Sáng thứ sáu, ngày 31. 3. 2023, tại Sảnh Đường Phaolô VI, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap., đã trình bày Bài suy niệm thứ 5 và cũng là bài suy niệm cuối cùng cho Mùa Chay 2023. Vị giảng thuyết Phủ Giáo hoàng tập trung vào lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!
Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Hồng y:
“Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33). Thưa quý Cha đáng kính, quý anh chị em, đây là một trong những lời cuối cùng Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi từ biệt các ông. Đó không phải là câu “Hãy can đảm lên!” bình thường mà một người sắp ra đi gửi cho những người còn ở lại. Thật vậy, Chúa Giêsu nói thêm: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14, 18).
“Thầy đến cùng anh em” có nghĩa là gì nếu Người sắp rời xa các môn đệ? Người sẽ đến và ở lại với họ bằng cách nào và như thế nào? Nếu không hiểu câu trả lời cho câu hỏi này, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được bản chất thực sự của Giáo hội. Câu trả lời hiện diện – như một loại chủ đề lặp đi lặp lại – trong các diễn từ biệt ly của Tin Mừng Gioan; và sẽ thật tốt nếu ít nhất một lần chúng ta lắng nghe ngay những câu mà chủ đề này trở thành nốt chủ đạo. Hãy làm điều đó với sự chú ý và cảm xúc của những đứa con khi lắng nghe di chúc của người cha về tài sản quý giá nhất mà ông sắp để lại cho mình:
Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. (Ga 14, 16-17).
Nhưng khi Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (Ga 14, 26).
Khi Ðấng Bảo Trợ đến, Ðấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu (Ga 15, 26-27).
Thầy ra đi thì có lợi cho anh em; Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Ðấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em, nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Ðấng ấy đến với anh em (Ga 16, 7).
Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng nghe gì, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em (Ga 16, 12-14).
Nhưng Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu hứa là gì, hay đúng hơn, là ai? Có phải là chính Người, hay là một ai khác? Nếu là chính Chúa Giêsu, tại sao Người nói ở ngôi thứ ba, “khi Ðấng Bảo Trợ đến…”; nếu là người khác, tại sao lại nói ở ngôi thứ nhất, “Thầy đến cùng anh em”? Chúng ta chạm tới mầu nhiệm tương quan giữa Đấng Phục Sinh và Thần Khí của Người. Đó là một mối tương quan gần gũi và mầu nhiệm đến nỗi đôi khi Thánh Phaolô dường như đồng nhất cả hai. Thánh nhân viết, “Chúa là Thần Khí,” nhưng rồi ngài nhanh chóng thêm vào, “và ở đâu có Thần Khí của Chúa, ở đó có tự do” (2 Cr 3, 17). Nếu đó là Thần Khí của Chúa, thì đó không thể là Chúa một cách thuần túy và đơn giản.
Câu trả lời từ Kinh Thánh là Chúa Thánh Thần, qua sự cứu chuộc, đã trở thành “Thần Khí của Đức Kitô“; đó là cách thức mà Đấng Phục sinh, “xét như Ðấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1, 4), hiện đang hoạt động trong Giáo hội và thế giới. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu có thể nói với các môn đệ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em,” và nói thêm, “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”.
Chúng ta phải loại bỏ một tầm nhìn về Giáo hội đang dần hình thành và chiếm ưu thế trong ý thức của nhiều tín hữu. Tôi gọi nó là hình ảnh về thần thánh hay hình ảnh của Descartes, bởi vì nó có nhiều điểm tương đồng với nhãn quan của Descartes về thần thánh. Mối tương quan giữa Thiên Chúa và thế giới được hình thành như thế nào trong nhãn quan này? Đại loại là như thế này: Trước hết, Thiên Chúa dựng nên thế giới và sau đó Ngài rút lui, để cho thế giới phát triển theo các quy luật mà Ngài đã thiết lập cho nó – giống như một chiếc đồng hồ đã được lên dây cót đủ để tự chạy vô thời hạn. Bất kỳ sự can thiệp nào nữa của Thiên Chúa sẽ làm xáo lộn trật tự này, và vì thế, phép lạ bị coi là không thể chấp nhận được. Khi tạo dựng thế giới, Thiên Chúa hành động giống như một người thổi một quả bóng bay và đẩy nó lên không trung, trong khi người ấy vẫn ở trên mặt đất.
Nhãn quan này có ý nghĩa gì khi áp dụng cho Giáo hội? Điều đó có nghĩa là Đức Kitô đã thiết lập Giáo hội, ban cho Giáo hội tất cả các cơ cấu phẩm trật và bí tích cần thiết để Giáo hội hoạt động, rồi rời bỏ Giáo hội, trở về thiên đàng vào lúc Người Thăng thiên. Giống như người đẩy một chiếc thuyền nhỏ ra khơi còn mình thì đi vào bờ.
Nhưng không phải vậy! Chúa Giêsu đã lên thuyền và ở trong đó. Những lời cuối cùng của Người trong Tin Mừng Mátthêu phải được coi trọng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Với mỗi cơn bão mới, kể cả những cơn bão hiện nay, Chúa Giêsu lặp lại với chúng ta điều mà Người đã nói với các môn đệ khi dẹp yên biển động: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” (Mt 8, 26). Chẳng phải Thầy đang ở đây với các con sao? Liệu Thầy có thể bị chìm không? Liệu người đã tạo ra biển có thể bị chìm xuống biển không?
Tôi vui mừng ghi nhận rằng, dưới tên của Đức giáo hoàng trong Niên giám Tòa Thánh, chỉ có tước hiệu “Giám mục Rôma”; tất cả các tước hiệu khác – Đại diện của Chúa Giêsu Kitô, Giáo hoàng tối cao của Giáo hội hoàn vũ, Giáo chủ của Ý, v.v. – được liệt kê như là “những tước hiệu mang tính lịch sử” ở trang tiếp theo. Điều này có vẻ đúng đối với tôi, nhất là khi đề cập đến tước hiệu “Đại diện của Chúa Giêsu Kitô”. Vị Đại diện là người thay thế vị trí của người đứng đầu khi họ vắng mặt, nhưng Chúa Giêsu Kitô chưa bao giờ vắng mặt và sẽ không bao giờ vắng mặt trong Giáo hội của Người. Với cái chết và sự phục sinh, Đức Kitô đã trở thành “đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1, 18) và sẽ vẫn như vậy cho đến tận thế. Đức Kitô là Chúa thật và duy nhất của Giáo hội.
Có thể nói, sự hiện diện của Đức Kitô không phải là một sự hiện diện về mặt đạo đức và ý hướng, nó không phải là một quyền lực được ủy quyền. Khi không thể đích thân hiện diện tại một sự kiện nào đó, chúng ta thường nói: “Tôi sẽ hiện diện trong tinh thần”, điều này không an ủi hoặc giúp ích nhiều cho những người đã mời chúng ta. Khi nói về Chúa Giêsu rằng Người hiện diện “trong tinh thần”, thì sự hiện diện tinh thần này không kém phần mạnh mẽ so với sự hiện diện thể lý, nhưng là sự hiện diện thực sự và hữu hiệu hơn rất nhiều. Đó là sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, Đấng hoạt động trong quyền năng của Chúa Thánh Thần mọi lúc mọi nơi, và là Đấng hoạt động trong chúng ta.
Nếu trong tình hình khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng như hiện nay, người ta phát hiện ra sự tồn tại của một nguồn năng lượng mới, và vô tận; nếu cuối cùng chúng ta cũng khám phá ra cách sử dụng năng lượng mặt trời theo ý muốn và không gây ảnh hưởng tiêu cực, thì cả nhân loại sẽ nhẹ nhõm biết bao! Vậy thì, trong lĩnh vực của mình, Giáo hội cũng có một nguồn năng lượng vô tận tương tự – đó là “sức mạnh từ trên cao”, là Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu có thể nói về Ngài: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24).
Có một thời điểm trong lịch sử cứu độ gợi lại những lời của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly. Đó là sấm ngôn của ngôn sứ Haggai. Chúng ta hãy lắng nghe:
Tháng bảy ngày hai mươi mốt, có lời Ðức Chúa phán qua trung gian ngôn sứ Khác-gai rằng: “Ngươi hãy nói với tổng đốc xứ Giu-đa là Dơ-rúp-ba-ven, con ông San-ti-ên, nói với thượng tế Giê-su-a, con ông Giơ-hô-xa-đắc và nói với những người còn sót lại trong dân rằng: Ai trong các ngươi trong số người còn sót lại đã từng được chứng kiến cảnh rực rỡ vinh quang của Ðền Thờ ban sơ? Và bây giờ các ngươi thấy Ðền Thờ như thế nào? Trước mắt các ngươi, nó chẳng còn là gì nữa đó sao? Vậy bây giờ, hỡi Dơ-rúp-ba-ven, hãy mạnh bạo lên! Này thượng tế Giê-su-a, con ông Giơ-hô-xa-đắc, mạnh bạo lên nào! Toàn dân trong xứ hãy mạnh bạo lên! Sấm ngôn của Ðức Chúa. Hãy bắt tay vào việc, vì chính Ta ở với các ngươi. Sấm ngôn của Ðức Chúa các đạo binh. Chiếu theo lời Ta kết ước với các ngươi lúc các ngươi ra khỏi Ai-cập, thần khí Ta ở giữa các ngươi; các ngươi đừng sợ. (Kg 2, 1-5).
Đây là một trong số rất ít bản văn Cựu Ước có thể được xác định niên đại với độ chính xác cao – ngày 17 tháng 10 năm 520 trước Công nguyên. Đối với chúng ta, chẳng phải dường như những lời của ngôn sứ Haggai mô tả tình hình hiện tại của Giáo hội Công giáo, và ở nhiều khía cạnh, tình hình của toàn thể Kitô giáo đó sao? Những người lớn tuổi trong chúng ta, đều nhớ lại với nỗi hoài niệm nhất định về thời kỳ ngay sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Các nhà thờ chật kín giáo dân vào các ngày Chúa nhật; lễ cưới và lễ rửa tội được cử hành tại giáo xứ; các chủng viện và nhà tập của các Dòng tu thì đầy ơn gọi… Liệu chúng ta có thể nói như Haggai “Nhưng ngày nay chúng ta thấy điều này ở những tình trạng nào” chăng?”. Chẳng có ích gì khi lãng phí thời gian lặp lại danh sách những tệ nạn hiện tại, những thứ mà đối với một số người, dường như chỉ là đống đổ nát, giống như những tàn tích của La Mã cổ đại xung quanh chúng ta trong thành phố này.
Không phải mọi thứ từng lấp lánh và khiến chúng ta tiếc nuối đều là vàng. Nếu tất cả đều là vàng ròng, nếu những chủng viện đông đúc đó đã rèn luyện nên những mục tử thánh thiện, và nếu nền đào tạo truyền thống đã truyền đạt cho họ sự vững chắc và chân thực, thì chúng ta sẽ không phải phàn nàn vì quá nhiều vụ tai tiếng như hiện nay… Nhưng đây không phải là điều chúng ta cần nói đến ở đây, và chắc chắn tôi không phải là người có trình độ tốt nhất để làm việc đó. Điều tôi nóng lòng muốn giữ lại là lời khuyên mà vị ngôn sứ đã nói với dân Israel thời bấy giờ. Vị ngôn sứ không khuyến khích họ cảm thấy tiếc nuối cho bản thân, cam chịu và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Không! Giống như Chúa Giêsu, vị ngôn sứ nói: “Hãy mạnh bạo lên! Sấm ngôn của Ðức Chúa. Hãy bắt tay vào việc, -Thần Khí của Ta ở với các ngươi!”
Nhưng hãy cẩn thận! Một lần nữa cần nhớ rằng, đây không phải là câu nói “Hãy can đảm lên” mơ hồ và trống rỗng. Trước đó, vị ngôn sứ đã cho biết “công việc” mà họ sẽ phải làm là gì. Và vì nó liên quan chặt chẽ với chúng ta, nên chúng ta cũng hãy lắng nghe lời sấm ngôn trước đó của Haggai với dân chúng và các nhà lãnh đạo của họ:
Ðức Chúa các đạo binh phán thế này: Dân đó dám nói: “Bây giờ chưa phải là lúc tái thiết Ðền Thờ kính Ðức Chúa.” Nhưng có lời Ðức Chúa phán, qua trung gian ngôn sứ Khác-gai, rằng: “Bây giờ có phải là lúc để các ngươi ở trong các nhà có ghép gỗ đóng trần, còn Ðền Thờ thì lại hoang tàn đổ nát không? Vậy giờ đây, Ðức Chúa các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. Các ngươi gieo vãi nhiều, nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu. Các ngươi ăn mà không đủ no, uống không đủ say, mặc không đủ ấm. Ðồng lương của người làm thuê lọt qua túi thủng… Hãy lên núi, đưa gỗ về tái thiết Ðền Thờ cho Ta. Ta sẽ vui thích và tỏ vinh quang Ta ở đó, Ðức Chúa phán. (Kg 1, 2-8).
