SÁCH LÊ-VI
PHẦN I – CHỨC TƯ TẾ LÊ-VI
I. DẪN NHẬP
Sau khi tìm hiểu sách Xuất hành, chúng ta tiếp tục đến với cuốn sách thứ ba của Bộ Ngũ thư, đó là sách Lê-vi. Sách Xuất hành kết thục với việc xây dựng Lều Hội Ngộ, hay còn gọi là Nhà Tạm, nơi đây có đặt Hòm bia Giao ước để cho thấy việc Thiên Chúa luôn hiện diện, và đồng hành của với con cái nhà Ít-ra-en. Nếu sách Xuất hành cho thấy việc Thiên Chúa đến với con người, thì sách Lê-vi diễn tả việc con người đến với Chúa qua việc cử hành nghi lễ và tuân giữ các điều luật liên quan đến phụng tự. Nếu sách Xuất hành trình bày việc Thiên Chúa giải phóng Ít-ra-en, thì sách Lê-vi diễn tả sự đáp trả của con người qua việc phục vụ Chúa. Quả vậy, Ít-ra-en được cứu để phục vụ Đức Chúa. Phục vụ ở đây có nghĩa là thờ phượng. Điều này cho chúng ta thấy sách Xuất hành và sách Lê-vi liên kết chặt chẽ với nhau làm nên một bức tranh hoàn thiện về mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người và con người với Thiên Chúa.
II. BỐ CỤC
Về bố cục tổng quát, sách Lê-vi trình bày cho chúng ta không phải một mớ những lề luật hỗn tạp những theo một trật tự cụ thể để giúp chúng ta hiểu về những thực hành tôn giáo của Ít-ra-en. Đặc biệt, sách Lê-vi chứa bộ luật dành cho hàng tư tế. Trọng tâm của sách Lê-vi là việc thiết lập ngày lễ Xá tội. Bố cục của Sách Lê-vi được đan xen giữa các trình thuật với những đoạn văn luật.
– Chương 1-7: Các loại hy lễ
– Chương 8-10: Thánh hiến tư tế và lễ vật
– Chương 11-15: Luật thanh tẩy
– CHƯƠNG 16: THIẾT LẬP NGÀY LỄ XÁ TỘI
– Chương 17-22: Thanh sạch và ô uế
– Chương 23-25: Các ghi lễ thờ phượng Chúa
– Chương: 26-27: Thánh hóa và những lời khấn
III. NỘI DUNG
Về phần nội dung, để giúp chúng ta đọc và hiểu được sách Lê-vi một cách dễ dàng, hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu lịch sử hình thành chức tư tế và chức năng của các tư tế. Bài học tiếp theo chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa các hy lễ và các ngày lễ trọng đại của người Do-thái.
1. Các tư tế là những ai trong truyền thống Cựu ước?
– Trước khi chức tư tế xuất hiện trong dân Ít-ra-en, nó đã xuất hiện nơi các dân tộc văn minh chung quanh, đặc biệt vùng Lưỡng Hà Địa và Ai-cập. Ở những nền văn minh này, chức tư tế thường được nhà vua đảm nhận, nhưng có hàng giáo sĩ giúp nhà vua, thường cha truyền con nối và tạo thành một giai cấp trong xã hội.
– Thời các tổ phụ, chính các tổ phục cũng thực hành chức tư tế gia đình như đa số các dân tộc thời cổ đại. Thời các tổ phụ thì dòng dõi Lê-vi vẫn còn là một chi tộc thế tục chưa đảm nhận một chức vụ thánh nào.
– Thời xuất hành, chi tộc Lê-vi mới xuất hiện như một chi tộc được tuyển chọn cho việc phụng sự Chúa (Xh 32,25-29).
– Thời các thẩm phán, con cái Lê-vi mới là những tư tế tuyệt hảo (Tl 17,7-13; 18,19) quản trị các thánh điện rải rác khắp xứ. Tuy nhiên, bên cạnh chức tư tế Lêvi, chức tư tế gia đình vẫn tiếp tục tồn tại (Tl 6,18-29; 13,19; 17,5; 1 Sam 7,11).
– Thời quân chủ, vua thi hành nhiều chức vụ dành cho các tư tế bao gồm việc dâng hy tế và chúc lành cho dân. Tuy nhà Vua tham dự vào chức tư tế vương giả, nhưng vẫn là vị bảo trợ của tư tế hơn là thành viên trong giai cấp thánh. Từ đây giai cấp tư tế đã biến thành một định chế có tổ chức ở Ít-ra-en. Dưới quyền chỉ huy của các tư tế thủ lĩnh, hàng tư tế Giê-ru-sa-lem gồm nhiều thuộc cấp khác nhau. Các thánh điện địa phương được quản trị bởi các thầy tư tế Lê-vi và những vị tư tế ngoài dòng tộc Lê-vi (1 V 12,31).
– Sau thời Lưu đầy, chức tư tế được gắn liền với Đề thờ hơn và quyền hành cả tư tế càng ngày càng lớn do sự hiện diện của vua không còn và phong trào ngôn sứ đã đi xuống. Vị Thượng tế trong vai trò làm chủ các nghi thức phụng tự và giải thích các truyền thống tôn giáo, trở nên khuôn mặt quan trọng trong Do-thái giáo.
2. Các tư tế có những chức năng gì?
– Các tư tế là người của thánh điện, chuyên lo việc cử hành các nghi thức phụng tự,bảo vệ Hòm Bia (1 Sam 1-4; 2 Sam 15,24-29), đón tiếp các tín hữu đến nhà Đức Chúa (1 Sam 1, chủ toạ các nghi lễ phụng vụ vào các ngày lễ của dân chúng (Lv 23,11.20). Hoạt động chính yếu của các ngài là dâng hy tế, đặc biệt ngày lễ Xá tội.
– Các tư tế còn thi hành nghi lễ thánh hiến, thanh tẩy, và xức dầu phong vương (1 V 1,39; 2 V 11,12).
– Các tư tế là những thừa tác viên của Lời Chúa (Xh 4,14-16), nhắc lại Giao ước (Xh 24,7; Đnl 27; Neh 8). Các ngài cũng dẫn giải luật, giải đáp những thắc mắc của tín hữu bằng những bài huấn dụ thực tiễn (Đnl 33,10; Gier 18,18) và hành xử vài trò quan án (Đnl 17,8-13). Các ngài còn chép lại Luật. Nói cách khác, vị tư tế là đấng trung gian của Lời Chúa. Nhờ đó, Lời Chúa được lưu truyền qua lịch sử và qua các Bộ Luật.
IV. KẾT
Sau khi tìm hiểu ý nghĩa của chức tư tế Lê-vi, chúng ta thấy nhờ lễ nghi phụng vụ, giáo huấn và việc biên soạn Kinh Thánh, hàng tư tế đã duy trì truyền thống Mô-sê và các ngôn sứ được mãi mãi sống động ở Ít-ra-en, và đã đảm bảo đời sống tôn giáo của dân Thiên Chúa qua các thời đại. Nhưng cuối cùng chức tư tế này cũng phải nhường bước cho vị Thượng Tế thập toàn là Đức Ki-tô. Đức Ki-tô Thượng Tế kiện toàn chức tư tế và hy tế xưa. Người vừa là Thượng tế vô tội và là của lễ vẹn toàn. Người hiến dâng chính mình để chuộc tội cho muôn dân. Cái chết của Đức Ki-tô cho phép Người bước vào “cung cực thánh”. Khi Đức Ki-tô tắt thở, màn trong đền thờ xé ra làm đôi (Mt 27,51), và Đức Ki-tô, vị Thượng Tế của chúng ta “đã vào cung thánh không phải vơi máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình. Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9,12). Khác với các tư tế theo nhà A-a-ron hằng năm phải vào nơi cung cực thánh do người phàm làm ra, Đức Ki-tô “đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24). Khác với các con dê tế thần phải được lặp lại hằng năm, “Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người” (Dt 9,28).
Lm. An-tôn Trần Văn Phú
https://www.tonggiaophanhanoi.org/bai-10-sach-le-vi-tong-quan-thanh-kinh/