7 lời khuyên của Don Bosco về cách kỷ luật một đứa trẻ

Don Bosco, một nhà giáo dục đại tài. Ngài đưa ra một vài lời khuyên hữu ích dành cho các các nhà giáo dục đang cảm thấy mệt mỏi hoặc thất vọng về những đứa trẻ của họ.

Một trong những điều khó khăn nhất của các nhà giáo dục là cách kỷ luật trẻ thế nào và khi nào . Các nhà giáo dục phải làm gì khi một đứa trẻ bất chấp mọi lời khuyên và dường như không cộng tác với họ?

Chúng ta đã biết gì về Thánh Gioan Bosco? Nếu chưa, chúng ta hãy cầu nguyện với Ngài qua danh hiệu “Don Bosco: Cha – Thầy – Bạn của giới trẻ”. Chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy thích thú và hài lòng về những lời khuyên của ngài dành chúng ta trong việc giáo dục trẻ.

Chúng ta có nghĩ là Don Bosco biết rõ về hiện trạng của chúng ta không? Chắc chắn là có! Don Bosco biết chính xác những gì chúng ta đang trải qua, bởi ngài đã dành trọn cả cuộc đời mình để giáo dục và đào tạo các thanh thiếu niên mà chúng ta có thể nói là “nổi loạn”. “Vì các con, cha học hỏi; vì các con, cha làm việc; vì các con, cha sống; và vì các con, cha sẵn sàng hiến dâng đến cả mạng sống mình.” Ngài qui tụ hàng trăm bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, và giáo dục chúng; bằng cách sử dụng tất cả năng lực và khả năng vốn có, ngài đã biến những cậu bé này thành những con người lương thiện và hữu ích cho xã hội.

Khi nhu cầu giáo dục trẻ ngày càng tăng, Don Bosco cần sự hỗ trợ của những người khác: những người Salêdiêng được thánh hiến, cũng như những người đời. Điều này đồng nghĩa với việc ngài luôn quan tâm đến việc đào tạo những nhà giáo dục của tương lai.

Trong những bức thư gửi các nhà giáo dục, Don Bosco đã đưa ra “Hệ thống Giáo dục Dự phòng” một cách chi tiết về việc giáo dục nhằm tìm cách giúp các thanh thiếu niên biết vâng lời các nhà giáo dục không phải vì sợ hãi hay bị ép buộc, nhưng là sự chinh phục và chiếm được cõi lòng. Trong hệ thống giáo dục này, tất cả bạo lực phải được loại bỏ , và đức ái mục tử phải là trung tâm điểm và động lực chính của tất cả mọi hành động . Nói khác đi, “Hệ thống này hoàn toàn dựa trên lý trí, tôn giáo và lòng thương mến”: không nại tới cưỡng bách, nhưng tới những tiềm năng của lý trí, của cõi lòng và của khát vọng Thiên Chúa, mà mỗi người đều mang trong tâm khảm mình” (HL. 38).

Sau đây là 7 lời khuyên mà Don Bosco đã đưa ra cho các nhà giáo dục mà ngày nay vẫn còn phù hợp và có thể giúp cho các nhà giáo dục đang cảm thấy mệt mỏi hoặc thất vọng trong việc hướng dẫn trẻ em đến con đường nhân đức.

1) HÌNH PHẠT NÊN LÀ PHƯƠNG THẾ SAU CÙNG

Trong sự nghiệp giáo dục của Don Bosco, “hình phạt luôn là thứ mà Ngài thường đem về phòng riêng của Ngài”. Điều này cho thấy Don Bosco thường rất hiếm khi sử dụng hình phạt đối với trẻ. Phạt thì dễ hơn là thuyết phục.

Đối với Don Bosco, khi đứng trước một đứa trẻ ngỗ nghịch, các nhà giáo dục thường dễ mất kiên nhẫn và không kiểm soát được cảm xúc giận dữ; điều này đe dọa đến sự an toàn của một đứa trẻ và khiến chúng sợ hãi. Rõ ràng, việc trừng phạt những đứa trẻ chống đối chúng ta sẽ khiến chúng ta thỏa mãn và bằng lòng về sự kiêu ngạo và sức mạnh của mình hơn là đối xử với trẻ với lòng khoan dung.

Thánh Phaolô thường than thở về những người sau khi trở lại đạo dễ dàng quay lại với những thói quen “thâm canh cố đế” của họ, nhưng Ngài đã chịu đựng tất cả với lòng kiên nhẫn và nhiệt huyết đáng khâm phục. Đây cũng chính là sự kiên nhẫn mà các nhà giáo dục cần phải bắt chước khi giáo dục những người trẻ trong môi trường giáo dục của họ.

2) Nhà giáo dục phải cố gắng LÀM CHO MÌNH ĐƯỢC TRẺ YÊU MẾN, nếu họ muốn có được sự tôn trọng từ người trẻ.

Đối với Don Bosco, việc phớt lờ một đứa trẻ hoặc tỏ ra không quan tâm đến chúng đã là một dấu hiệu của hình phạt nặng. Điều này khơi lên nơi trẻ em sự cố gắng, quyết tâm, phục hồi lại lòng dũng cảm và không bao giờ bỏ cuộc nơi chúng.

Mỗi nhà giáo dục phải làm cho mình được yêu mến nếu họ muốn có được sự kính nể từ những người trẻ. Họ sẽ đạt được mục đích này bằng chính những lời nói thuyết phục; hơn thế nữa, bằng chính hành động của họ và phải đảm bảo rằng, tất cả sự quan tâm và khuyên bảo của nhà giáo dục phải luôn hướng về lợi ích của người trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần.

3) Ngoại trừ những trường hợp cá biệt, KHÔNG NÊN ĐƯA RA CÁC BIỆN PHÁP SỬA PHẠT VÀ KỶ LUẬT Ở NƠI CÔNG CỘNG, việc này phải diễn ra cách riêng tư và tách biệt với những người khác.

Do đó, các nhà giáo dục nên sửa học sinh với sự kiên nhẫn của một người cha và sự quan tâm của một người mẹ. Trong chừng mực nào đó, không bao giờ sửa lỗi trẻ em ở những nơi công cộng, nhưng nên tách riêng chúng khỏi những người khác khi muốn sửa phạt. Chỉ trong những trường hợp phải ngăn chặn ngay lập tức hoặc khắc phục một vụ bê bối nghiêm trọng nào đó, chúng ta mới nên sửa lỗi hoặc trừng phạt trẻ cách công khai.

4) Tuyệt đối KHÔNG ĐƯỢC ĐÁNH TRẺ BẰNG MỌI CÁCH, hoặc BẮT TRẺ EM QUỲ TRONG TƯ THẾ ĐAU ĐỚN, KÉO TAI, và các hình phạt tương tự khác.

Đây là điều có thể bị cấm tại một số quốc gia; và đương nhiên, trong giáo dục, điều này sẽ làm cho trẻ cảm thấy rất khó chịu và nó cũng sẽ hạ thấp uy tín của các nhà giáo dục.

5) Nhà giáo dục phải ý thức rằng CÁC LUẬT LỆ CHO VIỆC KỶ LUẬT, cũng như CÁC PHẦN THƯỞNG VÀ HÌNH PHẠT kèm theo, PHẢI ĐƯỢC TRẺ EM BIẾT RÕ RÀNG, để không ai có thể ngụy biện rằng mình không biết điều gì đã được ra lệnh hoặc bị cấm.

Nói cách khác, trẻ em cần biết những giới hạn và chấp nhận những điều này cách tích cực. Không đứa trẻ nào cảm thấy chắc chắn và an toàn nếu chúng bước đi trong tối tăm và luôn có cảm giác gặp nguy hiểm. Mọi thứ cần phải được chuẩn bị rõ ràng và minh bạch.

6) Cần phải CHÍNH XÁC KHI CHU TOÀN BỔN PHẬN, QUYẾT TÂM THEO ĐUỔI ĐIỀU TỐT, CAN ĐẢM NGĂN CHẶN ĐIỀU XẤU, NHƯNG LUÔN DỊU DÀNG VÀ THẬN TRỌNG. Don Bosco đã cam đoan với các nhà giáo dục rằng, thành công thực sự chỉ có thể đến từ sự kiên nhẫn.

Sự thiếu kiên nhẫn chỉ làm trẻ em chán ghét và lan truyền sự bất mãn cho những người bạn của chúng. Don Bosco đã chia sẻ kinh nghiệm này rằng: Kiên nhẫn là phương thuốc hiệu quả duy nhất dành cho những trường hợp tồi tệ nhất về việc không vâng lời và vô trách nhiệm của các thanh thiếu niên.

Thỉnh thoảng, sau nhiều nỗ lực và kiên nhẫn mà vẫn không thành công, các nhà giáo dục nghĩ rằng cần phải dùng đến các biện pháp nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, những điều này không bao giờ đạt được mục đích như họ mong muốn. Do đó, Don Bosco đã cho chúng ta thấy rằng, lòng trắc ẩn bao dung cuối cùng sẽ chiến thắng, điều mà sự nghiêm khắc sẽ thất bại. Lòng trắc ẩn sẽ là phương thuốc hữu hiệu, đôi khi điều này thử thách chính sự kiên nhẫn của những nhà giáo dục.

7) Để trở thành những nhà giáo dục thực sự trong việc giáo dục người trẻ, CHÚNG TA ĐỪNG ĐỂ BÓNG TỐI CỦA TỨC GIẬN LÀM TĂM TỐI KHUÔN MẶT CỦA CHÚNG TA.

Đôi khi chúng ta không thể kiềm chế cảm xúc giận dữ của mình, hãy lập tức để sự thanh thản tươi sáng của tâm trí xua tan những đám mây của sự thiếu kiên nhẫn. Sự tự chủ phải thống trị toàn bộ con người của chúng ta – tâm trí, trái tim, miệng lưỡi của chúng ta. Khi trẻ mắc lỗi, hãy khơi dậy sự cảm thông trong trái tim của chúng ta và nuôi dưỡng niềm hy vọng trong tâm trí của chúng ta dành cho chúng; sau đó chúng ta sẽ sửa chữa trẻ với những điều ích lợi thật sự.

Trong những thời điểm khó khăn nhất định, lời cầu nguyện khiêm tốn với Thiên Chúa sẽ hữu ích hơn nhiều so với cơn giận dữ bộc phát. Trẻ em chắc chắn sẽ không thu được lợi ích nào từ sự thiếu kiên nhẫn của các nhà giáo dục, và chúng ta sẽ không thể giáo dục và khai sáng cho bất cứ người trẻ nào được giao phó cho chúng ta.

Lạy Thánh Gioan Bosco, Cha – Thầy – Bạn của người trẻ, xin chúc lành cho các nhà giáo dục và các công cuộc giáo dục người trẻ, đặc biệt những trẻ em nghèo và bị bỏ rơi.

Gia Thi, SDB (tổng hợp và biên soạn)
Nguồn: Trang Tin Thế Giới Salêgiêng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *