Chúa quan phòng là gì?

 

Ở Việt Nam, cách riêng ở miền Lục Tỉnh, có một Dòng nữ mang danh là Dòng Chúa Quan Phòng. Chúa Quan Phòng là gì?

Tôi đã thử tra vài quyển Từ Điển Việt Nam nhưng không thấy có từ “quan phòng”. Tôi đoán có lẽ là chỉ có người Công Giáo mới dùng tiếng ấy để dịch chữ “providence” từ Pháp Ngữ. Thế nhưng nếu thử lật từ điển Pháp-Việt hay Anh-Việt, thì ta lại thấy chữ “providence” được dịch bằng nhiều từ khác nhau, ví dụ như: thiên mệnh, mệnh trời, ý trời, Thiên Hựu, may mắn. Trước đây ở Huế có một trường Công Giáo mang danh là trường Thiên Hựu. Tuy nhiên trong các sách Giáo lý, sách bài giảng, các từ ngữ sau đây thường được dùng hơn: Chúa an bài, xếp đặt, lo liệu.

Như vậy, Chúa Quan Phòng, Chúa an bài, Chúa xếp đặt, Ý trời, Mệnh trời, Số phận, May rủi đều đồng nghĩa với nhau hay sao, xét vì chúng đều được dịch từ chữ “providence”?

Có thể trên phương diện ngữ học, tất cả các từ vừa nói đều có nghĩa như nhau; nhưng xét dưới khía cạnh thần học thì có nhiều khác biệt giữa quan niệm Công giáo về Chúa Quan Phòng hay an bài với quan niệm của nhiều học thuyết về thiên mệnh hay số mệnh. Điểm khác biệt thứ nhất hệ tại chúng ta tin rằng có Thiên Chúa là Cha nhân lành: không những Ngài đã dựng nên vạn vật, nhưng Ngài còn tiếp tục bảo vệ, gìn giữ, trông nom chúng, xếp đặt mọi sư, nhằm điều tốt, điều thiện cho tất cả. Trái lại, một số tôn giáo hoặc triết thuyết khác cho rằng mọi cái xảy ra cách tình cờ, không có tính toán, hên xui do may rủi.

Trên lý thuyết, quả thực là có hai quan điểm khác nhau: một đàng Kitô giáo tin rằng Thiên Chúa an bài sắp đặt mọi sự; còn đàng kia thì cho rằng mọi cái do tình cờ xảy đến. Nhưng trên thực tế có chi là khác đâu: sự thực ngay trước mắt là người có đức tin cũng gặp hoạn nạn, xui xẻo như người không tin vậy: do đó có tin hay không tin Chúa Quan Phòng thì cũng không có gì thay đổi.

Tôi nghĩ giữa những người tin và những người không tin có cái gì đó khác biệt, kể cả dưới khía cạnh tâm lý. Chúng ta hãy nghĩ đến một nhóm nhi đồng trong một nhà trẻ, không ai thấy bóng dáng cha mẹ của chúng đâu hết, các em cũng chơi giỡn với nhau và cũng té ngã như nhau. Tuy nhiên, đứa bé còn cha mẹ mang tâm tình khác với đứa bé mồ côi, hay đứa bé lạc lõng. Em bé còn cha mẹ biết rằng sau giờ học, cha mẹ sẽ đến rước em về nhà; còn em bé mồ côi, hay tệ hơn nữa, em bé vô thừa nhận, dù hiện tại có vui chơi nô đùa, nhưng khi tan học, không biết có ai đến đón mình không, và nhất là các em này sẽ không được hưởng tình thương ấm áp của cha mẹ.

Thiết tưởng thí dụ vừa nói cũng có thể áp dụng cho người tin và người không tin nơi Chúa Quan Phòng: cả hai cùng gặp hoạn nạn và may rủi như nhau; nhưng có điều khác biệt này là người tin thì cố gắng nhìn nhận tất cả đều là dấu chỉ của tình thương: họ tin rằng dù có chi xảy ra đi nữa, cặp mắt, bàn tay và con tim của Chúa nhân lành vẫn không hề rời xa họ. Điều đó mang lại rất nhiều yên hàn nội tâm. Sự yên hàn đó còn giúp họ đo lường cái mà người đời gọi là may rủi. Thường cái gì hợp với sở thích của ta, tiện lợi cho ta thì gọi là may: ví dụ, sức khoẻ, tiền bạc, danh vọng. Và nếu xảy ra điều ngược lại thì gọi là xui, rủi. Nhưng chúng ta có ngờ đâu cái may của ngày hôm nay có thể là cái hoạ của ngày mai, và ngược lại. Người tin vào Chúa Quan Phòng cố gắng tìm ra ý nghĩa đích thực của mọi sự vật, mọi biến cố chứ không dựa trên giá trị nhất thời.

Tin nơi Chúa Quan Phòng có nghĩa là tin rằng mọi sự đều do Chúa sắp đặt hết. Thế thì đâu cần phải tính toán làm lụng chi cho khổ. Ta cứ ăn ngủ suốt ngày cho kỹ vì đã có Chúa lo liệu rồi!

Có lẽ phải nói ngược lại. Người nào không tin vào Chúa Quan Phòng mới có thái độ ăn không ngồi rồi, phó mặc cho may rủi. Còn người nào tin có Chúa Quan Phòng thì vất vả hơn. Ta có thể lấy thí dụ từ Chúa Giêsu thì rõ. Không ai biết rõ ý định của Chúa Cha hơn Ngài, không ai tín thác nơi Chúa Cha hơn Ngài. Tuy vậy, Ngài đã trải qua rất nhiều thời giờ cầu nguyện, để đàm đạo với Cha, để thấy rõ hơn con đường phải đi, cũng như để lấy thêm nghị lực và hoàn thành chương trình ấy. Trong thư gửi tín hữu Do Thái (5,7-9) tác giả nói rằng khi còn tại thế, Chúa Giêsu nhiều lần than van khóc lóc lớn tiếng để xin Cha cứu mình khỏi chết. Thoạt tiên, xem ra lời cầu khẩn ấy khó chấp nhận được, bởi vì chính Ngài phải trải qua cái chết. Chỉ sau khi đã vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết thì Ngài mới được tôn vinh.

Nói như thế có nghĩa là không phải ai tin tưởng vào Chúa Quan Phòng thì luôn gặp điều may mắn, xin gì được nấy, phải không?

Thực vậy, bởi vì như đã nói trên, người thành thực tin nơi Chúa quan phòng, tuy biết rằng Ngài thương yêu đùm bọc ta, nhưng đồng thời họ cũng biết rằng cái nhìn của ta thiển cận và nông cạn, không phải lúc nào cũng phù hợp với cái nhìn của Chúa. Vì vậy mà họ cảm thấy cần cầu nguyện, không phải để xin Chúa chấp nhận tất cả những mơ ước của mình, mà xin cho mình biết chấp nhận chương trình của Chúa. Bởi vậy, khi đánh giá công hiệu của lời cầu nguyện, chúng ta không thể dùng tiêu chuẩn “cầu được ước thấy” để biết thực sự Ngài đã nhậm lời ta hay không; nhưng phải xét xem tâm hồn của chúng ta cởi mở đến mức nào để đi vào con đường của Chúa. Tín thác nơi Chúa Quan Phòng là như thế. Cho dù xem ra có gặp nghịch cảnh thì ta vẫn tin tưởng rằng mọi sự đều nằm trong chương trình của tình yêu đùm bọc ta. Thực sự nếu để ý quan sát, ta thấy cha mẹ chúng ta vẫn cư xử như vậy thôi: không phải lúc nào con cái xin gì họ cũng cho, thậm chí đôi khi còn phải làm nghịch lại ý chúng nó nữa. Ví như đứa nhỏ xin cầm con dao chơi, thử hỏi cha mẹ nào nỡ tâm chiều theo ý nó; hoặc đôi khi cha mẹ ép con uống thuốc đắng cho khỏi bệnh tuy nó vùng vẫy la hét, coi như bị cha mẹ ghét bỏ. Đứa bé đâu có biết cha mẹ chúng rất khổ tâm khi thấy con mình đau đớn; nhưng nếu không dùng thuốc đắng thì chừng nào con mình mới lành bệnh được.

Nhưng cũng có những cha mẹ hành hạ con cái đấy chứ?

Không ai phủ nhận điều đó. Tôi chỉ muốn lấy một ví dụ để so sánh. Ví dụ đó còn làm sáng tỏ hơn một điều khác nữa là tâm tình tín thác của chúng ta nơi Chúa Quan Phòng bị chi phối không ít bởi kinh nghiệm gia đình chúng ta: nếu chúng ta được cha mẹ yêu thương thì tất sẽ dễ ghi nhận tình thương của Chúa là Cha nhân lành. Nếu con người không biết tình thương là gì, ắt là khó chấp nhận tình phụ tử của Thiên Chúa. Dù sao tôi nghĩ rằng trên đường đời, Thiên Chúa rất nhiều lần dùng đến trung gian để tỏ tình thương an bài đối với chúng ta, chẳng hạn như qua cha mẹ, bạn bè, ân nhân đôi khi vô tên tuổi. Đối lại, việc chúng ta tin vào Chúa Quan Phòng cũng đòi hỏi chúng ta sẵn sàng trở nên dụng cụ cho tình thương của Ngài đối với đồng loại của chúng ta, sao cho qua tình bạn của chúng ta, lòng ân cần săn sóc, tình liên đới của chúng ta, tha nhân có thể nhận thấy bàn tay của Thiên Chúa. Đó là trọng trách khá nặng nề của người tín hữu.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *