Sáng thứ Ba 17/12/2024, Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang đã tổ chức buổi thuyết trình chuyên đề “Thần học bối cảnh” do Lm. Michael Nguyễn Quang, SVD, trình bày; tiếp theo đó là đôi nét về Giáo hội và việc đào tạo chủng sinh tại Papua New Guinea (PNG) do Lm. Thomas Patrick chia sẻ.
Hai cha đang làm việc tại Đại Chủng viện Chúa Chiên Lành (The Good Shepherd Seminary, Fatima – Banz, Tổng Giáo phận Mount Hagen, Papua New Guinea). Good Shepherd Seminary có khoảng 100 chủng sinh Triết học và là 1 trong 3 Đại Chủng viện tại PNG. Ngoài việc giảng dạy, cha Michael là Giám học và cha Thomas là linh hướng của Đại Chủng viện này.
Trong phần thuyết trình của mình, cha Michael Nguyễn Quang tập trung vào khái niệm “thần học bối cảnh” (contextual theology) và cách mà Tin Mừng được hội nhập vào nền văn hóa đặc thù của từng dân tộc. Cha giải thích, thần học là nỗ lực của con người tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, là cuộc đối thoại của Thiên Chúa với con người, diễn ra trong lịch sử cứu độ cũng như trong đời sống cụ thể của từng cộng đồng văn hóa. Thiên Chúa đối thoại qua những nhân vật cụ thể như Adam, Abraham, Môsê, Đức Giêsu và qua các biến cố lịch sử như của dân Do Thái cũng như của mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh.
Cha Michael khẳng định rằng bối cảnh cụ thể đóng vai trò thiết yếu khi đọc và hiểu Kinh Thánh. Dựa trên lời tuyên bố của Stephen Bevans: “Không có cái gọi là thần học thuần túy, mà chỉ có thần học bối cảnh”, cha nhấn mạnh rằng đức tin Kitô giáo cần được diễn tả cách sống động trong bối cảnh lịch sử, văn hóa và đời sống hiện tại của con người.
Để minh họa, cha đã dẫn chứng Tin Mừng Gioan chương 6, nơi Đức Giêsu tuyên bố: “Ta là Bánh Mì Hằng Sống” (Ga 6,35). Với tầm quan trọng của bánh mì trong đời sống người Do Thái, người ta dễ dàng hiểu vì sao Đức Giêsu, một người đàn ông Do Thái, lại có thể tuyên bố một cách mạnh mẽ và đầy xác tín như vậy trước cử tọa tại hội đường Caphácnaum. Trong bối cảnh văn hóa của dân tộc này, bánh mì không chỉ là lương thực thiết yếu nuôi sống thể xác mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự sống, lao động và kiên nhẫn. Với họ, khi bánh mì không còn, mọi thứ khác đều trở nên vô nghĩa, báo hiệu sự khốn cùng và đói khát cận kề. Chính vì thế, hình ảnh Bánh Mì Hằng Sống mà Đức Giêsu sử dụng đã chạm đến tâm thức và thực tế đời sống của người Do Thái, làm cho sứ điệp Tin Mừng trở nên gần gũi và đầy sức thuyết phục.
Từ đó, cha Michael đặt ra câu hỏi: Nếu bánh mì là biểu tượng sống còn trong văn hóa Do Thái, vậy đâu là hình ảnh tương tự trong bối cảnh văn hóa Việt Nam? Trong văn hóa nông nghiệp lúa nước, gạo mới là lương thực chính yếu, giữ vai trò trung tâm trong bữa ăn và đời sống người Việt. Gạo không chỉ nuôi sống thể xác mà còn gắn liền với phong tục, ngôn ngữ, và giao tiếp xã hội.
Dựa trên lời mời gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo hội tại Á châu, 1999), cha Michael đã đề xuất một cách tiếp cận mới mẻ và mang tính hội nhập văn hóa: diễn từ “Bánh Mì Hằng Sống” trong Tin Mừng Gioan có thể được diễn tả trong bối cảnh Việt Nam thành “Đức Giêsu là Cơm Hằng Sống.” Cha nhấn mạnh, đây không phải là sự thay đổi ý nghĩa của Tin Mừng, mà là “khuếch đại truyền giáo” (missiological resonances) – làm cho sứ điệp Tin Mừng trở nên gần gũi, hầu giúp người Việt dễ dàng đón nhận, hiểu rõ và cảm nghiệm lời tuyên bố của Đức Giêsu: “Ai ăn Bánh/Cơm này sẽ không bao giờ đói và sẽ được sống đời đời” (Ga 6,51). Từ đó, Bí tích Thánh Thể cũng có thể được nhìn nhận như “Bữa Cơm Thánh Thể”, nơi Đức Giêsu – “Cơm Hằng Sống” của người Việt Nam và cho người Việt Nam – trở thành lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng linh hồn và mang lại sự sống đời đời.
Kết thúc bài thuyết trình, cha Michael nhấn mạnh rằng việc hội nhập Tin Mừng vào bối cảnh văn hóa cụ thể không chỉ là một đòi hỏi mục vụ, mà còn là cách thức trung thành với chính tinh thần Nhập Thể của Ngôi Lời. Đó cũng là quan điểm của nhiều nhà thần học hiện nay. Louis Luzbetak đã nói: “Tin Mừng phải được rao giảng cho con người tại một thời điểm và địa điểm cụ thể”. Đồng quan điểm, Edgar Javier đề nghị cần thu hẹp khoảng cách giữa các nền văn hóa, để Tin Mừng được đón nhận cách sống động “nơi đây và bây giờ.” Còn Antonio Pernia thì khẳng định, nếu “Ngôi Lời đã dựng lều giữa chúng ta” (Ga 1,14), thì đức tin Kitô giáo cũng cần tìm “một ngôi nhà” trong lòng các nền văn hóa, nơi con người có thể hiểu và tiếp nhận sứ điệp cứu độ.
Bài thuyết trình cùng với chia sẻ những trải nghiệm thực tế của cha về đời truyền giáo cho những người thổ dân Úc Châu đã mang lại nhiều suy tư sâu sắc và mở ra hướng nhìn mới cho các chủng sinh. Hội nhập văn hóa không chỉ là con đường cần thiết để Tin Mừng trở nên sống động, mà còn là lời mời gọi đối thoại và trân trọng giá trị của từng bối cảnh văn hóa cụ thể.
——————-
Tiếp nối buổi thuyết trình chuyên đề “Thần học bối cảnh”, Cha Thomas Patrick, người con của đất nước Papua New Guinea đã chia sẻ đôi nét về hành trình rao giảng Tin Mừng và sức sống của Giáo hội Công giáo tại đảo quốc xinh đẹp này.
Cha Thomas mở đầu bằng việc giới thiệu bối cảnh đặc thù của Papua New Guinea, một quốc gia quần đảo ở châu Đại Dương bên bờ Thái Bình Dương, được độc lập từ năm 1975, với khoảng 10 triệu dân trong đó có hàng trăm nhóm sắc tộc bản xứ và hơn 800 ngôn ngữ bản địa. Quốc gia này có cảnh quan thiên nhiên phong phú và đa dạng. Kitô giáo chiếm phần lớn dân số (96%), chủ yếu thuộc các hệ phái Tin Lành và các Giáo hội Kitô khác, riêng Công giáo chiếm khoảng 30%. Giáo hội Công giáo hiện có 4 tổng giáo phận và 15 giáo phận.
Lịch sử truyền giáo đầy gian nan của các thừa sai phương Tây chính thức khởi đầu vào năm 1885 tại các vùng ven biển của Papua New Guinea. Đến năm 1896, các thừa sai Dòng Ngôi Lời (SVD) tiếp tục đặt nền móng cho việc loan báo Tin Mừng tại đây. Tuy nhiên, do sự khác biệt văn hóa và nhiều thách thức khắc nghiệt, nhiều nhà truyền giáo ngoại quốc cũng như giáo dân PNG đã hy sinh mạng sống vì sứ vụ, trong đó có Chân phước Peter To Rot (1912-1945, là giáo lý viên và được phong chân phước năm 1995). Dẫu vậy, nhờ lòng kiên trì và nhiệt huyết, các ngài đã thành công biến đổi tập tục niềm tin của thổ dân, đưa họ đến với Giáo hội.
Từ các miền truyền giáo ven biển của đảo quốc này, năm 1934 Tin Mừng đã lan tỏa lên vùng cao nguyên Mount Hagen là nơi cha Thomas đang làm việc. Giáo hội PNG vẫn còn non trẻ nhưng rất sinh động và đầy sức sống. Cha nói: “Thánh lễ ngày thường và Chúa Nhật luôn rộn ràng, thanh niên, thiếu nhi, người già, tất cả đều bỏ công việc để đến nhà thờ như một nét văn hóa của người Papua New Guinea.”
Cha chia sẻ thêm: “Ở Đại Chủng Viện Chúa Chiên Lành của chúng tôi, giờ giấc sinh hoạt có khác, nhưng tinh thần dấn thân cho Chúa vẫn mãnh liệt như những gì tôi thấy ở ĐCV Sao Biển này. Nhiều bạn trẻ PNG sẵn sàng bỏ lại mọi thứ sau lưng để bước theo Đức Giêsu, dù là trong đời sống dòng tu hay linh mục giáo phận.”
Bên cạnh đó, cha cũng cho biết những thách thức lớn mà Giáo hội PNG và công cuộc đào tạo linh mục đang phải đối mặt trong thời đại ngày nay. Cha đề cập đến sự tác động mạnh mẽ của “làng toàn cầu” và bối cảnh đa văn hóa, gây ra nhiều xung đột sắc tộc và niềm tin. Thêm vào đó, những cám dỗ về tiền bạc, quyền lực và sắc dục trong đời sống linh mục và tu sĩ cũng là những thách đố không nhỏ. Cha còn bày tỏ mối lo ngại về tình trạng sao lãng học hành và đời sống thiêng liêng nơi các chủng sinh, do những ảnh hưởng tiêu cực từ thời đại số hóa.
Dẫu vậy, Cha Thomas nhấn mạnh rằng Giáo hội Papua New Guinea vẫn trung thành với lời dạy của Kinh Thánh, Truyền thống và Huấn quyền sống động của Giáo hội Rôma. Các nhà lãnh đạo Giáo hội tại PNG, giống như tại Việt Nam, thường xuyên họp bàn và tìm kiếm các phương thức hiệu quả để bảo vệ và phát triển niềm tin Kitô giáo tại các giáo phận, làng mạc và cộng đoàn địa phương.
Cha Thomas đặc biệt chú tâm đến việc giáo dục và mục vụ thiếu nhi: “Tôi chuyên trách chăm sóc trẻ em trong địa phận và tiếp tục bồi dưỡng giáo dân để cùng tham gia vào sứ vụ này. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là giáo dục và đào tạo các em trở thành những Kitô hữu vững vàng cho tương lai của Giáo hội Papua New Guinea.” Cha cũng thiết lập các chương trình sống, học hành và mục vụ để hỗ trợ trẻ em toàn diện.
Kết thúc phần chia sẻ, cha Thomas bày tỏ niềm vui khi nhìn lại hành trình 10 năm linh mục (13/12/2024). Cha cảm tạ Chúa vì đã được dấn thân trong sứ vụ đầy ý nghĩa này, đồng thời gửi lời mời gọi các tham dự viên cầu nguyện cho Giáo hội non trẻ của Papua New Guinea, để Tin Mừng tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ và đức tin Kitô giáo được vững bền nơi vùng đất đặc biệt này.
Bầu khí buổi thuyết trình càng thêm sôi nổi với những câu hỏi thú vị từ quý cha giáo và các chủng sinh. Các câu hỏi được đặt ra xoay quanh sự phát triển của Giáo hội Papua New Guinea, đặc biệt là về số lượng tín hữu, hàng giáo phẩm và đời sống chủng sinh. Một mối quan tâm lớn khác là tương quan giữa thần học bối cảnh và sứ vụ truyền giáo, cách riêng cho Giáo hội Việt Nam. Bên cạnh đó, một câu hỏi nêu lên gợi ý từ Tự sắc Ad Theologiam Promovendam (2023), khi Đức Phanxicô nhấn mạnh thần học cần khởi đi từ thực tại cụ thể của đời sống con người. Từ đây, thuyết trình viên đã đặt ngược lại một câu hỏi đầy suy tư: Vì sao tại Việt Nam hôm nay, nơi người Công giáo chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn, Tin mừng Đức Kitô vẫn còn xa lạ như một “món hàng” chưa thật sự hấp dẫn dù đã hiện diện suốt 500 năm qua? Thuyết trình viên tiếp tục nhấn mạnh rằng việc hội nhập niềm tin vào bối cảnh văn hóa bản địa là điều tối cần thiết để Kitô giáo trở nên sống động và gần gũi hơn với con người Việt Nam hôm nay.
Cuối cùng, việc áp dụng thần học bối cảnh trong giảng dạy thần học tại các đại chủng viện cũng được đưa ra thảo luận. Thuyết trình viên cho rằng có thể giới thiệu sơ lược về cách tiếp cận của thần học bối cảnh trong chương trình giảng dạy để giúp sứ điệp Tin Mừng trở nên gần gũi và sống động hơn. Về phần mình, Cha Giám đốc Đại Chủng viện Sao Biển lưu ý rằng việc đào tạo, giảng dạy cần trân trọng di sản truyền thống thần học, lắng nghe sự hướng dẫn của Huấn quyền Giáo hội, đồng thời cũng cần trang bị cho các linh mục tương lai khả năng thích ứng trước những hoàn cảnh địa phương và thách đố trong sứ vụ hôm nay. Sự tương tác giữa các thuyết trình viên, chủng sinh và cha giáo đã tạo nên một bầu khí trao đổi sôi nổi và cởi mở. Đây chính là sự cân bằng cần thiết để việc học thần học tại đại chủng viện vừa mang tính cập nhật, vừa giữ được chiều sâu và sự bền vững của đức tin Công giáo.
Kết thúc buổi chia sẻ, quý cha giáo và các chủng sinh bày tỏ lòng tri ân đến hai diễn giả. Những chia sẻ sâu sắc và thực tiễn của cha Michael Nguyễn Quang và cha Thomas Patrick không chỉ mở ra góc nhìn mới mẻ về thần học bối cảnh, mà còn khơi dậy lòng nhiệt huyết trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Buổi thuyết trình để lại nhiều ấn tượng đẹp và trở thành nguồn cảm hứng quý báu cho hành trình dấn thân trong tương lai của các chủng sinh.
———————-
Ban Văn hoá-Truyền thông ĐCV Sao Biển Nha Trang.
https://www.stellamaris.edu.vn/