Chúa đến qua những mùa đông

Hoàng hôn mùa đông rét tê tái, từng đàn Sếu xếp hình chữ V rủ nhau hướng về phương Nam tránh rét, chúng bay vội vã, mải miết, chẳng buồn ngó nhìn mấy cụm mây xám xịt, cũng đang lơ đãng theo gió về xuôi. Chị đứng nơi hiên nhà, cảm nhận  cái lạnh thấu da thịt và hồi tưởng lại những mùa đông đói rét, cùng với những số phận đã… “ ghé” qua cuộc đời chị.

Mùa đông rét mướt đầu tiên chị gặp… “người ấy” cách đây đã bốn mươi năm, đó là vào cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ hai mươi. Khi ấy chị đang ở cái tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, chị cùng bạn bè xuôi tàu đi cách nhà gần trăm cây số, mua su hào, cải bắp, về quê bán lấy tiền phụ giúp bà nội đong gạo, đắp đổi qua những ngày đông dài lạnh lẽo của miền Bắc. Một lần, đang trên đường từ ga đến chợ, chị trông thấy một bà lão chạc tuổi bà nội, quần áo trên người chỉ là mấy mảnh giấy xi- măng quấn quanh, gió bấc và mưa phùn đã làm rách tươm nhiều mảnh, để lộ làn da nhăn nheo tím tái, cùng đôi chân trần lết trên đường chiều. Nước mắt chị lăn dài trên gò má, gia đình chị cũng nghèo lắm, nhưng vẫn còn có được manh quần tấm áo, dù nồi cơm độn đầy những sắn (củ mì), nhưng bếp vẫn sáng chiều hai lần đỏ lửa, dù nhà tranh vách đất, nhưng vẫn có nơi để đi về khuya sớm. Nghĩ vậy, chị để lại tiền đủ để mua vé tàu ngược về quê, còn lại chị đem biếu bà cụ hết, (số tiền ngày ấy chỉ là mấy ngàn đồng thôi) nhưng đó là cả gia sản mà chị có lúc bấy giờ.

Mùa đông đáng nhớ tiếp theo khi chị đã lấy chồng, ngày ấy, thời bao cấp đói kém, thiếu thốn mọi thứ. Chị đi mua sắn khô từ quê mình rồi xuôi tàu về một tỉnh cách nhà mấy trăm cây số để bán. Ngày ấy đi tàu cũng vất vả lắm, mấy trăm ký sắn mua ở chợ được đóng vào hàng chục bao tải rồi chở về sân ga, khi tàu đến là vội vàng cuống quýt ném lên toa hàng. Lần nào cũng vậy, khi đoàn tàu hú còi chầm chậm lăn bánh rời sân ga, thì bao tải cuối cùng cũng vừa xong, chị bám vào cửa tàu đu lên mà thở ra… đằng tai. Về đến ga Hà Nội, lại phải dỡ hàng xuống, thuê xe chở chuyển sang tàu Bắc Nam, đi thêm  hơn trăm cây số nữa thì mới đến được nơi chị bán hàng. Về đến nơi đã hai giờ sáng, chuyển hàng ra ngoài cửa ga xong, xếp gọn lại rồi leo lên trên nằm, vừa để trông hàng, vừa để đỡ rét trong khi chờ trời sáng. Dân… “chợ búa” nơi ấy, thấy chị là người nơi khác đến, nên họ dọa nạt, bắt bẻ đủ điều, họ không cho những người chân chính mua sắn của chị, mà buộc chị phải bán cho họ với giá rẻ hơn và phải cân bằng cái cân đã được họ chỉnh sửa. Dù lờ lãi chẳng được là bao, nhưng lần nào chị cũng vẫn phải bán cho họ, vì nếu không họ sẽ dìm hàng của chị không cho ai mua, phải mang về thì càng tệ hơn. Một lần, bán cho họ xong, chị để ý thì thấy họ trút bớt sắn trong bao ra,  nhét gạch đá vào giữa rồi lại đổ sắn lên trên, cứ thế họ đã thêm được một đến hai… bao sắn. Giá họ bán đã cao hơn rất nhiều giá mua của chị, cân thì không đủ, lại còn độn gạch đá, chị thấy xót xa cho người dân quá. Lát sau có người đến hỏi mua mấy bao sắn, nhìn bộ quần áo vá chằng vá đụp của bác ấy, chị thấy thương vô cùng, chắc bác mới vay được ít tiền, hoặc là có con lợn, đàn gà đem bán, mua mấy bao sắn về cho bầy con nheo nhóc ở nhà. Chị len lỏi giữa đám đông, tìm cách ngăn không cho bác mua mấy bao sắn đó, trong lúc đám lường gạt đang hí hửng với nhau vì món lời to, nên không để ý chung quanh. Chị giật áo bác và nói nhỏ: “Trong bao toàn là gạch”, rồi vội vã đi ngay, bác hiểu ra và quay lại bảo  họ: “Tôi không mua nữa, trả lại tiền cho tôi”, bọn họ xông vào đấm đá bác ấy túi bụi, miệng còn hầm hè: “ Này thì trả tiền”, rồi chúng cười hô hố bỏ đi. Chị chạy lại đỡ bác, rồi dúi vào tay bác chút tiền nhỏ để bác mua lọ dầu xoa bóp và thuốc thang, dù chẳng là bao, nhưng chị thấy ấm lòng. Cũng từ đó, chị bỏ không đem hàng về cái nơi xô bồ ấy nữa.

Ngày tháng cứ thế trôi đi nơi làng quê yên tĩnh, lại một buổi trưa mùa đông, chị đang vét những hạt gạo cuối cùng trong thùng để nấu cơm, lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò, không biết chiều nay làm sao có cơm cho các con ăn. Bỗng nghe có tiếng gọi ngoài sân, chị ngó ra thì thấy ông lão hành khất quen thuộc thỉnh thoảng vẫn ghé nhà chị. Ngày ấy, sao mà lắm người hành khất đến vậy, có ngày người này vừa đi ra được một lúc đã lại thấy người khác vào, dù nhà chị vẫn phải ăn cơm độn sắn, nhưng khi thì bát gạo, lúc cân sắn, chị chẳng nỡ để ai ra không bao giờ. Rót nước mời ông lão rồi chị ngập ngừng: “Mọi lần cụ đến, chưa bao giờ cháu từ chối, nhưng hôm nay nhà cháu hết gạo rồi, cụ lấy tạm ít sắn khô được không ạ!”. Uống xong, ông lão đưa trả lại cốc và nói: “Lão già rồi, mang sắn nặng lắm, cho lão xin bát gạo”. Thế là, số gạo đủ để nấu độn một nửa sắn như mọi ngày, giờ đem sẻ cho cụ già một chút, vì thế mà nồi cơm nhà chị chiều nay đã tăng lên hai phần sắn một phần cơm. Xế chiều, chị đang đợi chồng đi lưới về, để xem có được ít cá nào còn đem bán lấy tiền đong gạo, thì ông lão hành khất khi trưa quay lại, trên vai vác một bao gạo nặng. Đặt bao gạo bên hiên, ông lão bảo chị: “ Bao gạo nặng quá, lão không mang nổi nữa, buổi trưa nay lão ghé qua, nghe nói nhà cháu hết gạo, giờ cháu có mua thì lão bán cho, tiện cả đôi bên không phải đi chợ”. Thật trớ trêu, người được tiếng là “ làm phúc” thì trong nhà không có một hạt gạo, còn người mang tiếng là hành khất thì… gạo vác không hết. Nước mắt chị lăn dài mặn chát: “Cụ ơi! Nếu nhà cháu có tiền thì đã không hết gạo, đâu phải chờ cụ đến mời chào mua bán, thôi cụ thông cảm, cố gắng vác ra chợ cụ nhé!” Cụ già ể oải vác bao gạo ra đi và từ đó không bao giờ thấy cụ trở lại.

Còn nhiều và nhiều lắm những mùa đông mang bao kỷ niệm buồn, gắn liền với một thời tuổi trẻ của chị. Có những đêm đông, một mình chị ngồi co ro trong góc lán nứa ở bến xe của một thị trấn heo hút miền Tây Bắc, để sáng hôm sau tìm mua hàng của bà con dân tộc đem về xuôi. Thị trấn có mỏ đá quý, nên dân tứ chiếng kéo đến rất đông, giang hồ có, cướp giật có, con buôn có… Chị thức trắng đêm không dám ngủ, ho cũng phải lấy tay bụm miệng, vì sợ có kẻ xấu lảng vảng bên ngoài rình mò, nghĩ lại bây giờ chị vẫn thấy ớn lạnh, tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo của các con. Câu cửa miệng: “đói rét” thật đúng với hoàn cảnh của người miền Bắc, nhất là những con người đồng chiêm trũng quê chị. Mùa đông rét cắt da cắt thịt, mưa dầm dề ngày này qua ngày kia, nhà nào hết gạo, muốn đi ra ngoài đồng đánh lưới, bắt con cua cái ốc cũng khó. Ngoài việc phải ngâm chân tay trong nước buốt giá đau nhức như kim châm, áo quần thì thiếu trên hụt dưới, gió mùa đông bắc thổi tái mặt mày đã đành.  Mà tôm cá bị cóng cũng ẩn náu trong các bụi cây, hang hốc, không bơi lội đi lại, nên chài lưới nhiều khi cũng về không. Những khuân mặt tái đi vì rét, đôi chân liêu xiêu trong gió Bấc, vai đeo chài lưới, bên hông là cái giỏ trống rỗng, về đến ngõ đã thấy các con đang trông ngóng, thật chẳng còn gì đau hơn, đúng là… đói rét.

Ngày nay, cơm độn sắn đã đi vào dĩ vãng, chị cũng không còn phải xuôi ngược mưu sinh nữa, vậy mà, mỗi khi mùa đông lạnh lẽo gõ cửa, là bao ký ức buồn xa xưa lại ùa về xâm chiếm cõi lòng chị. Nhưng chị tự an ủi mình: Tất cả những người đã ghé qua cuộc đời chị trong những mùa đông đó, có lẽ họ là hình ảnh của Chúa, phải chăng, Chúa đã đến qua những mùa đông?

 Mờ – inh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *