Từ ngày 15/5 cho đến ngày 2/10 tới đây, làng Oberammergau ở bang Bavaria của Đức có một bầu không khí nhộn nhịp nhưng sâu lắng với đông đảo du khách từ các nơi đổ về ngôi làng nằm ở phía đông nam nước Đức này để xem vở diễn “Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô”.
Từ lời hứa vào năm 1633
Từ năm 1634 đến nay, cứ mỗi 10 năm, dân làng Oberammergau lại thực hiện “Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô”. Vào năm 1633, bệnh dịch hạch đã giết chết 84 dân làng. Dân làng hứa thực hiện “Cuộc Thương Khó” để xua đi bệnh dịch. Ngay lập tức, dịch bệnh dừng lại. Kể từ đó, lời hứa đã được dân làng thực hiện từ thập kỷ này sang thập kỷ khác. Trước đây, chỉ trong hai cuộc thế chiến, sự kiện mới bị hoãn lại và huỷ bỏ. Các buổi diễn năm 1920 bị hoãn lại đến năm 1922 và các buổi diễn năm 1940 bị hủy bỏ. Năm 2020, do đại dịch Covid, nên các buổi diễn trong năm này cũng bị dời đến năm 2022 này.
Từ năm 1634 đến năm 2022, “Cuộc Thương Khó” ở làng Oberammergau đã trải qua những giai đoạn đáng nhớ. Vào thế kỷ 19, du lịch phát triển ở dãy núi Alps miền Bavaria. Thomas Cook, một nhà du lịch nổi tiếng, đã khám phá sự kiện ở làng Oberammergau vào năm 1880. Năm 1900, 100.000 khán giả đã đến tham dự “Cuộc Thương Khó”. Năm 1922, có đến 300.000 người tham dự. Con số du khách tham dự vào năm 1980 đã lên đến 460.000. Năm nay có khoảng 450.000 người, đến từ các nơi như Đức, Thụy Sĩ, Úc, Nam Phi, Hoa Kỳ …
“Cuộc Thương khó của Chúa Kitô” và dân làng Oberammergau
“Cuộc Thương Khó” là công việc của toàn bộ ngôi làng có 5.000 dân. 1.700 diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ và kỹ thuật viên làm việc năm ngày trong tuần trong nhà hát Cuộc Thương Khó có mái che.
Rochus Rückel, 26 tuổi, đóng vai Chúa Giêsu, chia sẻ: “Cuộc Thương Khó là một phần tất yếu của cuộc sống ở Oberammergau. Khi còn là những đứa trẻ, chúng tôi đã cùng với các bạn ở trường tham gia vở diễn. Rồi chúng tôi tiếp tục…”. Năm nay anh là một trong hai người đóng vai Chúa Giêsu.
Christian Stückl, giám đốc và tác giả của kịch bản, cho biết: “Ngôi làng của chúng tôi sống cùng, vì và nhờ cuộc Thương Khó”. Vị giám đốc của nhà hát quần chúng ở Munich, người đã tham gia vở diễn lần thứ tư, nói rằng “Cuộc Thương Khó cũng có một vai trò kinh tế, chúng tôi sống nhờ nó. Và các mối quan hệ của con người được tạo ra theo cách này: nó là sự khích lệ đối với chúng tôi.”
Phần thứ nhất của vở diễn “Cuộc Thương khó”
Vào ngày biểu diễn, khoảng 2 giờ trưa, dân làng tập trung về nhà hát; người đi bộ, người đi xe đạp, ô tô. Khán giả, khoảng 4.000 người, theo dõi những nốt nhạc đầu tiên từ dàn nhạc. Vào lúc 2:30 chiều, phần mở đầu bắt đầu, do 65 ca sĩ mặc trang phục cổ điển hát. Họ nhắc lại lời hứa năm 1633. Và Chúa Giêsu đã xuất hiện trên con lừa, cùng với sự thù địch của đám đông. Các thượng tế nổi giận, quở trách Người. Vở diễn bắt đầu được thực hiện.
Các sự việc được liên kết với nhau: xức dầu ở Bêtania, người buôn bán bị đuổi ra khỏi Đền thờ, Bữa Tiệc Ly, v.v. Các nhân vật xuất hiện, qua những đoạn hội thoại sống động của Christian Stückl: Giuđa, thầy thượng tế Caipha, Giuse xứ Arimathea…
Là một người Do Thái thực sự, Chúa Kitô của Oberammergau đội chiếc mũ kippa (chiếc mũ nhỏ đàn ông Do Thái thường đội) và cầu nguyện Shma Israel (“Hãy lắng nghe hỡi Israel”). Vào lúc 5 giờ chiều, phần thứ nhất kết thúc. Chúa Giêsu bị bắt. Vở diễn tiếp tục lại lúc 8 giờ tối
Phần thứ hai của vở diễn “Cuộc Thương khó”
Vào lúc 8 giờ tối, phần thứ hai bắt đầu với cường độ cao. Vẫn với những cảnh trong Cựu Ước: Daniel trong hang sư tử, ông Môsê và Biển Đỏ, v.v. “Những bức tranh sống động”, được giới thiệu bởi các ca viên, giúp củng cố sức hấp dẫn của câu chuyện.
Chúa Giêsu, bị đánh đòn, một mình đối mặt với đám đông đang la hét. Giuđa treo cổ. Nhiều cảnh người ra vào, những thời khắc sâu lắng, đám đông di chuyển. Cho đến cảnh Chúa chịu đóng đinh và thốt lên: “Mọi sự đã hoàn tất”.
Sau đó là cảnh Chúa phục sinh. Trước ngôi mộ trống, các bà Maria và Maria Mađalêna nhận ra ý nghĩa của sự kiện Phục sinh. Ca đoàn trở lại với bản Alleluia sâu lắng. Sân khấu trống. Khán giả thưởng thức trong thinh lặng.
Những quy tắc để tham gia vở diễn
Để tham gia vào vở diễn, các diễn viên phải sống ở Oberammergau ít nhất 20 năm, ngoại trừ trẻ em và thanh thiếu niên. Theo Jésus Rückel, “Điều thú vị là những gì đang diễn ra phía sau sân khấu. Bầu không khí, những người bạn làm quen nhau bất chấp sự khác biệt giữa các thế hệ. Và những người thực hiện vở diễn muốn điều tốt nhất cho ngôi làng. Chúng tôi đôi khi cãi vã về điểm này hay điểm khác, nhưng đây là những cuộc đối đầu mang tính xây dựng và cũng tốt.”
Năm 1990, người quản lý trẻ Christian Stückl, 27 tuổi, đã ủng hộ sự thay đổi. Anh đã viết lại bản diễn một cách cẩn thận. Nhờ sự kiên cường tranh đấu của chị em phụ nữ trong làng, nội quy cũng được sửa đổi. Tại tòa, phụ nữ đã kết hôn và những người trên 35 tuổi có quyền đóng những vai quan trọng, điều không thể được cho đến lúc đó. Và vào năm 2000, những người Hồi giáo cư trú tại thị trấn đã được phép tham gia vào cuộc Thương Khó. Năm nay, Cengiz Görür, một người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đóng một vai chính. Và một người Hồi giáo khác, Abdullah Kenan Karaca, hỗ trợ đạo diễn
Chuẩn bị từ 6 tháng trước
Cho các buổi diễn năm 2020, các ca viên đã bắt đầu tập hát và âm nhạc sáu tháng trước đó. Dần dần, họ nhận ra rằng họ không thể thực hiện vì đại dịch Covid. Ông Markus Zwink, giám đốc âm nhạc của vở diễn chia sẻ: “Đó là một giai đoạn khó khăn, bởi vì trong những buổi tập cuối cùng, tôi phải động viên mọi người, đồng thời nhận ra rằng vở diễn sẽ không thể được thực hiện. Cuối cùng thì tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng với quyết định hoãn các buổi diễn.”
Sự kiện đại kết
Mùa diễn năm 2022 được thực hiện từ ngày 14 tháng 5 đến ngày 2 tháng 10, tổng cộng 110 suất diễn. Ngày 14 tháng 5 năm, trên sân khấu của nhà hát Cuộc Thương Khó ở Oberammergau có sự hiện diện của ba giám mục: Đức Hồng y Reinhard Marx, Tổng giám mục của Munich và Freising, Mục sư Heinrich Bedford-Strohm, Chủ tịch Giáo hội Tin Lành Luther của miền Bavaria, và Giám mục Anh giáo Nam Phi Thabo Makgoba. Buổi cử hành đại kết đã được tổ chức trước buổi diễn cuộc Thương Khó lần thứ 42 tương ứng với tinh thần của sự kiện: cởi mở và hiệp thông giữa các Giáo hội.
Cử chỉ hòa bình giữa các đại diện của các Giáo hội được đồng hành bởi bài hát Schalom Aleichem – Bình an cho anh em – bằng tiếng Do Thái do ca đoàn Thương khó hát.
Lời kêu gọi vượt thắng bạo lực
Đối với Đức Hồng Y Marx, “Cuộc Thương Khó Oberammergau là một lời kêu gọi vượt ra khỏi bạo lực, không để cho nó có vị trí quyết định trong lịch sử.”
Tiếng kêu của Chúa Giêsu ngày nay
Về phần mình, Mục sư Bedford-Ströhm đã liên kết tiếng kêu của Chúa Giêsu trên Thánh giá với tiếng kêu của những bà mẹ trong đống đổ nát của bệnh viện phụ sản Mariupol, trong những nơi trú ẩn không kích ở Kharkiv và trong nhà của các bà mẹ của những người lính Nga đã nhận thông báo về cái chết của những người con của họ trong trận chiến. Nhà lãnh đạo Giáo hội Tin lành kết luận: “Câu chuyện về cuộc Khổ nạn vừa cổ xưa nhưng vẫn rất thời sự và nó có thể giúp chúng ta tìm thấy hòa bình.”
Chứng tá của các diễn viên
Angelika Winterer, một phụ tá mục vụ Công giáo, đã nhấn mạnh về giá trị của chứng tá mà các diễn viên của “Cuộc Thương Khó” mang lại: “Không giống như trong rạp hát, vào cuối buổi trình diễn, họ không đến để nhận tiếng vỗ tay của công chúng.” Cô nói rằng, “chúng tôi không ngoan đạo hơn những người khác. Nhưng điều chắc chắn là chúng tôi biết rõ lịch sử của Chúa Giêsu hơn.”
Cô Angelika cũng lưu ý rằng kịch bản của vở diễn đã phát triển như thế nào qua nhiều thế kỷ, đáng chú ý là các khía cạnh bài Do Thái đã được bỏ đi. “Ở mỗi mùa diễn, sáu tháng trước khi diễn tập, đạo diễn Christian Stückl sẽ đưa các diễn viên quan trọng đi đến Israel, theo dấu chân của Chúa Kitô, để đắm mình vào cội nguồn Do Thái của chúng ta.”
Dự kiến cho đến ngày 2 tháng 10 sẽ có 450.000 người tham dự các buổi diễn. Lợi nhuận thu được là rất lớn đối với ngôi làng, bằng chứng là sự tổ chức tỉ mỉ của hội đồng thành phố, cơ quan phụ trách sự kiện.
Bên lề sự kiện
Tuy có những công tác kiểm soát an ninh cẩn thận, dường như không có gì có thể ngăn cản được sự hăng hái xung quanh sự kiện này. Du khách trong ngày hoặc những người yêu thích lưu trú dài ngày có cơ hội chiêm ngưỡng những ngôi nhà sơn đẹp đẽ, tham quan Bảo tàng Oberammergau hoặc đi mua sắm.
Ngoài ra, khu vực này từ lâu đã nổi tiếng với các tác phẩm chạm khắc trên gỗ. Một số nghệ nhân làm các tượng, các Thánh giá, hang đá giáng sinh và các đồ vật khác. Một truyền thống được đảm bảo nhờ vào Trung tâm Đào tạo Điêu khắc được thành lập trong làng.
Làng Oberammergau đã hướng tới năm 2030, cho mùa diễn thứ 43. Có thể vở diễn cũng sẽ được diễn vào năm 2034 để kỷ niệm bốn thế kỷ lần diễn cuộc Thương Khó lần đầu tiên. (Cath.ch 08&10/07/2022)
Hồng Thủy – Vatican News