc biệt là vào ngày 13 hàng tháng. Cô có một bức tượng nhỏ mà cô cầu nguyện trước bức tượng, nhưng một ngày, bức tượng bị vỡ.
Một người hàng xóm sau đó đã đi du lịch đến Bồ Đào Nha. Biết được lòng sùng kính của cô, người bạn đã mang đến cho Lilian một bức tượng gốc từ thành phố Fátima, Bồ Đào Nha vào ngày 20 tháng 10 năm 1991.
Vào ngày 13 tháng 5 năm 1993, Lilian nhận thấy bức tượng mới của mình bị ướt và đang khóc. Cô lập tức lau đi nhưng nước mắt vẫn không ngừng rơi. Khi những người bạn lần hạt của cô đến, họ cũng chứng kiến sự kiện này.
Ngay sau đó, bức tượng được chuyển đến nhà thờ thành phố, và bức tượng đột nhiên bắt đầu khóc. Vào ngày 22 tháng 5 năm 1993, muối biến thành mật ong. Kể từ đó, bức tượng được gọi là Đức Mẹ Mật Ong.
Cha Reginaldo Manzotti đã phỏng vấn Cha Oscar Donizete Clemente của giáo phận São José do Rio Preto, là người nói rằng các nhà khoa học đã phân tích các nguyên tố nhiều lần và tìm thấy nước, muối, dầu và mật ong.
Kể từ đó, bức tượng Đức Mẹ Mật Ong (mặc dù chưa được Giáo Hội chính thức tuyên bố nhìn nhận) đã đến thăm các giáo xứ khác nhau trên khắp Brazil.
Source:Church POP
2. Ấn tín tòa giải tội là gì? Hỏi đáp với Đức Hồng Y Mauro Piacenza
Đầu tháng này, việc công bố báo cáo về tội lỗi lạm dụng tình dục trong Giáo Hội ở Pháp đã làm dấy lên một cuộc tranh luận khác về việc giữ gìn bí mật tòa giải tội.
Giáo Hội Công Giáo tuyên bố rằng mọi linh mục khi nghe lời xưng tội có nghĩa vụ giữ bí mật tuyệt đối liên quan đến mọi điều đã biết được trong bối cảnh của tòa giải tội, vi phạm điều này sẽ dẫn đến các hình phạt pháp lý nghiêm khắc nhất.
Luật của Cộng Hòa Pháp từ lâu đã công nhận các quy tắc nghiêm ngặt của Giáo hội về tính bảo mật của Bí tích Hòa giải, nhưng chính phủ đang dự tính sửa đổi luật dành cho các cha giải tội, như họ đã làm với các luật sư và các chuyên gia thế tục khác, là những người đã bị buộc phải báo cáo các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em nếu họ biết được điều đó.
Trong các bình luận với tờ National Catholic Register hôm thứ Tư, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp, Karine Dalle, nói rõ rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo của quốc gia này không có ý định thỏa hiệp với các yêu sách của nhà nước đối với giáo huấn của Giáo hội, vốn dạy rằng ấn tín tòa giải tội là bất khả xâm phạm.
Để tìm hiểu thêm về ấn tín Bí tích Hòa giải, ACI Stampa, cơ quan đối tác của CNA tại Ý, đã nói chuyện với Đức Hồng Y Mauro Piacenza, chánh tòa Ân Giải Tối Cáo của Vatican.
ACI Stampa: Thưa Đức Hồng Y, tại sao ấn tín tòa giải tội lại quan trọng như vậy? Điều này có nghĩa là gì và luật về ấn tín tòa giải tội bắt nguồn từ đâu?
Đức Hồng Y Mauro Piacenza: Bản chất của Bí tích Hòa giải bao gồm cuộc gặp gỡ cá vị giữa hối nhân với Cha nhân từ. Mục tiêu của bí tích này là sự tha thứ tội lỗi, hòa giải với Thiên Chúa và với Giáo Hội, và phục hồi phẩm giá con thảo của hối nhân nhờ giá cứu chuộc do Chúa Giêsu Kitô thực hiện.
Giáo huấn của Giáo hội về Bí tích Hòa giải được trình bày ngắn gọn trong đoạn 1422 của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, đúc kết các giáo huấn trong Tông Hiến Lumen Gentium của Công đồng Vatican II và điều 959 của Bộ Giáo luật.
Cần phải nhấn mạnh rằng Bí tích Hòa giải, là một hành động thờ phượng, không thể và không được nhầm lẫn với một buổi nói chuyện về tâm lý hay một hình thức tư vấn. Là một hành động bí tích, bí tích này phải được bảo vệ nhân danh tự do tôn giáo và bất kỳ sự can thiệp nào đều phải được coi là bất hợp pháp và có hại cho các quyền lương tâm.
ACI Stampa: Thưa Đức Hồng Y, như thế, vị linh mục nghe xưng tội phải giữ ấn tín tòa giải tội, nhưng đồng thời, chẳng nhẽ ngài không nên giúp báo cáo tội ác với chính quyền giáo hội và dân sự? Làm thế nào ngài có thể làm điều đó?
Đức Hồng Y Mauro Piacenza: Tất cả những gì được nói trong tòa giải tội từ thời điểm mà hành động thờ phượng này bắt đầu bằng dấu thánh giá cho đến lúc nó kết thúc, với sự tha thứ hoặc với sự từ chối xá tội, đều được đóng dấu tuyệt đối bất khả xâm phạm. Tất cả các thông tin được đề cập đến trong việc xưng tội đều được “niêm phong” vì chỉ được trao cho một mình Thiên Chúa, nên linh mục giải tội không thể sử dụng được (xem các điều luật 983-984 Giáo Luật của Giáo Hội Latinh; 733-734 Giáo Luật của Giáo Hội Đông phương).
Lấy một trường hợp cụ thể, chẳng hạn, trong khi thú tội, một trẻ vị thành niên tiết lộ rằng mình đã bị lạm dụng, cuộc trao đổi này, về bản chất, luôn luôn và trong mọi tình huống, phải được giữ kín. Điều này không ngăn cản cha giải tội khuyến khích bản thân đứa trẻ vị thành niên đó báo cáo hành vi lạm dụng với cha mẹ, nhà giáo dục và cảnh sát.
Trong trường hợp hối nhân thú nhận đã phạm tội lạm dụng, nếu cha giải tội không nghi ngờ gì về việc hối cải của hối nhân thì ngài không thể từ chối hoặc hoãn lại việc xá tội (xem giáo luật 980). Chắc chắn hối nhân có bổn phận phải sửa đổi sự bất công đã gây ra và thành tâm cam kết ngăn chặn việc lạm dụng tái diễn, nếu cần thì nhờ đến sự trợ giúp của người có khả năng, nhưng những bổn phận nghiêm trọng này liên quan đến con đường hoán cải, không có liên quan đến việc tự tố cáo. Trong mọi trường hợp, cha giải tội phải mời hối nhân suy ngẫm sâu hơn và đánh giá hậu quả của hành động của mình, đặc biệt khi có người khác bị nghi ngờ hoặc bị kết án oan.
ACI Stampa: Thưa Đức Hồng Y, chúng ta nên phản ứng ra sao đối với các giám mục bị cám dỗ nhượng bộ một phần nghĩa vụ giữ bí mật tòa giải tội, ngay cả vì một lý do chính đáng? Ấn tín tòa giải tội khác với bí mật nghề nghiệp hay các cơ mật như thế nào?
Đức Hồng Y Mauro Piacenza: Phải tuyệt đối tránh so sánh ấn tín bí tích với bí mật nghề nghiệp mà bác sĩ, dược sĩ, luật sư, v.v… bắt buộc phải giữ.
Khác với bí mật nghề nghiệp, ấn tín Bí tích Hòa giải không thể bị tiết lộ cho dù luật pháp hay một vị thẩm phán, hay các quy tắc đạo đức quy định ngược lại. Ngay cả khi bên có liên quan cho phép tiết lộ, cũng không được tiết lộ.
Mặt khác, bí mật giải tội không phải là một nghĩa vụ áp đặt từ bên ngoài, nhưng là một yêu cầu nội tại của bí tích, và như vậy không thể bị miễn trừ ngay cả bởi chính hối nhân (xem giáo luật 1550, triệt 2, điều 2 Giáo luật cho các Giáo Hội Latinh; và 1231, triệt 2, điều 2 Giáo luật cho các Giáo Hội Đông phương).
Hối nhân không nói chuyện với con người của cha giải tội, nhưng nói với Thiên Chúa, như thế chiếm hữu những gì thuộc về Thiên Chúa sẽ là tội báng bổ. Chúng ta phải bảo vệ bí tích, được Chúa Kitô thiết lập để trở thành nơi nương tựa chắc chắn của ơn cứu rỗi cho mọi người tội lỗi.
Nếu các tín hữu mất lòng tin vào ấn tín tòa giải tội, thì việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải có thể bị sa sút, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho các linh hồn và cho toàn bộ công việc rao giảng Tin Mừng.
Source:Catholic News Agency