Ngày 13 tháng 12 tới đây là ngày kỷ niệm thụ phong linh mục lần thứ 54 của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Chính tại nhà thờ Thánh Giuse ở Buenos Aires, vào năm 1953, chàng trai 17 tuổi Jorge Mario Bergoglio đã khám phá ra ơn gọi của mình và tuyên bố ước muốn dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa và con người.
Cơ quan thông tin của dòng Salêdiêng đưa ra bản tóm tắt ngắn gọn về ơn gọi của Đức Thánh Cha như sau:
Ơn gọi của ngài bắt đầu từ ngày 21 tháng 9 năm 1953, Lễ Thánh Mátthêu. Lời cầu nguyện ngài viết cho ngày đáng nhớ đó vẫn còn in đậm trong ngài: “Tôi tin rằng trong câu chuyện, được nhìn xuyên qua bởi cái nhìn của tình yêu Thiên Chúa, vào ngày mùa xuân, ngày 21 tháng 9, Ngài đến để mời tôi đi theo. Và tôi hy vọng trong sự ngạc nhiên của mỗi ngày, trong đó tình yêu và sức mạnh, sự phản bội và tội lỗi tự biểu hiện, sẽ luôn đồng hành cùng tôi cho đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với khuôn mặt kỳ diệu mà tôi không biết nó như thế nào, là điều luôn trốn thoát tôi, nhưng tôi muốn biết và yêu thương.”
Khẩu hiệu của Đức Thánh Cha Phanxicô được lấy từ Bài giảng của Bậc Đáng kính là linh mục Bede (Hom. 21; CCL 122, 149-151), người trong bài bình luận của mình về trình thuật Tin Mừng về việc kêu gọi Thánh Mátthêu đã viết: Chúa Giêsu thấy người thu thuế, và vì Ngài đã nhìn ông với lòng thương xót, Ngài đã phán với ông: ‘Hãy theo ta’.
Sau nhiều năm, vào ngày lễ Thánh Giuse, ngày 19 tháng 3 năm 2013, vị linh mục đó—nay đã có tuổi—sẽ được tấn phong làm Giáo hoàng và là người đứng đầu Giáo hội.
Dưới đây là một số mốc thời gian quan trọng khác trong lịch sử ơn gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô:
Ngày 11 tháng 03 năm1958: Vào Dòng Tên
Ngày 12 tháng 03 năm 1960: Khấn lần đầu
Ngày 13 tháng 12 năm 1969, chỉ 4 ngày trước sinh nhật lần thứ 33: Ngài được thụ phong linh mục
Ngày 22 tháng 04 năm 1973: Ngài khấn trọn.
27 tháng 06 năm 1992, được tấn phong Giám mục.
2. Thánh Lucy trở thành ánh sáng ở Scandinavia như thế nào?
Trong dịp Giáng Sinh, các tín hữu Kitô bao gồm người Công Giáo và người Chính Thống Giáo ở Nga có những lễ hội đặc biệt để kính Thánh Nicolas, cũng thường được gọi là Ông già Noel. Theo tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, các tín hữu Kitô ở vùng Scandinavia bao gồm Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển lại có những lễ hội mừng để kính Thánh Lucy tử đạo.
Vị tử đạo này chết ở Ý nhưng đã trở thành vị thánh nổi tiếng nhất của miền Scandinavia.
Vào thế kỷ thứ 3, một cô gái tên là Lucy hay Lucia trong tiếng Latinh, được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là quý tộc. Ngay từ khi còn nhỏ, Lucy đã hiến dâng trinh tiết của mình cho Chúa Kitô, nhưng mẹ cô không biết điều đó và đã sắp xếp để cô kết hôn.
Lucy đã từ chối vì lời thề của mình và người đàn ông mà cô ấy phải kết hôn đã nổi giận, phản ứng mạnh và đưa cô vào chỗ chết vì lý do cô là một Kitô hữu. Điều này dẫn đến một cuộc tử đạo khủng khiếp, trong đó đôi mắt của cô bị khoét ra trước khi bị giết. Cô ấy chết ở Sicily, nhưng danh tiếng của cô ấy nhanh chóng lan rộng khắp Âu Châu. Khi các nhà truyền giáo Kitô giáo đến Scandinavia, họ đã mang theo câu chuyện về Thánh Lucy và cuộc đời cũng như cái chết của cô đã thu hút người dân địa phương.
Tên của cô ấy bắt nguồn từ từ tiếng Latinh lux, có nghĩa là “ánh sáng”, và có một câu chuyện khác về cuộc đời cô ấy kể rằng cô ấy đội một chiếc vương miện bằng nến để giúp cô ấy nhìn thấy trong các hang toại đạo của Kitô giáo.
Mối liên hệ của Lucy với ánh sáng đã gây được tiếng vang với những người Scandinavi. Họ tổ chức Lễ Đông chí, tức là ngày đen tối nhất trong năm, gần thời điểm diễn ra ngày lễ của cô, ngày 13 tháng 12. Cô là ánh sáng trong một nơi tối tăm và tấm gương trung thành của cô đã soi sáng trái tim và khối óc của họ trong nhiều thế kỷ sau.
Nhiều bài hát cổ của Thụy Điển nêu bật biểu tượng này, chẳng hạn như bài này.
Đêm bước đi nặng nề
xung quanh sân và nhà ở
Ở những nơi không có mặt trời chiếu tới,
bóng tối
Cô ấy đến trong ngôi nhà tối tăm của chúng tôi,
mang nến thắp sáng,
Thánh Lucia, Thánh Lucia.
Xin cầu cho chúng tôi.
Từ lòng sùng kính mãnh liệt xung quanh Thánh Lucy đã nảy sinh nhiều truyền thống về Ngày Thánh Lucy. Ở nhiều quốc gia vùng Scandinavi đã phát triển Lussibrud, một truyền thống mà con gái lớn nhất trong gia đình mặc một chiếc váy trắng và thắt lưng màu đỏ với một chiếc vương miện bằng nến trên đầu. Cô ấy đánh thức cả gia đình vào ngày 13 tháng 12 và mang đến cho họ nhiều loại đồ ngọt khác nhau.
Ngày Thánh Lucy là một ngày lễ lớn để chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh, một ngày báo hiệu sự xuất hiện của ánh sáng Chúa Kitô vào ngày Giáng Sinh.
3. Cảnh Giáng Sinh lớn nhất thế giới là ở đâu?
Theo thông tấn xã ACIPrensa, cảnh Giáng Sinh lớn nhất thế giới hiện nay được tin là ở thành phố Alicante, bên Tây Ban Nha. Các tín hữu và du khách có thể ngắm cảnh này cho đến ngày lễ Chúa Hiển Linh, ngày 06 tháng Giêng năm 2024.
Từ năm 1991 cảnh Giáng Sinh lớn nhất thế giới là tại thành phố Monterrey bên Mễ Tây Cơ. Thành phố này giữ kỷ lục đó trong 29 năm, và phải nhường lại danh hiệu này cho Alicante vào năm 2020.
Cảnh Giáng Sinh tại thành phố Alicante, có từ năm 2020, và được đặt tại quảng trường tòa thị chính. Năm nay, Cảnh Giáng Sinh đến một con đường rất đẹp trong khu du lịch của thành phố.
Cảnh Giáng Sinh ở Alicante đã được đưa vào sách Guinness chuyên đăng các kỷ lục trên thế giới, từ ngày 01 tháng Mười Hai năm 2020, vì các tượng cao tổng cộng 56.02 mét vượt xa cảnh Giáng Sinh tại Monterrey, Mễ Tây Cơ chỉ cao tổng cộng có 28.58m.
Theo hãng tin Aciprensa, trong cảnh Giáng Sinh ở Alicante, tượng thánh Giuse cao 18.01 mét, tương đương với một tòa nhà 5 tầng, và tượng Đức Mẹ cao 10 mét rưỡi. Để ráp tượng thánh Giuse, người ta phải dùng 1.000 kilo đinh ốc.
Báo chí địa phương cho biết các tượng thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng Giêsu được phủ một chất hóa học chống cháy, bảo vệ các tượng khỏi thời tiết xấu và sự phá hoại có thể xảy ra.