Di tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị đánh cắp khỏi Vương cung thánh đường lịch sử

1. Di tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị đánh cắp khỏi Vương cung thánh đường lịch sử

Di tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị đánh cắp khỏi Vương cung thánh đường lịch sử

Hôm Chúa Nhật 21 tháng 11, Cha Jorge Jacek Twarog, Bề trên của Phái bộ Công Giáo Ba Lan tại Á Căn Đình, báo cáo rằng thánh tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, được lưu giữ tại Vương cung thánh đường ở Buenos Aires, đã bị đánh cắp.

Thánh tích, được đưa đến Á Căn Đình từ Ba Lan vào năm 2016, bao gồm một giọt máu của Thánh Gioan Phaolô II, được đựng trong một hộp nhỏ hình vuông có khung bằng vàng và được gắn trên một kim loại tượng trưng cho huy hiệu của vị Thánh Giáo hoàng.

Thánh tích đã được Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, tổng giám mục của Krakow trao cho Cha Twarog vào ngày 19 tháng 8 năm 2016, tại Tòa tổng giám mục ở thủ đô cũ của Ba Lan.

Cha sở của Vương cung thánh đường, là Cha Rafael Cáceres Olave và cộng đồng Công Giáo đang thực hiện mọi biện pháp để tìm kiếm lại thánh tích và cầu nguyện rằng thánh tích sẽ sớm được lấy lại.


Source:Catholic News Agency

2. Các quan chức ý thức hệ tại Philadelphia thua kiện, phải trả 2 triệu đô la cho cơ quan Công Giáo sau tranh chấp về chăm sóc nuôi dưỡng

Các quan chức ý thức hệ tại Philadelphia đã huỷ hợp đồng với Dịch vụ Xã hội Công Giáo của tổng giáo phận, gọi tắt là CSS vì cơ quan Công Giáo này không cho phép các các cặp đồng tính nhận con nuôi.

Thành phố cho rằng việc CSS từ chối cho phép các cặp kết hôn đồng giới nhận con nuôi đã vi phạm các điều khoản không phân biệt đối xử trong hợp đồng của CSS với thành phố cũng như các yêu cầu không phân biệt đối xử của Sắc lệnh Thực hành Công bằng trên toàn thành phố.

CSS đã kiện lên Tối Cao Pháp Viện và thắng kiện vào tháng Sáu vừa qua.

Các quan chức ý thức hệ của thành phố Philadelphia giờ đây đã phải đồng ý gia hạn hợp đồng với CSS, và thanh toán các khoản phí pháp lý và các khoản phí khác phát sinh trong vụ kiện tự do tôn giáo đã lên đến tận Tòa án Tối cao. Tổng cộng thành phố phải trả 2 triệu Mỹ Kim cho CSS của tổng giáo phận.

Về phần mình, CSS đồng ý đăng trên trang web của mình một cảnh báo rằng dịch vụ này không hoạt động với các cặp đồng tính và cung cấp giới thiệu đến các cơ quan làm như vậy.

Philadelphia quyết định không tranh chấp pháp lý thêm nữa, vì sợ rằng phán quyết bất lợi của Tòa án Tối cao trong vụ CSS kiện Thành phố Philadelphia sẽ được áp dụng rộng rãi hơn.

Tòa án cấp cao đã phán quyết rằng quyết định của thành phố không ký hợp đồng với CSS, trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng trừ khi cơ quan này đồng ý cho các cặp đồng tính nhận con nuôi là vi phạm tự do tôn giáo.

Theo thỏa thuận, thành phố đã trả cho Becket Law, công ty luật tự do tôn giáo đại diện cho CSS, 1.95 triệu đô la phí pháp lý. Theo Philadelphia Inquirer, thêm $56,000 đã được trả cho Dịch vụ Xã hội Công Giáo.

“Là một phần của thỏa thuận dàn xếp, thành phố đã viết vào hợp đồng của CSS rằng cơ quan bác ái Công Giáo sẽ được miễn trừ khỏi sắc lệnh không phân biệt đối xử trên toàn thành phố, cấm các nhà thầu thành phố phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính hoặc khuynh hướng tình dục. Hợp đồng chăm sóc nuôi dưỡng năm 2022 của cơ quan là 350,000 đô la. Thỏa thuận cũng quy định rằng thành phố làm việc với những phụ nữ có tên trong vụ kiện, Sharonell Fulton và Toni Simms-Busch, cả hai đều là cha mẹ nuôi lâu năm của CSS”.

Ken Gavin, phát ngôn viên của Tổng giáo phận Philadelphia, nói với tờ báo: “Chúng tôi rất biết ơn vì các mục vụ của chúng tôi có thể tiếp tục phục vụ những người trông cậy vào chúng tôi, đặc biệt là những đứa trẻ đang nuôi dưỡng cần một mái ấm tình thương.

Trường hợp này đã có một tác động vượt ra ngoài thành phố Philadelphia. Vào ngày 1 tháng 11, Tòa án Tối cao đã bác bỏ phán quyết của tòa án tiểu bang New York chống lại Giáo phận Albany. Giáo phận đã thách thức quy định của tiểu bang theo đó các bảo hiểm y tế phải bao gồm bảo hiểm phá thai. Khi chuyển vụ việc lên tòa án cấp cao nhất của New York, Tòa án tối cao đã hướng dẫn họ xem xét thêm về vụ CSS kiện Philadelphia như một tiền lệ pháp lý.


Source:Aleteia

3. Cái chết của Frère Jean-Pierre, người cuối cùng trong nhóm các tu sĩ Tibhirine

Vào tháng 12 năm 2018, Frère Jean-Pierre Schumacher đã đến Algeria để tham dự lễ phong chân phước cho những người anh em của mình và các vị tử đạo Kitô khác, bị giết bởi những kẻ khủng bố vào những năm 1990. Đó là lần đầu tiên ngài trở lại đất nước đó, hơn 20 năm sau vụ bắt cóc và thảm sát bảy tu sĩ ở Tibhirine năm 1996. Giờ đây, ngài đã cùng các anh em của mình vào nhà Cha trên Trời.

Vị tu sĩ Dòng Trap đã qua đời hôm Chúa Nhật 21 tháng 11 ở tuổi 97. Ngài là người sống sót cuối cùng trong cuộc thảm sát tàn bạo để lại vết thương rất sâu, không chỉ trong Giáo hội Algeria mà còn cả toàn thể giới.

Khiêm tốn và tốt bụng, kín đáo và hữu ích, Frère Jean-Pierre sống những năm cuối đời trong tu viện Trap ở Midelt, Maroc, nơi, sau nhiều năm im lặng, sự chú ý của thế giới đã khiến ngài trở thành tâm điểm trong thảm kịch tại Algeria.

Bộ phim phi thường của đạo diễn người Pháp Xavier Beauvois đã khơi dậy sự quan tâm đến sự hiện diện thầm lặng và cầu nguyện của các tu sĩ Tibhirine, một sự hiện diện chìm sâu vào bối cảnh xã hội và tôn giáo của nơi này, cho đến khi các ngài phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng.

Đối với Frère Jean-Pierre, trải nghiệm này có phần xúc động vì chỉ sau đó, ngài mới bắt đầu nói, theo cách trầm lặng, không nhấn mạnh hay nghiêm khắc, về các sự kiện trong thời điểm bi thảm khi cộng đồng Tibhirine đã chọn ở lại bất chấp các mối đe dọa khủng bố và thù địch của quân đội.

“Đó là một lựa chọn mà chúng tôi đã cùng nhau thực hiện: ở lại, bất chấp mọi thứ, và tiếp tục là một cộng đồng cầu nguyện bên cạnh những người hàng xóm Hồi giáo của chúng tôi,” ngài nói một cách rất tự nhiên, điềm tĩnh, bất kể đã phải kinh qua một thảm kịch khủng khiếp.

“Chúng tôi không thể rời đi. Sự hiện diện của chúng tôi trong tu viện là một dấu chỉ của lòng trung thành với Phúc âm, với Giáo hội và với người dân Algeria. Chúng tôi không muốn trở thành những người tử vì đạo, nhưng muốn là những dấu chỉ của tình yêu và hy vọng”.

Vào đêm ngày 26 và ngày 27 tháng 3, ngài đang ở trong phòng của mình trong nhà nghỉ của người giữ cửa và giúp việc trong tu viện, đó là lý do tại sao bọn khủng bố không tìm thấy ngài. Một tu sĩ khác, Frère Amedée, là người sống sót khác vì bọn khủng bố nhận được thông tin về sự hiện diện của bảy Sư huynh. Nhưng vào thời điểm đó, có hai du khách hiện diện, tổng cộng là có chín người. Những kẻ bắt cóc đếm đủ 7 người thì bỏ đi mà không cần tìm kiếm thêm.

“Tôi nghe thấy tiếng động. Tôi nghĩ những kẻ khủng bố đã đến để tìm thuốc, như chúng đã từng làm trong những dịp khác. Tôi đã không di chuyển cho đến khi ai đó gõ cửa phòng tôi. Tôi sợ, nhưng tôi đã mở. Đó là một linh mục từ Giáo phận Oran, thành viên của một nhóm đối thoại Hồi giáo-Cơ đốc giáo tên là Ribat el Salaam, nghĩa là “Mối giây Hòa bình”. Ngài đến để nói với tôi rằng anh em tôi đã bị bắt cóc. “

Vào thời khắc đó, không ai tưởng tượng được rằng những kẻ khủng bố sẽ giết chết các tu sĩ. Nhiều người nghĩ rằng họ sẽ đánh đổi họ với một số kẻ khủng bố đang bị giam cầm. Việc giết người của chúng, cho dù là các tín hữu Kitô, cũng khiến nhiều người trong xã hội Algeria khó chịu.

Frère Jean-Pierre không ngừng tự hỏi bản thân: “Nếu tôi nhận thấy rằng các anh em tôi đang bị bắt đi, tôi sẽ ở trong phòng của tôi hay tôi sẽ đi theo anh em của mình?”


Source:Asia News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *