Chương VIII : Thế kỷ XVII – Thời chế độ Chuyên Chế

Chương VIII :
Thế kỷ XVII – Thời chế độ Chuyên Chế

Trích “HÀNH TRÌNH CHÂN LÝ”
(The Dominicans, a short history, W. Hinnebusch OP
Brève histoire de l’Ordre Dominicain, Guy Bedouelle OP)
Lm Px. Đào Trung Hiệu op và lớp tập 1992-93.

Dòng bước sang thế kỷ XVII với khí thế hào hùng và đang thời sung sức. Sống trong bầu khí của Giáo Hội đã được phục hưng sau công đồng Trentô, các phong trào canh tân của anh em Đa Minh đã tiến những bước vững chắc, với những nhà thần học lớn đã khởi công canh tân học thuyết thánh Thomas ; với các tỉnh dòng quan trọng như Ý, Pháp, Tây Ban Nha vẫn phát triển điều hòa và gia tăng đông đảo. Dĩ nhiên không phải Dòng không có những dấu hiệu yếu kém : nhiều tỉnh dòng ở Bắc Âu và Đông Âu với tổ chức lỏng lẻo và thiếu thực chất ; còn những tỉnh dòng bên kia đại dương tuy hùng hậu nhưng lại xa xôi và bị cuốn hút vào sứ vụ truyền giáo ; trong khi đó trào lưu trí thức thì bị giảm sút vì các nhà thần học quá bận tâm vào các cuộc tranh luận vô bổ .

Trong lãnh vực chính trị, Âu Châu đang bước dần sang thời chuyên chế dựa trên thần luật, song song với phong trào quốc gia quá khích và những cuộc tranh chấp giữa các vua chúa. Các ông hoàng Công giáo muốn hạn chế quyền tự do của Giáo hội, muốn đặt lại vấn đề về quyền tối cao của giáo hoàng và tấn công mạnh mẽ các dòng tu. Như cha Philippe Hughes đã viết :

Trong thời gian dài dưới chế độ chuyên chế, các ông hoàng Công giáo trở nên nguy hại cho Giáo hội Công giáo tại miền nam cũng như các anh em Tin lành bị họ phá hoại tại phía bắc. Chế độ ấy không những gây tổn thương cho tôn giáo mà còn là những trở ngại thực sự.

Các dòng tu cũng nằm trong tấm chăn phủ trên Giáo hội đó. Nhiều phong trào gây khó khăn cho đời sống Giáo hội trong những năm từ 1600 đến 1800 đều phát xuất từ Pháp : thuyết độc tài, thuyết Pháp giáo, thuyết Jansen, thuyết giám mục đoàn (Absolutisme, gallicanisme, jansenisme, épiscopalisme) và cuộc cách mạng 1789. Với sự hỗ trợ của hai hồng y Richelieu và Mazarin, dòng họ Bourbons đã chiếm được ngai vàng nước Pháp 1589 và nắm trong tay những quyền bính chưa từng có, biểu hiện cụ thể bằng việc khẳng định thần quyền của vua Louis XIV. Chính sách cai trị của hồng y Richelieu : chủ trương hạn chế quyền giáo hoàng tại Pháp chỉ còn trong những điều tối thiểu ; chính sách đó được diễn tả trong bản “Hiến Chương Pháp Giáo” đã được coi gần như một tín điều, được vua Louis XIV công bố năm 1682.

Trong Giáo hội, sau công đồng Trentô, việc tập trung quyền hành về đức giáo hoàng ngày càng phát triển và vị trí của các giáo hoàng ngày càng được củng cố. Đó là điều cần thiết và hữu ích ở thế kỷ XVI, khi muốn áp dụng các sắc lệnh của công đồng Trentô và muốn canh tân giáo hội, nhưng người ta sẽ muốn thoát khỏi sự điều hành của Roma ngay khi công cuộc phục hưng đời sống tôn giáo đã hoàn thành, khi quyền hành các vua chúa cũng như những đặc quyền của giám mục được tái khẳng định cách mạnh mẽ hơn.

Việc quản trị trong Dòng Đa Minh – và sự phát triển

Lề lối cai trị chuyên chế, tập trung và duy lý đạt đến đỉnh cao trong thế kỷ XVIII, “thế kỷ sáng suốt” (Éclairé). Trong thời kỳ này dòng phải đương đầu với nhiều xu hướng khác nhau và hoạt động của dòng thường xuyên bị trở ngại do sự can thiệp của giáo triều và vương triều. Dòng không thể tự giải phóng khỏi các trào lưu thời đại, và thoát khỏi những trở ngại chính trị do các giáo hoàng và vương triều gây nên.

Năm 1600, bề trên tổng quyền Beccaria ra quyết nghị ủy cho vị tổng quyền quyền đặt các giám tỉnh, là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi bầu khí quản trị trong dòng. Việc tập trung quyền hành và tính chuộng những gì trang trọng đang du nhập vào Dòng. Uy thế tối cao của bề trên tổng quyền đã bắt đầu xuất hiện từ năm 1370, khi tổng hội không họp còn hàng năm, nay chuyển hướng sang dạng độc quyền trong thế kỷ XVII và XVIII. Cho tới năm 1622, các tổng hội được triệu tập cách nhau trên dưới ba năm. Năm 1625, Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII cho phép triển hạn sáu năm, nhưng thời gian giữa các tổng hội có khi còn lâu hơn thế.

Sau tổng hội 1628, là tổng hội bầu cử năm 1629, nhưng từ đó đến năm 1832, chỉ có 15 tổng hội, trong đó đã có 11 tổng hội bầu cử bề trên tổng quyền. Năm 1677, đức Innocente XI muốn điều chỉnh lại tình trạng này, ngài yêu cầu trở lại định kỳ họp ba năm một lần, nhưng quyết định này vẫn chỉ là bản văn chết. Suốt thế kỷ XVIII, tổng hội chỉ được triệu tập có sáu lần.

Ngược lại, ưu thế của bề trên tổng quyền được gia tăng dần thêm lên. Tổng hội 1600 khẳng định “quyền hành của tổng hội và vị tổng quyền trên toàn dòng cả về vật chất lẫn tinh thần”, và gọi các giám định viên là các “đấng rất khả kính” (Très Révérend). Chính giai đoạn này tổng hội yêu cầu Bề trên tổng quyền phải dứt khoát cư ngụ tại Roma, tín hiệu cho thấy vị trí quan trọng của ngài, nhưng cũng làm hạn chế mức độ giao lưu của ngài với các tỉnh dòng. Bề trên tổng quyền liên hệ với các tỉnh dòng bằng thư luân lưu, nghị định, cấp giấy phép, chuẩn miễn và ban các đặc ân, cũng như xử lý những trường hợp về kỷ luật, đơn khiếu nại, thỉnh thoảng ngài mới đi kinh lý hoặc gửi các đại diện kinh lý. Việc thất thường về chu kỳ họp tổng hội trên đòi buộc ngài khi này khi khác, phải xin phép của Tòa Thánh.

Trong các tỉnh dòng cũng thấy xuất hiện khuynh hướng cá nhân trị. Tổng hội 1629 thấy cần phải nhắc các giám định viên tỉnh hội không được cho phép giám tỉnh sửa đổi công vụ tỉnh hội. Còn tổng hội 1647 thì gia tăng quyền hạn của bề trên cả : các công vụ tỉnh hội phải được ngài duyệt lại trước khi được ban hành.

Quyền của bề trên tổng quyền còn biểu lộ qua nhiều dấu hiệu khác. Việc tái thiết căn nhà vị tổng quyền cư ngụ ở Sainte-Marie-de-la-Minerve trở thành tu viện mới, với kiến trúc phức tạp, là nơi bề trên tổng quyền và ban điều hành trung ương (Curia) cư trú, vừa là trung tâm điều hành tỉnh dòng Roma, và cũng là nơi các giáo sư học viện Saint Thomas lưu ngụ, sang thế kỷ sau, thêm các chuyên viên nghiên cứu và dạy học của thư viện Casanate.

Do hoàn cảnh bị buộc phải làm việc tại trung tâm Giáo hội, các vị tổng quyền đã thiết lập một chỗ nghỉ hè ở đồng quê gần Palestrina. Bề trên Marinis, người đầu tiên đến đó nghỉ năm 1656 vì lý do sức khỏe, nhưng về sau trung ương Dòng mua thêm nhà cửa và các tổng quyền đến đây nghỉ thường xuyên từ năm 1677. Tại đây các ngài trưng bày chân dung các vị tiền nhiệm. Bộ sưu tập này hiện nay được đưa về tu viện trung ương Sancta Sabina. Điều này biểu hiện tính khoe khoang của các dòng tộc của thời đó, nên ta có thể cảm thông. Tất nhiên những chân dung trước thế kỷ XVII đều là sản phẩm tưởng tượng, nhưng đối với các thế hệ tiền bối, quả xứng đáng để tượng nhớ các nhân vật như thánh phụ Đa Minh, Jordano de Saxe, Humberto Romanô, Raymundo Capoua hoặc Cajetan.

Người ta không quên khoác cho các vị tổng quyền hào quang lộng lẫy của các bậc vua chúa, nhất là những vị xuất thân từ dòng dõi quí tộc như Gioan Thomas de Rocaberti năm 1670, Antôn de Monroy năm 1677, Thomas de Boxadors năm 1756. Có lẽ từ năm 1699, các vua Tây Ban Nha tỏ vẻ tôn kính vị tổng quyền Đa Minh như một vĩ nhân Tây Ban Nha. Nghi lễ trang trọng lộng lẫy đánh dấu những cuộc viếng thăm của Anton Cloche tại Ý. Mặc dù cha Boxadors vốn sống đơn giản và khổ hạnh, nhưng sau cuộc kinh lý bốn năm từ 1760, thăm các tỉnh dòng thuộc Tây Ban Nha, ngài bỗng trở thành nhân vật quan cách.

Những cuộc bầu cử và tang lễ trở nên những dịp để phô trương sự lộng lẫy rực rỡ. Ban hòa tấu thành phố Roma, với tiền thưởng xứng đáng, đã đánh trống thổi kèn lúc tuyên bố việc đắc cử của cha Augustin Pipia năm 1721. Tang lễ cha Cloche năm 1720 và cha Ripoll năm 1747, đã được điểm tô nhờ đông đảo tu sĩ Đa Minh và các chức sắc trong Giáo hội.

Tuy nhiên, dù chưa bao giờ chức vụ tổng quyền mạnh như bây giờ, thì ngài và trung ương dòng vẫn không thể luôn hành động theo ý mình. Năm 1600, dòng bị đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của các giáo hoàng và hồng y bảo trợ. Mười bốn tổng hội bầu cử ở thế kỷ XVII và XVIII, có thể nói, đều tiến hành dưới sự giám sát của tòa thánh. Cũng vậy, giáo hoàng là người sắp đặt các tổng đại diện để cai trị dòng trong thời gian chờ bầu cử. Cha Ridolfi được đặt làm tổng đại diện năm 1628 và 1650 ; cha Vinh Sơn Candido năm 1644, và cha Pio Passerini năm 1670.

Các giáo hoàng vẫn tiếp tục thực hành thói quen của thế kỷ trước : bổ nhiệm các vị tổng quyền mãn nhiệm vào các phẩm trật trong giáo hội, và đảm nhiệm sắp xếp việc quản trị dòng cho đến cuộc bầu cử kế tiếp. Như trường hợp cha Augustino Galamini được đặt làm hồng y năm 1611, cha Rocaberti trở thành tổng giám mục Valence năm 1677, cha Monroy làm tổng giám mục Compostella, và cha Boxadors thành hồng y năm 1755. Hồng y Fausto Poli chủ tọa tổng hội bầu cử 1644. Được phép của đức Urbano VIII, vị tổng đại diện Vinh Sơn Candido cũng có quyền bỏ phiếu dù ngài không phải là nghị phụ.

Vì bận tâm đến lợi ích của Dòng, Tòa thánh đôi khi ra chỉ thị cho các tổng hội. Hồng y bảo trợ Altieri, đã bắt buộc tổng hội bầu cử 1677 chấp nhận một số yêu cầu trước khi tiến hành bầu cử : như đồng ý họp tổng hội ba năm một lần ; tuân theo ý đức Bonifacio IX dự liệu về chức tôn sư thần học ; và không được thay đổi hiến pháp cũng như công vụ tổng hội. Ngoài ra, bề trên tổng quyền phải đi kinh lý tất cả các tỉnh dòng ở Châu Âu. Hồng y điều khiển tổng hội để bầu lên một ủy ban để duyệt lại Hiến pháp. Hiến Pháp tu chính này được cha Cloche công bố 1690. Lần xuất bản trước vào năm 1620 và 1650, ấn bản này được in đi in lại không thay đổi mãi cho tới năm 1872 với ấn bản mới của cha Jandel.

Yêu cầu buộc các bề trên tổng quyền kinh lý sau cùng không đạt mục đích. Nếu trước đây, chính giáo hoàng cấm các cha Ridolfi, Marinis và Rocaberti đi kinh lý các tỉnh dòng. Giờ đây, tình hình chính trị ngăn cản các ngài. Tây Ban Nha không cho cha Cloche vào trong lãnh địa công tước Milan và các tỉnh dòng Tây Ban Nha, vì ngài là người Pháp, lại vừa mới đi kinh lý các tu viện ở Ý. Và để giữ được hòa khí, ngài cũng bỏ không kinh lý tại Pháp.

Một dấu hiệu khác đặc trưng của thời này : là tầm quan trọng được dành cho các vị tôn sư thần học và sự kính trọng thái quá dành cho các ngài. Điển hình như ta thấy trong buổi lễ phong chức tại tỉnh hội Aragon năm 1649 :

“Vì các tôn sư đem lại vinh dự lớn lao cho dòng qua những tác phẩm, phải giúp các vị hoàn toàn thong dong để làm việc. Chính vì vậy, chúng tôi chị thị […] các tu viện trưởng phải chỉ định các thày trợ sĩ ân cần và khiêm tốn phục vụ các vị”.

Địa vị của các tôn sư thần học được gia tăng do vị trí trổi vượt tại các hội nghị bầu cử khởi từ thế kỷ XV và với những đặc quyền mà họ hưởng. Cha Charles Poulet, với lối diễn tả khá mạnh, nói rằng Dòng Đa Minh thời đại này phân chia thành giáo sĩ cao cấp và giáo sĩ thường. Các vị tôn sư thần học đã làm lu mờ các tổng giảng sư, dù các vị này vẫn còn quyền tham dự tỉnh hội.

Các bề trên tổng quyền thế kỷ XVII

Ở thế kỷ XVII có chín bề trên tổng quyền. Năm trong số đó đã lãnh nhiệm kỳ bảy năm, không ai quản trị dưới bốn năm. Các cha Séraphin Secchi (1612-28), Nicolas Ridolfi (1629-44), Gioan de Marinis (1650-69) và Antonino Cloche có nhiệm kỳ lâu hơn. Riêng cha Cloche có nhiệm kỳ tổng quyền lâu nhất trong lịch sử dòng, với 34 năm, cha là người nối hai thế kỷ : ngài đắc cử năm 1686 và mất năm 1720. Nhiệm kỳ cha Giêrônimo Xavierre (1601-07) đánh dấu giai đoạn trung gian giữa các vị tổng quyền người Ý. Cho đến cuối thế kỷ, còn một vài lần gián đoạn khác trong việc bầu cử đó là cha Thomas Rocaberti (1670-77) người Tây Ban Nha ; Cha Antôn de Monroy một người lai da trắng sinh tại Mehico, mới 42 tuổi và cha Cloche người Pháp.

Cha Ridolfi phải chịu chung một số phận với các cha Munio de Zamora, Martial Auribelli và Sixtô Fabri. Đức Urbano VIII đã cách chức cha Ridolfi, dựa theo những lời buộc tội của các tu sĩ muốn truất phế ngài đã nêu lên tại một hội nghị bất hợp pháp được triệu tập tại Gênes năm 1642. Sự việc này dẫn đến một cuộc ly khai, một tổng hội phản đối được triệu tập tại Cornegliano gần Gênes, đã bầu hai ngụy-tổng-quyền, trong đó có Michel Mazarin đầy tham vọng, em của hồng y Mazarin, và sau này cũng sẽ nhận mũ đỏ. Đức Urbano VIII, người đã cách chức Ridolfi, tuyên bố hủy bỏ hai tổng hội năm 1643, nhưng lại chấp nhận cách bất thường kết quả cuộc bầu cử trên, và năm sau ngài truất phế cha Ridolfi, chính ngài cùng các hồng y con cháu khích lệ các đối thủ của Bề trên Tổng quyền, phản đối ngài vì những lý do gia đình. Cha Ridolfi sẽ được người kế vị đức Urbano VIII là đức Innocente X phục hồi danh dự và còn đề cử ngài chủ tọa tổng hội 1650, đảm nhiệm việc bầu cử tổng quyền kế vị cha Thomas Turco (1644-49). Có lẽ ngài sẽ tái đắc cử nếu cái chết không đến với ngài cách bất ngờ.

Các tổng hội và các tỉnh dòng

Các Tổng hội ở thế kỷ XVII đã chu toàn các công việc thường lệ để mưu ích cho dòng, cho các tỉnh dòng, cho việc học hành và kỷ luật tu trì. Đặc biệt tổng hội năm 1605 đã đưa ra hàng loạt những chỉ thị cải tổ. Tổng hội 1611 ở Paris được quan tâm đặc biệt vì những cuộc tranh luận chống “thuyết pháp giáo” , vì sự hiện diện của nữ hoàng Marie de Médicis, nhiếp chính của ấu vương Louis XIII, cùng với một đại sứ đức thánh cha và các quan chức của triều đình.

Nhiều lần trong thế kỷ này, các tổng hội phải nại đến sự thống nhất của Dòng để tránh việc bổ nhiệm vị tổng đại diện cho các tỉnh dòng ở Ấn Độ và việc du nhập trang phục và các nghi lễ mới. Bất chấp những nỗ lực này, mũ nhọn và mũ trùm đầu vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến thế kỷ XIX. Để phân biệt với các tu sĩ khất thực khác thường để đầu trần hoặc đội mũ chóp, các tu sĩ Đa Minh bắt đầu mang mũ Roma ở nơi công cộng.

Những sửa đổi về việc quản trị tỉnh dòng được Tổng hội 1629 đề ra. Theo như sắc lệnh của đức Julio II mới được áp dụng tại Ý,  Dòng đã ấn định nhiệm kỳ của các giám tỉnh là bốn năm, và nhiệm kỳ của bề trên nhà là ba năm. Sự thay đổi này đưa đến việc họp tỉnh hội bầu cử giám tỉnh cũng cách quãng bốn năm. Vào giữa nhiệm kỳ, các nghị phụ được bầu, các tôn sư thần học, và các bề trên sẽ được triệu tập để trao đổi về những vấn đề của tỉnh dòng. Hội nghị mở rộng này không có quyền bỏ phiếu và quyền lập pháp.

Một số tỉnh dòng du nhập những tập quán riêng. Tỉnh dòng Aragon và Carlabre thì chọn giám tỉnh lần lượt từ các miền phụ tỉnh. Các tu sĩ Mêhicô thì bầu chọn luân phiên cứ giữa người bản xứ và người Tây ban nha. Tỉnh dòng này được phân chia thành các miền theo ngôn ngữ nói, thổ ngữ, tiếng Mixtèque hay tiếng Zapotèque.

Từ cuộc cải cách Tin lành đến cách mạng Pháp, sức mạnh của Dòng tập trung tại Ý, Pháp, và Tây Ban Nha. Các tỉnh dòng Pháp phải chịu nhiều cuộc xâm lăng của nước ngoài và các cuộc nội chiến dân sự hoặc tôn giáo suốt thế kỷ XVI. Nhờ việc thành lập các Hiệp hội, các tỉnh dòng được canh tân song song với cuộc đổi mới trong Giáo hội, cùng với việc áp dụng tại Pháp các sắc lệnh của công đông Trentô, các tu sĩ Pháp lúc này đang cần cuộc đổi mới, và họ đã tìm lại được sức sống của mình trong thế kỷ XVII .

Tỉnh dòng Bôhême và tỉnh dòng Hungari vẫn trong tình trạng suy yếu trầm trọng và chỉ có thể phục hồi cách chậm chạp vì những trở ngại do Tin lành và Hồi giáo. Tỉnh dòng Đức đang khởi sự cuộc đổi mới, thì cuộc chiến “Ba Mươi Năm” nổ ra từ 1618 đã làm họ một lần nữa bị suy yếu. Người Hồi-giáo đã xóa sổ tỉnh Dòng Hy lạp vào năm 1669. Dòng tuyên bố giải tán tỉnh dòng Saxe năm 1608 và sát nhập một số nhà của tỉnh dòng này vào tỉnh dòng Đức. Có chín tỉnh dòng mới được lập : các tỉnh dòng Piémont ; Sainte-Catherine ở miền nam Ý ; Paris ; Lituani ; quần đảo Canaries ; Saints Anges tại Mêhico ; tỉnh dòng Saint Louis Pháp ; tỉnh dòng Bỉ và tỉnh dòng thánh Gia Thịnh tại Nga.

Những áp lực chính trị buộc phải phân chia lại ranh giới các tỉnh dòng. Để điều hòa ranh giới tỉnh dòng với ranh giới dân sự, các vua chúa đã thay đổi địa giới một số tỉnh dòng hoặc tập hợp các tu viện thành Hiệp hội (Congrégation) tự trị. Chính Dòng đã thiết lập Hiệp hội Sardaigne từ tỉnh dòng Aragon năm 1690. Do ảnh của nhà Habsbourg, Dòng đã tách cộng đoàn Styrie và Carinthie ra khỏi tỉnh dòng Đức năm 1629. Những cuộc chinh phục của vua Louis XIV dẫn đến việc thành lập tỉnh dòng Bỉ nói tiếng Pháp năm 1680 và Hiệp hội Alsace năm 1690. Đảo Malte có ba tu viện nay trở thành miền phụ tỉnh, khi hòn đảo này chuyển sang tay người Anh.

Ngược lại, Dòng đã giải tán Hiệp hội Silésie năm 1605, đã được thành lập khi nước Balan bị phân chia, và nối bốn tu viện của Hiệp hội này vào tỉnh dòng Balan. Phong trào canh tân trong dòng dẫn đến việc hình thành chín Hiệp hội khác ở Ý, Pháp và Nga.

Nếp sống Đa Minh khác nhau nhiều, giữa mỗi tỉnh dòng hay mỗi Hiệp hội. Các tỉnh dòng phía Bắc nằm trong vùng Tin-lành, phải chịu bất ổn hay được phát triển do các cuộc chiến đầy tham vọng của các ông hoàng. Lòng nhiệt thành của các anh em Đa Minh Pháp đối với cuộc canh tân đã khiến họ khá bất ổn và phân rẽ biểu hiện qua việc phát sinh các Hiệp hội và việc thay đổi ranh giới các tỉnh dòng. Các tỉnh dòng Tây Ban Nha và Ý rất sinh động. Tỉnh dòng Lombardie có tới 2.033 tu sĩ thuộc 63 nhà ; tỉnh dòng Sicile có 800 thành viên vào năm 1573 ; tỉnh dòng Tây Ban Nha với 2.000 tu sĩ ; còn tỉnh dòng Aragon thì có 1.152 tu sĩ trong 53 tu viện. Mười tỉnh dòng tại thuộc địa Tây Ban Nha chỉ có sĩ số trung bình. Tỉnh dòng Saints Anges ở Mêhico được thiết lập năm 1656 có 19 tu viện.

Phong trào cải tổ

Các bề trên Tổng quyền trong thế kỷ XVII đều ủng hộ cuộc cải tổ. Cha Xavierre đã công khai cổ võ tại tổng hội cải tổ Valladolid năm 1605. Cha Secchi, một tu sĩ gương mẫu, đã đích thân cổ võ hoặc qua trung gian các vị phụ tá trong nhiều cuộc kinh lý toàn Dòng. Cha Turco đã ở Pháp từ 1645 đến 1646 nhằm cố gắng dàn xếp những xung đột giữa các tỉnh dòng cải tổ và các Hiệp hội, sau đó ngài sang Tây-ban-nha. Hai trong số những Hiệp hội cải cách ở Pháp đã trở thành tỉnh dòng vào năm 1669 : tỉnh dòng Pháp lấy tên là tỉnh dòng Paris, còn tỉnh dòng Saint Louis hình thành từ một Hiệp hội cùng tên.

Đáp lại chỉ thị của Thánh bộ Roma về đời tu gửi cho tổng hội 1677, tân tổng quyền Monroy và các nghị phụ đã sáng suốt thiết lập những nguyên tắc khôn ngoan, để tái hội nhập yêu cầu đời sống chung tại các tu viện mà nếp sống cá nhân phát triển hơn kém khá sâu xa, cụ thể biểu lộ qua việc chia sẻ của cải, chia sẻ đặc tính đời đan tu cộng đoàn.

Mối bận tâm lâu dài của cuộc cải tổ trong Dòng không những vì sự tồn tại những nhóm không cải tổ luôn né tránh nhiều lần các đòi hỏi của đời tu Đa Minh ; mà còn vì chính nhóm nhiệm nhặt nay cũng bị sa sút. Tổng hội năm 1605 đã trở lại ý kiến của cha Raymundo Capoua yêu cầu mỗi tỉnh Dòng thiết lập một tu viện nhiệm nhặt. Các anh em Đa Minh Pháp đi xa hơn một bước khi thiết lập một tập viện chung tại Paris năm 1629 theo sự gợi ý của cha Ridolfi. Năm 1652, theo một sắc lệnh do đức Innocente X ban hành, tiếc rằng nó không được thực hiện hoàn toàn : ngài đã đề nghị tất cả các Dòng hủy bỏ những tu xá quá nhỏ, vì kinh nghiệm cho thấy tại đây không thể duy trì được các kỷ luật đời tu.

Việc học hành

Dòng Đa Minh đã xem xét lại chương trình học cho thích hợp với các sắc lệnh công đồng Trentô và các huấn thị của tòa thánh. Trong bộ môn thần học, các tổng hội đưa thêm vào môn luân lý thực hành và phân chia các anh em sinh viên thành hai loại : chuyên viên và bình thường (Formels et matériels). Nhóm trước được dự trù lãnh các đẳng cấp cao hơn và chuyên nghiên cứu thánh Thomas.

Một sự kiện quan trọng hơn, đó là các tổng hội suốt thế kỷ đã nhấn mạnh đến việc đào sâu học hỏi Kinh Thánh tại các trung tâm huấn luyện và những tu viện lớn, về việc tuyển lựa các giáo sư Kinh Thánh, yêu cầu bài giảng phải luôn đi sát với Kinh Thánh, nâng thời gian học thần học lên bốn năm, và tổng hội 1694 yêu cầu mỗi tỉnh hạt lập một trường Kinh Thánh.

Mối bận tâm muốn anh em hiểu rõ Lời Chúa đã gợi lên hứng thú đọc văn bản bằng ngôn ngữ nguyên bản. Tổng hội 1608, tổng hội đầu tiên theo chiều hướng này, đã chỉ thị các tỉnh dòng phải chuẩn bị một trường dạy tiếng Hy lạp và Do thái. Năm 1622, tổng hội chỉ thị các tỉnh hạt phải mở các khóa học tiếng Do thái, Hy lạp, Latin, Aram và Ả rập trong các trung tâm triết lý và thần học. Mệnh lệnh này chắc chắn là một điều khó thực hiện, vì không thể tìm đủ những chuyên viên tài giỏi về ngôn ngữ, nhưng cuối cùng cũng phải thừa nhận những thành quả đáng kể trong các tác phẩm của những nhà thông thái. Cha Phanxicô Combefis, đáng là vị tiên phong, đã chuẩn bị những ấn bản về giáo phụ Hy lạp. Cha Giacôbê Goar, trong cuốn Euchologium đến nay vẫn còn giá trị, đã diễn tả chính xác những nghi thức đông phương. Cha Michel le Quien là tác giả cuốn sách quan trọng về “Kitô hữu Đông Phương” trong khi Gioan Micae Vansleb lại cho ra đời bộ từ điển tiếng Ethiopie.

Các tổng hội đã không ngừng nhắc nhớ anh em về sứ vụ đạo lý của dòng và trách nhiệm phải phát triển, duy trì di sản của thánh Thomas. Chính vì thế, người ta xây dựng các trường Bogota năm 1612 và Quito năm 1681. Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi đã thành lập trường đại học Thánh Thomas d’Aquino ở Manilla vào năm 1645. Trước đó một năm tổng hội yêu cầu mọi người cộng tác vào việc xuất bản những tác phẩm của các tôn sư trong dòng. Các tác phẩm của thánh Alberto cả, thánh Thomas d’Aquino và cuốn Chú Giải của cha Phêrô de Tarentaise về bộ sách Sentences đã được ấn hành vào khoảng giữa thế kỷ. Đó chính là thời kỳ của những vị am tường học thuyết Thomas như các cha Thomas Lemos, Gioan de saint Thomas, đã lừng danh về những lời bình luận triết học và thần học, Gioan Tẩy Giả Gonet, Giêrônimô Medici, Vinh Sơn Contenson và Antôn Goudin.

Các chuyên gia Thomas ở thế kỷ XVII đã kế thừa các cuộc tranh luận xưa về “Ơn Vô Nhiễm” và các cuộc tranh luận với thuyết Molina về ân sủng và tự do. Nhiều vấn đề mới đã nảy sinh và tiếp tục kéo dài cho tới thế kỷ XVIII như Jansenisme, thuyết cái nhiên (Probabilisme), về cách giải quyết các trường hợp lương tâm và thuyết Pháp giáo.

Các anh em Đa Minh đã phải chọn con đường hẹp giữa những quan điểm của phái Jansénisme và thuyết cái nhiên của anh em dòng Tên. Họ tranh chấp với cả hai phe phía, mỗi phái đều có đối thủ chống lại họ. Khi thần học gia Thomas trình bày quan điểm về ân sủng, họ giảng dạy có vẻ như người của phái khắc kỷ (Jansénisme). Khi chống thái độ phóng đãng của người theo cái nhiên thuyết, họ có nguy cơ đồng hóa với người theo phái Jansen rất nghiêm ngặt về kỷ luật và bí tích. Trớ trêu là có một tu sĩ Đa Minh Tây Ban Nha, Bartôlômêo Media, đã theo cái nhiên thuyết năm 1577. Nhiều nhà thần học Đa Minh khác cũng theo, đưa đến nhiều lạm dụng, nên tổng hội 1656 phải công khai lên án. Sau hai văn bản kết án của Đức Alexandrô VII, một sắc lệnh của Đức Innocente XI và các tài liệu chính thức khác của Giáo hội lại dựa vào anh em Đa Minh để chống cái nhiên thuyết.

Cuộc tranh luận với thuyết pháp giáo không ảnh hưởng tới Dòng trực tiếp. Tuy nhiên, ý muốn của vua Louis XIV buộc các giáo sư thần học và những ứng sinh phải tôn trọng các khoản của Hiến chương Pháp giáo 1682, quả là một gánh nặng đối với các tu sĩ Đa Minh Pháp. Sau hiệp ước ký kết giữa Giáo hoàng và vua nước Pháp năm 1693, những điều khoản ấy vẫn còn nhưng không còn có tính bắt buộc nữa. Bề trên tổng quyền Rocaberti đã phản ứng khá mạnh với những anh em Đa Minh theo khuynh hướng Pháp giáo. Ngài khiển trách Noel Alexandre một sử gia và cũng là một nhà giáo sử nổi tiếng vì thái độ “anti-roma” của cha ngay trong văn bản bênh vực quyền giáo hoàng. Cha Alexandre không phải là người duy nhất chịu ảnh hưởng của Pháp giáo. Cha Jean-Baptiste Carré chẳng hạn, tỏ ra rất gắn bó với quê hương mình và là thành phần khá cực đoan trong đời sống nhiệm nhặt, đã tuyên thệ vâng phục hồng y Richelieu, một trong những ông tổ thuyết pháp giáo. Tuy nhiên đa số anh em vẫn thuộc về phía bênh vực giáo hoàng.

Dòng đã không thực hiện được chiến tích nào trước phong trào Ánh sáng, phong trào này bắt nguồn từ hệ thống triết học thế kỷ XVII. Thực ra thì đa số các triết gia và thần học gia kinh viện, không giải đáp được các thách đố trí thức của thế kỷ ánh sáng nên khép mình trong các hình thức pháo đài về tư tưởng.

Tuy nhiên, một số tu sĩ Đa Minh cá biệt đã nổi danh qua công tác nghiên cứu thích nghi với thời đại. Cha Thomas Campanella, đã đi trước triết gia Descartes trong chủ trương “hoài nghi phương pháp”, ngài nổi danh vì sư mạnh dạn trong tư duy triết học, thần học và vì bi kịch đời ngài. (1)

Tác phẩm “các chủng loại thảo mộc” của cha Giacôbê Barelier dựa vào những quan sát riêng của cha ở Pháp, Tây Ban Nha và Ý : ngài là một trong những vị tiên phuông của môn thực vật học. Như nhiều người khởi sự thời cận đại, cha Ignatio Dante xuất sắc về nhiều bộ môn. Là kiến trúc sư, toán học gia, nhà vũ trụ và thiên văn, ngài đã viết một số tác phẩm thuộc lãnh vực khoa học. Hồng y Vinh Sơn Maculano là một kỹ sư danh tiếng. Ngài được Đức Urbano VIII đặc cách giữ chức vụ khâm sứ tòa thánh, ngài đã xây dựng các thành lũy ở Malte và gia cố các thành quách ở Rôma.

Thế kỷ XVII cũng là thời kỳ đặc sắc của các sử gia Đa Minh như cha Alphonso Chacon, Gioan de Réchac, Abraham Bzowski, Giacôbê Quétif, Thomas Souèges và Noel Alexandre, đều là những chuyên gia về giáo sử hoặc sử dòng. Theo thỉnh nguyện của cha Chacon, bề trên tổng quyền Xavierre cổ võ việc nghiên cứu lịch sử trong dòng. Cha Marinis, trong nhiệm kỳ của ngài, đã làm phong phú tủ sách văn khố của dòng. Cha Anétif, vừa là sử gia vừa là văn sĩ tài ba, đã khởi sự một công trình vĩ đại viết về “Các văn sĩ dòng thuyết giáo“, lịch sử về các tác giả Đa Minh sẽ được cha Giacôbê Echard đã hoàn tất vào năm 1754. Cha Souèges phổ biến bộ sưu tập về tiểu sử các tu sĩ Đa Minh. Còn cha Noel Alexandre, đã tập hợp trong tác phẩm “Lịch sử giáo hội” tiểu sử của 230 nhân vật quan trọng với ý hướng lịch sử rõ rệt. Một số nữ đan sĩ cũng nghiên cứu lịch sử. Như nữ tu Flammette Frescobaldi ở Florence với cuốn “Niên sử”. Nữ tu Plautina Nelli, đồng hương của chị và nữ tu Violanta de Ceo, người Bồ Đào Nha đã viết về thuật làm thơ. Chúng ta có thể thêm vào đó là cha Diego Ojeda tác giả cuốn “Christiade” năm 1611. Cha Ignatio Nente, một trong những người tiên khởi cổ võ việc sùng kính Thánh Tâm Chúa. [Cũng phải kể thêm các tác giả thần bí Pháp, cha Louis Chardon (+1651) tác giả cuốn “Thập giá Chúa Giêsu”, cha Alexandrô Piny (+1709) và cha Antoninô Massoulié (+1706) ].

Việc giảng thuyết và sứ vụ

Như ở các thế kỷ khác, việc giảng thuyết trong Dòng thời kỳ này không lưu được nhiều bằng chứng. Người ta thấy bằng chứng Dòng vẫn thường xuyên quan tâm đến sứ vụ trong các qui định được Tổng quyền Secchi thiết lập năm 1612, khi tái phát động sứ vụ giảng thuyết, giảm bớt điều kiện để nhiều thừa sai có thể nhận chức tổng giảng sư năm 1644 và 1650, rồi trong việc thụ phong vào năm 1677. Công việc này nhằm trở lại với sứ mạng nguyên thủy của dòng, đã bị lãng quên khi các tu sĩ quá bận tâm với chức vụ, khi các tôn sư và các vị có bằng cấp coi thường việc giảng cho đại chúng. Những quyết định này, cũng may đã không bị quên lãng, đã cổ võ cho sứ vụ đại chúng, thúc đẩy nhiều“tu sĩ nhiệt thành, đạo đức, miệt mài truyền bá đạo lý và nói năng lưu loát”. Thánh Vinh Sơn Phaolô đã trực giác thấy nhu cầu thời đại qua việc lập dòng Lazaristes, phỏng theo đó, một số vị khác đã lập các hiệp hội linh mục như cha Louis Maria Grignon de Montfort, dòng ba Đa Minh và thánh Alphonsô de Liguori.

Ta có thể trưng dẫn nhiều thí dụ về mẫu nhà giảng thuyết Đa Minh thời đó. Tại Venise, cha Xantes Mariales đã công kích mãnh liệt những lạm dụng, đến nỗi bị thị dân giận dữ bao vây và trục xuất khỏi thành phố. Người ta nói ở Bologne, cha Timothê Ricci đã thuyết giảng trước 30.000 người. Ngài cổ võ việc đọc kinh mân côi chung và phổ biến việc đọc kinh mân côi vĩnh viễn : các tín hữu thay phiên nhau lần chuỗi để không bao giờ bị gián đoạn.

Các tu sĩ Đa Minh ở Hà Lan và ở Pháp không ngừng phải đấu tranh với giáo phái Jansen. Các tu sĩ ở Flamand công bố Tin Mừng cho các Nước Tin Lành ở Đan Mạch, ở Holstein và thành phố Hambourg từ năm 1623 đến 1639. Một số chủng sinh Écosse nhập Dòng Đa Minh đã trở về truyền giáo tại quê hương mình. Giám mục Coeffeteau giảng thuyết chống các tín đồ Canvin tại Metz và  Marseille. Từ thế kỷ XVI đến năm 1847, sứ vụ đặc trách việc giảng cho người Do thái ở Rôma được ủy thác cho dòng Đa Minh.

Các thừa sai thuộc Tân thế giới bao gồm các tu sĩ từ Tây Ban Nha hoặc sinh ra tại đó. Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi được thành lập năm 1592, đã tuyển người từ Tây Ban Nha, để huấn luyện rồi gửi đến Phi Luật Tân, Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Các anh em Bồ Đào Nha hoạt động truyền giáo ở Mozambique, Ấn Độ và quần đảo Moluques (Mã Lai). Tỉnh dòng Pêru đã sinh ra ba mẫu gương thánh thiện đặc biệt là các thánh Rôsa Lima, Martinô Porres và Gioan Maisan. Sau năm 1652, các tu sĩ Đa Minh Pháp đổ bộ lên quần đảo Antilles, Guadeloupe và Martinique. Các tu sĩ Ý đã bổ sung nhân sự cho hiệp hội Đông phương, danh xưng mới của anh em du thuyết. Họ nắm giữ các nhà ở Pera, thuộc ngoại ô thành phố Constantinople, ở Smyrna, Crimée và ở Grande Arménie.

Ở Trung Hoa, các tu sĩ Đa Minh gặp rắc rối trong việc tranh luận về nghi lễ Trung Hoa : cuộc tranh luận phát sinh do cách thức cha Matteo Ricci, một trong các thừa sai đầu tiên của Dòng Tên sử dụng. Ngài cho phép người tân tòng tôn thờ tổ tiên và đức Khổng. Việc linh động này của cha Ricci đã bị các tu sĩ Đa Minh, Augustino và một tu sĩ dòng Tên phản đối : cuộc tranh luận đã kéo dài hơn một thế kỷ. Đến thế kỷ XVIII, Tòa thánh cấm sử dụng các nghi lễ Trung Hoa, vì thấy trong bầu khí xã hội Trung hoa bấy giờ, không thể gạt bỏ được những yếu tố mê tín. Do những chuyển biến trong văn hóa Trung hoa, việc cấm đoán này được giáo hội bãi bỏ vào đầu thế kỷ XX .

Trong thế kỷ XVII, dòng đã cống hiến cho Giáo hội 10 Hồng y. Đây cũng là thời kỳ nhiều tu sĩ Đa Minh đã hiến dâng mạng sống vì đức tin. Nhật Bản đã chém đầu chân phước Alphonse Navarette năm 1617. Tại Trung Hoa, chân phước Francois de Capillas đã trở thành vị tử đạo Trung Hoa tiên khởi năm 1649.

Các tu sĩ Đa Minh tại Châu Âu thời này cũng có nhiều hiến tế tử đạo. Nhiều tu sĩ Đa Minh đã hiến tế mạng sống tại Ruthénie trong những năm 1648-49. Trong suốt thế kỷ, các tu sĩ ở Ái Nhĩ Lan, Tô Cách Lan và Anh Quốc đã chịu đựng ngược đãi, lao tù và đôi khi cả cái chết. Tỉnh dòng Ái Nhĩ Lan dâng hiến hơn 100 vị tử đạo và nhiều tu sĩ khác phải lưu đầy. Một số tu sĩ Anh ở lâu năm trong lao tù. Chân phước Robertô Nuther bị treo cổ, bị phân thây và chặt ra từng mảnh ở Lancastre năm 1600. Cha David Joseph Kemeys đã chết trong lao tù Newgate ở Luân Đôn vào năm 1680, còn thánh Patrick Primrose đã phải trả giá bằng mạng sống cho nhiệt huyết mình với đức tin công giáo tại lao tù ở Écosse 1670. Một nhóm tu sĩ Đa Minh Hà Lan, do cha Antôn Temmerman năm 1582, thà chết hơn là tiết lộ bí mật tòa giải tội, đã bị giam, bị trừng phạt và bị trục xuất. Cha P. Steur và Henri đã bị quân lính đánh gục cách dữ dằn.

Trong thế kỷ XVIII, đời sống nội tâm trong Dòng được thêm phong phú nhờ năm tu sĩ Đa Minh được phong thánh, nhờ việc phát hành sách phụng vụ cộng với việc gia tăng lòng sùng kính thánh Đa Minh và thánh Thomas. Tại Roma, tượng thánh Đa Minh được đặt trong Vương cung thánh đường Phêrô. Dòng tôn kính thánh Tổ phụ lập nên tập quán kính 15 ngày thứ ba và đặt bức họa “Vinh quang thánh Đa Minh” của họa sĩ Guido-Reni tại nguyện đường nơi mộ thánh nhân. Các tu sĩ Đa Minh người Bỉ và miền bắc Ý tỏ lòng tôn kính thánh Thomas bằng việc tán dương đức thanh khiết qua hội “giây thánh Thomas”.

***

Cùng khởi sự với thế kỷ XVII, chủ nghĩa ái quốc quá khích – điều không sao loại bỏ hết – đã ảnh hưởng đến đời sống huynh đệ trong Dòng. Điều này có lẽ không thể tránh được khi tu sĩ Đa Minh Pháp, Ý và Tây Ban Nha chiếm ưu thế hơn trong Dòng, và khi các tỉnh dòng vốn được thiết lập trong vùng ranh giới xác định của các vị vua chúa, họ không dung thứ cho các công dân của mình phải vâng phục về tôn giáo hay dân sự với người ngoại bang. Việc trở lại tinh thần liên đới dựa trên nguyên tắc lệ thuộc của những thế kỷ đầu trong Dòng không còn nữa, việc bãi bỏ các đặc quyền theo chức vụ trong Tổng hội 1968, chứng tỏ ý muốn vượt khỏi giới hạn chúng ta thấy ở thế kỷ XVII.

Ghi chú :

(1) Chúng ta cũng phải đề cập đến số mệnh khó tin được của Jordano Bruno là người đi tiên phong. Là thành phần xác tín vào hệ thống Copernic, đã khai mở một hệ thống gần như phiếm thần. Sau vụ kiện cáo lâu dài, ông đã bị kết án là tà thuyết và bị hỏa thiêu tại Rôma năm 1600

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *