Tìm lại được ngôi ‘Nhà thờ Việt Nam bị lạc mất’ ở Campuchia

1. Tìm lại được ngôi ‘Nhà thờ Việt Nam bị lạc mất’ ở Campuchia

Một nhà thờ Công Giáo ở Campuchia đã bị “thất lạc” nhưng bây giờ đã được tìm thấy, và đang bắt đầu đứng lên với sự giúp đỡ của một linh mục truyền giáo.

Nhà thờ Đức Bà ở ngôi làng nhỏ Taom, cách Siem Reap khoảng 60 km về phía tây nam, được xây dựng vào khoảng năm 1910. Sau đó nó đã bị lãng quên trong những năm bất ổn ở cả Campuchia và Việt Nam vào thập niên 1970.

Cộng đồng Công Giáo trong làng đã biến mất và nhà thờ bị bỏ hoang.

Cha Franco Legnani, một linh mục truyền giáo người Ý đến Campuchia vào những năm 1990 và đã được giao nhiệm vụ truyền giáo cho dân làng Taom.

Trong một báo cáo trên AsiaNews, vị linh mục nói rằng nhiều người trong vùng lân cận cho biết hồi xưa có một ngôi nhà thờ trong vùng “nhưng không có con đường nào để đến được với ngôi thánh đường”.

Chỉ có thể đến nhà thờ bằng cách đi qua một con sông. Ông cho biết những người tái khám phá ngôi nhà thờ “đã đi qua những cánh đồng lúa và cuối cùng họ đã nhìn thấy nó”.

Theo Cha Legnani: “Chắc hẳn ngôi thánh đường này đã từng là trung tâm của một cộng đồng Công Giáo rất lớn trước đây”.

Ngài nói rằng ngoài kích thước rất hoàng tráng của ngôi thánh đường, còn có những ghi chép được phát hiện ở Paris cho thấy vào năm 1938 có ít nhất 700 người Công Giáo sống trong làng.

Khi xảy ra nạn đánh đuổi người Việt vào đầu thập niên 1970, nhiều người Việt ở đây đã bỏ chạy về Việt Nam.

“Sau đó, trong cuộc chiến hồi thập niên năm 1970, nó đã bị đánh bom bởi các lực lượng Cao Miên vì ngôi làng này là cộng đồng người Việt Nam,” vị linh mục nói.

“Họ coi những người trong làng là những người ủng hộ quân Hà Nội, là những người đã vượt biên chiếm đóng Campuchia”.

Khu vực dân cư chung quanh đã bị bom phá thành bình địa nhưng ngôi thánh đường vẫn còn nguyên vẹn mặc dù đầy những lỗ đạn từ súng máy.

Trong quá trình trùng tu nhà thờ, vị linh mục và người dân trong làng mong muốn một bức tường của công trình kiến trúc được bảo tồn với những lỗ đạn này.


Source:Licas News

2. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, những người Công Giáo “xa đàn”, và Hiệp Thông Thánh Thể

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hôm 20 tháng 9, ông đã có một bài nhận định nhan đề “Pope Francis, ‘Estranged’ Catholics, and Holy Communion”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng Phanxicô, những người Công Giáo “xa đàn”, và Hiệp Thông Thánh Thể”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một số cơ quan truyền thông Công Giáo thường hoạt động như phần mở rộng trên thực tế của Văn phòng Báo chí Tòa Bạch Ốc của Jen Psaki đã liên tục thúc giục các giám mục Hoa Kỳ tránh đề cập đến vấn đề rước lễ của các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai. Về phần mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một số nhận xét hữu ích về vấn đề gây tranh cãi này trong cuộc họp báo vào tháng 9, được tổ chức khi ngài trở về Rôma sau chuyến thăm Hung Gia Lợi và Slovakia. “Những người không ở trong tình hiệp thông không thể rước lễ,” Đức Thánh Cha đưa ra lập trường trên, khi đề cập đến về những người chưa được rửa tội và những người “lạc xa” khỏi Giáo Hội.

Chính xác. Và đó là thực tế chính yếu của Giáo Hội khi các nhà lãnh đạo chính trị Công Giáo cố tình thúc đẩy phá thai theo yêu cầu — giống như khi các quan chức Công Giáo từ chối chấm dứt tệ phân biệt đối xử đối với các trường học Công Giáo trong khu vực pháp lý của họ. Trong cả hai trường hợp, những người được đề cập, bằng hành động của họ phủ nhận một chân lý thiết yếu của đức tin Công Giáo: đó là phẩm giá bất khả nhượng của mỗi con người. Hành động của họ công khai tuyên bố rằng họ không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội.

Đó là thực tế khách quan; nó không phải là một phán xét về lỗi lầm chủ quan hoặc tình trạng đạo đức của một công chức nhất định. Không một thừa tác viên Rước Lễ nào có thể biết chắc chắn rằng viên chức đó đang ở trong tình trạng mắc tội trọng khi người đó đến gần bàn thờ để lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Viên chức được đề cập có thể không được dạy giáo lý đến nơi đến chốn, hoặc thiếu hiểu biết một cách bất khả kháng, hoặc bị suy giảm khả năng nhận thức. Nhưng tình trạng đạo đức chủ quan của chính trị gia ủng hộ phá thai – liệu người này có đang trong tình trạng mắc trọng tội hay không – không phải là mấu chốt của vấn đề. Và vấn đề rước lễ của các chính trị gia Công Giáo thúc đẩy phá thai không nên được đóng khung trong những thuật ngữ đó.

Điều mà thừa tác viên bí tích Thánh Thể có thể biết, vì không thể nào mà lại không biết, đó là khi quan chức Công Giáo ấy quảng bá điều mà Đức Giáo Hoàng, trong cùng cuộc họp báo đó, gọi là “thảm sát” những đứa trẻ chưa chào đời, thì quan chức ấy, một cách khách quan, đang trong tình trạng xa lánh Giáo Hội một cách nghiêm trọng, bất kể tình trạng đạo đức cá nhân hay tình trạng giáo luật của người đó. Những người xa lánh Giáo Hội nghiêm trọng vẫn là thành viên của Giáo Hội vì lý do họ đã chịu phép Rửa Tội. Nhưng họ không nên hành động như thể họ đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội.

Cuộc thảo luận này hầu như chỉ tập trung vào các giám mục, linh mục, và các thừa tác viên bí tích Thánh Thể từ chối trao Mình Thánh Chúa cho các chính trị gia ương ngạnh. Đó cũng là một tiêu điểm sai, ít nhất là lúc ban đầu. Những người không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội — những người, bằng những hành động công khai của mình, đã chứng tỏ họ khước từ một chân lý thiết yếu của đức tin Công Giáo — nên có sự liêm chính để đừng lên rước Thánh Thể. Gánh nặng giữ luật đầu tiên thuộc về những con người đó.

Tuy nhiên, công nhận điều này không có nghĩa là các mục tử không có nghĩa vụ; hoàn toàn ngược lại. Như Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói, nghĩa vụ đầu tiên của các mục tử là cố gắng giúp những người Công Giáo lạc đàn một cách khách quan này – những người “tạm thời bên ngoài cộng đồng,” như lời Đức Giáo Hoàng nói – hiểu được sự thật về hoàn cảnh của họ: rằng họ không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội và không nên hành động trong Thánh lễ như thể họ đang làm. Nếu sau khi có sự hướng dẫn thích hợp được thực hiện với lòng bác ái và sự minh bạch, mà người Công Giáo xa đàn một cách khách quan này vẫn tiếp tục, bằng những hành động công khai, bác bỏ một số chân lý xác định bản sắc một người Công Giáo, thì một mục tử có tinh thần trách nhiệm phải có nghĩa vụ hướng dẫn người đó không được lên Rước Lễ. Vì như các giám mục của Mỹ Châu Latinh, do vị giáo hoàng tương lai lãnh đạo, đã nói vào năm 2007, các quan chức công quyền khuyến khích “tội ác nghiêm trọng” chống lại sự sống “không thể rước lễ”.

Nói một cách cụ thể: Tôi không có cách nào biết liệu Tổng thống Biden, Chủ tịch Hạ Viện Pelosi, và các quan chức Công Giáo khác đang tích cực thúc đẩy việc phá thai có đang ở trong tình trạng mắc tội trọng hay không. Nhiều yếu tố liên quan đến việc phạm tội trọng. Điều tôi biết — bởi vì Tổng thống Biden, Chủ tịch Hạ viện Pelosi, và những quan chức Công Giáo tích cực cổ vũ cho việc phá thai theo yêu cầu đã nói với tôi như vậy bằng hành động của họ — là những con người này, về mặt khách quan, không ở trong tình trạng hiệp thông với Giáo Hội. Sự xa cách đó, mượn thuật ngữ của Đức Giáo Hoàng, là mức độ nghiêm trọng đến nỗi họ không nên bước lên Rước lễ.

Rước Thánh Thể không chỉ là một biểu hiện của lòng đạo đức cá nhân. Đó là một tuyên bố về sự hiệp thông trọn vẹn của một người với Giáo Hội. Làm rõ điều đó, bằng cách hướng dẫn nếu có thể và hành động kỷ luật nếu cần, là một nghĩa vụ mục vụ. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đó không phải là một hình phạt.” Đó cũng không phải là “vũ khí hóa” Bí tích Thánh Thể. Đó là lời kêu gọi người xa cách Giáo Hội hoán cải sâu sắc hơn cho Chúa Kitô. Đó là điều mà những mục tử tốt phải làm.


Source:First Things

3. Một vị Hồng Y của Giáo triều Rôma thăm Syria vào năm thứ 10 cuộc nội chiến

Một vị Hồng Y của Vatican đang đến thăm Syria trong năm thứ 10 của cuộc nội chiến đã tàn phá đất nước và khiến nhiều Kitô Hữu phải chạy trốn.

Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ Giáo Hội Đông phương, đã đến Syria từ ngày 25 tháng 10 đến ngày 3 tháng 11, sau khi chuyến đi bị hoãn lại từ tháng 4 năm 2020.

Theo thông cáo báo chí từ Thánh bộ, chuyến thăm đang diễn ra “với mong muốn mang lại sự gần gũi và tình đoàn kết của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các cộng đồng Công Giáo của Syria, nơi đã phải chịu đựng nhiều năm chiến tranh và cần một thời gian để phân định và định hướng lại các hoạt động mục vụ.

Đức Hồng Y Sandri sẽ dành trọn vẹn 8 ngày ở quốc gia Trung Đông này, với các điểm dừng ở Damascus, Tartous, Homs, Yabroud, Maaloula và Aleppo.

Cuộc họp đầu tiên của ngài sẽ là với Đại Hội Các Vị Bản Quyền Công Giáo Ở Syria, nơi ngài cũng sẽ đồng tế một Phụng Vụ thánh với Đức Thượng phụ Youssef Absi, nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Melkite.

Các mục khác trong chương trình nghị sự của Đức Hồng Y Sandri ở Damascus bao gồm các cuộc gặp gỡ với các linh mục, và thăm các tổ chức bác ái Công Giáo, bệnh viện và trại trẻ mồ côi.

Ngài sẽ gặp gỡ các nhà ngoại giao và các tu sĩ nam nữ tại Damascus, và xuống miền nam Syria thăm Đài tưởng niệm Thánh Phaolô.

Đài tưởng niệm được cho là nơi đánh dấu sự hoán cải của Thánh Phaolô, khi ngài ngã ngựa trên đường đến Damascus.

Tại Aleppo, Đức Hồng Y Sandri sẽ tham gia một buổi lễ cầu nguyện đại kết và một cuộc họp giữa các tôn giáo.

Theo CIA World Factbook, khoảng 87% người Syria theo đạo Hồi, dân số Kitô Giáo ước tính là 10%, mặc dù con số đó chưa tính đến số lượng lớn các tín hữu Kitô đã bỏ trốn khỏi đất nước trong cuộc chiến vẫn còn đang diễn ra.

Trước cuộc nội chiến, Aleppo là thành phố lớn nhất của Syria và có tỷ lệ người theo Kitô Giáo cao nhất, ước tính có khoảng 180,000 Kitô Hữu. Theo số liệu năm 2019, con số đó giảm xuống còn khoảng 32,000.

Cộng đồng Công Giáo lớn nhất ở Syria là Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Melkite. Ngoài ra còn có người Công Giáo Latinh, Assyriô và Chanđê.

Các cộng đồng Kitô Giáo khác bao gồm các Giáo Hội Armenia, Syriac và Chính thống giáo Đông phương.


Source:Catholic News Agency

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *