Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, đã có cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám Mục nhân hội nghị chuyên đề ở Rôma về chức tư tế, kéo dài từ hôm 17 tháng Hai đến 19 tháng Hai.
Thưa Đức Hồng Y, tại sao ngài quyết định tổ chức một hội nghị chuyên đề về chức tư tế ngày nay?
Đức Hồng Y Ouellet: Giáo hội hiện đang trong một tiến trình thượng hội đồng đặt ra vấn đề về sự tham gia của dân Chúa trong toàn bộ đời sống của Giáo hội. Khi đưa ra Thượng hội đồng về tính đồng nghị, Đức Giáo Hoàng không muốn tiến hành một cuộc khảo sát ý kiến trong Giáo hội, một hoạt động của nghị viện hoặc một tập hợp các ý kiến. Ngài muốn đánh thức niềm tin của dân Chúa.
Sau Thượng Hội Đồng về Người Trẻ và Thượng Hội Đồng về vùng Amazon, chúng tôi cảm thấy điều quan trọng là phải tiếp tục suy tư về ơn gọi của người được rửa tội. Tiêu đề của hội nghị chuyên đề này, là “Hướng tới một Thần học Cơ bản về Chức Linh mục”, cho thấy rằng chúng ta muốn tiếp nhận chủ đề của chức tư tế bằng cách quay trở lại các nguyên tắc cơ bản của nó: là Chúa Kitô và phép Rửa Tội.
Văn hóa Công Giáo đã làm cho chúng ta nghĩ đến các linh mục và giám mục khi chúng ta nói về chức linh mục, như thể đó là toàn bộ chủ đề. Công đồng Vaticanô II đã khôi phục sự cân bằng giữa chức tư tế thông thường của người được rửa tội và chức tư tế thừa tác. Nhưng trên thực tế, điều này vẫn chưa diễn ra.
Làm thế nào để có thể thiết lập sự cân bằng này, thưa Đức Hồng Y?
Đức Hồng Y Ouellet: Ý thức về truyền giáo nên có trong tất cả những người đã được rửa tội. Sứ vụ truyền giáo không chỉ được dành riêng cho các thừa tác viên được phong chức. Do đó, hội nghị chuyên đề này nhằm mục đích quay trở lại nền tảng của chức tư tế, dĩ nhiên là phản ánh mối quan hệ giữa thừa tác vụ được truyền chức và chức tư tế trong phép Rửa Tội. Vấn đề không phải là chỉ tập trung vào hình bóng của vị linh mục. Chúng tôi muốn chú ý đến sự hiệp thông của các ơn gọi và sự bổ sung của các trạng thái trong cuộc sống; chẳng hạn, làm thế nào để thực hiện chức tư tế trong phép Rửa Tội của một người với tư cách là cha mẹ, trong một gia đình, hoặc trong đời sống thánh hiến.
Hội nghị chuyên đề này đang diễn ra vào một thời điểm trong lịch sử khi hình ảnh của vị linh mục đã bị tổn hại bởi những tai tiếng lạm dụng của các thành viên trong hàng giáo phẩm. Liệu cuộc khủng hoảng lạm dụng có được giải quyết trong các bài suy tư không, thưa Đức Hồng Y?
Đức Hồng Y Ouellet: Vấn đề lạm dụng trong Giáo hội là một vấn đề rất khó khăn. Nó đã được nghiên cứu rộng rãi ở cấp độ xã hội học và lịch sử, với các nghiên cứu của các ủy ban đưa ra cái nhìn thống kê về vấn đề và chỉ ra những sai sót trong mục vụ. Giáo hội đã đi một chặng đường dài trong 25 năm qua khi nhận ra những sai lầm của quá khứ trong việc xử lý các trường hợp lạm dụng nói riêng.
Chúng ta vẫn chưa hoàn thành công việc phân tích cuộc khủng hoảng này. Việc suy tư cần phải được thực hiện trên bình diện thần học, một nhiệm vụ mà các ủy ban như CIASE, là Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội của Pháp đã không thể thực hiện đầy đủ. Sự phân tích như vậy vượt ra ngoài khuôn khổ của hội nghị chuyên đề về chức tư tế này.
Nhưng liệu cuộc khủng hoảng lạm dụng này có thể đặt ra câu hỏi về luật độc thân linh mục không, thưa Đức Hồng Y?
Đức Hồng Y Ouellet: Bạn đã hỏi tôi câu đó, thì cho tôi hỏi lại một câu hỏi khác: những lạm dụng diễn ra trong các gia đình có thể đặt lại vấn đề hôn nhân như một lối sống không? Tôi không nghĩ như vậy. Cuộc khủng hoảng lạm dụng đặt ra câu hỏi về khả năng tự kiểm soát của một số người, những người đã có những sai lệch nghiêm trọng trong trạng thái cuộc sống của họ.
Do đó, chúng ta phải phân biệt giữa những yếu kém đạo đức của con người và tình trạng cuộc sống của họ. Hơn nữa, các nghiên cứu khoa học đã được thực hiện không kết luận rằng độc thân là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này.
Liệu Giáo Hội có thể tiếp tục trình bày đời sống độc thân linh mục như một khuôn mẫu về sự hiến thân triệt để cho giới trẻ ngày nay không, thưa Đức Hồng Y?
Đức Hồng Y Ouellet: Tôi tin rằng đời sống độc thân của các linh mục là không thể hiểu được nếu một người không có đức tin. Nó đến từ đâu? Thưa: Từ con người của Chúa Giêsu Kitô. Xung quanh Ngài và vì Ngài, những thực tế mới đã xuất hiện trong lịch sử. Chính Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta từ bỏ mọi sự, ngay cả gia đình, để phục vụ Nước Trời.
Vì vậy, nếu chúng ta không tin rằng Chúa Giêsu là Con hằng sống của Chúa Cha đã đến thế gian, thì đời sống độc thân của Kitô hữu không có nhiều ý nghĩa. Tôi tin rằng nền tảng này đang bị thiếu trong việc biện minh cho sự độc thân ngày nay. Sự độc thân trước hết là sự công nhận Chúa Giêsu là ai. Đó là một lời tuyên xưng đức tin.
Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã bỏ phiếu ủng hộ việc phong chức cho những người đàn ông đã kết hôn tại Thượng Hội Đồng trên Amazon. Trong Giáo hội ở Đức, nhiều người đang kêu gọi khả năng biến luật độc thân linh mục trở thành một tùy chọn. Hội nghị chuyên đề này có được dự định như một câu trả lời thần học cho những câu hỏi này không, thưa Đức Hồng Y?
Đức Hồng Y Ouellet: Chúng tôi không biết hết những gì đang được nói về đời sống độc thân của các linh mục. Nhưng hội nghị chuyên đề là một phản ánh cơ bản. Nó không được thiết kế để trả lời tất cả các câu hỏi đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông hoặc để phản hồi những gì đang xảy ra ở Đức. Mục đích không phải là sửa sai hoặc chỉ tay vào người khác. Hội nghị này là nhằm giải quyết một cách nghiêm túc, sâu sắc và thanh thản với những câu hỏi cơ bản.
Những phản ánh này chắc chắn sẽ làm sáng tỏ thêm những gì có thể được nói ở nơi khác. Trong hội nghị chuyên đề này, các giám mục Đức sẽ có mặt. Nếu những gì họ nghe được có thể hữu ích cho những phản ánh của họ, tôi sẽ rất vui. Nhưng tôi nhắc lại: chúng tôi không ở đây để chỉ đạo hoặc thách thức những gì đang xảy ra ở Đức.
Các ủy ban chống lạm dụng gần đây đã chỉ ra “sự thần thánh hóa quá mức” các linh mục là nguyên nhân của việc lạm dụng quyền lực. Đức Hồng Y nghĩ gì về điều này? Làm thế nào chiều kích thiêng liêng của chức tư tế có thể được tương ứng với một quan niệm đúng đắn về quyền lực trong Giáo hội?
Đức Hồng Y Ouellet: Có một thời, các linh mục được đặt trên một cái bệ. Tâm lý này, có lẽ xuất hiện trước Công đồng và một chút sau đó, nhưng đã giảm đi rất nhiều. Nó không còn là nền văn hóa thống trị trong Giáo hội ngày nay; đặc biệt là kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục tố cáo chủ nghĩa giáo sĩ trị.
Điều còn lại là linh mục có vai trò đại diện cho Chúa Kitô, điều này ban cho ngài một “sự thánh thiêng”. Nhưng điều này có nghĩa là gì? Đó là một món quà bí tích biểu thị một sự hiện diện mầu nhiệm. Khi thi hành các chức năng của mình, linh mục cho các tín hữu thấy sự hiện diện một cách mầu nhiệm Đấng Phục sinh, Đấng do đó tiếp tục tỏ mình trong lịch sử. Chúa Giêsu Thánh Thể, biểu hiện của Chúa Kitô Phục Sinh, là điều thiêng liêng nhất trong Giáo Hội. Và linh mục hoàn toàn bị ràng buộc với sứ vụ thiêng liêng này.
Theo nghĩa này, đúng, ngài có một chiều kích thiêng liêng. Nhưng đó không phải là sự thánh thiêng tự nhiên.
Làm thế nào để có thể đấu tranh một cách hợp pháp với chủ nghĩa giáo sĩ trị mà không làm tổn hại đến căn tính của chức tư tế, thưa Đức Hồng Y?
Đức Hồng Y Ouellet: Đức Giáo Hoàng nói rất nhiều về chủ nghĩa giáo sĩ trị, một “ism” ám chỉ sự lạm dụng quyền lực. Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một sự thất bại trong việc lắng nghe dân Chúa. Đó là sự áp đặt quan điểm của chính mình; đó là một linh mục trong một giáo xứ không lắng nghe hội đồng mục vụ của mình hoặc coi phụ nữ thuộc loại những con người hạng hai. Đức Giáo Hoàng tố cáo những lạm dụng này, tâm lý này có thể dẫn đến những lạm dụng nghiêm trọng, trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, điều cần thiết là phải bảo vệ chức năng của linh mục, người phải thể hiện trong cộng đồng của mình một đại diện cho thẩm quyền của Chúa Kitô. Ngài phải làm điều này theo cách của một người cha và trong tình huynh đệ, với ý thức về quyền lực của một người không bảo vệ địa vị nhưng muốn giúp con mình phát triển.
Một người cha không áp đặt quyền lực bạo lực. Ngược lại, người cha ấy muốn các con của mình ngày càng phát triển. Khi một linh mục can thiệp vào cộng đoàn, thì phải làm như vậy với tinh thần của một người cha, nghĩa là, với uy quyền nhưng cũng phải dịu dàng, nhẹ nhàng, đồng hành, khích lệ. Chúng ta vẫn cần hiểu điều này sâu sắc hơn theo quan điểm thần học.
Ngày nay trở thành linh mục có khó hơn không?
Đức Hồng Y Ouellet: Tôi nghĩ vậy. Nhưng luôn có sự cám dỗ đối với một linh mục để nói với chính mình rằng mọi thứ trước đây tốt hơn nhiều lắm. Hãy đi và xem liệu nó có tốt hơn không! Trong mọi trường hợp, tôi tin rằng ngày nay sứ mệnh của linh mục có thể thú vị hơn 50 năm trước, bởi vì những thách thức là vô cùng lớn.
Việc truyền giáo đang được đặt trở lại trọng tâm của thừa tác vụ linh mục. Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng mời gọi chúng ta làm như vậy. Ngài tận dụng mọi cơ hội để giao tiếp. Thật đáng kinh ngạc khi ngài có thể nghĩ ra điều gì đó để tiếp cận với những người khác, cả những người tin và những người không tin, sử dụng mọi kênh, thậm chí đến mức tham gia một chương trình gần đây trên truyền hình Ý. Một số người đã chỉ trích ngài vì điều này, với lý do rằng ngài đang vô hiệu hóa chức vụ của mình.
Nhưng Đức Giáo Hoàng là một nhà truyền giáo, ngài ấy làm chứng, ngài tuyên bố. Chúng ta có nên nhìn ngài và tự hỏi liệu ngài có nên làm thế này hay thế kia không? Có lẽ chúng ta cũng nên là những người truyền giáo. Vì vậy, tôi tin rằng linh mục ngày nay phải sáng tạo, phải thực hiện những bước đầu tiên và cởi mở với sự táo bạo đối với đối thoại.
Source:Aleteia