Ngay từ sớm, quý cộng đoàn đã tới nhà thờ Chính Tòa đông đảo để cùng hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các Thầy chuẩn bị lãnh nhận chức Thánh Phó tế.
Sau khi tham dự kì thường huấn tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận, các Cha trong Giáo phận cũng về diện diện đông đủ trong Thánh lễ. Đúng 9h00, đoàn đồng tế bắt đầu tiến bước và bắt đầu Thánh lễ.
Năm nay, Đức Cha Giáo phận truyền chức cho 4 Thầy, trong đó 3 Thầy học tại Đại Chủng viện (ĐCV) Thánh Giuse Hà Nội và 1 Thầy học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.
Danh sách quý thầy tiến chức gồm:
- Thầy Gioan Baotixita Phạm Quang Giáp, sinh ngày 20 tháng 5 năm 1994, thuộc giáo xứ An Quý, học ĐCV Hà Nội
- Thầy Phêrô Vũ Văn Quyền, sinh ngày 25 tháng 01 năm 1993, thuộc giáo xứ Trà Cổ, học ĐCV Hà Nội
- Thầy Ixiđôrô Phùng Văn Trung, sinh ngày 10 tháng 02 năm 1994, thuộc giáo họ Vạn Chài, giáo xứ Vạn Hoạch, học ĐCV Hà Nội
- Thầy Đaminh Cao Xuân Vương, sinh ngày 16 tháng 01 năm 1991, thuộc giáo xứ Mỹ Động, học ĐCV Xuân Lộc
Hiện diện trong thánh lễ có quý cha trong và ngoài giáo phận, quý nam nữ tu sĩ, quý thân nhân, quý ân nhân của tiến chức cùng đông đảo anh chị em thuộc giáo xứ sở tại.
Trong bài chia sẻ gửi đến các tiến chức, Đức Cha Vinh Sơn đã lấy đoạn cuối Tin Mừng Maccô, Chương 16, câu14- 20 kể về lần Chúa Giêsu gặp gỡ các môn đệ sau khi sống lại và trước khi về trời làm nền tảng.
Theo lời kể của Thánh Maccô, Chúa Giêsu đã khiển trách các tông đồ không tin vào lời chứng của những người đã thấy Ngài sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. Đọc trong Tin Mừng của Maccô, thái độ cứng lòng không chịu tin cũng được thể hiện nơi dân thành Nazareth, khi Đức Giêsu về thăm quê hương (Maccô, Chương 6, 1-6): Họ không thể chấp nhận một con người không có gì đặc biệt, sống giữa họ một thời gian dài nay lại tự nhận mình là người được Thiên Chúa xức dầu tấn phong như tiên tri Isaia. Khi chất vấn Đức Giêsu về vấn đề li dị (Maccô, Chương 10, câu 2-12), những người Pharisêu cũng không chấp nhận một người bình thường, không xuất thân từ trường lớp Kinh Thánh nổi tiếng mà dám lên tiếng điều chỉnh cách giải thích lề luật. Ngài dám làm những điều mà người có trách nhiệm trong dân không dám đụng đến.
Tuy nhiên, thái độ cứng lòng tin của các môn đệ không giống với thái độ của dân thành Nazareth và người Pharisêu, bởi cái chết của Đức Giêsu trên thập giá quá thê thảm và các ông chưa có kinh nghiệm về sự sống lại và về quyền năng của Thiên Chúa trước sự chết, nên các ngài cần đến những kinh nghiệm cụ thể khi tiếp xúc với Chúa Kitô Phục Sinh. Vì thế, sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa họ là bằng chứng thuyết phục hơn lời chứng của người khác.
Sau khi củng cố lòng tin của các môn đệ, ngài sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Chúa nói: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo…và Ngài ban những dấu lạ không chỉ riêng cho các môn đệ, nhưng là cho những ai có lòng tin: Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ, sẽ cầm được rắn…những dấu lạ được ban cho người rao giảng Tin Mừng, cũng như người đón nhận không để củng cố uy tín cá nhân người đó, nhưng để làm chứng cho Chúa.
Từ việc diễn giải Tin Mừng, Đức Cha Vinh Sơn liên hệ tới chức vụ Phó tế. Chức Phó tế được thiết lập từ thời các Tông đồ. Họ phải là những người có tiếng tốt, đầy thần khí và khôn ngoan để thay mặt các Tông đồ chăm sóc cộng đoàn dân Chúa cả về tinh thần lẫn vật chất. Vì thế, qua việc đặt tay từ các Tông đồ, các Phó tế được phong chức để chu toàn cách hữu hiệu thừa tác vụ của mình nhờ ơn Chúa giúp.
Đức Cha nhắn nhủ với các thầy tiến chức cần nhớ đến sự cứng lòng của người dân Nazareth và người Pharisêu trước lời chứng của Chúa Giêsu, để nhờ biết sống phục vụ, lắng nghe tiếng nói của anh chị em với lòng kính trọng, sự khiêm tốn vâng lời bề trên trong mọi hoàn cảnh…các thầy sẽ giúp cho những người xung quanh nhận ra các thầy là người hoàn toàn thuộc về Chúa, thuộc về Giáo hội, và thuộc về dân Chúa. Trong khi làm việc phục vụ dân Chúa, các thầy sẽ khám phá ra những điều, những khuôn mặt tuyệt vời bởi đời sống đức tin tốt lành, bác ái, yêu thương nhưng cũng không thiếu những thái độ nghi ngờ, cứng lòng tin trong đời sống của người tín hữu. Vậy, để các thầy luôn giữ được vinh dự nhân danh Chúa Giêsu mà rao giảng; chữa lành những tâm hồn đau yếu, thương tích; để giúp cho những người đã mất niềm tin có thể thấy niềm hy vọng; để tạo nên sự hiệp nhất trong cộng đoàn trong khi bản thân chỉ là những thụ tạo yếu đuối bất toàn thì các thầy hãy để cho Chúa hiện diện trong từng lời nói, công việc mình làm. Như thế, dẫu cho việc làm của các thầy nhỏ bé tầm thường cũng phát sinh những hiệu quả tốt đẹp.
Đức Cha Vinh Sơn cho thấy sứ mạng của người Phó tế thật cao cả và còn đó nhiều thử thách, khó khăn, bởi Giáo phận Hải phòng là nơi các tín hữu có lòng tin vào Thiên Chúa rất mạnh mẽ, nhưng cách hiểu và cách thực hành đời sống đức tin cần phải được chăm sóc, hướng dẫn theo tinh thần Phúc Âm và Giáo hội để sống đúng tinh thần của con cái Chúa. Vì thế, trong khi thi hành bổn phận của người Phó tế, các thầy đừng chỉ chú ý đến công việc bổn phận, nhưng hãy chăm sóc dân Chúa với sự quan tâm và tình yêu như chăm sóc chính bản thân. Các thầy hãy đặt niềm tin tưởng hoàn toàn vào Chúa và khiêm tốn sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các thầy sẽ được sống hạnh phúc trong khi thi hành sứ vụ, bởi vì các thầy thuộc về Chúa, thuộc về Giáo hội, thuộc về dân Chúa. Ngài mời gọi cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho các thầy trung thành với ơn gọi của mình.
Nghi thức truyền chức Phó tế trong Thánh Lễ diễn ra với 3 phần chính: Nghi thức mở đầu (tuyển chọn), nghi thức chính yếu, và nghi thức diễn nghĩa.
Trong nghi thức mở đầu, các ứng viên được xướng danh và mời tiến đến trước mặt Ðức Giám Mục chủ sự. Linh mục Ðặc trách chứng nhận đương sự được coi là xứng đáng và xin Ðức Giám mục đặt tay thánh hiến.
Với nghi thức chính yếu, các ứng viên công khai nói lên quyết tâm của mình trước mặt cộng đoàn và hứa chu toàn nhiệm vụ sắp được lãnh nhận. Ðức Giám mục đã mời gọi các tiến chức gìn giữ mầu nhiệm đức tin, giữ sự độc thân, gia tăng tinh thần cầu nguyện và không ngừng sống theo mẫu gương Ðức Giêsu Kitô. Tiếp theo, các thầy phủ phục trong lúc cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh. Ðức Giám mục tay trên đầu tiến chức rồi dang tay đọc lời nguyện phong chức. Kể từ giây phút này, các tiến chức chính thức là Phó tế trong Giáo hội Công giáo.
Qua nghi thức diễn nghĩa, các tân chức được đeo dây stola trên vai trái chéo qua phải, tiến lên nhận sách Phúc Âm từ tay Ðức Giám mục. Ngài dặn dò các Tân Phó tế hãy tin điều mình đọc, dạy điều mình tin và thi hành điều mình dạy.
Sau nhiều năm tu học đào luyện, nay mong ước dấn thân của quý thầy đã ghi một dấu ấn quyết định khi lãnh nhận thừa tác vụ phó tế – một tác vụ bắt nguồn từ chính sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã làm người để phục vụ và hiến dâng mạng sống. Vì bản chất phục vụ như vậy, nên các Tân Phó tế được mọi người nhận biết không chỉ nhờ phẩm phục, mà còn nhờ cung cách phục vụ Lời Chúa, bàn thờ và bác ái. Từ đây, quý thầy trở nên cánh tay phục vụ nối dài, là trái tim yêu thương mở rộng của Chúa Kitô.
Ban Truyền Thông Giáo phận
Một số hình ảnh khác