Cái nhìn tha thứ

Thông thường người ta hay chú ý đến một vết đen trên trang giấy trắng, hơn là nhìn một tờ giấy trắng còn một vết đen. Hai cách nhìn, một chiều tiêu cực và một chiều tích cực. Cách nhìn của tiêu cực hướng người ta về vết đen, để rồi không nhìn thấy trang giấy trắng. Cách nhìn tích cực hướng người ta đến trang giấy trắng còn lại một vết đen.

Cách nhìn tiêu cực là cách nhìn tẩy chay, phê phán. Người xưa nói : “Nhân vô thập toàn”, dừng lại một điểm xấu để chê bai cái tốt, như vậy là cách nhìn lên án, không chấp nhận con người.

Cách nhìn tích cực là cách nhìn hướng về điểm hẹn chín dần, sống là sự chín dần, chín dần trong ân sủng, chín dần trong tính cách người. Không chỉ riêng ta dừng lại nhìn người với cái nhìn tiêu cực mà đôi khi đối với cả chính ta. Câu chuyện “Hai viên gạch” này là minh hoạ.
“Ðến miền đất mới, các vị sư phải tự xây dựng mọi thứ. Họ mua đất, gạch, mua dụng cụ và bắt tay vào việc.

Một chú tiểu được giao xây một bức tường gạch. Chú rất tập trung vào công việc, luôn kiểm tra xem viên gạch đã thẳng chưa, hàng gạch có ngay ngắn không. Công việc tiến triển khá chậm vì chú đặc biệt kỹ lưỡng. Tuy nhiên chú không lấy đó làm phiền lòng bởi vì chú biết mình sắp sửa xây một bức tường tuyệt đẹp đầu tiên trong đời.

Cuối cùng, chú cũng hoàn thành công việc vào lúc hoàng hôn buông xuống. Khi đứng lui ra xa để ngắm nhìn công trình lao động của mình, chú bỗng cảm thấy có cái gì đó đập vào mắt; mặc dù chú đã rất cẩn thận khi xây bức tường, song vẫn có hai viên gạch bị đặt nghiêng. Và điều tồi tệ nhất là hai viên gạch đó nằm ngay chính giữa bức tường. Chúng như đôi mắt đang trừng trừng nhìn chú. Kể từ đó, mỗi khi du khách đến thăm ngôi đền, chú tiểu đều dẫn họ đi khắp nơi, trừ đến chỗ bức tường mà chú xây dựng.

Một hôm, có hai nhà sư già đến tham quan ngôi đền. Chú tiểu đã cố lái họ sang hướng khác nhưng hai người vẫn nằng nặc đòi đến khu vực có bức tường mà chú xây dựng. Một trong hai vị sư khi đứng trước công trình ấy đã thốt lên:
“Ôi, bức tường gạch mới đẹp làm sao!”.
“Hai vị nói thật chứ? Hai vị không thấy hai viên gạch xấu xí ngay giữa bức tường kia ư?” – chú tiểu kêu lên trong ngạc nhiên.
“Có chứ, nhưng tôi cũng thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép thành một bức tường tuyệt vời ra sao” – vị sư già từ tốn.

Ðôi khi chúng ta quá nghiêm khắc với bản thân mình khi cứ luôn nghiền ngẫm từng lỗi lầm mà ta đã mắc phải, cho rằng cả thế giới đều nhớ đến nó và qui trách nhiệm cho ta. Chúng ta đã hoàn toàn quên rằng đó chỉ là 2 viên gạch xấu xí giữa 998 viên gạch hoàn hảo.

Và đôi khi chúng ta lại quá nhạy cảm với lỗi lầm của người khác. Khi bắt gặp ai mắc lỗi, ta nhớ kỹ từng chi tiết. Và hẽ có ai nhắc đến tên người đó, ta lại liên hệ ngay đến lỗi lầm của họ mà quên bẵng những điều tốt đẹp họ đã làm.

Cần học cách rộng lượng với người khác và với chính mình. Một thế giới nhân ái trước hết là một thế giới nơi lỗi lầm được tha thứ. Một thế giới tình thương là một thế giới được đón nhận.

Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta và đến lượt chúng ta cũng hãy tha thứ cho nhau. Có ánh mắt nhìn tha thứ là có ánh mắt dựng xây hoà bình. Hoà bình xây dựng trên nền tha thứ.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan.
 
Ngọc Nga sưu tầm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *