Bài giảng Ngân Khánh Tỉnh Dòng 1992

Bài giảng Thánh Lễ Ngân Khánh Tỉnh Dòng (18.03.1992)

RA ĐI CHO ĐẾN TẬN CÙNG TRÁI ĐẤT

Lm. Giám Tỉnh Giuse Đinh Châu Trân
Tại nhà thờ Đa Minh Ba Chuông

Trọng kính :
Đức Cha Chủ tịnh Hội đồng Giám mục Việt Nam, quí Đức Cha
Kính thưa Đức Viện Phụ, quí Bề Trên, quí Cha Quản Hạt,
quí cha, quí Bề Trên các dòng tu, các nam nữ tu sĩ,
cùng toàn thể cộng đoàn Dân Chúa.

Thừa lệnh Đức Cha chủ tế, con xin phép quí Đức Cha, quý cha được chia sẻ trong Thánh lễ hôm nay.

Ra đi loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Chính lệnh truyền đó đã làm nên Giáo hội, đã trở thành lẽ sống của Giáo hội.

Ra đi loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Lệnh truyền đó cũng đã làm nên Dòng Đaminh, làm nên lẽ sống, sức sống và cung cách của người tu sĩ Đaminh.

Ra đi loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Theo lệnh truyền của Thày, Giáo hội vẫn không ngừng là người lữ hành cho đến tận cùng trái đất. Có bao nhiêu nơi ở của con người, thì có bấy nhiêu điều được gọi là tận cùng trái đất.

Với người tu sĩ Đaminh, tận cùng trái đất đó, phải là nỗi niềm khắc khoải của con người, là lòng khao khát tìm kiếm lẽ sống của con người, là những nóng bỏng và đau đớn của kiếp nhân sinh để sống xứng với phẩm giá con người hơn, để khai phóng những chiều kích sâu rộng của con người hơn, để tìm thấy niềm hy vọng và chân lý cho cuộc đời hơn.

Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh xã hội, mỗi một nền văn hóa, thứ tận cùng trái đất ấy lại được thể hiện theo những cung cách khác nhau. Các tổng hội mới đây của Dòng gọi những miền tận cùng trái đất đó là những “biên cương”. Đối với anh chị em Đaminh, đi đến tận cùng trái đất, là đứng ở những biên cương nóng bỏng của Giáo hội, của con người, của thời đại, để lớn tiếng công bố Chân Lý sống động của niềm “vui mừng và hy vọng”.

Ngay từ buổi đầu, Thánh Đaminh đã xin được hiện diện ngay tại vùng biên cương như thế, giữa những biến chuyển lớn lao về mọi mặt của Giáo hội và xã hội Âu Châu thế kỷ XIII. Suốt gần 800 năm lịch sử của Dòng, mỗi người Đaminh chân chính đều không ngừng ra đi đến biên cương, đến những điểm nóng, những điểm giông bão của thời đại mình.

Hơn 400 năm trước đây, đồng nhịp cùng Giáo hội, người tu sĩ Đaminh cũng đã đến đây, cúi xuống, cởi giày, và âu yếm hôn lên mảnh đất Việt Nam này. Biên cương bấy giờ là những con người đơn sơ chân chất, gắn bó với cả một nền văn hóa sâu dầy, như chín mùi để chờ đón hạt giống Tin Mừng. Những con người Đaminh đến đây, chọn nơi này làm quê hương, và cùng với Giáo hội Việt Nam, lấy mồ hôi nước mắt và cả máu đào, mà hoà nhập vào sự sống Việt Nam, hòa nhập vào nền văn hóa Việt Nam, đóng góp cho nền văn hóa Việt Nam một chiều kích Tin Mừng linh thiêng và toàn diện.

Kính thưa cộng đoàn,

25 năm trước đây, cũng vào ngày này, cũng trong ngôi thánh đường này, Giáo hội và Dòng Anh Em Thuyết Giáo đã chính thức thành lập Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự phát triển của đại gia đình Đaminh Việt Nam, gồm anh em tu sĩ, chị em nữ tu, và đông đảo giáo dân Đaminh ở mọi miền đất nước. Thành lập Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam, điều đó có nghĩa là Thày Chí Thánh và Giáo hội lại sai phái anh em Đaminh cách dứt khoát hơn, mới mẻ hơn, ở trong lòng quê hương Việt Nam hơn, gắn bó với Giáo hội Việt Nam hơn.

Hôm nay, kỷ niệm biến cố được sai đi này, trước sự hiện diện của các Đức Giám Mục, của các linh mục dòng, triều, của mọi thành phần Dân Chúa, Lời Chúa vừa được công bố, cũng là Lời Đức Giêsu, một lần nữa, sai phái anh chị em Đaminh Việt Nam phải ra đi, loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất, tức là cho những biên cương của con người Việt Nam, trên quê hương Việt Nam.

Xin tạ ơn Đức Kitô và Giáo hội, vì đã đặt để sứ vụ cao cả đó vào trái tim của từng người Đaminh chúng con. Chớ gì càng ra đi loan báo Tin Mừng, chúng con càng chìm sâu vào lòng Giáo Hội, càng liên kết trong cùng một sự sống và một tình yêu Giáo hội với các vị chủ chăn, với các anh em linh mục, tu sĩ nam nữ, và toàn thể Dân Chúa.

Lệnh truyền “Ra đi cho đến tận cùng trái đất” không bao giờ cho phép người Đaminh được ngủ quên, được an thân, được đóng chốt dừng lại ở bất cứ địa điểm nào. Người Đaminh phải đứng ở biên cương của Giáo hội Việt Nam và quê hương Việt Nam. Điều đó, trong 25 năm qua, giữa những biến chuyển lớn lao, có lẽ anh chị em Đaminh chúng ta chưa trung tín đủ. Cần phải thường xuyên kiểm thảo và lượng giá mức độ trung tín đó, nếu chúng ta muốn thực sự là những con người phục vụ Lời Chân Lý.

Có hai cuộc về nguồn mà người Đaminh Việt Nam phải luôn luôn tâm niệm và thực thi. Đó là : trở về với nguồn diệu cảm Tin Mừng của Thánh Phụ Đaminh, và trở về cội nguồn Việt Nam, với dòng văn hóa Việt Nam. Hai cuộc về nguồn đó sẽ giúp anh chị em Đaminh được thảnh thơi mà ra đi, ra đi tới mọi biên cương của quê hương Việt Nam, trước những luồng gió thời đại ; lòng đầy dũng cảm và tin yêu mà dâng hiến cho Giáo hội, cho đất nước, cho con người Việt Nam.

Bước sang tuổi 26 đầy sinh lực, nguyện xin Thánh Linh của Chúa Kitô phục sinh thực hiện một cuộc lễ hiện xuống mới trên đại gia đình Đaminh Việt Nam chúng con. Xin Ngài canh tân tình huynh đệ, đổi mới nếp sống, nếp suy nghĩ của chúng con. Xin Ngài đưa chúng con vào lòng Giáo hội, xin giúp đỡ chúng con gặp gỡ thân thiết với Chúa Giêsu. Xin mở toang cánh cửa tâm hồn chúng con, đưa chúng con ra đi đến tận cùng trái đất, nghĩa là gửi gắm một Lời Tin Mừng bình an trên mọi vùng biên cương của tổ quốc Việt Nam, của con người Việt Nam.

Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *