Bạo lực gia đình

Cuộc sống gia đình thời nay đang gặp rất nhiều thử thách. Nền giáo dục không còn chú trọng đến nhân bản con người nhưng tập trung quá nhiều vào tri thức. Từ đó, những người trẻ lớn lên không được trang bị cách đầy đủ nhất để bước vào đời sống hôn nhân. Nhiều gia đình đổ vỡ và hệ quả là những đứa con không được chăm sóc cách tốt nhất. Nhìn từ Kinh Thánh, ta sẽ nhận ra được những vấn đề đó đã xảy ra và vẫn tiếp diễn trong thời nay. Như thế, đâu là hướng giải quyết cho vấn đề này?

Sách Sáng Thế cho ta cái nhìn rất tốt đẹp về cuộc sống gia đình sau khi A-dam nhìn thấy E-va: “Con người nói: phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 23-24). Tuy nhiên, cuộc sống đâu có đẹp như những gì người ta ước mong. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến điều đó?

1. Nguyên nhân bạo lực gia đình

Cuộc sống tốt đẹp của A-dam và E-va trong vườn địa đàng không biết được lâu hay ít nhưng từ khi bị con rắn cám dỗ, họ đã “biết mặt nhau”: “Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không? Con người thưa: Người đàn bàn Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (St 3, 11-12). A-dam đã không trả lời cách trọng tâm vào câu hỏi nhưng lại đổ lỗi cho người khác. A-dam đổ lỗi cho E-va và cũng đổ lỗi luôn cho chính Chúa.

a. Không yêu mến Thiên Chúa

A-dam và E-va đã không vâng lời Thiên Chúa, nghe lời cám dỗ của ma quỷ và đã sa ngã. Ông bà nguyên tổ đã sa vào bẫy vì nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, cho rằng Thiên Chúa yêu mình chưa đủ, vẫn giữ lại “trái của cây ở giữa vườn”. Họ đã không tuân giữ luật của Chúa, phản bội tình yêu của Người. Từ đó, họ “đã trở mặt nhau”, đổ lỗi cho nhau, không còn là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” nhưng là “người đàn bà”. Hai người không còn ở trong nhau mà đã tách ra làm hai, ở gần nhau nhưng lại rất xa nhau. Từ cái “có nhau” trở thành “khác nhau”. Ông bà nguyên tổ đã lầm lũi đi ra khỏi vườn địa đàng. Cuộc sống hôn nhân nơi trần thế của hai người đã bắt đầu từ đây. Họ đã sinh được hai người con trai: Ca-in và A-ben: “Con người ăn ở với E-va, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Ca-in. Bà nói: Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người. Bà lại sinh ra A-ben, em ông. A-ben làm nghề chăn chiên, còn Ca-in làm nghề cày cấy đất đai” (St 4, 1-3). Những tưởng, dòng dõi của hai người sẽ gắn kết lại với Thiên Chúa, không đi vào vết xe đổ của tổ tông. Nhưng, hậu duệ của họ càng lún sâu hơn. Hậu duệ đã giết nhau. Huynh đệ tương tàn và hơn nữa là chiếm luôn quyền trên sự sống của Thiên Chúa. Ca-in giết A-ben chỉ vì ghen tức với em mình. Nguyên nhân nào dẫn đến điều đó? Đó là không yêu mến Thiên Chúa. Ca-in đã dâng lễ vật lên Thiên Chúa nhưng Người không đoái nhìn. Tại sao Thiên Chúa không đoái nhìn? Thiên Chúa đã trả lời: “Đức Chúa phán với Ca-in: Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt? Nếu ngươi hành động tốt, có phải ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó” (St 4, 6-7). Ca-in đã không dâng những sản phẩm Chúa ban theo cách thế tốt nhất. Đối với Ca-in, Thiên Chúa chỉ ở thứ hạng hai. Điều tốt nhất là dành cho chính bản thân Ca-in. Ở đây, ta có thể nhận thấy được việc tôn thờ ngẫu tượng là chính bản thân mình, coi Thiên Chúa chỉ là phụ. Chính việc không còn tôn thờ Thiên Chúa sẽ dẫn đến việc không tôn trọng những người thân trong gia đình.

b. Không tôn trọng người thân

Khi con người quá đề cao chính mình cũng là thời điểm Thiên Chúa bị hạ thấp. Từ đó, con người cũng chẳng còn quan tâm đến sự hiện diện của người khác trong cuộc đời của mình. Tất cả đều quy về chính mình. Khi đó, con người sẽ dùng mọi thủ đoạn để đánh lừa niềm tin tưởng của người thân. Việc Ca-in giết A-ben minh chứng điều đó: “Ca-in nói với em là A-ben: Chúng mình ra ngoài đồng đi! Và khi hai người đang ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình” (St 4, 8). A-ben tin tưởng vào anh mình và đi theo. Nhưng, Ca-in chẳng còn tôn trọng A-ben nữa và đã ra tay giết chết chính em mình. A-ben chẳng làm gì sai cả nhưng đã bị lòng ích kỷ, thói ghen tỵ của Ca-in giết hại. Sự hiện diện của A-ben không có ý nghĩa gì nếu đặt lên bàn cân để so sánh với cái tôi ích kỷ quá lớn của Ca-in. Khúc ruột cùng được sinh ra từ một người mẹ không có giá trị gì khi bị lăng kính của cái tôi che mờ. Ca-in đã đánh đổ giá trị của dòng máu mình đang mang trong người. Khi giết A-ben, Ca-in cũng đồng thời giết luôn nguồn gốc của bản thân, giết luôn niềm hy vọng nơi A-dam và E-và.

Tin Mừng theo Thánh Lu-ca cho ta thêm một cái nhìn trong vấn đề không tôn trọng người thân. Đó là phá vỡ mối tương quan với người thân, đánh mất tư cách làm con. Dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15,11-32) kể về việc người con thứ đòi chia tài sản khi người cha vẫn còn sống. Đây là một hành động không thể chấp nhận được đối với người Do-thái. Không chỉ có thế, anh ta muốn tài sản chẳng phải để tự gầy dựng cho mình một cuộc sống tốt đẹp nhưng lại để hủy hoại bản thân: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: Thưa Cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó, anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình” (Lc 15, 11-13). Anh ta đã để cho những ham mê cuộc sống chia cắt tình gia đình, tình cha con, phá vỡ mối tương quan sâu đậm với người cha, muốn tự mình làm chủ đời mình, muốn mình trở thành cha của chính mình.

Ngày nay trong các gia đình, vấn đề anh em tranh giành nhau, giết nhau, con cái đòi cha mẹ chia tài sản cho dù bản thân con cái chưa đóng góp được gì vẫn xảy ra hằng ngày và có nguy cơ bùng nổ hơn. Tất cả đều có chung một nguyên nhân là không quy về Thiên Chúa nhưng quy về chính mình. Con người muốn trở thành ông chủ của bản thân, thành cha chính mình. Con người đánh mất mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và cũng đánh mất luôn tình thân trong gia đình. Con người đang cố làm vinh danh chính mình, đặt mình lên trước Chúa, từ bỏ Chúa. Đó là sai lầm khi gia đình không đặt Chúa làm trung tâm. Không yêu mến Thiên Chúa sẽ không có cùng một cái nhìn về điều thiện hảo. Từ đó, mọi thành viên trong gia đình không còn “nhìn nhau” nhưng nhìn theo hướng khác và càng xa nhau.

2. Những giải pháp giảm bạo lực gia đình

Một cuộc sống đầy dẫy những khó khăn trong công việc, trong các mối quan hệ có thể trở thành rào cản cho những cuộc gặp gỡ giữa mọi người với nhau trong gia đình. Lúc cha mẹ đi làm thì con cái chưa dậy, lúc cha mẹ đi làm về cũng là thời điểm an giấc của những đứa con. Mọi người không có thời gian gặp nhau nếu không muốn nói là chỉ để cãi nhau và bực tức với nhau vì không có thời gian hiểu nhau. Từ đó, bất kỳ xích mích nhỏ nào cũng có thể gây nên những đổ vỡ đáng tiếc. Nếu gia đình không có thời gian gặp gỡ nhau, không có thời gian dành cho nhau trong những bữa cơm thân mật, đặc biệt trong những giờ cầu nguyện thì gia đình chẳng khác nào nhà trọ. Nơi mọi người đến rồi đi và không ai quan tâm đến ai.

a. Cầu nguyện

Cầu nguyện là nền tảng giúp cho mọi người có được cách giải quyết thật hoàn hảo và đem lại những kết quả thật tốt đẹp trong mọi vấn đề. Ta cùng nhìn vào câu chuyện của Giu-se sau khi bị các anh bán sang Ai-Cập. Nếu là một người không sống thân tình với Thiên Chúa, không có tình yêu thương của Thiên Chúa thì sẽ có những hành động trả đũa đối với các anh. Tuy nhiên nhờ việc sống theo thánh ý Thiên Chúa qua những lời cầu nguyện, ông đã đem lại cuộc sống không chỉ an bình cho các anh của mình mà còn cho họ có một cuộc sống thật sung túc và hạnh phúc. Đối với người có sự gắn kết thân tình với Thiên Chúa, mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời đều được Thiên Chúa hướng đến một kết quả tốt đẹp nhất: “Ông Giu-se nói với anh em: Hãy lại gần tôi. Họ lại gần. Ông nói: Tôi là Giu-se, đứa con mà các anh đã bán sang Ai-Cập. Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em” (St 45, 4-5); Sau khi ông Gia-cop qua đời, các anh của Giu-se sợ bị trả thù, nhưng Giu-se đã hành động một cách đầy tình yêu: “Ông Giu-se nói với họ: Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo. Bây giờ các anh đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng cho các anh và con cái các anh. Ông an ủi và chuyện trò thân mật với họ” (St 50, 19-21). Qua câu chuyện trên, ta có thể nhận ra được đâu là hành động của một con người có đời sống cầu nguyện. Một đời sống đầy yêu thương, tha thứ và luôn muốn những người thân của mình có được cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc nhất. Nhờ đó, mọi người sẽ có được một mái ấm thật bình an và hạnh phúc. Một gia đình gương mẫu cho mọi gia đình Công Giáo noi theo là Thánh Gia. Một gia đình luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa. Cuộc sống của Cha Thánh Giu-se, của Mẹ Ma-ria là cuộc sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Họ đã để Thiên Chúa dẫn dắt đời mình dẫu biết rằng gặp nhiều gian truân khốn khổ. Hơn hết, Đức Giê-su chính là mẫu gương cầu nguyện. Cuộc đời của Người là cuộc đời sống trong sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Lương thực của Ngài chính là cầu nguyện cùng Chúa Cha.

Ngày nay, các gia đình Công Giáo đang dần đánh mất một thói quen tốt đẹp đó là đọc kinh chung. Mọi người bị những lo toan cơm áo gạo tiền đè nặng và cảm thấy kiệt sức mỗi khi trở về mái nhà của mình. Họ vội vàng ăn uống và chìm vào giấc ngủ trước khi lao ra ngoài đường vào ngày hôm sau. Họ quên mất liều thuốc bổ cho chính bản thân và gia đình là cầu nguyện chung. Khi cầu nguyện chung, mọi người cùng hướng về Thiên Chúa, cùng nói một lời yêu thương. Những bất đồng trong cuộc sống sẽ dần được tháo gỡ và đặc biệt là dịp để mọi người gần gũi nhau. Từ đó, mọi người trong gia đình sẽ đối thoại với nhau cách tốt hơn.

b. Đối thoại với người thân

Ai cũng biết rằng để giải quyết những bất đồng trong gia đình đều cần đến đối thoại. Nếu không đối thoại, mọi nghi ngờ, hiểu lầm sẽ khó được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, đâu là cách đối thoại tốt nhất? Đó là chấp nhận mình thiệt thòi. Đã là cha, mẹ và con cái thì đâu cần hơn thua, đâu cần phải cố giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận. Khi chấp nhận phần thiệt, ta sẽ làm cho người khác bớt tiến lên, bớt ganh đua và cuộc xung đột sẽ giảm xuống. Khi cuộc xung đột đã dần hạ nhiệt, cả hai người sẽ tự nhận ra được những thiếu xót nơi bản thân và sẽ dần thay đổi. Sau đó, cả hai cần có sự trao đổi qua lại, người nói người nghe và sẽ dần hiểu nhau hơn, cùng nhau tìm cách giải quyết tốt nhất cho một vấn đề. Ngoài ra, những cuộc dã ngoại cũng là cách đối thoại rất tích cực và có hiệu quả.

Ai trong chúng ta cũng có một mái ấm gia đình và phần nào cũng đã trải qua những thăng trầm trong cuộc sống. Con cái bị cha mẹ hiểu lầm, vợ chồng có những bất đồng, hiểu sai về các mối quan hệ của người kia. Tuy nhiên, gia đình hạnh phúc chính là gia đình đã vượt qua được những khó khăn và dần hiểu nhau hơn, thương nhau hơn, tôn trọng nhau hơn và đặc biệt là cùng nhau hướng về một gia đình đầy hạnh phúc trên Thiên Đàng. Một gia đình luôn sống trong đời sống cầu nguyện sẽ là một gia đình luôn bình an và hạnh phúc dẫu rằng đời sống vật chất có thể khó khăn.

H.H

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *