Đừng lười biếng
Dựa vào khẩu hiệu sống mà Chúa Giêsu đã khuyên nhủ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19), ĐTC nói: “Đó là đòi hỏi mà Chúa luôn đặt ra cho mọi Kitô hữu trong mọi thời đại. Người ta thường nghĩ rằng để trở thành một Kitô hữu tốt thì cần biết suy tư và suy niệm. Trái lại, Chúa Giêsu nói: “Hãy ra đi”. Đó là một động từ đầy quyết định, bởi nó biến đổi người môn đệ trở thành tông đồ, trở thành nhà truyền giáo. Các con cũng vậy, Chúa cũng sai các con ra đi như vậy, bởi vì “Chúa không muốn chúng ta nằm lười biếng trên giường; Người muốn chúng ta di chuyển, sẵn sàng lên đường cả ở những nơi nguy hiểm”.
Chúng ta sẽ đi đâu? và đến với ai? Đức cha tiếp tục: “Hướng tới tha nhân, hướng tới các dân tộc, không loại trừ ai. Chúa không muốn chúng ta sống những ngày khép kín. Và đây chính là mối nguy hại rất lớn đối với người trẻ: dành cả ngày dán mắt vào màn hình điện thoại trước mắt họ. Không, đôi mắt của chúng ta được tạo ra để nhìn vào nhau. Chúng không phải được tạo ra để nhìn vào thế giới ảo mà chúng ta đang nắm trong tay, mà là để ngước lên trời, hướng về Thiên Chúa và nhìn vào mắt của những người đang sống bên cạnh chúng ta. Đôi mắt chúng ta được tạo ra để chuyển tải niềm vui cảm nghiệm được gặp Chúa Giêsu, một cuộc gặp gỡ thân tình biến đổi cuộc sống, khiến chúng ta đón nhận cuộc sống và cho phép chúng ta khám phá lại vẻ đẹp của nó. Vì thật tuyệt vời khi bước theo Chúa Giêsu; thật tuyệt vời khi khám phá ra tình thương lớn lao mà Người đã nuôi dưỡng từng người chúng ta; thật tuyệt vời khi dấn thân vào kế hoạch hạnh phúc mà Người đã nghĩ cho tôi, cho bạn, cho từng người; thật tuyệt vời khi khám phá ra những món quà mà Người ban cho chúng ta cách quảng đại, đầy ngạc nhiên, khiến cuộc sống của chúng ta tràn ngập niềm vui và hy vọng, giúp chúng ta trở nên người tự do và hạnh phúc”.
Đi cùng nhau
“Để có được điều này, chúng ta không đi một mình mà hãy đi cùng nhau. Chúa Giêsu dùng từ “hãy ra đi” ở số nhiều, nghĩa là với tất cả các môn đệ chứ không phải với từng người một. Để làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu, ta cần phải “ra đồng” không mang tính cá nhân nhưng hãy đi cùng nhau. Hay nói cách khác, chúng ta cần “liên kết lại”, để thấy mình là anh chị em trong một thế giới đang có khuynh hướng tự cô lập, chia rẽ và chống đối nhau; nó ngụ ý rằng “hãy nghĩ đến mình và đừng lo gì cho ai khác”. Và vì vậy hãy tự chăm sóc bản thân.
Chúng ta hãy bắt đầu từ đây, từ việc nhìn thấy nơi tha nhân không phải là thù địch mà là đồng đội, là con của Thiên Chúa: đây là tinh thần giúp vượt qua mọi thờ ơ. Đây là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta bằng chính cái nhìn của Người, một cái nhìn đầy ưu ái. Đối với Chúa mọi người đều quan trọng, và cũng có những người được Chúa yêu thương cách đặc biệt. Các con có biết đó là ai không? Không phải những người giàu có và quyền lực, không phải những người được xuất hiện trên trang bìa của tờ tạp chí bóng loáng hay trên truyền hình mà là những người nhỏ bé nhất, người nghèo, bị lãng quên, bị loại bỏ, không được ai quan tâm. Nghĩ đến họ và nghĩ đến những điều họ đang cần hơn là nghĩ về những gì chúng ta đang thiếu, đó là bí quyết để đem lại vẽ đẹp, công bằng và hòa bình cho thế giới chúng ta, vốn đang cần hòa bình.
Đừng sợ dấn thân
“Các con đừng sợ ra đồng, đừng sợ nguy hiểm : “Hãy ra đi – Chúa Giêsu lặp lại với các con mỗi ngày – đừng dừng lại và đừng bao giờ sợ hãi, vì Thầy luôn ở với các con”. Quả thật, Chúa luôn ở với chúng ta khi vui cũng như lúc buồn.
Lễ Giáng sinh đang đến nhắc nhở chúng ta rằng: Thiên Chúa đến thế gian và Người ban cho chúng ta sức mạnh để tiến bước, để cùng đi với Người. Và Người sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Người nóng lòng đồng hành với chúng ta trong các biến cố, trong mọi thăng trầm của cuộc sống, để giúp chúng ta khám phá ý nghĩa của cuộc hành trình, ý nghĩa của cuộc sống hằng ngày, để ban cho chúng ta lòng can đảm trong thử thách và đau đớn. Để vực dậy chúng ta sau mỗi lần vấp ngã và che chở chúng ta giữa mọi giông tố. Không gì đẹp cho bằng cùng đi với Chúa như vậy, với một Thiên Chúa là bạn của chúng ta, người bạn mà chúng ta luôn tin tưởng?”.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng