Tại sao khi cử hành Thánh lễ, chúng ta dâng lễ vật?

Phụng vụ Thánh Thể gồm ba phần tương đương với ba cử chỉ của Chúa Giê-su trong bữa tiệc ly (x. Quy chế tổng quát Sách lễ Rô-ma, số 72)

– Chúa Giê-su cầm lấy bánh – Dâng lễ vật;

– Chúa Giê-su dâng lời tạ ơn – Kinh Tạ ơn;

– Chúa Giê-su bẻ ra và trao cho các môn đệ – Bẻ bánh và Hiệp lễ.

Trong bài này, để trả lời câu hỏi: Tại sao khi cử hành Thánh lễ, chúng ta dâng lễ vật?

Chúng ta sẽ tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa việc dâng lễ vật.

1. Mấy thế kỷ đầu

Bữa Tiệc Ly là Thánh lễ đầu tiên, nếu có phần chuẩn bị lễ vật thì có thể coi việc thánh Phê-rô và thánh Gio-an chuẩn bị phòng tiệc, bàn ăn và đặt thức ăn lên bàn là việc chuẩn bị lễ vật.

Việc chuẩn bị lễ vật ra đời với bữa ăn huynh đệ (Agape). Những người dự bữa ăn Agape mang thức ăn tới nơi diễn ra bữa ăn và chia cho nhau cùng ăn, chỉ giữ lại một phần cho nghi thức bẻ bánh. Tuy nhiên, ban đầu việc chuẩn bị lễ vật chưa có nghi thức nào cả, đơn giản chỉ là mang bánh rượu và nước lên bàn thờ sau phụng vụ Lời Chúa, như chứng từ của thánh Gius-ti-nô (100-150) trong tác phẩm Hộ giáo (Apologia I,67): “Khi đã cầu nguyện xong, người ta mang tới bánh mỳ, rượu nho và nước. Vị chủ tọa dâng lên trời những lời cầu nguyện và cảm tạ tùy sức của ngài và tất cả dân chúng đáp lại bằng lời hô lớn: A-men”.

Từ cuối thế kỷ II, bắt đầu hình thành nghi thức dâng lễ vật và sẽ được gia tăng vào thời Trung cổ. Một trong nhiều lý do đã làm nảy sinh sự tiến triển này là Ngộ đạo thuyết (Gnosis). Thuyết này chủ trương thế giới hữu hình bắt nguồn từ ác thần, thế giới vô hình bắt nguồn từ Thiên Chúa. Như vậy, thuyết này phủ nhận công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Thánh Iréné de Lyon (140-202) nhấn mạnh giá trị của thực tại vật chất như được dùng trong Bí tích Thánh Thể gồm hai yếu tố: vật chất là bánh và thần thiêng là Mình Chúa; việc liên kết hai yếu tố này được thực hiện nhờ Lời Thiên Chúa.

Thế kỷ IV, bữa ăn huynh đệ không còn nữa, các tín hữu vẫn tiếp tục mang lễ vật khi tới tham dự Thánh lễ, việc dâng lễ vật lúc này mang thêm ý nghĩa mới, làm việc bác ái. Ngoài các lễ vật dành cho Thánh lễ, các tín hữu mang thêm các lễ vật dành cho các nhu cầu của Giáo hội, hàng giáo sĩ và người nghèo. Việc dâng lễ vật vừa là nghĩa vụ vừa là vinh dự của các tín hữu, vì chỉ có các tín hữu mới được dâng lễ vật. Thánh Cy-pri-a-nô đã khiển trách một bà giàu có tới dự lễ mà không mang theo lễ vật: “Bà là người giàu có…, bà tưởng bà có thể cử hành bữa tiệc của Chúa… khi bà đến mà không mang theo của lễ, thế mà lại nhận một phần của lễ do người nghèo mang tới. Bà hãy nhìn xem bà góa của Tin Mừng…” (Cyprianô,  Liber de opere et eleemosinis, 15 [CSEL 3]). Thánh Au-gus-ti-nô quả quyết là mẹ ngài không ngày nào không mang lễ vật tới bàn thờ (Au-gus-ti-nô, Confessions V, 9 [CSEL 3]). Công đồng Mâcon (585) ra lệnh cho đàn ông đàn bà khi đi dâng lễ phải mang theo của lễ. Nhiều công đồng khác cũng nhắc lại lệnh này, tuy càng ngày nó càng mất hiệu lực (Pius Parsch, La sainte messe expliquée dans son histoire et sa liturgie, Charles Beyaert, Bruges, 1938, tr. 144-145).

Cũng nên biết, ngoài bánh và rượu, theo tác phẩm Truyền thống các Tông đồ, các tín hữu còn mang theo dầu, bánh, sữa, hoa quả, tiền bạc và nhiều thứ khác. Nhiều Công đồng địa phương tìm cách hạn chế lại. Trong tác phẩm Hiến chế các Tông đồ (Constitutiones apostolichae, năm 380) chỉ cho phép dâng bánh, rượu, hương, lúa, trái nho, trái ô-liu và nến sáp. Vì mỗi người đều mang theo lễ vật, nên việc dâng lễ vật kéo dài khá lâu, nhiều khi gây xáo trộn, mất trật tự. Nhằm giải quyết vấn đề, người ta bắt đầu tổ chức các cuộc rước, có các bài hát đi kèm để duy trì sự trang nghiêm, sốt sáng. Trong số các lễ vật, thầy phó tế chỉ mang lên bàn thờ một số lễ vật cần thiết cho việc hiến tế.

2. Thế kỷ VII – VIII

Vào khoảng thế kỷ VII, các tín hữu không còn mang lễ vật lên bàn thờ nữa, nhưng Đức Giáo hoàng và các tác viên sẽ nhận lễ vật tại một vài vị trí trong nhà thờ.

3. Thời Trung cổ

Vào thời Trung cổ, khi Thánh lễ trở thành “sở hữu riêng của hàng linh mục”, giáo dân không còn tích cực tham dự vào phụng vụ cũng như tham gia vào việc dâng lễ vật như trước nữa. Thêm vào đó, từ khoảng thế kỷ IX, bánh có men được thay thế bằng bánh không men là loại bánh có thể để được lâu hơn. Để tỏ lòng cung kính, bánh được làm thành hình tròn, màu trắng, nên không cần giáo dân dâng lễ vật nữa. Hệ quả, thay vì dâng bánh, giáo dân dâng tiền qua việc quyên góp trong Thánh lễ, hoặc qua việc xin lễ, mối liên lạc giữa việc dâng lễ với sự hiện diện để tham dự Thánh lễ bị lãng quên. Nhiều kinh nguyện được đưa vào Thánh lễ để linh mục đọc thầm với mục đích thay thế cho việc dâng lễ vật của giáo dân.

4. Hiện nay

Quy chế tổng quát Sách lễ Rô-ma, số 73-74 nói như sau:

Số 73: “Bắt đầu phần phụng vụ Thánh Thể, các lễ vật được đưa lên bàn thờ và sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô.

Trước hết phải chuẩn bị bàn thờ hay bàn ăn của Chúa, tâm điểm nơi diễn ra toàn bộ phần phụng vụ Thánh Thể, phải trải trên đó một khăn thánh, đặt khăn lau chén, sách lễ và chén lễ, trừ khi chén lễ được dọn ở bàn phụ.

Tiếp đến là đem lễ vật lên: nên để giáo dân dâng bánh và rượu, linh mục hay phó tế nhận tại một nơi thuận tiện, và đưa lên bàn thờ. Mặc dầu ngày nay giáo dân không còn mang bánh rượu của mình đến để dùng vào việc phụng vụ như xưa, nhưng việc dâng lễ vật vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó.

Cũng được nhận tiền bạc hay các phẩm vật khác, do tín hữu mang đến hay được quyên ngay trong nhà thờ để giúp người nghèo hay nhà thờ, những phẩm vật này được đặt ở một nơi xứng hợp ngoài bàn thờ”.

Số 74: “Khi đoàn rước lễ vật tiến lên, thì hát ca tiến lễ (x. số 37, b) và kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ vật trên bàn thờ. Quy luật về cách hát ca tiến lễ cũng giống như cách hát ca nhập lễ (x. số 48). Luôn có thể hát ca tiến lễ cả khi không có rước của lễ lên”.

Như vậy, việc dâng lễ vật mang hai ý nghĩa chính:

– Các tín hữu mang bánh và rượu lên bàn thờ, điều này muốn nói lên rằng các tín hữu được mời gọi tham gia tích cực vào Thánh lễ.

– Ngoài bánh và rượu, các tín hữu có thể mang thêm các lễ phẩm khác, cả tiền bạc, điều này muốn mở rộng mục tiêu của việc tiến dâng, nghĩa là không chỉ để kết hiệp với hy tế Thánh Thể, nhưng còn nghĩ đến các nhu cầu khác của Giáo hội (x. Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, số 73).

Lm. Giu-se Đào Hữu Thọ

https://www.tonggiaophanhanoi.org/so-16-tai-sao-khi-cu-hanh-thanh-le-chung-ta-dang-le-vat/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *