Cuộc đàn áp các Kitô hữu đang diễn ra trước mắt chúng ta trong sự im lặng của thế giới

1. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân bày tỏ lo âu về Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Giám Mục Hương Cảng, nói rằng ngài “rất lo lắng” về những gì có thể xảy ra với Thượng Hội đồng Giám mục đang diễn ra và ngài đang cầu nguyện rằng “Đức Giáo Hoàng của chúng ta sẽ có sự khôn ngoan hơn”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Il Giornale của Ý xuất bản vào ngày 17 Tháng Giêng, Đức Hồng Y Quân cho biết ngài hy vọng thượng hội đồng sẽ thay đổi hướng đi hiện tại.

“Tôi sợ rằng thượng hội đồng đang lặp lại sai lầm tương tự của Giáo hội Hà Lan 50 năm trước, khi các giám mục lùi lại phía sau, và chấp nhận cho các tín hữu lãnh đạo Giáo hội; và rồi số giáo dân của họ giảm mạnh,” ngài nói.

Vị giám mục đã nghỉ hưu của Hương Cảng đã đề cập đến Công Đồng Mục vụ Noordwijkerhout được tổ chức tại Hà Lan từ năm 1966 đến 1970, kêu gọi thẩm quyền của Giáo hội được thực thi trong đối thoại, để phụ nữ đảm nhận các vai trò trong giáo hội và loại bỏ luật độc thân linh mục.

Công đồng này đã được tiếp nối với việc xuất bản “Sách Giáo lý Hà Lan”, một văn bản gây tranh cãi đến nỗi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã yêu cầu một ủy ban gồm các Hồng Y xem xét cách trình bày giáo huấn Công Giáo trong cuốn sách này.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Quân cũng chia sẻ về cuộc gặp riêng của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài được phép đến Rôma để dự tang lễ của Đức Bênêđictô XVI hồi đầu tháng này, và ngài gọi đó là “một cuộc gặp gỡ tuyệt vời, rất ấm áp”.

“Tôi cảm ơn Đức Thánh Cha vì đã bổ nhiệm vị giám mục tốt lành đến Hương Cảng vào năm 2021,” Đức Hồng Y Quân nói khi đề cập đến Giám mục Hương Cảng Stêphanô Châu Thủ Nhân (Stephen Chow, 周星馳).

Đức Hồng Y cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời: “’Tôi biết rõ điều đó, ngài là một tu sĩ Dòng Tên!’“

Đức Hồng Y, người vừa tròn 91 tuổi vào tuần trước, cũng nói với Đức Thánh Cha về việc ngài đã dành thời gian trong thập kỷ qua cho mục vụ nhà tù ở Hương Cảng và đã rửa tội cho một số tù nhân như thế nào: “Đức Phanxicô nói rằng ngài rất vui vì sứ vụ của tôi.”

Bản thân Đức Hồng Y Quân đã bị bắt vào năm ngoái theo luật an ninh quốc gia của Hương Cảng. Ngài nói rằng người Công Giáo ở Trung Quốc đang sống trong một hoàn cảnh khó khăn và “chúng ta không bao giờ được quên cầu nguyện trong những thời điểm khó khăn này.”

“ Nhiều tín hữu làm chứng cho đức tin của họ một cách phi thường nhưng chúng ta biết rằng khi hoàn cảnh trở nên khó khăn, một số người chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân. Chúng ta tiếp tục duy trì sự thật, công lý và bác ái. Bóng tối sẽ không chiến thắng được ánh sáng,” ngài nói.


Source:Catholic News Agency

2. Marseille: Dự kiến chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 1 tháng 10

Theo thông tin từ La Croix, chuyến viếng thăm Marseille của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày càng rõ ràng. Theo nhật báo này, Đức Thánh Cha gần đây đã đề cập đến khả năng dành một ngày ở thành phố thứ hai của Pháp vào ngày 1 tháng Mười. Dự án thăm viếng này đã được đề cập đến trong cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Jean-Marc Aveline, Tổng Giám mục Marseilles, hôm 12 Tháng Giêng. Đức Thánh Cha theo dự trù sẽ có cuộc gặp gỡ với các giám mục đến từ Địa Trung Hải.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo ABC của Tây Ban Nha vào tháng 12 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác nhận rằng ngài đang xem xét khả năng này.

Trong tổng số 67 triệu dân, 63.6% người Pháp là các tín hữu Công Giáo, sinh hoạt trong 15 tổng giáo phận, 72 giáo phận, một miền Phủ Doãn Tông Tòa, một giáo phận tòng nhân và một giáo phận quân đội.


Source:20minutes.fr

3. Cuộc đàn áp các Kitô hữu đang diễn ra trước mắt chúng ta trong sự im lặng của thế giới

Một linh mục bị thiêu sống ở Nigeria, 17 người chết trong vụ tấn công ở Congo. Tử đạo bất tận. Một tuần trước, bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô trước Ngoại giao đoàn: “Khoảng một phần ba dân số thế giới sống trong điều kiện này. Cùng với việc thiếu tự do tôn giáo, còn có sự đàn áp vì lý do tôn giáo”.

Cha Isaac Achi bị giết, bị thiêu sống, trong nhà xứ của Nhà thờ Công Giáo hai Thánh Phêrô và Phaolô ở Kafin-Koro, Nigeria. Một giáo sĩ khác, Cha Collins Chimuanya Omeh, đã bị thương khi cố gắng trốn thoát. Đây là cái tên thứ mười một được ghi trong danh sách tử đạo của thời đại chúng ta trong năm nay, và một lần nữa, Nigeria tự báo hiệu mình là một vùng đất trong đó là Kitô Hữu ngày nay có thể phải trả giá bằng mạng sống.

“Thay mặt Giáo hội ở Ý, tôi bày tỏ lời chia buồn với người dân và Giáo hội Nigeria, bảo đảm những lời cầu nguyện cho Cha Achi, người mà sự hy sinh của cha là một bằng chứng khác, về sự phục vụ quý giá mà những người nam nữ được Tin Mừng hướng dẫn đã cống hiến cho người dân của họ, thậm chí đến độ tử đạo”, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi đã viết như trên trong thông điệp gởi đến Giáo Hội tại Nigeria.

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã nhắc lại trong báo cáo của mình rằng trong một năm rưỡi, từ tháng Giêng năm 2021 đến tháng 6 năm 2022, hơn 7,600 Kitô hữu đã bị giết và hơn 5,200 người bị bắt cóc. Hơn 400 cuộc tấn công vào các nhà thờ và tổ chức Kitô giáo đã được ghi lại vào năm 2021.

Tờ Quan Sát Viên Rôma đã chạy hàng tít lớn hôm 16 Tháng Giêng, “Các tín hữu Kitô đang bị tấn công.” Bài báo trên trang nhất có nội dung: “Một quả bom hay một đám cháy không có gì khác biệt, bởi vì con số không thay đổi: ở Cộng hòa Dân chủ Congo và ở Nigeria, các Kitô hữu đang ở trung tâm của vòng xoáy bạo lực vô tận”.

Ngoài Nigeria còn có Congo, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm trong hai tuần nữa. Tại đây, tại một khu vực ở biên giới với Uganda, ở Bắc Kivu, các chiến binh thánh chiến đã tiến hành một cuộc tàn sát các tín hữu Tin lành tụ tập cầu nguyện. Ít nhất mười bảy nạn nhân, trong vụ tấn công mà Iscap, chi nhánh Phi Châu của Nhà nước Hồi giáo, tự hào nhận trách nhiệm đã gây ra.

Người ta ít thấy và đọc về vụ linh mục bị thiêu sống ở Nigeria và vụ tàn sát trong một nhà thờ Congo trên các phương tiện truyền thông lớn của phương Tây. Hầu như không có gì. Bởi vì khi đưa tin liên quan đến Giáo Hội, họ đào sâu vào những điều u ám, đặt chỉ tay vào những kẻ lạm dụng thực sự hoặc được cho là lạm dụng. Thường các tin tức về một cuộc điều tra sau đó không hề được loan tải nếu như cuộc điều tra ấy cho thấy nỗi oan sai của người bị tố cáo. Ho sẵn sàng đếm các vụ lạm dụng tình dục đã xảy ra trong năm mươi, sáu mươi, bảy mươi năm qua; trong khi im lặng trước sự tử vì đạo đã đánh dấu toàn bộ các khu vực trên hành tinh trong nhiều năm, từ Cận Đông và Trung Đông bị tàn phá bởi những kẻ Hồi giáo cực đoan đến Phi Châu cận Sahara, cho đến Nicaragua bị đàn áp chính trị. Hầu như không có gì được biết đến.

“Phi Châu cần hòa bình, hòa bình thực sự, như một điều kiện cơ bản cho sự phát triển dân chủ và kinh tế xã hội”, Đức Hồng Y Zuppi viết, đồng thời cho biết thêm rằng “các dân tộc của lục địa cần bảo đảm, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, một sự chung sống hòa bình, một cuộc sống đàng hoàng và một tương lai trong sự tôn trọng đầy đủ các quyền con người và tự do tôn giáo”.

Chính Đức Thánh Cha đã nói với đoàn ngoại giao về tự do tôn giáo: “Hòa bình cũng đòi hỏi tự do tôn giáo phải được công nhận trên toàn cầu. Điều đáng lo ngại là có những người bị đàn áp chỉ vì họ công khai tuyên xưng đức tin của mình và có nhiều quốc gia nơi tự do tôn giáo bị hạn chế. Khoảng 1/3 dân số thế giới sống trong tình trạng này. Cùng với việc thiếu tự do tôn giáo, còn có sự đàn áp vì lý do tôn giáo. Tôi không thể không đề cập đến, như một số thống kê cho thấy, cứ bảy Kitô hữu thì có một người bị bách hại.”


Source:Sismografo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *