1. Phạm thánh trầm trọng tại Paris, kẻ thách thức bóp nát Mình Thánh Chúa khi Rước lễ
Khi trao Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ Chúa Nhật ngày 17 tháng Giêng, Cha Simon de Violet, linh mục phụ tá tại giáo xứ Chúa Thánh Linh ở quận 12 của Paris, đã phải đối mặt với một người đàn ông đã nhận Mình Thánh Chúa trên tay, trước khi bóp nát thành từng mảnh và ném xuống đất. Một cử chỉ bạo lực và phạm thánh nghiêm trọng đối với Giáo hội, một sự xúc phạm, đòi hỏi một Thánh lễ Sám hối được cử hành vào Thứ Tư tuần này.
Người đàn ông đến và chìa tay ra để rước Mình Thánh Chúa. Nhưng thay vì đưa bánh thánh lên miệng, hắn ta lại nâng nó lên cao ngang mặt và bóp nát thành từng mảnh vụn rồi ném xuống đất.
Cha Simon, vẫn còn bị sốc, nói với tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường rằng: “Đó là thánh lễ chính trong ngày Chúa Nhật, lúc 11 giờ sáng, có thể coi là giai đoạn hai trong lễ rửa tội cho trẻ em, có rất nhiều người trong nhà thờ”. Khi người đàn ông đến gần, vị linh mục không nhận thấy điều gì đáng ngờ. Mọi thứ diễn ra rất nhanh chóng. “Anh ta cầm lấy bánh thánh, đưa tay lên ngang mặt và bóp nát bánh thánh như người ta có thể làm với một miếng khoai tây chiên!”
Lại gần người ấy, vị linh mục nắm lấy áo khoác của anh ta và hô to. Cha Simon cho biết thêm: “Người đàn ông chỉ đơn giản trả lời ‘Dành cho Nadia’ trước khi tan vào đám đông. Như thế, hành động đó đã được suy nghĩ, và tính toán trước. Tay của anh ấy hơi sưng, với một số vết thương, như trường hợp của những người sử dụng ma túy hoặc rượu quá mức. Nhưng anh ấy hoàn toàn tỉnh táo “. Vị linh mục nhanh chóng yêu cầu các tín hữu lùi lại để ngài thu gom tất cả các mảnh vụn vào một cái bình “Tôi bảo đảm rằng thân thể của Chúa Giêsu Kitô không bị hư hại nhiều hơn những gì đã xảy ra.”
Một số thông tin từ cộng đoàn giáo xứ Chúa Thánh Linh cho rằng Nadia có thể là tên của một cô gái Công Giáo từng quen biết với hắn ta. Có thể cô ta đã chia tay với hắn, và trò này là nhằm trả thù.
Trên tweeter, Cha Simon viết: “Một sự phạm thánh đã xảy ra vào Chúa Nhật này tại giáo xứ. Sau khi nhận được Mình Thánh Chúa, một người đàn ông đã bóp nát bánh thánh trước mặt tôi và ném nó xuống đất. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh ta, và cầu xin để ma quỷ sẽ ngừng tấn Công Giáo Hội”.
Vị linh mục giải thích: “Việc phạm thánh đến Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô nghiêm trọng hơn nhiều so với tội phá phách các bức tượng hoặc hành vi trộm cắp một thùng tiền nhà thờ. “Đó là tội lỗi nghiêm trọng nhất về phương diện phụng vụ và bí tích. Thân thể của Chúa Kitô là kho tàng của Giáo hội “. Từ đầu năm đến nay, Paris đã chứng kiến một số cuộc đột nhập, phá hoại, và trộm cắp các ngôi thánh đường. Cha Simon coi những vụ phá phách là “làn sóng tấn công của ma quỷ” như đã từng xảy ra trong suốt lịch sử. Ngài nói: “Quyền lực của sự dữ được tung ra, và đó là một cách để thử thách niềm tin của Giáo hội nơi Thiên Chúa và chúng ta phải nhớ rằng ma quỷ đã bị đánh bại bởi Chúa Kitô. Và người đàn ông đã nghiền nát Mình Thánh Chúa đó là do ma quỷ tác động. “
Cuối thánh lễ, Cha Simon quyết định giải thích cho cộng đoàn điều gì vừa xảy ra. “Tôi quyết định nói chuyện với cộng đoàn cho những người chưa nhìn thấy điều gì xảy ra, nhưng cũng cho những đứa trẻ ngồi ở hàng ghế đầu, những người đã nhìn thấy mọi thứ mà chưa chắc đã hiểu được ý nghĩa xúc phạm của cử chỉ này. Tôi quyết định mang theo bánh thánh trong cuộc rước kết thúc thánh lễ. Chúng tôi đã đi qua dân Chúa với thân xác tan nát của Chúa. Có điều gì đó mang tính tiên tri và bi thảm trong đó”.
Thánh lễ phạt tạ
Sau thánh lễ, linh mục chánh xứ, là Cha Arnaud Duban, cho bánh thánh vào nước để pha loãng, theo đúng các giao thức của Giáo Hội trong những trường hợp như thế. Một thánh lễ phạt tạ đã được tổ chức vào ngày Thứ Tư, 19 tháng Giêng. “Chúng tôi sẽ nhân cơ hội của thảm kịch này để giúp các giáo dân và trẻ em hiện diện có một ý thức đúng đắn về sự thánh thiêng của thân thể Chúa Kitô.”
Sự xúc phạm này không phải là một sự kiện nhỏ. Cha Simon, đồng ý với cha xứ của mình, quyết định nói về điều đó ngay lập tức. “Chúng tôi đã lựa chọn minh bạch vì một số lý do. Cái ác phải được đối mặt trực tiếp. Chúng ta phải nêu đích danh nó,” vị linh mục nói. “Điều này cũng sẽ giúp chúng ta tôn kính và tôn trọng thân thể của Chúa Giêsu Kitô tốt hơn”.
Source:Aleteia
2. Đức Thánh Cha chính thức tuyên bố Thánh Irênê là Tiến Sĩ Hội Thánh
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức tuyên bố Thánh Irênê – tiếng Pháp là Irénée, tiếng Anh là Irenaeus – giám mục sống ở thế kỷ thứ 2 tại Lyon, là Tiến Sĩ Hội Thánh, với tước hiệu “Tiến sĩ Unitatis” – “Tiến Sĩ Của Sự Hiệp Nhất”, trong một sắc lệnh ban hành vào ngày 21 tháng Giêng năm 2022. Thánh Irênê là Tiến sĩ thứ 37 của Hội Thánh, và Tiến sĩ thứ năm đến từ Pháp.
“Cầu mong giáo lý của một vị Thầy vĩ đại như vậy sẽ khuyến khích ngày càng nhiều hơn nữa hành trình của tất cả các môn đệ của Chúa trên con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn,” Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong sắc lệnh của ngài. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng vị thánh vốn xuất thân từ phương Đông và từng là giám mục ở phương Tây, là một “cầu nối tâm linh và thần học” giữa các Kitô hữu của phương Đông và phương Tây.
“Tên của ngài, Irênê, thể hiện sự bình an đến từ Chúa và sự hòa giải, khôi phục sự thống nhất”
Giáo hội chính thức tuyên phong danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh cho các nhà thần học mà Giáo hội công nhận là có thẩm quyền đặc biệt với tư cách là nhân chứng cho giáo lý, vì sự chắc chắn trong tư tưởng của các ngài, cũng như sự thánh thiện trong cuộc sống và tầm quan trọng trong công việc của các ngài.
Một ngày trước khi công bố sắc lệnh này, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã chính thức đề nghị Đức Giáo Hoàng chấp nhận “phán quyết tích cực” của phiên họp toàn thể của các Hồng Y và giám mục, là những vị đã xem xét đề nghị phong cho vị thánh này danh hiệu này.
Hồi tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng ngài sẽ sớm tuyên bố Thánh Irênê là Tiến sĩ Giáo hội trong một bài diễn văn trước các nhà thần học Công Giáo và Chính thống trong nhóm Công tác Chính Thống Giáo – Công Giáo Thánh Irênê.
Vào tháng Giêng năm 2018, Đức Hồng Y Philippe Barbarin, khi đó là Giáo Chủ của Gauls, trong khi đến Rôma, đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Á Căn Đình phong Thánh Irênê làm Tiến sĩ Hội Thánh.
Sinh ra tại Smyrna, Tiểu Á – nay là Thổ Nhĩ Kỳ – và sống từ năm 177 đến 202, Thánh Irênê được biết đến như một người bảo vệ trung thành cho đức tin.
Lo ngại về sự gia tăng của các giáo phái ngộ đạo trong Giáo Hội sơ khai, ngài đã viết tác phẩm “Adversus haereses”, nghĩa là “Chống lại những kẻ dị giáo”. Đó là một lời bác bỏ niềm tin ngộ đạo trong đó phái này đề cao kiến thức tâm linh của cá nhân, và coi nhẹ đức tin vào các giáo lý Kitô và thẩm quyền của giáo hội.
Trong cuộc họp mùa thu năm 2019, hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã đồng ý thêm vào một đề nghị của Tổng giáo phận Lyon, Pháp – khu vực nơi Thánh Irenaeus phục vụ – là xin Đức Thánh Cha tuyên bố rằng vị giám mục thế kỷ thứ hai là tiến sĩ Hội Thánh.
Giáo Hội Công Giáo hiện có 37 Tiến sĩ Hội Thánh, năm vị là người Pháp: đó là Thánh Bernard thành Clairvaux, Thánh Hilaire thành Poitiers, Thánh Phanxicô Đệ Salê, Thánh Têrêxa thành Lisieux và ngày nay là Thánh Irénée.
Trước đó, vào năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một Tiến sĩ Hội Thánh khác, là Thánh Gregôriô thành Narek, sinh năm 954 và mất năm 1010. Ngài là một nhà thơ và nhà triết học Armenia
Source:Aleteia
3. Các vị được tuyên Tiến sĩ Hội Thánh bởi 3 vị giáo hoàng gần đây nhất
Thánh Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô, mỗi vị đã tuyên bố một số các vị thánh là “Tiến sĩ Hội Thánh”, vì những giáo huấn có tầm ảnh hưởng lớn của các ngài.
Trong Giáo Hội Công Giáo, bên cạnh việc gọi một số vị là thánh, khi công nhận các nhân đức phi thường của các ngài, các giáo hoàng qua nhiều thế kỷ đã chọn các vị thánh cụ thể là “Tiến sĩ Hội Thánh”.
Những vị này được coi là những bậc thầy gương mẫu trong các chủ đề thần học hoặc tâm linh khác nhau. Danh hiệu “Tiến sĩ” bắt nguồn từ tiếng Latin docere, có nghĩa là “giảng dạy.”
Kể từ thế kỷ 13, chỉ có 37 vị được tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh. Đây là một con số rất nhỏ, vì đây là một tước hiệu hiếm hoi được trao và các giáo hoàng không thường xuyên trao tặng danh hiệu này.
3 vị giáo hoàng cuối cùng đã thêm một số ít các vị thánh vào danh hiệu đặc biệt này.
Thánh Têrêsa thành Lisieux
Năm 1997, Thánh Gioan Phaolô II đã phong Thánh Têrêsa thành Lisieux là Tiến sĩ Hội thánh vì những bài viết có linh đạo sâu sắc của Thánh nữ.
Thánh John thành Ávila
Đức Bênêđíctô XVI đã phong Thánh Gioan thành Avila là Tiến sĩ Giáo hội vào năm 2012, công nhận sự hiểu biết về Sách Thánh và tinh thần truyền giáo của ngài.
Thánh Hildegard thành Bingen
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng phong Thánh Hildegard thành Bingen là Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 2012, nêu bật kiến thức thần học cũng như các nghiên cứu của Thánh nữ về khoa học tự nhiên.
Thánh Grêgôriô thành Narek
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên Thánh Grêgôriô thành Narek, một vị thánh phương Đông được ngài tuyên là “Tiến sĩ Hòa bình” vào năm 2015.
Thánh Irênê thành Lyon
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tuyên Thánh Irênê của Lyon là Tiến sĩ Giáo hội, và coi ngài là “cầu nối” giữa Giáo hội phương Đông và phương Tây.
Source:Aleteia