Một khi được công bố, Lời Chúa trở nên linh hoạt và sống động mỗi khi được tái công bố. Đây không chỉ đơn thuần là một trích dẫn trong Kinh thánh. Giờ đây chúng ta là “dân này” mà Lời Chúa hướng đến. Đối với chúng ta ngày nay, “những ngôi nhà có ghép gỗ đóng trần” là gì mà khiến chúng ta muốn ở yên trong đó? Tôi thấy ba ngôi nhà đồng tâm, ngôi nhà này nằm trong ngôi nhà kia, từ đó chúng ta phải rời khỏi đó để leo lên núi và xây dựng lại ngôi nhà của Thiên Chúa.
Ngôi nhà đầu tiên, được ốp gỗ, chăm sóc và trang bị nội thất cẩn thận, là “cái tôi” của tôi – sự thoải mái của tôi, vinh quang của tôi, địa vị của tôi trong xã hội hoặc trong Giáo hội. Đó là bức tường khó phá vỡ nhất. Thật dễ nhầm lẫn danh dự của tôi với danh dự của Thiên Chúa và Giáo hội, cũng như sự gắn bó với những ý tưởng của tôi với sự gắn bó với sự thật trong sáng và đơn giản. Bản thân tôi, người đang nói, không nghĩ mình là ngoại lệ. Chúng ta ở trong lớp vỏ này của mình giống như con tằm ở trong cái kén của nó: xung quanh toàn là tơ, nhưng nếu con tằm không phá vỡ cái kén, nó sẽ vẫn mãi là một ấu trùng và sẽ không bao giờ trở thành một con bướm bay bổng tự do.
Nhưng hãy để chủ đề này sang một bên, bởi vì chúng ta có nhiều cơ hội để nghe về nó. Ngôi nhà thứ hai được trang bị cẩn thận mà từ đó chúng ta phải ra đi để làm việc trong “nhà của Chúa” là giáo xứ của tôi, dòng tu của tôi, phong trào hoặc hiệp hội của Giáo hội, Giáo hội địa phương của tôi, giáo phận của tôi… Chúng ta không được nhầm lẫn. Khốn cho chúng ta nếu chúng ta không có tình yêu và sự gắn bó với những thực tại cụ thể này mà Chúa đã đặt chúng ta vào đó, và có lẽ chúng ta phải chịu trách nhiệm về những thực tại đó. Điều tai hại là khi chúng ta tuyệt đối hóa chúng, không nhìn thấy điều gì khác bên ngoài, không quan tâm đến bất cứ thứ gì khác, chỉ trích và coi thường những người không tham gia thực tại của chúng ta. Tóm lại, đánh mất tính công giáo của Giáo hội, quên mất điều mà Đức Thánh Cha thường nói, rằng “toàn thể lớn hơn một phần”. Chúng ta là một thân thể, thân thể của Chúa Kitô, và, như Thánh Phaolô nói, trong thân thể “nếu một chi thể đau thì cả thân thể cùng đau” (1 Cr 12, 26). Thượng Hội đồng cũng nên phục vụ mục đích này: giúp chúng ta nhận thức và tham gia vào các vấn đề và niềm vui của toàn thể Giáo hội Công giáo.
Nhưng chúng ta hãy đến với ngôi nhà thứ ba được ốp gỗ cẩn thận. Việc thoát ra khỏi nó trở nên khó khăn hơn bởi thực tế là trong nhiều thế kỷ, chúng ta đã được dạy rằng chỉ cần nhìn ra bên ngoài nó thôi thì cũng đã là tội lỗi và phản bội rồi. Mới đây, dịp Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự Hiệp nhất Kitô giáo, tôi đọc chứng từ của một phụ nữ Công giáo đến từ một quốc gia đa tôn giáo. Linh mục giáo xứ của cô ấy từng dạy cộng đoàn rằng thậm chí chỉ cần bước vào một nhà thờ Tin lành thì đã là một tội trọng. Và tôi cho rằng, ở phía bên kia, điều tương tự cũng đã được nói về việc bước vào một nhà thờ Công giáo.
Tất nhiên, tôi đang nói về ngôi nhà thứ ba được ốp gỗ cẩn thận, là hệ phái Kitô cụ thể mà chúng ta thuộc về. Tôi nói như vậy với ký ức vẫn còn sinh động về sự kiện phi thường và mang tính ngôn sứ của cuộc gặp gỡ đại kết diễn ra ở Nam Sudan vào tháng 2 vừa qua. Tất cả chúng ta đều xác tín rằng một phần sự yếu kém trong việc loan báo Tin Mừng và hoạt động của chúng ta trên thế giới là do sự chia rẽ và đấu tranh qua lại giữa các Kitô hữu. Điều mà Thiên Chúa phán qua ngôn sứ Haggai vẫn đang xảy ra:
Các ngươi mong đợi nhiều, nhưng mùa màng chẳng được bao nhiêu. Các ngươi có đem được những thứ đó về nhà, Ta cũng sẽ thổi bay đi hết. Vì sao vậy? Sấm ngôn của Ðức Chúa các đạo binh – vì Nhà của Ta vẫn còn tan hoang, trong khi đó các ngươi ai nấy bận rộn lo cho nhà riêng của mình (Kg 1, 9).
Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Người không nói, “Thầy sẽ xây dựng những Hội Thánh của Thầy”. Phải có một cảm thức mà theo đó điều mà Chúa Giêsu gọi là “Hội Thánh của Thầy” bao gồm tất cả những ai tin vào Người, và tất cả những ai đã chịu phép rửa. Thánh Phaolô Tông đồ có một công thức có thể hoàn thành nhiệm vụ gồm gói tất cả những ai tin vào Đức Kitô. Mở đầu Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh nhân gửi lời chào đến “tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Ðức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta” (1 Cr 1, 2).
Tất nhiên, chúng ta không thể hài lòng với sự hiệp nhất rộng lớn nhưng lại quá mơ hồ này. Và điều này biện minh cho sự cam kết và thảo luận, ngay cả về giáo lý, giữa các Giáo hội. Nhưng chúng ta cũng không thể coi thường và phớt lờ sự hiệp nhất cơ bản này, vốn hệ tại ở việc kêu cầu cùng một Chúa Giêsu Kitô. Ai tin vào Con Thiên Chúa thì cũng tin vào Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Điều đã được lặp đi lặp lại nhiều lần là rất đúng: “điều hiệp nhất chúng ta quan trọng hơn điều chia rẽ chúng ta“.
Có những trường hợp chúng ta không thể không phản đối việc sử dụng danh Chúa Giêsu và cách thức loan báo Tin Mừng. Trong những trường hợp như vậy, điều mà Thánh Phaolô đã viết về một số người vào thời của ngài đã loan báo Tin Mừng “với tinh thần ganh đua và với ý định bất chính” có thể giúp chúng ta vượt thắng sự phản đối. Ngài viết cho các tín hữu Philip: “Nhưng không sao đâu! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, miễn là Ðức Kitô được rao giảng là tôi mừng rồi” (Pl 1,16-18). Đừng quên rằng các Kitô hữu của các hệ phái khác cũng nhìn thấy những điều nơi người Công giáo chúng ta mà họ không thể chấp nhận.
Sấm ngôn của ngôn sứ Haggai về ngôi đền được tái thiết kết thúc với một lời hứa tươi sáng: “Vinh quang của Ðền Thờ lúc này sẽ rạng ngời hơn khi trước, Ðức Chúa các đạo binh phán; tại nơi này Ta sẽ ban tặng bình an – sấm ngôn của Ðức Chúa các đạo binh” (Kg 2, 9). Chúng ta không dám nói rằng sấm ngôn này cũng sẽ được ứng nghiệm cho chúng ta và ngôi nhà của Thiên Chúa là Giáo hội của tương lai sẽ huy hoàng hơn ngôi nhà của quá khứ mà chúng ta hiện đang tiếc nuối; tuy nhiên, chúng ta có thể hy vọng và cầu xin Thiên Chúa điều đó với tinh thần khiêm nhường và sám hối.
Chúng ta chứng kiến một số dấu chỉ đáng khích lệ về phương diện này, một trong những dấu chỉ rõ ràng nhất chính là việc tìm kiếm sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Trả lời phỏng vấn của một nhà báo Công giáo trong chuyến trở về từ Nam Sudan, Đức Tổng Giám mục Justin Welby cho biết: “Khi chúng ta thấy các Giáo hội hợp tác với nhau, – mà trong quá khứ đã từng là kẻ thù không đội trời chung, tấn công và thiêu sống các linh mục của nhau, và lên án nhau bằng những lời lẽ bạo lực nhất – khi điều này xảy ra, có nghĩa là một điều gì đó thuộc về tâm linh xảy ra. Có một sự giải thoát của Thần Khí Thiên Chúa, và điều này mang lại cho tôi niềm hy vọng lớn lao”.
Thưa quý Cha đáng kính, thưa anh chị em, sấm ngôn của ngôn sứ Haggai mà tôi đã chú giải có liên quan đến một ký ức cá nhân và tôi xin lỗi nếu tôi dám nhắc lại ở đây sau khi một số anh chị em có thể đã nghe tôi kể trong những dịp khác. Tôi làm như vậy với niềm tin chắc rằng lời ngôn sứ lại khơi lên niềm tin tưởng và hy vọng mỗi khi lời ấy được công bố và lắng nghe với niềm tin.
Ngày mà Bề trên Tổng quyền của tôi cho phép tôi nghỉ việc dạy học tại Đại học Công giáo Milan, để dành trọn thời gian cho việc giảng thuyết, thì đúng là trong Giờ Kinh Phụng vụ có sấm ngôn của ngôn sứ Haggai mà tôi đã chú giải. Sau khi nguyện Kinh Phụng vụ xong, tôi đến Vương cung thánh đường thánh Phêrô. Tôi muốn xin vị thánh Tông đồ chúc lành cho sứ vụ mới của tôi. Vào một thời điểm nào đó, khi tôi đang ở quảng trường, lời này của Thiên Chúa tái hiện một cách mạnh mẽ trong tâm trí tôi. Tôi hướng về phía cửa sổ Điện Tông tòa của Đức Giáo hoàng và bắt đầu lớn tiếng tuyên bố: “Hãy can đảm lên, hỡi Đức Gioan Phaolô II, hãy can đảm lên, hỡi các Đức Hồng y, giám mục, và tất cả mọi người trong Giáo hội, và hãy làm việc vì Ta ở cùng các con, Chúa phán như vậy”. Thật dễ dàng để làm điều này vì trời đang mưa và không có ai ở xung quanh.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, vào năm 1980, tôi được bổ nhiệm là người Giảng thuyết Phủ Giáo hoàng và được diện kiến Đức Thánh Cha để bắt đầu Mùa Chay đầu tiên của mình. Lời đó lại vang vọng trong tôi, không phải như một câu trích dẫn hay một ký ức, mà như một lời sống động cho thời điểm chính xác đó. Tôi đã kể lại điều tôi đã làm hôm ở Quảng trường Thánh Phêrô. Sau đó, tôi quay sang Đức giáo hoàng, lúc đó đang theo dõi bài giảng từ một nhà nguyện bên cạnh, và mạnh mẽ lặp lại những lời của ngôn sứ Haggai: “Hãy can đảm lên, hỡi Đức Gioan Phaolô II, hãy can đảm lên hỡi các Đức Hồng y, giám mục và dân Chúa, và hãy bắt tay vào việc vì Ta ở cùng các con, Chúa phán. Thần Khí của Ta sẽ ở bên các con”. Và đối với tôi, khi nhìn thấy khuôn mặt của Đức giáo hoàng, dường như những lời đó đã mang lại những gì nó hứa hẹn: đó là lòng can đảm (ngay cả khi Đức Gioan Phaolô II là người cuối cùng trên thế giới cần được khuyên là hãy can đảm!).
Hôm nay tôi dám công bố Lời này một lần nữa, vì biết rằng đó không thuần tuý chỉ là một câu trích dẫn, mà là một lời hằng sống luôn thực hiện những gì nó hứa. Vì thế, hãy can đảm lên, thưa Đức Thánh Cha Phanxicô! Hãy can đảm lên, hỡi các Đức Hồng y, giám mục, linh mục và tín hữu của Giáo hội Công giáo, và hãy làm việc, vì Ta ở cùng các con. Thần Khí của Ta sẽ ở bên các con! Chúa phán như vậy!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: cantalamessa.org (01-4-2023)