Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: St 3,9-15; 2 Cr 4,13 – 5,1; Mc 3,20-35
Bài đọc 1: St 3,9-15
Bài trích sách Sáng thế.
Sau khi con người ăn trái cây biết lành biết dữ, Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi : “Ngươi ở đâu ?” Con người thưa : “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi : “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng ? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không ?” Con người thưa : “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà : “Ngươi đã làm gì thế ?” Người đàn bà thưa : “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn :
“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất
trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.
Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.
Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy ;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”
Bài đọc 2: 2 Cr 4,13 – 5,1
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, có được cùng một lòng tin, như đã chép : Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. Quả thật, chúng tôi biết rằng : Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giê-su, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.
Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.
Quả thật, chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.
Tin Mừng: Mc 3,20-35
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Đức Giê-su liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ : “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được ? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền ; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
“Tôi bảo thật các ông : mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” Đó là vì họ đã nói : “Ông ấy bị thần ô uế ám.”
Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy !” Nhưng Người đáp lại : “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
Ai là Mẹ tôi?
Bài Phúc Âm tuần nầy có đến ba chủ đề chính.
Chủ đề thứ nhất, nói về sự nhiệt tình của Chúa Giê-su và các môn đệ trong việc phục vụ dân chúng, nên không có giờ để ăn uống nghỉ ngơi. Thể hiện một tinh thần sống khác biệt mà những người chỉ muốn phục vụ cho bản thân mình, xem mình là trung tâm của cuộc sống, luôn mong được kẻ khác phục vụ mình, sẽ không sao hiểu được. Nói khác đi, Chúa Ki-tô đã cử hành một cuộc hiến tế hy sinh cuộc đời mình cho dân chúng vì thương yêu. Do không hiểu được tinh thần phục vụ của Chúa và tình yêu của Người, những người họ hàng thân thiết của Chúa Giê-su đã gán cho Chúa bị “mất trí”, “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” Đây là cách ứng xử rất thường tình của con người với nhau trên thế gian, trước một người có gì đó nổi bật, hay làm một việc khác thường, chứ đừng nói phi thường. Họ không hiểu, liền gán ngay cho một cái “mác” xấu xa để thấy mình cũng không hề thấp kém, hay thua ai.
Có mấy ai tỉnh táo để nghĩ rằng suy nghĩ quá thường tình của họ, có thể gây ra nhiều đau khổ cho linh hồn mình trong luyện ngục. Vì đã đem lại đau khổ cho những người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô.
Đoạn Phúc Âm gởi gắm cho chúng ta thông điệp của Tin Mừng: Hãy vững vàng sống theo tinh thần phục vụ của Đấng Cứu Thế, dù chẳng ai hiểu mình. Các con hãy kiên trì trên con đường phục vụ Nước Chúa như chính Chúa và các môn đệ của Người xưa kia đã làm. Người đời có nặng lời phỉ báng, khinh chê, hiểu lầm, vu cáo…, cứ giữ lòng thanh thản chờ đợi ngày Thiên Chúa giải oan cho mình. Khi đó, những kẻ ghét các con sẽ xấu hổ, còn những người khinh dễ các con sẽ phải nhục nhã cúi mặt xuống đất, thấy mình thật thấp kém và tăm tối, tầm thường và đáng bị luận phạt.
Chủ đề thứ hai, bài Phúc Âm tường thuật “Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
Cũng mang não trạng thường tình như vừa được phân tích ở trên, các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống. Là từ nơi phồn hoa đô hội, nơi trung tâm văn hóa và tôn giáo đến. Các kinh sư thuộc thành phần có thế giá, có địa vị xã hội lẫn tôn giáo. Họ luôn tự hào về bản thân là thành phần trí thức, thuộc những gia đình vọng tộc. Giờ thấy một ông Giê-su miền quê lạ quá! Không học hành gì, không có gia thế chi đáng nói, lại xuất thân từ một làng chẳng tiếng tăm gì. Ở đâu ra có quyền năng phi phàm, chữa nhiều bệnh nan y, trừ cả quỷ, còn khiến chúng không chống lại được tí nào. Ông ấy còn được dân chúng tôn vinh, đi theo nhiều vô số kể… Bởi tấm lòng ghen ghét, đố kỵ xấu xa, các kinh sư không thể chấp nhận Chúa Giê-su thuộc về Thiên Chúa. Vì chấp nhận Chúa Giê-su đến từ Thiên Chúa, là khẳng định mình thua kém Người rất xa. Các kinh sư tự hỏi, tại sao mình cũng thờ Thiên Chúa, mà mình chẳng có tí quyền năng hay uy thế nào từ Thiên Chúa. Bị che mờ đôi mắt tâm linh, nên các kinh sư không nhận ra tính chân lý của những lời Chúa Giê-su rao giảng và những sự việc Chúa Giê-su đã làm. Đó là lý do Chúa Giê-su mới giảng dạy cho biết thêm phần sau, phần này Chúa chủ ý gởi gắm cho các thế hệ mai sau hơn là thanh minh với những người kinh sư mù quáng đó. Trong thời đại chúng ta cũng không thiếu những người có thế giá, vì ganh tị, ghen ghét, đố kỵ, mà bách hại những người vô danh, những con chiên nhỏ.
Điều quan trọng hơn hết trong chủ đề chính thứ hai này, là ý nghĩa của lời Chúa Giê-su nói đây “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.”
Những người kinh sư cố tình chối bỏ tính chân lý nơi lời Chúa Giê-su giảng dạy và các phép lạ Người làm. Sự chối bỏ này không còn là chối bỏ một con người, mà chối bỏ luôn sự quan phòng của Chúa Thánh Thần, chối bỏ Đấng do chính Thiên Chúa sai đến. Nói chính xác hơn, các kinh sư vì lòng ghen ghét, đố kỵ mà chối bỏ Đấng Thiên Sai – Con Thiên Chúa nhập thể. Trước các phép lạ Chúa Giê-su đã làm, lương tâm họ biết rõ con người phàm nhân không thể làm được, nhưng vẫn cố tình lãnh tránh điều lương tâm đánh động. Cho nên đã thực sự phạm đến Chúa Thánh Thần khi cho rằng Chúa Giê-su bị thần ô uế ám. Vì thế, Chúa Giê-su cho chúng ta biết hậu quả của việc phạm đến Chúa Thánh Thần là không được Thiên Chúa tha thứ nữa.
Cụ thể hơn, để tránh rơi vào tình trạng như các kinh sư, các con hãy ghi nhớ tóm tắt những tội phạm đến Chúa Thánh Thần sau đây:
– Thất vọng, ngã lòng về phần rỗi của chính mình.
Tức là cho rằng tội lỗi mình quá nặng, Chúa không thể tha thứ. Hay tự cho rằng mình quá đỗi xấu xa, không còn được Chúa yêu thương và tha thứ nữa.
– Khước từ ơn thánh, chối bỏ ơn thánh.
Nghĩa là không đón nhận ơn cứu độ của Chúa Giê-su. Đồng nghĩa với khước từ chân lý và chối bỏ chân lý mà Chúa Ki-tô mạc khải.
– Tự phụ có thể được rỗi mà không cần nhờ ơn Chúa hay công nghiệp của Người, và cũng không cần lòng ăn năn sám hối.
– Chống lại sự thật tỏ tường.
Chống lại sự thật đức tin, các tín điều, các ơn ích qua bí tích, những chân lý nơi Phúc Âm, các huấn giáo của Hội Thánh, các phép lạ Giáo Hội đã chuẩn nhận v.v…
– Ghen tị, đố kỵ về ơn Chúa ban cho người khác.
Ghét bỏ người được ơn, vu cáo, hãm hại, bôi xấu danh dự người được ơn Chúa ban cho hơn mình.
– Cố chấp trong đàng tội.
Cụ thể như cố tình giấu tòa giải tội, hay chai đá ở lì trong tội trọng.
– Không hối cải trong giờ sau hết.
Cứng lòng ăn năn tội lỗi, không chịu lãnh bí tích sau hết, không hôn kính Thánh Giá chuộc tội. Tuyên bố bỏ đạo v.v…
Chủ đề thứ ba, huyết thống tự nhiên và huyết thống thiêng liêng. Nói cách khác là huyết thống tự nhiên và sự kết nối bởi thần khí từ giá máu của Chúa Ki-tô Giê-su. Ban đầu, Phúc Âm tường thuật nói về huyết thống tự nhiên giữa Chúa Giê-su với Mẹ Ma-ri-a cùng anh em họ hàng với Người “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”
Nhân cơ hội đó, Chúa Giê-su khẳng định một giá trị “huyết thống” cao hơn cho nhân loại “Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” Lời của Chúa cho chúng ta biết, những ai liên kết với Chúa Giê-su trong Thiên Chúa, qua hành động cụ thể bằng việc lắng nghe và sống lời Chúa. Bởi thế, lời Chúa Giê-su nói trên không hề phủ nhận tương quan mẹ con giữa Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a. Vì ngoài huyết thống tự nhiên với Chúa Giê-su, cả nhân loại không ai lắng nghe lời Chúa và sống lời Chúa tích cực như Mẹ Thiên Chúa.
Chủ yếu của Chúa Giê-su là dạy cho người tin Chúa hiểu rằng, tình cốt nhục tự nhiên không quan trọng bằng, không cao cả bằng, không lợi ích cho linh hồn bằng tình cốt nhục trong đức tin, được liên kết bằng bửu huyết của Chúa Ki-tô Giê-su.
Xin vinh danh Thánh Tâm Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.
Tình Yêu Hoa Cỏ
Satan đã tận số (09.06.2024)
Sứ mạng rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật để cứu nhân độ thế của Thầy Giêsu gặp nhiều những ngáng trở, phỉ báng, cố chấp xúc phạm ác ý. Thân nhân thì nói rằng Thầy bị mất trí và đi bắt Thầy về. Trong Tin Mừng hôm nay, sau khi chứng kiến phép lạ Thầy chữa cho một người bị quỷ ám, dân chúng đang kinh ngạc cảm phục trước uy quyền của Thầy và ca tụng Thầy. Còn các kinh sư lại dám xuyên tạc chống đối mà nói rằng Thầy bị quỷ Bêendêbun ám, rằng Thầy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ, còn gì xúc phạm hơn?
Thầy gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà chứng minh: “Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Satan mà chống Satan, Satan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.” (Mc 3,23-27). Không bao giờ xảy ra chuyện quỷ mà lại đi diệt trừ quỷ, làm như vậy là nó chia rẽ chống đối nhau, triệt hạ phe ta, đá bóng về gôn nhà, nhà nát từ trong ra, làm sao tồn tại được mà không tận số? Lời đổ thừa của các kinh sư hôm nay thật xúc phạm và ngang trái.
Nghe tiếng quỷ thì đã sợ, vì chúng mạnh hơn con người. Muốn thắng ma quỷ thì phải mạnh hơn chúng. Chỉ có Đấng mạnh hơn là Thánh Thần, sức mạnh của Thiên Chúa. Thầy Giêsu đã dùng sức mạnh này để xua trừ ma quỷ. Thật khó chịu, khi Thầy giải phóng, cứu được người kia khỏi quỷ ám, thoát xích xiềng quỷ dữ thì lại bị mấy ông cắt nghĩa xấu phi bác. Các ông dám nói Thầy “nhân danh quỷ”, có thể xếp các ông vào tội chai đá, cứng lòng, cố chấp, không ăn năn sám hối và tin vào Thầy thì làm sao có thể nhận được ơn tha thứ: “Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.” (Mc 3,29-30).
Con đường thực thi ý Cha của Thầy gặp bao sóng gió chông gai, cho đến khi bị treo thân lên cây gỗ mà chết tức tưởi. Nhưng Thầy đã chiến thắng tội lỗi, sự dữ và thắng cả sự chết mà sống lại vinh quang. Xưa kia Thầy hằng làm những việc cao trọng lẫy lừng thì bị người ta chống đối, hạ bệ diệt trừ, làm ơn mắc oán. Vậy mà chúng con hôm nay tiếng là tiếp bước theo Thầy, mà nhờ Thầy làm được việc gì thì chỉ muốn người ta tung hô khen ngợi, chứ bị chê bai chống báng thì chỉ muốn tháo lui bỏ cuộc cho an thân.
Chúa ơi! Với sức người hèn mọn, chúng con rất sợ bị quỷ lừa gạt, mời gọi, ám hại. Xin Chúa ngự trị hằng phút trong chúng con, để sức mạnh của Chúa làm cho con người dòn mỏng của chúng con có thể chiến thắng những mê lầm do ác thần gây ra. Bởi vì “có Chúa trong thành địch thù tan nát hết. Chúa trong lòng ta lo lắng gì hồn ta ơi!”
Én Nhỏ