Dọn mình để bước vào Mùa Chay

Tôi nhận ra rằng để thực hiện Mùa Chay ý nghĩa thì đừng đợi Mùa Chay đến mới dọn mình mà hãy dọn mình đón Mùa Chay. Đừng đợi đến khi chính thức bước vào Mùa Chay mà hãy dọn mình nghiêm túc và cẩn trọng trước đó càng sớm càng tốt và cũng không khi nào là muộn cả.

Kí ức về cái đói và sự thiếu thốn những năm thời hậu chiến có lẽ thế hệ 7X chúng tôi cũng thuộc số nhân chứng ghi nhớ sâu đậm nhất. Cơm độn ngô, khoai, sắn,..thậm chí mì luộc, mì hạt… thay cơm trong những ngày giáp hạt còn chẳng đủ no lòng. Điều ấy khiến ước mơ tội nghiệp của bao đứa trẻ chỉ là được ăn một bữa ăn no nê cơm trắng cũng thật xa vời. Chúng tôi cũng được nghe những câu chuyện kể của các thế hệ trước về nạn đói lịch sử năm 1945 để được an ủi rằng bây giờ đói nhưng vẫn còn có cái mà ăn, chưa đến nỗi chết.

Hồi tôi học Đại học, trong một lần phản biện ý kiến đánh giá về nhà văn Nam Cao cho rằng ông ấy không phải là nhà văn lớn (bởi vì chủ yếu chỉ viết về cái vụn vặt là miếng ăn), thầy tôi đã khẳng định rằng: đó mới chính là tầm vóc của Nam Cao bởi miếng ăn là vấn đề của nhân loại. Nhân loại chưa bao giờ thoát khỏi chuyện miếng ăn cả. Tôi nhớ mãi bài giảng sâu sắc đó của thầy.

Ngót nửa thế kỷ trôi qua, vết thương chiến tranh đã liền, cái đói dần rời xa. Việt Nam đã là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Người dân Việt, những đứa trẻ Việt như con tôi được ăn gạo ngon tốp đầu thế giới và hạt gạo ấy là của quê hương, đất nước mình. Nhưng có thể nhận thấy tâm lí sợ đói, lo đói vẫn luôn là nỗi ám ảnh mọi người. Việc nháo nhào, cuống quít tích trữ nhiều lương thực, mì tôm…của người dân qua đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy rất rõ. Đúng là thức ăn vật chất là vấn đề không chỉ của riêng cá nhân hay cộng đồng dân tộc, quốc gia nào.

Còn thức ăn tinh thần thì sao?

Mấy ngày đầu năm tháng giêng tiết trời ấm áp, trong trẻo. Người người, nhà nhà du xuân tấp nập ở các thắng cảnh non nước, đền chùa…Với nhiều người, đó cũng là một cách nạp thức ăn tinh thần sau một năm làm việc vất vả. Bạn rủ đi mà tôi thấy ngài ngại nhưng rồi cũng sắp xếp đi một chuyến gần gần trong ngày. Thấy người người đông đúc quá. Quần áo đẹp, tinh thần vui vẻ, chụp ảnh tạo dáng, trò chuyện nói cười… Tôi nghĩ đến những bữa tiệc đông người ăn uống không mấy thoải mái và chắc chắn không thể có những trải nghiệm thú vị về thức ăn được. Tôi bảo người bạn đi cùng rằng ăn tinh thần đúng là khó hơn ăn vật chất rất nhiều. Đã ít dịp, ít khi được ăn mà lúc ăn cũng chẳng được trọn vẹn, đúng nghĩa.

Trở về, trong bữa cơm cuối cùng của kì nghỉ Tết, mấy đứa em bỗng nhắc: “không biết năm nay Lễ Tro ngày nào nhỉ? Mọi

 năm là ngay dịp Tết đấy”. Ừ nhỉ, giật mình tra lịch, may mắn còn mấy tuần nữa mới đến mà lòng bâng khuâng. Lễ Tro – Mùa Chay là để thanh tẩy tâm linh. Mục đích chính của Mùa Chay không phải là cấm các đồ ăn này đồ ăn kia, mà là sự ăn năn; việc kiêng các đồ ăn, kiêng việc này việc kia là biểu hiện của hãm mình ép xác và để dành làm việc lành phúc đức. Mùa Chay là thời điểm để con người hối cải và việc ăn chay trong vòng 40 ngày có ý nghĩa nhắc nhở người tín hữu phải chế ngự và làm chủ các ham muốn bản thân. Mục đích truyền thống của Mùa Chay là việc chuẩn bị của các tín hữu qua lời cầu nguyện, sám hối, thực hành bác ái, hoàn thiện bản thân theo gương Chúa.

Từ lúc đứa em nhắc nhớ về Mùa Chay, tôi bỗng thấy chút ăn năn bắt đầu nhen nhóm len lỏi và lớn trong mình. Trước nhất, vì bản thân là người Công Giáo chính gốc mà lần đầu tiên trong đời tôi lặng lẽ tìm hiểu về Mùa Chay một cách nghiêm túc. Khi tìm hiểu ít một, nghiền ngẫm dần dần và các ý nghĩa tôn giáo bắt đầu mở ra, cảm giác như một đứa trẻ đã đi học đã biết đọc, biết viết nhưng bây giờ mới hiểu những điều mình học và gom góp, chắp nối, suy ngẫm các vấn đề. Tôi đã hiểu hơn về Mùa Chay. Tôi nhận ra rằng để thực hiện Mùa Chay ý nghĩa thì đừng đợi Mùa Chay đến mới dọn mình mà hãy dọn mình đón Mùa Chay. Đừng đợi đến khi chính thức bước vào Mùa Chay mà hãy dọn mình nghiêm túc và cẩn trọng trước đó càng sớm càng tốt và cũng không khi nào là muộn cả. Đơn giản và đầu tiên là nghĩ về những sai sót, lầm lỗi, những vô tâm nhỏ nhặt…của bản thân; cả những điều bản thân đã làm tổn thương người khác và bị người khác làm tổn thương…trong một hành trình dài. Nghĩ về nó trong ngôi nhà nội tâm của mình. Nội tâm bề bộn, trí não không thông suốt, tựa như một ngôi nhà luộm thuộm, chật chội ngổn ngang, bụi bặm…, vậy hãy dọn cho gọn gàng, thoáng đãng. Cái gì đã qua là đã qua đã qua, nếu nó không cần thiết, hãy bỏ đi hoặc cất vào vào một góc phù hợp để nó ngủ yên và chuẩn bị không gian đón nhận, thu nạp cái mới mẻ, tốt lành… Vạn vật của cuộc đời này đều nằm trong quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Con người cũng vậy, sinh ra lớn lên, trải qua ấu thơ để bước tới trưởng thành và từ trưởng thành phải biết làm thế nào cho mình luôn trẻ, luôn nhiều sức sống và năng lượng để mãn nguyện ngay cả lúc được ơn Chúa gọi rời xa cuộc đời. Đời người là một chuyến đi, muốn đi được xa, hãy chuẩn bị hành lý kĩ lưỡng và cần thiết, gọn nhẹ, thoải mái nhất. Đích đến cuối cùng của mỗi Kitô hữu là được về Nhà Chúa trong niềm hân hoan trọn vẹn.

Thật vui vì tôi đã được đọc và thấm thía ý nghĩa của cụm từ Mùa Chay Tuyệt Vời. Ăn chay, kiêng thịt và kiêng một số việc khác chỉ thực sự ý nghĩa khi thực hiện tự nguyện và vui vẻ, bởi đó là cách mỗi người Kitô giáo thể hiện lòng biết ơn với Thiên Chúa, Ngài đã chịu khổ nạn để cứu chuộc cho loài người. Trong Mùa Chay, hãy giảm bớt phần ăn vật chất để được tiếp nhận nhiều hơn phần ăn tinh thần bởi như Lời Chúa đã từng dạy: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4b).

Chuẩn bị bước vào Mùa Chay, tôi có cơ hội được lắng nghe và hiểu rõ bản thân và được tìm về với Chúa trong bình an, được hiểu sâu hơn những lời răn giáo lý được học thuở ấu thơ. Trước đây, đã có lúc tôi gặp phải hoàn cảnh khó khăn mà không trọn vẹn được Đức Tin của mình, tôi được một vị Linh mục chia sẻ, động viên rằng: hạt giống tốt nhưng mọc trong bụi cây gai thì hãy cố gắng vượt qua! Giờ đây, khi suy ngẫm về bản thân, tôi băn khoăn nhiều về Đức Tin của người Kitô hữu trong đời sống hiện nay. Còn bao nhiêu người như tôi, bận rộn mê mải vì những nhu cầu ăn vật chất mà xao nhãng hay bị vùi lấp nhu cầu ăn tinh thần? Làm sao để níu giữ, vun trồng, nuôi dưỡng Đức Tin để mỗi người Công Giáo luôn biết trở về, biết sám hối và sống theo Lời Chúa dạy?

Những dòng này tôi viết trong những ngày sắp tới của Mùa Chay. Tôi biết những kiến thức, hiểu biết giáo lý…của mình còn nông cạn, hạn hẹp nên không dám luận bàn hay thuyết giảng. Bài viết chỉ đơn giản là cảm xúc và suy nghĩ của một người con đã từng đi lạc và may mắn được trở về với GIA ĐÌNH của mình. Bởi vậy trước tiên tôi viết cho mình và sau đó xin được chia sẻ với những người bạn yêu mến và có thể đồng cảm, mong cùng thực hiện được một Mùa Chay Tuyệt Vời như ước nguyện.

Nguyện xin Thiên Chúa ban thêm Hồng Ân để những người con của Ngài có thể tiếp tục chặng đường về Nhà Chúa trong sức mạnh của Đức Tin trọn vẹn!

 Anh Lê (12/02/2023)

www.vanthoconggiao.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *