Vị thánh thiếu niên làm nhiều phép lạ, bất kể đại dịch coronavirus, 117,000 người kính viếng ngài trong năm qua

1. Vị thánh thiếu niên làm nhiều phép lạ, bất kể đại dịch coronavirus, 117,000 người kính viếng ngài trong năm qua

Vào ngày lễ Chân phước Carlo Acutis, Đức Giám Mục Assisi đã mời gọi những người hành hương tụ tập tại ngôi mộ của thiếu niên Ý tìm kiếm lời cầu bầu của ngài cho tình yêu lớn hơn đối với sự Hiện diện Thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.

“Hãy làm cho Chúa Giêsu trở thành tất cả đối với chúng ta. Đây là lý tưởng của đời sống Kitô. Bí tích Thánh Thể, khi được tôn thờ và cử hành xứng hợp, cho phép chúng ta sống trong Chúa Giêsu”. Đức Tổng Giám Mục Domenico Sorrentino nhận xét như trên trong buổi cử hành lễ kính Chân Phước Carlo Acutis.

“Chân Phước Carlo mời gọi chúng ta đến với Bí tích Thánh Thể, chứ không phải đến với ngài. Chúng ta hãy cầu xin cùng Chân Phước Carlo, trong buổi cử hành phụng vụ này, hãy truyền cho chúng ta tình yêu của ngài đối với Thánh Thể, khi chúng ta chuẩn bị đón nhận Thánh Thể dưới cái nhìn tươi cười và vui vẻ của ngài,” Đức Tổng Giám Mục của Assisi-Nocera Umbra-Gualdo Tadino nói trong bài giảng của ngài.

Đức Cha Sorrentino đã dâng thánh lễ tại nhà nguyện Assisi, một phần của Nhà thờ giáo xứ Santa Maria Maggiore, nơi có mộ của vị chân phước. Đồng tế với ngài còn có Đức Cha Robert Baker của Birmingham, Alabama. Mẹ của Carlo Acutis, bà Antonia, đã tham dự Thánh lễ.

Theo Giáo phận Assisi, ngôi mộ đã thu hút hơn 117,000 du khách kể từ Chân Phước Carlo trở thành người đầu tiên được phong chân phước trong Giáo Hội Công Giáo vào năm ngoái.

“Trong một năm đã trôi qua kể từ khi ngài được phong chân phước, có thể nói là công việc của Carlo chắc chắn đã tăng lên, và chúng ta có thể thấy những thành quả,” Đức Tổng Giám Mục nói.

“Bây giờ có rất nhiều, ở mọi nơi trên thế giới, những người giao phó bản thân mình cho ngài. Họ kêu cầu ngài giúp đỡ, giống như một người cầu bầu quảng đại. Và họ cảm nghiệm rằng điều đó không phải là vô ích… điều này khiến người ta hy vọng rằng phép lạ sẽ giúp đưa ngài vào danh sách các vị thánh không còn xa nữa.”

Bl. Carlo được biết đến với lòng sùng kính nhiệt thành đối với sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và có năng khiếu lập trình máy tính.

Anh qua đời vào ngày 12 tháng 10 năm 2006, vì bệnh bạch cầu ở tuổi 15 sau khi dâng những đau khổ của mình cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và cho Giáo hội.

Các cử hành phụng vụ trong ngày lễ Chân Phước Carlo Acutis đã diễn ra trên khắp nước Ý. Tại Rôma, ba thánh tích của chân phước đã được tôn vinh tại giáo xứ Sant’Angela Merici, sau đó là một bữa tiệc dành cho trẻ em trong vườn giáo xứ.

Santa Maria Segreta, giáo xứ ở Milan nơi Carlo tham dự thánh lễ hàng ngày, cũng đã dâng thánh lễ để vinh danh cựu giáo dân của họ vào tối ngày 12 tháng 10.

Assisi đã cử hành các buổi lễ trong suốt bốn ngày, cung cấp thêm các giờ chầu Thánh Thể và một buổi cầu nguyện cho những người trẻ trong những ngày trước thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Sorrentino cử hành.


Source:Catholic News Agency

2. Lần đó một linh mục đã bị một vị thánh khiển trách

Khi làn khói trắng tuôn ra từ ống khói của Nhà nguyện Sistina vào ngày 16 tháng 10 năm 1978, Cha Eamon Kelly, một chủng sinh đang học ở Rôma vào thời điểm đó, không thể biết rằng thầy ấy đang chứng kiến cuộc bầu cử của một vị thánh trong tương lai.

Pope John Paul II circa 1992 Credit   LOsservatore Romano CNA 5 21 15

Thầy Kelly cũng không biết rằng hơn một chục năm sau cuộc bầu cử đó, thầy sẽ bị chính vị thánh tương lai đó, Đức Gioan Phaolô II, khiển trách trong một buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư.

Đó là Tuần Thánh năm 1992, và Cha Kelly, một linh mục thuộc Dòng Đạo Binh Chúa Kitô đang trong chuyến hành hương hàng năm đến Rôma.

Nhưng năm đó thì khác.

Nhóm thanh niên ngài đã dẫn theo gồm có tám thanh niên Nga, ngay sau sự tan rã của Liên bang Sô Viết và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh.

Cha Kelly đã thực hiện một số chiến lược để bảo đảm các cầu thủ trẻ Nga có được một chỗ ngồi tốt.

“Chúng tôi đã có vé và đến sớm, và chúng tôi đã có được vị trí dựa vào hàng rào của hành lang,” Cha Kelly nói. “Thật tuyệt vời, chúng tôi sẽ được gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.”

Các sinh viên người Đức của ngài đã nhường tất cả các ghế gần lối đi nhất, để các bạn trẻ Nga bắt tay Đức Giáo Hoàng khi ngài bước vào Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục.

“Tôi đã để bọn trẻ quan sát cách ngài chào thăm các tín hữu – ngài bắt tay một người mỉm cười với ngài nhưng dừng lại trò chuyện lâu hơn với người nói câu gì đó với ngài,” Cha Kelly nói.

“Vì vậy, tôi đã nói với họ rằng vị giáo hoàng này biết tiếng Nga, và các bạn cần phải chào ngài một cách lịch sự ngay khi ngài còn cách hai hoặc ba người nữa; hãy nói một số lời chào tốt đẹp bằng tiếng Nga”.

Họ đã làm, và mọi sự diễn ra như tôi mong đợi: chắc chắn, tai của Đức Giáo Hoàng vểnh lên khi nghe thấy những lời chào của người Nga. Vừa đến nhóm, ngài dừng bước.

“Ngài bắt đầu nói chuyện với họ bằng tiếng Nga, và có một phản ứng hóa học kinh khủng đang diễn ra, và mọi người đều vô cùng phấn khích. Sáu hàng trẻ em của chúng tôi đã hòa nhập thành khoảng hai hàng”

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng hỏi, bằng tiếng Nga, làm thế nào nhóm có thể đến được Rôma. Tất cả các sinh viên Nga đều quay lại và chỉ vào Cha Kelly.

Cha ấy cao hơn hầu hết các học sinh một cái đầu, vì vậy Cha Kelly đột nhiên thấy mình đang giao tiếp bằng mắt với Đức Gioan Phaolô II.

“Có rất nhiều niềm vui và sự cảm kích và biết ơn trong mắt ngài khi thấy những đứa trẻ này ở đó”

“Nhưng sau đó, cái nhìn của ngài như một cơn bão với một câu hỏi quan trọng – ‘Tại sao cha không báo với tôi một tiếng trước khi họ đến?’ Đức Giáo Hoàng trách móc vị linh mục.

“Anh chị em biết đấy, dễ dầu gì mà tôi có thể gọi cho Đức Giáo Hoàng và nói với ngài rằng chúng tôi sẽ đến,” Cha Kelly bật cười nhớ lại.

“Tôi cố gắng đưa ra một cái cớ, tôi nói rằng có những thử thách, và tôi chỉ dò dẫm tìm cách vượt qua”

Trong nhận thức muộn màng, Cha Kelly nói rằng thực ra ngài có thể đã gọi đến một văn phòng ở Vatican để thông báo cho họ về các sinh viên Nga, nhưng ngài đã không nhận ra rằng chuyến thăm này sẽ rất quan trọng đối với Giáo hoàng.

Nước Nga rất yêu quý trong trái tim của Thánh Gioan Phaolô II, vì ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong sự sụp đổ một cách hòa bình chủ nghĩa cộng sản và Liên bang Sô viết. Chỉ vài năm trước, ngài đã có cuộc gặp hơn một giờ với Tổng thống Mikhail Gorbachev, người sau này nói rằng việc giải thể Liên Sô một cách hòa bình sẽ không thể thực hiện được nếu không có Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Có lẽ cuộc gặp gỡ của họ vào năm 1989 cũng đã làm dịu trái tim của Gorbachev trước Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 1991, khi nhà lãnh đạo này cho phép khoảng 20,000 thanh niên Nga tham dự sự kiện này ở Ba Lan lần đầu tiên. Động thái hòa giải là lý do toàn bộ lý do các sinh viên Nga hiện đang gặp gỡ Đức Gioan Phaolô II tại Rome.

“Đức Gioan Phaolô II nói với tôi ‘Đây là nhóm người Nga đầu tiên mà tôi từng chào đón trong buổi tiếp kiến chung’“.

Có thể đây là nhóm thanh niên đầu tiên từ Mạc Tư Khoa đến thăm Rôma.

Cha Kelly cho biết Đức Giáo Hoàng đã rất xúc động trước các sinh viên Nga.

Còn các sinh viên Nga?

“Họ đã rất phấn khởi.”


Source:Catholic News Agency

3. Các bác sĩ đã cấy ghép thận của một con lợn vào người. Nó có hợp đạo đức không?

PIG

Tình trạng thiếu nội tạng trên thế giới căng thẳng đến mức Trung Quốc ngày càng khét tiếng trong việc buôn bán nội tạng của các tù nhân. Theo tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, bước đột phá y học gần đây có thể giảm bớt tình trạng thiếu nội tạng. Đây là những gì các nhà đạo đức y học nói về tác động đạo đức của tiến bộ mới này. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mười hai người chết mỗi ngày để chờ một cơ phận quan trọng được cấy ghép vào họ. Các cơ phận hiến tặng đều đến từ những người đã được tuyên bố là “chết não”, một thuật ngữ vẫn còn gây tranh cãi giữa các nhà đạo đức học.

Nhưng một bước đột phá y tế được báo cáo trong tuần này cuối cùng có thể dẫn đến việc giảm đáng kể cả số người chờ đợi việc hiến tặng cơ phận lẫn nhu cầu loại bỏ các cơ phận quan trọng của những người có não đã ngừng hoạt động hoàn toàn – vì chấn thương nặng hoặc sử dụng thuốc quá liều – nhưng vẫn tiếp tục thở một cách máy móc.

Giải pháp có thể là cấy ghép nội tạng của các động vật khác. Quy trình này được gọi là cấy ghép xenotransplant, đã được nghiên cứu trong nhiều năm qua. Cuối tháng 9, một nhóm bác sĩ tại Đại học Langone Health ở thành phố New York đã cấy ghép thành công một quả thận của một con lợn cho một phụ nữ chết não có dấu hiệu rối loạn chức năng thận. Nội tạng hoạt động bình thường.

Điều khiến quy trình này có thể thực hiện được là một sự biến đổi gen của quả thận được hiến tặng từ con lợn để loại bỏ gen đã kích hoạt việc từ chối thận của người nhận.

Theo tờ New York Times, Tim và thận lợn đã được cấy ghép thành công vào khỉ và khỉ đầu chó, nhưng những lo ngại về an toàn đã ngăn cản việc sử dụng chúng ở người.

“Chúng ta đã sử dụng những van lợn ở người. Miễn là an toàn là được rồi”, Cha Nicanor Austriaco, Dòng Đa Minh, Giáo sư Sinh học & Giáo sư Thần học tại Đại học Providence, cho biết về việc sử dụng thận lợn ở người, trong một email gửi cho Aleteia. “Mối quan tâm duy nhất của tôi là nghiên cứu này đang được thực hiện với những bệnh nhân có vẻ như đã chết não. Điều này là mới vì không rõ ai là người đưa ra sự đồng ý. Tôi không nghĩ rằng bệnh nhân chết não thực sự đã chết. Vì vậy điều này làm tôi lo lắng rằng chúng ta đang đi theo hướng nghĩ như thế”.

John F. Brehany, Phó Chủ tịch Điều hành Trung tâm Đạo đức Sinh học Công Giáo Quốc gia, đã chia sẻ mối quan tâm đó. “Tôi muốn bảo đảm rằng chẩn đoán chết não hoàn toàn rõ ràng và hợp lệ,” anh nói trong một email. “Nó có thể là như vậy. Nhưng càng nhiều người bắt đầu thực hiện thí nghiệm trên ‘tử thi’ của con người để hỗ trợ sự sống dựa trên các chẩn đoán chết não, thì điều đó càng có thể đặt ra câu hỏi về tính hợp lệ của chết não”.

Thật vậy, thực tế là khoa học có thể tiến hành một thí nghiệm trên một “người chết” để chứng minh rằng chức năng này sẽ hoạt động đối với một người còn sống xem ra có vẻ trái ngược nhau.

Cha Tadeusz Pacholczyk của Trung tâm Đạo đức Sinh học Công Giáo Quốc gia, là một nhà khoa học thần kinh và nhà sinh lý học, nói với USA Today rằng “không có mối quan tâm cơ bản nào ở đó, vì đây chẳng qua là trường hợp ‘hiến tặng cơ thể của một người cho khoa học’ sau khi chết.”

Cha Pacholczyk, giám đốc giáo dục tại NCBC, cũng nhận thấy “không có trở ngại đạo đức nào nghiêm trọng đến mức không thể chấp nhận được đối với phẫu thuật hoặc cấy ghép từ lợn sang người”, tờ báo cho biết, đồng thời chỉ ra rằng “động vật từ lâu đã bị hy sinh vì lợi ích của con người”.

Các công nghệ mới

Tiến sĩ Robert Montgomery, giám đốc Viện cấy ghép của Đại Học Langone, người đã thực hiện quy trình này vào tháng 9, nói với tờ New York Times rằng kỹ thuật biến đổi gen của lợn có thể là một nguồn nội tạng bền vững, có thể tái tạo. Nguồn nội tạng đó sẵn có như năng lượng mặt trời và gió.

Sự kết hợp của hai công nghệ mới – chỉnh sửa gen và nhân gen ra nhiều – đã tạo ra các cơ quan nội tạng lợn bị biến đổi gen, và quả thận được sử dụng trong thí nghiệm ở Đại Học New York thu được bằng cách “loại bỏ một gen lợn mã hóa một phân tử đường gây ra phản ứng từ chối mãnh liệt từ con người,” tờ Times giải thích.

Bài báo cho biết thêm “Tiến sĩ Montgomery và nhóm của ông cũng cấy ghép tuyến ức của lợn, một tuyến có liên quan đến hệ thống miễn dịch, trong nỗ lực ngăn chặn các phản ứng miễn dịch đối với thận”.

Tuy nhiên tờ Times lưu ý rằng Tiến sĩ David Klassen, giám đốc y tế của United Network for Organ Sharing, cảnh báo rằng vẫn còn nhiều rào cản. Klassen cảnh báo rằng việc đào thải các cơ phận trong thời gian dài xảy ra ngay cả khi thận của người hiến tặng phù hợp và “ngay cả khi bạn không cố gắng vượt qua các rào cản giữa các loài khác nhau”.

Thận có nhiều chức năng bên cạnh chức năng lọc sạch chất độc trong máu. Tiến sĩ Klassen nói: “Đó là một lĩnh vực phức tạp, và tưởng tượng rằng chúng ta biết tất cả những điều sắp xảy ra và tất cả các vấn đề sẽ nảy sinh thì thật là ngây thơ.”

Tuy nhiên, theo National Public Radio, “một số công ty công nghệ sinh học đang chạy đua để phát triển các cơ quan nội tạng lợn phù hợp để cấy ghép nhằm giúp giảm bớt tình trạng thiếu nội tạng ở người” cho thấy có nhiều hứa hẹn trong lĩnh vực này. Thành công của Đại Học New York là “một chiến thắng cho Revivicor, một công ty con của United Therapeutics, công ty đã chế tạo ra con lợn và những người anh em họ của nó, một đàn 100 con được nuôi trong điều kiện được kiểm soát chặt chẽ tại một cơ sở ở Iowa.”

Cuối năm ngoái, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm “đã phê duyệt sự thay đổi gen ở lợn Revivicor là an toàn để làm thực phẩm và thuốc cho con người,” mạng lưới phát thanh cho biết.


Source:Aleteia

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *