Ký giả Will Stewart của tờ The Mirror có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “,” nghĩa là “Lính Nga, 31 tuổi, đào ngũ bị người bị mặt bắn chết sau khi bỏ trốn về nhà gặp vợ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Thi thể của Dmitry Perov được tìm thấy trên cánh đồng tuyết ở làng Novouglyanka, vùng Lipetsk, của Nga. Người lính đào ngũ được cho là đã trốn khỏi căn cứ quân sự của mình ở Ukraine để được đoàn tụ với vợ
Một lính đào ngũ của Putin chạy trốn khỏi căn cứ quân sự của mình ở Ukraine đã bị một tay thiện xạ người Nga bắn chết.
Các phương tiện truyền thông Nga cho biết Dmitry Perov, 31 tuổi, đã đi khoảng 350 dặm tới Lipetsk ở miền tây nước Nga để được đoàn tụ với vợ.
Thi thể của anh được tìm thấy trên một cánh đồng tuyết ở làng Novouglyanka.
Có những lo ngại rằng vụ giết anh ta là một ví dụ máu lạnh cho những người khác không dám rời bỏ lực lượng vũ trang của Vladimir Putin.
Một video cho thấy anh ta đang trên hành trình về nhà, dường như để gặp vợ mình là Ekaterina Perova, 25 tuổi và trên đường đi, anh ta đã ở lại với mẹ ở vùng Voronezh một vài ngày.
Các nhà chức trách cho rằng anh Perov đã rời khỏi đơn vị quân đội của mình được trang bị vũ khí tự động và đạn dược, đồng thời cáo buộc rằng anh đã chống lại việc bắt giữ 5 ngày sau khi bị phát hiện.
Nga đã cưỡng bức hàng trăm nghìn người đàn ông nhập ngũ và người ta tin rằng tỷ lệ đào ngũ cao hơn mức được thừa nhận.
Cơ quan thực thi pháp luật nói rằng sau một cuộc săn lùng, anh ta đã bị “phát hiện và thanh lý”.
Một báo cáo trích dẫn các nguồn chính thức cho biết: “Anh ta không có mối đe dọa nào đối với cư dân. Các hoạt động điều tra đã được thực hiện.”
Anh ta được các phương tiện truyền thông nhà nước miêu tả là một tên tội phạm nguy hiểm, trong khi kênh Telegram Malyuta Skuratov nhận xét rằng khẳng định cho rằng anh ta là một “con chó điên” là không có bằng chứng. Kênh này cho biết: “Toàn bộ tội ác của anh ta cho đến nay chỉ là từ bỏ trái phép một đơn vị quân đội.”
Theo kênh Malyuta Skuratov, anh ta chưa về đến nhà thì đã bị một tay bắn tỉa của mật vụ Nga đón ở đầu làng bắn chết. Người vợ Ekaterina Perova đã được thông báo đi nhận xác chồng đưa về nhà chôn cất một cách lặng lẽ. Vấn đề là nhà thờ Chính Thống Giáo ở làng Novouglyanka đã từ chối làm lễ an táng cho anh ta, khoét sâu thêm đau thương cho người vợ trẻ, và người dân trong làng. Không có giáo luật nào cấm làm lễ an táng cho một người đào ngũ.
Vụ hành quyết anh ta dường như là “để mắt tới tương lai” trong bối cảnh có những nghi ngờ rằng Putin sẽ phát động một đợt huy động quân lớn mới bất chấp những lời phủ nhận chính thức. Theo nghĩa này, đó là một lời cảnh báo cho những tân binh hiện tại và tương lai rằng không nên nổi loạn.
Nhà báo Mikhail Maglov nhận xét: “Giờ đây, không chỉ những kẻ mà chính quyền gọi là khủng bố mới bị ‘thanh lý’“.
Perov đang phục vụ trong đơn vị quân đội số 11045 của trung đoàn trinh sát 344.
“Có lẽ sẽ không ai biết tại sao người lính rời khỏi khu vực chiến đấu,” một báo cáo khác cho biết.
Mùa hè năm ngoái, Nga đã trải qua một cuộc di cư ồ ạt của những người đàn ông cố gắng trốn khỏi đất nước để tránh bị nhập ngũ để chiến đấu ở Ukraine.
Vào đầu tháng 9, có một hàng dài 18 km dọc theo biên giới Nga và Georgia với những người cố trốn lệnh của Putin.
Bây giờ, đã có báo cáo rằng Nga đang xử tử công khai những binh sĩ bất chấp mệnh lệnh của Putin ở Ukraine.
Các báo cáo từ những người lính trốn thoát đã thú nhận với lực lượng Ukraine về các vụ hành quyết mà họ nói là được thực hiện công khai.
Các tù nhân của nhóm Wagner gây tranh cãi của Nga, là nhóm có những kẻ giết người, hiếp dâm và buôn bán ma túy ở tuyến đầu, đã ra đầu thú với quân Ukraine. Và họ nói rằng họ đã chứng kiến những vụ hành quyết công khai bởi chính các nhà lãnh đạo của họ.
Tờ Daily Star đưa tin một người lính bị bắt đã nói: “Những ai không tuân lệnh sẽ bị loại bỏ – và việc này được thực hiện công khai”.
Nhóm Wagner do Yevgeniy Prigozhin điều hành, sử dụng các cựu tù nhân để chiến đấu trên tuyến đầu, và được mệnh danh là ‘vũ khí bí mật nguy hiểm nhất của Putin trong cuộc xâm lược Ukraine’.
Source:Mirror
2. Venezuela: Đức Cha Basabe của giáo phận Barquisimeto bị chế độ Maduro xúc phạm và đe dọa. Cả Hội đồng Giám mục cũng bị tấn công.
Hơn 90 linh mục thuộc giáo phận Barquisimeto, do Đức Cha Víctor Hugo Basabe cai quản với tư cách là Giám Quản Tông Tòa, đã lên án mạnh mẽ những tuyên bố của Diosdado Cabello, một nhà lãnh đạo địa phương của chế độ Maduro, khi ông này tung ra những luận điệu chống lại Giáo hội Venezuela, và đặc biệt là chống lại chính Đức Cha Basabe.
Trong bài giảng nhân dịp lễ Divina Pastora, bổn mạng của Venezuela, Đức Giám Mục đã tố cáo tình hình kinh tế và xã hội nghiêm trọng của đất nước và yêu cầu chấm dứt những quả “bong bóng kinh tế giả tạo”, tức là là khoa trương mị dân của chế độ về những thánh tích kinh tế tưởng tượng bất chấp thực tế nghèo đói và siêu lạm phát của quốc gia.
Vì lý do này, Cabello đã đả kích Đức Cha Basabe bằng những lời chửi rủa và lăng mạ, cáo buộc bài giảng của ngài là một bài phát biểu chính trị đầy ác ý. Đồng thời, ông ta cũng công kích Hội đồng Giám mục bằng những từ ngữ hạ cấp.
Về phần mình, các linh mục của Barquisimeto bảo đảm rằng “tình trạng của chúng tôi với tư cách là mục tử không tách rời chúng tôi hoặc miễn trừ chúng tôi khỏi thực tế của chúng tôi với tư cách là công dân, nhận thức được tình hình mà người dân của chúng tôi đang trải qua”. Do đó, “chúng tôi sử dụng quyền tự do, dân chủ và hiến định của chúng tôi, với tư cách là một công dân tự do, để bày tỏ ý kiến của mình về thực tế của đất nước, nơi có những khó khăn rõ ràng là không thể phủ nhận”. Các quan chức nhà nước được yêu cầu “gác lại sự kiêu ngạo và khiêm tốn lắng nghe, phản ánh và tham gia vào việc tìm kiếm những cải tiến cho mọi công dân”.
Căng thẳng gay gắt đã diễn ra trong thời gian gần đây giữa nhà độc tài Nicolás Maduro với các Giám Mục và cả với Tòa Thánh.
Đức Hồng Y Pietro Parolin từng là sứ thần Tòa thánh tại Venezuela từ năm 2009 đến năm 2013, trong những năm cuối cùng của Hugo Chávez trên cương vị tổng thống. Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Parolin làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Tháng 7 năm ngoái, Đức Hồng Y Pietro Parolin, đã gởi một lá thư cho các nhà lãnh đạo kinh doanh Venezuela khuyến khích đối thoại để vượt qua cuộc khủng hoảng trong nước. Tuy nhiên, Nicolás Maduro, nhà độc tài của Venezuela, gọi lá thư này của ngài là “rác rưởi”, “độc ác”, “đầy hận thù” và “đáng hoài nghi”.
Dưới chính quyền xã hội chủ nghĩa của Maduro, Venezuela đã bị tàn phá bởi bạo lực cũng như các biến động chính trị và xã hội, với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, mất điện và siêu lạm phát. Hơn bốn triệu người Venezuela đã di cư kể từ năm 2015.
Trong một chương trình truyền hình ngày 21 tháng 7, 2021 Maduro nói rằng “khi mọi người đang nói về sản xuất, đoàn kết vì tổ quốc Venezuela, nhằm vượt qua khủng hoảng kinh tế, thì ở đây xuất hiện một linh mục hoàn toàn vô danh, tôi không biết ông ta là đức ông hay giám mục, và ông ấy đọc một lá thư được cho là của Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người từng là đại sứ của Vatican tại Venezuela”.
Theo tuần báo Semana của Colombia, bức thư đã được đọc tại sự kiện này bởi Đức Cha Ricardo Aldo Barreto Cairo, một Giám Mục Phụ Tá của thủ đô Caracas, là người mà Maduro đã cố ý miệt thị khi gọi là “một linh mục hoàn toàn vô danh”.
Source:SIR
3. Bốn quốc gia Mỹ Latinh trong số 50 quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với các Kitô hữu
Tổ chức Open Doors đã công bố một bảng xếp hạng cập nhật về 50 quốc gia hàng đầu trên thế giới nơi các Kitô hữu bị đàn áp nhiều nhất và bốn quốc gia Mỹ Latinh đã lọt vào danh sách này.
Cuộc nghiên cứu tiết lộ rằng “số tín hữu Chúa Kitô bị ngược đãi lên đến tổng cộng 360 triệu người trên toàn thế giới”.
Kể từ năm 1993, Open Doors đã công bố bảng xếp hạng hàng năm về 50 quốc gia trong đó các tín hữu Kitô bị bách hại nặng nề nhất.
Theo nghiên cứu, Colombia là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các Kitô hữu ở Mỹ Châu và đứng thứ 22 trên toàn thế giới.
Bất chấp thực tế là hầu hết cư dân của nó theo ktgktg, những người theo Chúa Giêsu ở các vùng nông thôn “chịu sự ngược đãi từ chính cộng đồng bản địa của họ”.
Nghiên cứu Open Doors lưu ý rằng ở Colombia, “các nhóm du kích vũ trang và các băng đảng vẫn kiểm soát và tranh giành phần lớn lãnh thổ quốc gia”.
Đối với những nhóm này, Giáo Hội được coi là “mối đe dọa đối với quyền lực và sự ổn định của họ, đặc biệt khi các thành viên băng đảng trở thành Kitô hữu và lìa bỏ hàng ngũ của họ, hoặc những người lãnh đạo Giáo Hội lên tiếng chống lại bạo lực và tham nhũng”.
Quốc gia Mỹ Châu Latinh tiếp theo trong danh sách các quốc gia nguy hiểm nhất đối với Kitô hữu là Cuba, đứng thứ 27, nơi Giáo hội liên tục bị đàn áp bởi chế độ cộng sản.
Nghiên cứu lưu ý: “Các nhà hoạt động Kitô hoặc lãnh đạo Giáo Hội lên tiếng chống tham nhũng hoặc các vấn đề chính trị có thể bị bắt và bỏ tù.
“Chính quyền biên soạn một cơ sở dữ liệu về các nhà thờ và các linh mục được coi là ‘phản cách mạng’, điều mà những Kitô hữu này lo sợ sẽ là một cách khác để theo dõi và kiểm soát họ.
Mễ Tây Cơ đứng thứ 38 trong danh sách này và là quốc gia nguy hiểm thứ ba đối với các Kitô hữu ở Mỹ Latinh.
Ở đất nước Aztec có khoảng 150 băng nhóm tội phạm có tổ chức được tài trợ bởi các băng đảng ma túy hùng mạnh hàng đầu thế giới.
Nghiên cứu giải thích rằng những Kitô hữu sống trong các khu vực do các nhóm này thống trị thường xuyên bị đe dọa vì dám lên tiếng chống lại tội phạm.
Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn bởi “sự bất ổn chính trị và sự trừng phạt góp phần vào việc thiếu công lý.”
Quốc gia Mỹ Latinh thứ tư và đứng cuối cùng trong danh sách 50 quốc gia hàng đầu là Nicaragua. Quốc gia này hiện đang được cai trị bởi chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo.
Open Doors nhận xét rằng “Các nhà thờ Công Giáo Rôma dễ bị chính phủ bách hại nhất”.
Ngoài ra, “chính phủ đặc biệt thù địch với các nhà thờ đã cung cấp nơi trú ẩn và chăm sóc cho người dân trong các cuộc biểu tình lan rộng nổ ra chống lại chế độ độc tài của đất nước vào năm 2018.”
Đứng đầu danh sách do Open Doors công bố là Bắc Triều Tiên, quốc gia tiếp tục là một quốc gia “cực kỳ thù địch với các Kitô hữu”.
“Nếu bị chính quyền phát hiện, các tín hữu hoặc bị đưa đến các trại lao động như những tù nhân chính trị với điều kiện sống hết sức tồi tệ, hoặc bị giết ngay tại chỗ — và gia đình của họ cũng sẽ chịu chung số phận”.
Ở Bắc Triều Tiên, “Kitô giáo được coi là mối đe dọa đặc biệt đối với ý thức hệ độc tài và sự cai trị man rợ của chế độ.”
Theo sau Bắc Triều Tiên trong danh sách là các quốc gia Hồi giáo chiếm đa số Somalia, Yemen, Eritrea, Libya, Nigeria, Pakistan, Iran, Afghanistan và Sudan.
Ông Marco Cruz, giám đốc của Open Doors, tin rằng để giải quyết cuộc đàn áp kinh hoàng này, “cần phải biết thực tế mà anh em chúng ta đang phải đối mặt,” ông nói.
Ngoài ra, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phản ứng với bạo lực này “với tình yêu tột độ”.
Ông kết luận: “Tình yêu này thôi thúc chúng ta cầu nguyện và hành động để đáp ứng nhu cầu của anh em chúng ta, giúp họ luôn vững vàng trong tình yêu xua tan mọi sợ hãi”.
Source:Catholic News Agency