Tại buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào ngày 27. 5. 2015, Đức giáo hoàng Phanxicô đã yêu cầu các cặp đôi đã đính hôn đọc cuốn tiểu thuyết The Betrothed (Người đính hôn) của Alessandro Manzoni. Đức giáo hoàng biết rằng những tác giả như thế, dù không phải là giám mục hay linh mục, lại có thể dạy Giáo hội nhiều điều về đức tin và cuộc sống của Kitô hữu như thế nào. Tác phẩm kinh điển của Manzoni mô tả câu chuyện tình yêu rắc rối của Renzo và Lucia. Như là một “kiệt tác về khế ước”, tác phẩm vẫn có những bài học quan trọng cho giới trẻ ngày nay về sự chịu đựng anh dũng mà những người theo Chúa Giêsu cần, nếu họ phải đối diện với đau khổ và ngay cả chống lại sự dữ lớn lao khi họ sống, hy vọng sự công chính của Thiên Chúa sẽ đến.
Trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu) năm 2016 về tình yêu trong gia đình, Đức Phanxicô đã trích dẫn Jorge Luis Borges (AL 8) và những tác giả hiện đại khác (AL 107, 181). Trong khi chưa bao giờ được coi là những thầy dạy chính thức đối với người Công giáo và các Kitô hữu khác, các tác giả này có nhiều điều quan trọng để dạy chúng ta, mà ở đây, là về cuộc sống gia đình.
Tông huấn đã tạo ra một nền tảng mới khi trích dẫn một bộ phim, vốn được Đức Phanxicô yêu thích, mang tên Babette’s Feast (Bữa tiệc của Babette): “Vì chúng ta được dựng nên cho tình yêu, chúng ta cũng biết rằng không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của việc san sẻ những điều tốt lành” (AL 129). Sự chia sẻ không vị kỷ của Babette mang lại nhiều niềm vui cho những người từng sống một cuộc đời khắc nghiệt và gò bó. Chính tình yêu của cô ấy khiến họ mở ra những niềm vui bình dị trong cuộc sống.
Để tưởng nhớ 700 năm ngày qua đời của Dante Alighieri, Đức giáo hoàng Phanxicô đã ban hành Tông thư vào ngày 25. 3. 2021: Candor Lucis Aeternae (Sự Sáng ngời của Ánh Sáng Vĩnh Cửu). Như ngài viết trong phần giới thiệu, “Dante biết cách thể hiện bằng vẻ đẹp thơ mộng chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa và tình yêu.” Dưới đây chúng ta sẽ trở lại với Dante, và những gì ông ấy đã đạt được như là một bậc thầy của các Kitô hữu và thực sự là của cả nhân loại.
Chúng ta có thể nói thêm rằng tất cả mọi người nam và nữ, bất kể giống như Dante, họ đã được rửa tội hay chưa, bất kể họ giữ chức vụ gì trong Giáo hội hay xã hội, về bản chất đều là người dạy cũng như người học. Như thần học gia Bernard Lonergan nhận xét trong tác phẩm kinh điển Insight (Trực quan) của ngài, “Nói chuyện là một nghệ thuật cơ bản của con người”. Chúng ta “truyền đạt cho người khác” điều mà chính chúng ta biết.[1]
Công đồng Vatican II về vai trò giảng dạy của giáo dân
Công đồng Vatican II (1962-1965) đã truyền đạt một quan điểm mang tính toàn bộ, thậm chí phổ quát về những người có thể đóng góp vào vai trò giảng dạy của Giáo hội. Qua việc lãnh phép rửa, mọi Kitô hữu được thông phần 3 “chức năng” của Đức Kitô là tư tế, ngôn sứ và vua / mục tử. Cái nhìn sâu sắc của Thánh Gioan Henry Newman về giáo dân nhận bộ ba chức năng này – và đặc biệt là chức năng ngôn sứ – đã truyền cảm hứng cho bài luận kiệt xuất của ngài vào năm 1859, Về việc tham khảo ý kiến người tín hữu trong các vấn đề Giáo lý.[2]
Những vị khác dọn đường cho việc Công đồng Vatican II nhìn nhận điều mà việc giảng dạy của những nam nữ giáo dân mang lại. Trong cuốn Giáo dân trong Giáo hội (Lay People in the Church bản gốc tiếng Pháp, năm 1953),[3] cha Yves Congar dành riêng 3 chương cho giáo dân chia sẻ các chức năng tư tế, vương quyền, và ngôn sứ (theo thứ tự đó) của Chúa Kitô. Một cuốn sách khác về giáo dân của thần học gia Gérard Philips, người cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng tại Công đồng Vatican II, xuất hiện vào năm 1962 ngay trước khi Công đồng khai mạc: Vì một Kitô giáo trưởng thành (Pour une Christianisme adulte)[4]. Một trong những chương của cuốn sách này giải thích 3 chức năng của giáo dân là “Một Dân tư tế, Ngôn sứ, Vương giả”.
Trong lịch sử của các Công đồng chung của Giáo hội, Công đồng Vatican II đã tạo ra một nền tảng mới khi đưa vào giáo huấn một cách rõ ràng về giáo dân: đáng chú ý là một chương trong Hiến chế năm 1964 về Giáo hội, Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn Dân) (30-38) và Sắc lệnh năm 1965 về Tông đồ Giáo dân, Apostolicam Actuositatem (Hoạt động Tông đồ). Các đoạn văn trong những tài liệu khác của Công đồng Vatican II chứa đựng nhiều giáo huấn xa hơn về giáo dân (ví dụ: Sắc lệnh năm 1965 về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, Ad Gentes (Đến với muôn dân), số 15 và 21). Không có Công đồng nào trong số 20 Công đồng chung trước đây đưa ra bất kỳ giáo huấn nào như thế về đời sống và sứ mệnh của giáo dân, cách riêng như là những thầy dạy ngôn sứ.[5]
Chương 4 của hiến chế Lumen Gentium trình bày chi tiết về bộ ba chức năng của giáo dân là tư tế, ngôn sứ và vua (theo thứ tự này). Trước hết, “Chúa Giêsu Kitô, Linh mục thượng phẩm và vĩnh cửu” cho giáo dân “được dự phần vào chức năng tư tế của Người” để thực hành việc phụng thờ thiêng liêng trong Chúa Thánh Thần “hầu tôn vinh Chúa Cha và cứu rỗi thế gian” (LG 34).
Thứ đến, Chúa Giêsu Kitô “vị Ngôn Sứ cao cả, Đấng đã công bố vương quốc của Chúa Cha”, giờ đây “chu toàn chức năng ngôn sứ của Người không những nhờ hàng giáo phẩm, là những người nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy nhưng cũng nhờ các giáo dân”. Người “đặt họ làm chứng nhân”, đồng thời “ban cho họ cảm thức đức tin nữa” (LG 35).
Trước đó, hiến chế Lumen Gentium đã mô tả các bậc cha mẹ Kitô hữu là “những người truyền bá đức tin trong giáo hội tại gia” cho con cái của họ (LG 11). Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của cha mẹ như là những nhà giáo dục. Khi kết thúc buổi tiếp kiến chung vào ngày 20. 5. 2015, ngài cầu nguyện xin cho tất cả các bậc cha mẹ có được sự tự tin, tự do, và can đảm cần thiết để hoàn thành sứ mệnh này như là những nhà giáo dục.
Thẩm quyền giảng dạy của giáo dân
Nhưng, vì giáo dân không “ở trong thánh chức”, nên Lumen Gentium khẳng định rằng họ không “giảng dạy với thẩm quyền của Đức Kitô” (LG 32). Chỉ những người được phong chức “đại diện cho chính Đức Kitô” (LG 37). Công đồng đấu tranh để duy trì sự phân biệt giữa (a) giáo dân tham gia vào sứ mệnh giảng dạy, ngôn sứ của Chúa Kitô và (b) giám mục (và các cộng tác viên linh mục của các ngài trong thánh chức được truyền chức) cũng thi hành sứ mệnh ấy.
Trong vai trò ngôn sứ, giảng dạy của giáo dân, Công đồng Vatican II thừa nhận rằng các tín hữu không có chức thánh được Chúa Kitô thiết lập như “dụng cụ sống động”, tham gia vào việc phúc âm hoá vì vương quốc của Người (LG 33). Theo một nghĩa thực tế nào đó, giáo dân cũng nhân danh Đức Kitô giảng dạy, hưởng quyền bính của Đức Kitô, và đại diện cho chính Đức Kitô. Chính nhờ Người mà họ đã được thông phần vào “sứ mạng cứu độ của Giáo hội” (LG 33) và đặc biệt, trong chức năng ngôn sứ giảng dạy.
Chương 4 của Lumen Gentium cung cấp 2 thuật ngữ hữu ích khác, “các đặc sủng được chia sẻ bởi mọi người” (LG 30) và “kinh nghiệm của giáo dân” (LG 37). Những thuật ngữ này gợi ý một cách thế đáng tin để phân biệt (nhưng không tách biệt) sứ mệnh giảng dạy của huấn quyền và của giáo dân. Thông qua việc tấn phong giám mục, các giám mục đảm nhận vai trò giảng dạy chính thức. Các đặc sủng và kinh nghiệm cá nhân của giáo dân có thể mang lại “kiến thức sâu sắc hơn về chân lý được mạc khải” (LG 35), giúp họ trở thành những người thầy hữu hiệu trong Giáo hội và thế giới.
Vào cuối Công đồng Vatican II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong Thế giới ngày nay, Gaudium et Spes (Niềm vui và Hy vọng), đã nối kết cách nổi bật cả Giáo hội và thế giới đối với việc giảng dạy của giáo dân: “giáo dân được kêu gọi tham gia cách tích cực vào toàn bộ đời sống của Giáo hội”, cũng như “làm sinh động thế giới bằng tinh thần Kitô giáo” “Họ phải trở thành nhân chứng cho Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh và ngay giữa lòng cộng đoàn nhân loại” (GS 43). Điều này có nghĩa là người giáo dân thi hành chức vụ ngôn sứ của mình với tư cách là chứng nhân cho Chúa Kitô trong đời sống hôn nhân và gia đình (LG 5; AA 11, 30), cũng như trong hoạt động công khai, đặc biệt là tại nơi làm việc của họ (LG 25).
Cuối cùng, Công Đồng Vaticano II đã nhìn nhận với lòng biết ơn “đội ngũ giáo lý viên, cả [giáo dân] nam và nữ”; vai trò của họ là “tầm quan trọng cao nhất” (AG 17). Theo định nghĩa, giáo lý viên là giáo viên, và nên được coi là một trong những khuôn mặt thiết yếu trong Giáo hội giảng dạy.
Các nhà văn và đạo diễn phim ảnh
Không nghi ngờ gì nữa, Công đồng Vatican II đã nói nhiều về sứ mệnh – và đặc biệt, sứ mệnh giảng dạy – của giáo dân trong và vì Giáo hội. Nhưng chúng ta cần chú tâm vào giáo huấn này, và giống như Đức giáo hoàng Phanxicô, đưa ra những mẫu gương về những tín hữu đã được rửa tội dạy Giáo hội. Họ thuộc về “truyền thống sống động” (Hiến chế Mạc Khải, Dei Verbum (DV 12), và đóng một vai trò quan trọng trong việc giảng dạy sự tự mặc khải của Thiên Chúa vốn đã đạt đến đỉnh cao duy nhất nơi Chúa Giêsu Kitô.
Chúng ta bắt đầu với hai nhóm: nhà văn, và sau đó là đạo diễn phim. Họ là những thầy dạy đối với Giáo hội và là những tiếng nói đáng chú ý trong “truyền thống sống động” làm trung gian cho sự thông ban chính mình của Thiên Chúa.
Theo truyền thống được phát triển bởi Evagrius Ponticus (345-399) và thánh Grêgôriô Cả (khoảng 540-604), 7 mối tội đầu là kiêu ngạo, hà tiện, ham muốn, đố kỵ, tham ăn, nóng giận và lười biếng. Evagrius và sau đó là thánh Grêgôriô Cả đã trình bày sự thật về tội lỗi của con người theo những tuyến này. Chúng ta cần sám hối tội lỗi của mình khi nhận được tin mừng của Chúa Giêsu (Mc 1, 15).
Nhiều thế kỷ sau thánh Grêgôriô Cả, Dante Alighieri (1265-1321) đã tường thuật chi tiết về đời sống luân lý bằng cách mô tả một chuyến leo lên núi Luyện ngục. Hai bên là 7 bậc thang, nơi những tội nhân đang được thanh tẩy khỏi 7 mối tội đầu. Những tội này bắt đầu với điều tồi tệ nhất (kiêu ngạo) và kết thúc với tội ít nghiêm trọng hơn là ham muốn. Dante biết giáo lý kinh thánh về Mười điều răn, nhưng đánh giá rằng giáo lý về 7 mối tội đầu được truyền đạt tốt hơn.
Sự lựa chọn của Dante tỏ ra rất thành công. Trong nhiều thế kỷ, cuốn sách Luyện ngục (Purgatorio) của ông đã chứng tỏ là một cẩm nang sống động cho các Kitô hữu xét mình về những tội mà họ đã phạm phải. Dante đã giúp cho giáo huấn về 7 mối tội đầu tồn tại đến thời hiện đại. Những bộ phim như Bảy mối tội đầu (Les sept péchés capitaux- Nine Directors, 1962) làm chứng về cách thức mà học thuyết truyền thống này đã duy trì được sức mạnh và sự sáng suốt của nó. Nhiều người trong số những người đã xem phiên bản sân khấu của những tội lỗi đó được thể hiện bằng kịch câm của Marcel Marceau sẽ khẳng định giống như vậy.
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo năm 1993 đã liệt kê 7 mối tội đầu vốn có thể sinh ra những tội khác một cách ngấm ngầm (GLCG, 1866). Ở những nơi khác, Sách Giáo Lý nêu rõ những tội lỗi này: kiêu ngạo (GLCG, 1931), hà tiện (GLCG, 1849), dâm dục (GLCG, 2541), ganh tị (GLCG, 2553), mê ăn uống (GLCG, 2290), nóng giận (GLCG, 2302) và lười biếng (GLCG, 2094).
Thông qua chuyến hành hương giàu trí tưởng tượng của mình sang thế giới bên kia vào dịp Lễ Phục sinh năm 1300, Dante có nhiều điều để dạy Giáo hội Kitô hơn là một học thuyết về tội lỗi. Hiểu như là một sản phẩm tuyệt vời của mặc khải thần linh và thiên tài của con người, Divina Commedia (Thần Khúc) đậm chất giáo huấn về vai trò của lý trí tự nhiên, Kinh Lạy Cha, tình yêu thần linh và tình yêu nhân thế, và nhiều chân lý mặc khải khác – cho đến sự gợi mở về mục đích cuộc đời, sự hưởng kiến Thiên Chúa ba ngôi. Không có tác phẩm viết nào khác của một giáo dân có được tác động giảng dạy toàn diện về Kitô giáo và hơn thế nữa như của Dante.
Bên cạnh việc là một tượng đài kinh điển của văn học thế giới, Thần Khúc, hiểu như là một văn bản có ảnh hưởng phong phú, mang tính hậu Kinh thánh của Giáo hội giảng dạy, được xếp vào hàng cao nhất. Cùng với một cuốn sách của một linh mục (lúc sắp trở thành giám mục), cuốn Tự Thú (Confessions) của Thánh Augustinô, và một tác phẩm của một nhà thần học-linh mục, bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologiae) của Thánh Tôma Aquinô, Dante đã cung cấp một trong những dòng chảy lớn của Giáo hội giảng dạy.
Dante đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều nghệ sĩ Kitô – chẳng hạn như Sandro Bottticelli và William Blake – [6] điều đó xác nhận rằng Dante có thể được cho là nhà văn vĩ đại nhất trong số giáo dân Kitô. Có vô số nam nữ giáo dân khác được xếp vào hàng ngũ những người đứng đầu Giáo hội giảng dạy. Chúng ta có thể kể đến những nhà thơ như T. S. Eliot và John Milton, những nhà hộ giáo Kitô như G. K. Chesterton, C. S. Lewis, Romano Guardini và Dorothy Sayers, và những tác giả tiểu thuyết như Georges Bernanos, Miguel de Cervantes, Fyodor Dostoevsky, Flannery O’Connor và Leo Tolstoy. Họ đã giúp biết bao tín hữu hiểu và sống theo sứ điệp của Chúa Giêsu, và do đó họ đã chứng tỏ mình là những thầy dạy trong Giáo Hội.
Ở đây chúng ta cũng đừng quên những nhà thần bí phụ nữ cổ điển, như Julian Norwich, Hildegard Bingen, và Catarina Siena. Việc Hildegard, Catarina, Têrêsa Avila và Têrêsa Lisieux đóng góp vào giáo huấn về cầu nguyện và các khía cạnh khác của đời sống thiêng liêng đã khiến các ngài được chính thức công nhận là Tiến sĩ của Giáo hội. Các ngài chưa bao giờ được truyền chức linh mục, và vẫn là phụ nữ giáo dân. Tuy nhiên, từ lâu các ngài đã được coi là những người thầy sáng tạo đối với Giáo hội Kitô và hơn thế nữa.
Giáo dân dạy qua phim ảnh
Trong một thế giới mà màn ảnh là loại hình nghệ thuật thống trị, chúng ta không thể quên phim ảnh. Một số trực tiếp kể lại những câu chuyện trong Kinh thánh, như phim Noe (Noah 2014) của Darren Aronofsky, phim Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Kitô (The Passion of Christ – 2004) của Mel Gibson; phim Tin mừng theo thánh Mathêu (The Gospel According to St. Matthew-1964) của Pier Paolo Pasolini; và phim Chúa Giêsu thành Nazareth (Jesus of Nazareth 1977) của Franco Zeffirelli. Những bộ phim khác gắn kết tinh tế hơn với sứ điệp kinh thánh, như phim Chúa Giêsu của Montreal (Jesus of Montreal -1989) của Denys Arcand’s, và phim Yên lặng (Silence 2016) của Martin Scorsese.
Chúng ta không nên bỏ qua những bộ phim mô tả cuộc sống của các Kitô hữu. Phim Of Gods and Men (2010) của Xavier Beauvois trình bày về cuộc sống và cái chết của 9 đan sĩ Trappists bị giết vào năm 1996 trong cuộc Nội chiến Algeria; phim The Way (2010) của Emilio Estevez kể câu chuyện về một bác sĩ, sau cái chết bi thảm của đứa con trai mới lớn của mình, lên đường đến Santiago de Compostela và được ba người hành hương tham gia. Những bộ phim như vậy thuộc về sứ mệnh giảng dạy của Giáo hội, cho thấy những cách thức mà đức tin Kitô thể hiện qua hành động và sự thờ phượng.
Những bộ phim tuyệt vời, không kém gì những cuốn tiểu thuyết cuốn hút, thường kể những câu chuyện về sự cứu chuộc nhân loại. Tôi nghĩ đến phim Midnight Cowboy (1969), Three Colors: Blue (1993), Three Colors: Red (1994), Gran Torino (2008) và Four Billboards Outside Ebbing, Missouri (2017). Dù ở đây chúng ta có nói về “tiền- phúc âm hoá” hay không, những bộ phim như vậy mở ra sứ điệp về việc được cứu chuộc nhờ Bửu huyết của Đức Kitô.
Các Nghệ sĩ
Một đội quân giáo dân khổng lồ, bao gồm các nhà điêu khắc, kiến trúc sư, những nhà sáng tạo các biểu tượng, họa sĩ và thợ dệt thảm, đã chứng tỏ là những thầy dạy Kitô hữu hiệu quả. Nhiều người tuy ẩn danh, nhưng họ đã dạy các Kitô hữu từ thế hệ này sang thế hệ khác thờ phượng ra sao, tin vào điều gì và cách cư xử như thế nào.
Các nghệ sĩ đã dạy Giáo hội ngay từ những hang toại đạo của Kitô giáo thời tiên khởi. Khi nghệ thuật Kitô giáo nổi lên trên mặt đất, nó đã tạo ra những tòa nhà giàu tính giáo dục như Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Roma, Đan viện và Nhà thờ chính toà Monreale, và Nhà thờ chính toà Chartres. Những tòa nhà này và sức chứa của chúng luôn là những nhân chứng hùng hồn, mà phần lớn những người sáng tạo chưa được biết đến đã truyền đi sứ điệp của Chúa Kitô và những đòi hỏi của nếp sống Kitô hữu. Những cửa sổ kính màu của Nhà thờ chính toà Chartres kể lại toàn bộ lịch sử cứu độ, với Cựu ước và Tân ước trong mỗi cửa sổ diễn giải lẫn nhau.
Những bức tranh sơn, bích họa và tranh khảm, không kém gì những cửa sổ kính màu, công bố, diễn giải và tôn vinh Phúc âm Kitô giáo. Các họa sĩ đã tập trung vào câu chuyện về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, đặc biệt là về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. Khi chú thích về Phúc âm theo thánh Matthêu, Ulrich Luz đã giới thiệu 8 bức chân dung của Bữa tiệc ly, từ Duccio di Buoninsegna, Leonardo da Vinci và Tintoretto cho đến một tác phẩm theo trường phái biểu hiện của Emil Nolde được kiến tạo vào năm 1909. [7] Các nghệ nhân có thể tập trung vào việc thiết lập mang tính lịch sử hoặc vào việc cử hành hiện tại của Bí tích Thánh Thể. Họ truyền tải những hiểu biết sâu sắc về cái chết sắp xảy ra của Chúa Giêsu như một hy tế hoặc nhấn mạnh cảm thức về Bữa Tiệc Ly là một bữa ăn hiệp thông. Các nghệ nhân có thể chưa bao giờ nghĩ đến việc thực hiện vai trò giảng dạy cho các Kitô hữu và người khác. Nhưng trên thực tế, chính tài năng cá nhân và sự cam kết của họ đã trang bị cho họ để làm được điều đó.
Điều tương tự cũng đúng với những bức tranh về Chúa Kitô bị đóng đinh. Hàng triệu Kitô hữu và những người khác đã học được ý nghĩa của cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu qua việc chiêm ngưỡng bức tranh Đóng đinh của Raphael (Crucifixion –1503), Bàn thờ Isenheim của Grünewald (Isenheim Altarpiece -1516), nhiều tác phẩm khác nhau của El Greco, Rouault và Rembrandt, và nhiều bức chân dung nổi bật về sự đóng đinh từ Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.
Bàn thờ Isenheim của Grünewald
Chúng ta cũng có thể minh họa cách Caravaggio, El Greco, Grünewald, Michelangelo, và Piero della Francesca đã mô tả và giải thích Chúa Giêsu Phục sinh như thế nào. Những tác giả này và nhiều nghệ sĩ khác đã dạy cho Giáo hội về sự phục sinh của Chúa Giêsu bị đóng đinh có ý nghĩa gì.
Thông qua những tài năng cá nhân như là họa sĩ, những giáo dân được rửa tội đã đi vào lịch sử với tư cách là những người thầy lỗi lạc của Giáo hội Kitô. Cũng vậy, một họa sĩ Do Thái, Marc Chagall (1897-1985), người đã vẽ Bức tranh Khổ hình Thập giá màu trắng (White Crucifixion) sau trận Kristallnacht ngày 9. 10. 1938, “đêm thuỷ tinh vỡ“, khi mà tại Đức và Áo, Đức Quốc xã đã phá hủy hoặc làm hư hại 7.500 cơ sở kinh doanh của người Do Thái và gần 1.000 hội đường Do Thái, bắt giữ 30.000 đàn ông Do Thái, và giết chết ít nhất 91 người Do Thái. Cuộc tàn sát này đã thúc đẩy Chiến tranh thế giới thứ hai và sự diệt chủng người Do Thái có hệ thống ở Châu Âu.
Bức tranh Khổ hình Thập giá màu trắng (White Crucifixion)
Trong tác phẩm của Chagall, một trục ánh sáng dài tạo nên vẻ đẹp cho cuộc đóng đinh và cảm giác cầu nguyện bình an trên khuôn mặt của Chúa Kitô được tăng thêm nhờ một dải lời cầu nguyện. Sự đau khổ của người Do Thái lấp đầy cả hai mặt của các bức tranh. Ở phía bên phải của Chúa Kitô bị đóng đinh, một ngôi làng bị cướp phá và phóng hỏa, trong khi một nhóm người tị nạn chạy trốn bằng thuyền. Ở bên trái, một hội đường Do Thái bốc cháy. Bên dưới cây thánh giá, nhiều nhân vật khác nhau đang bỏ chạy. Một chân đèn 7 ngọn được thắp sáng nối liền với trục ánh sáng, trên đó Chúa Kitô nằm chết trên thập giá, và chiếu sáng những người Do Thái đang chạy trốn. Những chi tiết này cho thấy một số yếu tố của vẻ đẹp và niềm hy vọng cho những người cùng đau khổ với Chúa Giêsu, người Do Thái đồng bào của họ.
Bức tranh Khổ hình thập giá màu trắng của Chagall thể hiện những đau khổ đã gây ra cho người Do Thái, và làm như vậy bằng cách liên kết họ với Chúa Giêsu bị đóng đinh. Nó gợi ý hãy điền vào những lời của Chúa Giêsu khi ngài đồng hoá với những người cùng khổ: kẻ đói, kẻ khát, khách lạ, người trần truồng, người đau bệnh, và tù nhân (Mat 25, 31-46). Bức tranh của Chagall dạy chúng ta thêm vào: “Ta là một người Do Thái bị bách hại và ngươi đã che chở ta“.
Một số người có thể truy vấn việc liên kết một người Do Thái chưa được rửa tội, Chagall, với thầy dạy Giáo hội. Nhưng chính Chúa Giêsu, một người Do Thái bị đóng đinh và đã sống lại, vẫn mãi mãi là đầu Giáo hội và là hiện thân của mối tương quan cá nhân sống động với dân tộc Do Thái. Kinh nghiệm của họ tiếp tục dạy cho các Kitô hữu. Họ có thể tìm hiểu ý nghĩa của việc Chúa Kitô bị đóng đinh từ một họa sĩ Do Thái đáng ghi nhớ, một trong những người anh em của Chúa Kitô “bằng xương bằng thịt”.
Những nhà soạn nhạc là những thầy dạy
Những nhà sáng tác nhạc bình ca và thánh ca Kitô giáo, phần lớn trong số họ là giáo dân nhưng cũng có một số giám mục và linh mục, đã rất xuất sắc trong việc dạy các Kitô hữu cách thờ phượng, tin tưởng và cư xử. Một truyền thống âm nhạc phong phú dựa trên Kinh thánh đã phát triển mạnh mẽ trong cả Kitô giáo phương Đông và phương Tây. Một trong những bài hát hay nhất ca ngợi Mẹ Thiên Chúa ở Đông Byzantine, bài Akathistos được cho là của Thánh Romanos người Melodian (mất khoảng năm 560) hoặc của một thượng phụ Constantinople khác. Cha đẻ của bài hát phụng vụ ở phương Tây, Thánh Ambrôsiô thành Milan (c.340-397), cũng là một giám mục.
Nhưng nhiều người trong số những nhạc sĩ sáng tác thánh ca và bình ca không phải là giám mục. Thánh nhạc, vốn tiếp tục dạy dỗ các giáo đoàn ở khắp mọi nơi, thường bắt nguồn từ những người không thuộc huấn quyền chính thức. Những nhà soạn nhạc đó đã chứng tỏ là những nhà lãnh đạo lỗi lạc trong Giáo hội giảng dạy. Bài Stabat Mater (Mẹ đứng đó), một bài thánh ca bi tráng thời Trung cổ lấy cảm hứng từ Ga 19, 25-27 và được cho là của một tu sĩ không phải là linh mục, diễn tả sự đau khổ của Đức Trinh Nữ Maria khi Con của Mẹ bị đóng đinh. Bài hát này đã được sử dụng rộng rãi khi Chầu Thánh Thể và khi Viếng đàng Thập giá. Cùng với bài Ave Maria và bài Magnificat, bài Stabat Mater đã được Bach, Brahms, Dvorjak, Gounod, Haydn, Palestrina, Schubert, Verdi, Vivaldi và các nhà soạn nhạc nổi tiếng khác phổ nhạc. Không phải tất cả những nhà soạn nhạc này đều phổ nhạc từng phần của bài thánh thi ba phần này, nhưng một số vị đã soạn nhiều tổng phổ cho phần này hoặc phần khác của bài thánh thi. Palestrina, chẳng hạn, đã để lại hơn 35 phiên bản của bài Magnificat. Tác phẩm nổi tiếng nhất trong số tất cả các tác phẩm được cho là bản phối bài Magnificat của Bach. Điều thích hợp cho lập luận của chúng tôi là chỉ có một trong những nhà soạn nhạc có tên ở đây (Vivaldi) là một linh mục có chức thánh. Bảy người khác “chỉ” là những giáo dân đã được rửa tội. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục giảng dạy Giáo hội Kitô qua các sáng tác của họ.
Bộ lễ do Bach, Beethoven, Brahms, Byrd, Haydn, Mozart, Palestrina và các nhà soạn nhạc cổ điển khác sáng tác đã giúp biết bao người trân trọng Bí tích Thánh Thể, bí tích trung tâm của Kitô giáo. Cùng với những nhà soạn nhạc vô danh của những bài bình ca trong Thánh lễ, họ đã là những người thầy lỗi lạc trong giáo hội trên toàn thế giới. Điều tương tự cũng đúng với tác phẩm Cuộc khổ nạn của Thánh Matthêu (St. Matthew’s Passion) của Bach, và Messia (Messiah) của George Frederick Handel.
Tất cả những tác phẩm này được làm sống động bởi nhiều nhạc công, ca sĩ, các ca đoàn, nhạc trưởng và ca trưởng, họ là những giáo dân tiếp tục có những đóng góp không thể thiếu của họ. Các giáo xứ địa phương được phong phú bởi các nhạc sĩ và ca sĩ. Đôi khi thánh nhạc phổ biến của họ có tác dụng dạy các tín hữu nhiều hơn là những bài giảng của linh mục.
Kết luận
Bài viết này nhắc lại những ví dụ mà Đức giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra về những giáo dân, là những người mà chúng ta có thể công nhận là đã đóng góp vào sự giảng dạy của Giáo hội. Đức Thánh Cha làm điều đó như kết quả của Công đồng Vatican II, trong đó nhấn mạnh đến vai trò ngôn sứ hoặc thầy dạy của các bậc cha mẹ và giáo lý viên.
Một số giáo dân có năng khiếu phong phú trong vai trò nhà truyền thông và giáo viên. Đặc sủng cá nhân của họ có thể khiến họ trở thành những người thầy ưu việt cho các Kitô hữu và những người khác. Khả năng vượt ra ngoài khái niệm đơn thuần cho phép họ triển khai trí tưởng tượng của mình trong việc trình bày những vấn đề thuộc về đời sống đức tin Kitô.
Trong Giáo hội, các giám mục Phương Tây và các linh mục Phương Đông tạo nên huấn quyền và giảng dạy chính thức. Đồng thời, vô số giáo dân phải được công nhận là thành viên của Giáo hội giảng dạy, không chỉ với tư cách là cha mẹ và giáo lý viên mà còn theo những cách khác, chẳng hạn như nhà văn, nhà làm phim, nghệ sĩ và nhà soạn nhạc. Họ cũng dạy cho người khác biết sự thật về việc Thiên Chúa thông ban chính mình trong Đức Kitô.
Lm. Gerald O’Collins. SJ
La Civiltà Cattolica
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicoutlook.org (04. 3. 2022)
https://hdgmvietnam.com/
[1] B. J. F. Lonergan, Insight: A Study of Human Understanding, London, Longmans, 1957, 174.
[2] X. J. H. Newman, “On Consulting the Faithful on Matters of Doctrine”, in Rambler, July 1859.
[3] Y. Congar, Lay People in the Church: A Study for a Theology of Laity, London, Bloomsbury, 1957.
[4] G. Philips, Achieving Christian Maturity, Dublin, Gill, 1966, 65-93.
[5] Đối với giáo huấn này về giáo dân, x. Ormond Rush, The Vision of Vatican II: Its Fundamental Principles, Collegeville, MN, Liturgical Academic, 2019, 269-308.
[6] Tác động của Dante đối với hình tượng Kitô hữu cũng được phản ánh trong các bản thảo thời Trung cổ, giống như các bản thảo được lưu giữ trong Thư viện Quốc gia Marciana, Venice.
[7] U. Luz, Matthew, vol. 3, Minneapolis, Fortress Press, 2005, 265-72.