Bài 21 : Giáo hội – cộng đoàn dân Chúa (Hội thánh Công Giáo)

CHƯƠNG 4: HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

BÀI 21
GIÁO HỘI – CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA

Lời Kinh Thánh

“Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không ?” Người đáp: Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy gờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giuđê, Sa-ma-ri, và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,6-8)

Chúa Giêsu đã xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại. Người đã sống ở trần thế 33 năm, đã hoàn tất sứ mạng và trở về trong vinh quang với Chúa Cha. Nhưng sứ mạng cứu thế của Người vẫn còn phải được tiếp tục ở trần gian này cho tới ngày tận thế. Vì vậy, Người đã thiết lập Giáo Hội để tiếp nối công việc cứu thế của Người cho tới tận cùng thời gian.

vatican.jpg

1.Kinh Thánh cho ta biết về Giáo Hội

a.Giáo Hội được loan báo trong Cựu Ước

  • Lời hứa với Abraham. Thiên Chúa đã hứa cho Abraham trở thành tổ phụ một dân tộc đông đảo. Ngài chọn ông để tuyên lựa cho mình một dân, từ đó, ơn cứu độ được ban hết cho mọi dân. Ngài hứa ban cho dân muôn ân phúc và chúc lành cho dân tuyển chọn: “ Ta sẽ ngươi thành một dân lớn. Ta sẽ chúc lành cho ngươi và Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành.” (St 12,2; 17,4)
  • Giao ước với Môsê. Khi giải thóat dân khỏi Ai Cập. Trên núi Xi-nai, Ngài đã lập giao ước long trọng với dân qua Môsê: “Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Israel.” (Xh 19,6). Ơn gọi của dân này là sống thánh thiện, được hiến dâng cho Thiên Chúa để làm chứng cho Ngài giữa muôn dân: “ Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Ta là đấng Thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta.” (Lv 20,26)
  • Lời hứa cho Đa-vít. Qua ngôn sứ Na-than Thiên Chúa đã hứa với Đa-vít: Đấng cứu thế sẽ sinh ra từ dòng dõi ông và triều đại ông sẽ vững bền mãi mãi. Chính Người sẽ hướng dẫn muôn dân trong hòa bình và công lý: “ Ta sẽ cho dòng dõi người đứng lên kế vị ngươi-một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.” (2Sm 7.12)
  • Lời giảng của các ngôn sứ. Cá ngôn sứ phác thảo nên hình ảnh Nước Thiên Chúa, báo trước Giáo Hội sau này: “Đức Chúa Giavê phán thế này: Này ta sẽ kéo con cái ra khỏi các dân. Ta sẽ thâu họp chúng lại từ khắp tứ phía. Ta sẽ kết với chúng giao ước bình an. Đó là giao ước đời đời với chúng. Ta sẽ thiết lập chúng, Ta sẽ cho chúng nên đông đảo, Ta sẽ đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Còn chúng, chúng sẽ là dân của Ta” (Ed 21,26-27).

Tất cả lời hứa và những nét phác họa của Cựu Ước sau này sẽ trở nên hiện thực nơi Chúa Giêsu và Giáo Hội.

b.Hình thành Giáo Hội trong Tân Ước

Chúa Giêsu thiếp lập Giáo Hội:

  • Chuẩn bị: Ngay từ khi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chọn 12 Tông đồ (Lc 6-12-16), cho các ông theo Ngài, nghe những lời Ngài giảng dạy, huấn luyện (Mt 13, 11; Lc 11,1-2), và cho chứng kiến các phép lạ Ngài làm. Sau đó, sai các ông đi tập sự rao giảng Tin Mừng (Mt 10,1-24; Mc 6,7-23)
  • Thành lập: Chúa Giêsu huấn luyện các Tông đồ sứ mạng: “Hãy đi giảng dạy cho mọi dân tộc, rử tội cho họ.” (Mt 28,19). Ngài cũng ban cho các ông nhiều quyền phép như: tế lễ (Lc 22,19), tha tội (Lc 10,16)… Đặt Phêrô làm thủ lãnh và làm nên cho Giáo Hội sau này: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)
  • Khai sinh: Sau ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã xuống trên các Tông Đồ. Phêrô đứng lên rao giảng về ơn cứu độ của Chúa Giêsu (Cv 2,22-36), các Tông đồ ra đi làm chứng cho Tin Mừng mà họ đã lãnh nhận, nhiều người tin và chịu Thánh Tẩy (Cv 2,37-47). Hình thành cộng đoàn tín hữu đầu tiên.

Như vậy, khởi đầu từ nhóm 12 Tông Đồ, Giáo Hội đã thành hình khi tập họp những người tin chung quanh mộ “Một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa” (Cv 8,37), cùng sống theo một giáo lý, một tâm tình cầu nguyện ca ngợi Thiên Chúa.

Giáo Hội là một cộng đoàn cứu rỗi, một dân đích thực và thừa hường mọi lời hứa của Thiên Chúa.

2.Kinh Thánh diễn tả Giáo Hội qua những hình ảnh nào ?

Kinh Thánh dùng nhiều hình ảnh, kiểu nói để diễn tả Giáo Hội\

a.Giáo Hội: Dân riêng của Thiên Chúa

Anh em là: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em là dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương.” (1Pr 2-9-10)

b.Giáo hội: bạn trăm năm của Đức Kitô

Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để nói về tình nghĩa của Người đối với Giáo Hội: Yêu thương và thánh hiến Giáo Hội; “Chính Đức Kitô đã yêu thương và hiến mình vì hội Thánh” (Ep 5,25)

c.Giáo Hội: Thân thể mầu nhiệm Đức Kitô

“Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phần, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là dân Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.” (1Cr 12,12-13). “Chính Chúa Kitô là đầu thân thể này nghĩa là đầu hội thánh” (Cl 1,10).

d.Giáo Hội: Nước Trời

Chúa Giêsu dùng hình ảnh này chỉ Giáo Hội Ngài thành lập để phổ biến, thực thi lý tưởng Chúa Kitô, chuẩn bị cho Nước Trời viên mãn cho ngày cánh chung: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất;nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” (Mt 13,31-32).

e.Những hình ảnh khác

  • Cây Nho: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,5).
  • Nhà Thiên Chúa: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền mống là các Tông đồ và ngôn sứ, còn tảng đá góc tường là chính đức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng xây dựng cùng những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.” (Ep 2,19-22; 1Pr 2,4-5).

3.Những đặc tính của Giáo Hội

a.Duy nhất

  • Duy nhất trong giáo lý: Tất cả các tín hữu công giáo trên khắp thế giới cùng chung một giáo lý, tin những chân lý như nhau (Mt 28,19-20).
  • Duy nhất trong nghi lễ thờ phượng: Khắp nơi trên thế giới cùng cử hành một phương tự như nhau.
  • Duy nhất trong lãnh đạo: Tất cả các tín hữu liên kết với vị chủ chăn đã được Chúa Kitô giao phó. Khởi đầu là thánh Phêrô (Ga 21,15-17) và sau đó là các giám mục kế vị Đức Giáo Hoàng (Mt 16,13-19).

b.Thánh thiện

Tất cả mọi người gia nhập trong giáo hội đều được kêu gọi trở nên thánh (Mt 5,48). Hơn nữa, Chúa Kitô, Đấng sáng lập Giáo Hội là nguồn mạch mọi sự Thánh Thiện và giáo hội có những phương thế giúp tín hữu nên Thánh.

c.Công giáo

Giáo hội Chúa Kitô chung cho hết mọi người, Chúa Kitô đã chịu chết để cứu chuộc toàn thể nhân loại. Người lập giáo hội để mang ơn cứu độ đến cho mọi người (Mc 16,15; 1Tm 2,4).

d.Tông truyền

Giáo hội thừa kế nơi các Tông đồ về hai phương diện: Giảng dạy giáo lý do các Tông đồ truyền lại và quyền lãnh đạo trong Giáo hội được nối tiếp từ các Tông đồ bằng sự kế thừa và liên tục (Ga 20,21; Lc 10,16).

Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội công chính của Chúa Kitô, vì có đầy đủ những dâu hiệu mà Chúa Kitô múôn như là những đặt tính của Giáo hội mà Người đã thiết lập _ Tôi tin, có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và Tông truyền.

4.Các thành phần trong Giáo hội

Gồm các giám mục. Linh mục và phó tế.

  • GIÁM MỤC: Những người kế vị Tông đồ với nhiệm vụ lãnh đạo giáo hội, rao giảng Tin Mừng và thánh hóa tín hữa bằng việc cử hành các bí tích.
  • LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ: Phụ giúp giám mục coi sóc các tín hữu nơi các giáo xứ.
  • TU SỸ: Một ơn Chúa kêu gọi đặc biệt giúp người tín hữa nên thánh bằng cách sống ba lời khuyên phúc âm; Nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục.
  • GIÁO DÂN: Những người đã lãnh nhận Bí Tích Rử Tội, họp thành dân Thiên Chúa chung quanh Đức Giáo Hoàng và các vị lãnh đạo trong giáo hội.

5.Sứ mạng của giáo hội

a.Giảng dạy

Đây là sứ mạng chính yếu Chúa Giêsu trao cho giáo hội: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,18-20)

b. Thánh hóa

Tiếp tục sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu, Giáo hội dùng những phương thế của Chúa Giêsu đã lập để lưu truyền sự sống thần linh cho các tín hữu qua các bí tích giáo hội cử hành.

c. Lãnh đạo các tín hữu

Giáo hội nối tiếp nhiệm vụ mục tử Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ: “Hãy chăn dắt đòan chiên của Thầy.” (Ga 21.15)

Qua việc lãnh đạo các tín hữu. Theo gương chúa Kit6o thủ lãnh, quyền lãnh đạo trong Giáo hội là để ‘Phục vụ mọi người’ (Mt 21,28)

6. Sự hiệp thông trong Giáo Hội

Giáo hội là thân thể nhiệm mầu của Chúa Kitô, sự sống từ Chúa Kitô tuôn trào qua mọi chi thể, nên có một mối dây liên lạc ràng buộc mọi tín hữu lại với nhau. Đó là sự hiệp thông trong Giáo hội, hay chân lý các Thánh cùng thông công. Sự nối kết này được hình thành.

  • Giữa những người đang sống trên trần gian. (Giáo hội chiến đấu, Giáo hội lữ hành).
  • Hoặc được hạnh phúc trên Thiên đàng. (Giáo hội vinh hiển, Giáo hội khải hoàn)
  • Hoặc còn trong thanh luyện (Giáo hội đau khổ). Những tín hữu trong hỏa ngục không còn hiệp thông với Giáo hội.

a.Hiệp thông: Những tín hữu trên trần gian

Trên con đường lữ hành trên tiến về cuộc sống vĩnh cửu, các tín hữu liên đới và hiệp thông với nhau qua việc nâng đỡ nhau sống đức tin và đức ái.

b.Hiệp thông: Giáo hội trần gian với Giáo hội vinh hiển.

Các tín hữu còn sống trên trần gian hiệp thông với các Thánh trên trời bằng cách theo gương và cầu khẩn các Ngài.

c.Hiệp thông: Giáo hội trần gian với giáo hội thanh luyện

Các tín hữu còn sống hiệp thông với cá tín hữu đã qua đời còn đang thanh luyện bằng hy sinh và cầu nguyện giúp họ sớm được hạnh phúc với Thiên Chúa và sau này trên Thiên quốc, họ lại cầu thay nguyện giúp cùng Chúa cho ta.

Cả ba Giáo hội họp thành một cộng đoàn duy nhất do Thánh Thần liên kết nên một và cùng chung hưởng mọi kho tàng thiêng liêng. Đến ngày quang lâm, Chúa Kitô sẽ tập họp cả Giáo hội lại và đưa về với Chúa Cha.

Lúc đó, sự hiệp thông trong Thiên Chúa trở nên trọn vẹn: “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ơ khắp thế gian này các Thánh thông công”.

Kết luận

“Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ của Chúa Thánh Thần, và hãy để Người đặt anh em làm tư tế Thánh, dâng những lễ thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô” (1Pr 2,4-5)

Câu hỏi

  1. Giáo hội là gì ? Trong Cựu Ước, Tân Ước ?
  2. Kinh Thánh diễn tả Giáo hội qua những hình ảnh nào ?
  3. Những đặt tính của Giáo hội ?
  4. Các thành phần trong Giáo hội ?
  5. Sứ mạng của Giáo hội ?
  6. Sự hiệp thông trong Giáo hội ?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *