Đón nhận hay loại trừ?

CÂU CHUYỆN ĐẦU TUẦN

ĐÓN NHẬN HAY LOẠI TRỪ?

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Có thể nói đón nhận (Inclusion, welcoming) và loại trừ (Exclusion) là hai từ khóa của Thượng hội đồng giám mục về Hiệp hành. Nội dung đó được thể hiện ngay ở tựa đề của Tài liệu làm việc cho Thượng hội đồng cấp châu lục: “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở” (Is 54,2). Cũng từ đó, nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao không đón nhận người đồng tính? Tại sao không chấp nhận hôn nhân đồng tính? Tại sao không chấp nhận các cặp ly hôn và tái hôn? Và còn nhiều câu hỏi khác. Rồi người ta căn cứ vào đó để đánh giá người này người kia trong Giáo hội là bảo thủ hay cấp tiến, cởi mở hay cứng cỏi, hợp thời hay lỗi thời!

Thực ra vấn đề không đơn giản. Một số tiếng nói của các giám mục đang tham dự Thượng hội đồng giúp chúng ta nhìn rõ vấn đề hơn.

Trước hết là cách nhìn vấn đề trong mối tương quan của tình yêu với chân lý. Trong cuộc họp báo ngày 18/10, Đức Tổng giám mục Zbignev Stankevics, Latvia, trích dẫn lời Đức giáo hoàng Phanxicô, nói rằng “trong Hội Thánh có chỗ cho mọi người”, vì vậy những người có khuynh hướng đồng tính phải được đón nhận cách trân trọng. Sau đó ngài nói thêm: “Chúng tôi đón nhận với tình yêu và sự trân trọng, nhưng tình yêu đích thực không thể tách rời khỏi chân lý vì nếu tình yêu bị tách khỏi chân lý, thì không còn là tình yêu nữa. Nếu một người sống trong tội và chúng tôi nói với người đó rằng ‘Mọi sự đều ổn cả, cứ tiếp tục như thế’, thì chúng tôi làm hại người đó. Khi người đó chết, họ sẽ gặp nguy hiểm lớn”.

Đức Tổng giám mục Zbignev Stankevics, Latvia

Từ một góc nhìn khác về tương quan giữa cảm tính và lý tính, Giám mục Robert Baron, Hoa Kỳ, cho biết trong giai đoạn chuẩn bị Thượng hội đồng cấp châu lục, mối quan tâm lớn của nhiều người là làm sao đón tiếp những anh chị em rời xa Hội Thánh, trong đó đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và cộng đồng LGBTQ. Rồi ngài nói tiếp: “Một vài người gợi ý rằng Thượng hội đồng giám mục nên xem xét việc thay đổi giáo huấn luân lý và kỷ luật bí tích của Hội Thánh để làm cho những người Công giáo đang xa rời Hội Thánh cảm thấy mình được đón nhận nhiều hơn. Và đây là điều tôi ngần ngại, vì tình cảm dù mạnh mẽ đến đâu tự nó cũng không thể là một lập luận thần học. Có nhiều lý do – tốt có, xấu có – khiến một người cảm thấy mình không được Hội Thánh đón nhận. Nếu sự xa rời này vì thiên kiến thù ghét hay thiếu hiểu biết, chúng ta phải giải quyết ngay và trực tiếp. Nhưng nếu sự xa rời đó là do lối sống của người đó không tương hợp với điều mà Hội Thánh đòi hỏi cách hợp pháp, thì điều người đó cần làm là phải thay đổi thái độ. Vấn đề là chúng ta không thể đưa ra phán quyết về vấn đề này chỉ trên bình diện cảm tính. Chúng ta phải suy nghĩ dựa trên Kinh Thánh, truyền thống thần học, và luật luân lý tự nhiên. Tôi hi vọng rằng sự nối kết hai chiều kích mục vụ và thần học về vấn đề đón nhận này sẽ là công việc chính của Thượng hội đồng” (wordonfire.org).

Những phát biểu trên phản ánh mối băn khoăn của những người có trách nhiệm mục vụ. Không mục tử nào muốn loại trừ người khác cả, nhưng câu hỏi đặt ra là: đâu là thánh ý Chúa? Mục tử nào cũng muốn đón nhận mọi người vào ràn chiên của Chúa là Hội Thánh, nhưng đi qua cửa nào, cửa Giêsu hay cửa nào khác (x. Ga 10,7-10)? Bởi lẽ Hội Thánh là của Chúa chứ chẳng phải của riêng ai, và chỉ khi nào chúng ta dẫn anh chị em mình qua cửa Giêsu mà vào, thì đó mới là đón tiếp đúng nghĩa, và chúng ta mới có sự sống và sống dồi dào. Nói như Tổng giám mục Charles Palmer-Buckle, Ghana: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta phải thay đổi Hội Thánh cho phù hợp với chúng ta. Đúng hơn chúng ta phải thay đổi chính mình cho phù hợp với Chúa Kitô và những gì Ngài mong muốn nơi chúng ta, qua sự trợ giúp của Hội Thánh”.

Xin ghi lại đây suy tư rất đẹp của một giáo dân:

“Khi những vấn đề tranh luận nổi lên trong cuộc đối thoại về Thượng hội đồng, trong những diễn văn tôi đọc hoặc nghe được, tôi thấy có sự phân rẽ rõ ràng giữa hai cách tiếp cận những vấn đề mục vụ được bàn tới. Ở tâm điểm của sự phân rẽ đó là câu hỏi: chúng ta có sợ Thập giá không?

Nếu sợ thập giá, chúng ta sẽ khai triển một thần học mục vụ không toàn vẹn, một thứ thần học có khởi điểm là tìm cách làm vơi nhẹ khổ đau, hơn là khởi đi từ chân lý mặc khải của Thiên Chúa.

Thứ chăm sóc mục vụ ấy sẽ nhắm tới việc xoa dịu một tâm hồn đau khổ, nhưng thường bằng thứ thuốc trị bá bệnh, chứ không phải thứ thuốc đắng nhằm giúp người ta sống mối tương quan đúng đắn với chính mình và với Thiên Chúa.

Nếu chúng ta biết rằng nẻo đường dẫn đến cuộc sống thân tình với Thiên Chúa nhất thiết phải đi qua Thập giá, thì đồng hành mục vụ có nghĩa là giúp cho bạn đường mạnh mẽ lên, và khuyến khích họ đi con đường hẹp. Chăm sóc mục vụ như thế sẽ không làm lu mờ Thập giá, vì sự chăm sóc mục vụ ấy thường đến từ những người đã kinh qua đau khổ với Chúa. Sự chăm sóc ấy mang tính huynh đệ, không nghĩ rằng mình cất Thập giá cho người khác, nhưng giúp nhau mang gánh nặng của Thập giá.

Thập giá là nơi chốn của sự thánh hóa, vì thế Thập giá trở nên nguồn vui. Nếu chúng ta chạy trốn khỏi Thập giá, chúng ta không thể chia sẻ sự phục sinh của Chúa.

Hiệp hành có nghĩa là cùng đi với nhau. Nếu hành trình ấy không khởi đi trên đường đau khổ (via dolorosa), thì khó mà thấy rõ vấn đề” (JD Flynn, pillarcatholic.com 25/10/2023).

Nguồn: giaophanmytho.net

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *