Cô gái đau buồn này đã chứng kiến cảnh cha mình đi từ luyện ngục lên thiên đàng

1. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý cử hành Kinh chiều tại Pantheon trong cuộc hành hương Thánh lễ Latinh Truyền thống

Người đứng đầu Hội đồng Giám mục Ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, đã chủ tọa các Giờ Kinh chiều vào hôm Thứ Sáu cho một cuộc hành hương Thánh lễ Latinh Truyền thống hàng năm tại Rôma.

Cuộc hành hương Rôma ba ngày được đặt tên theo tông thư Summorum Pontificum năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI, thừa nhận quyền của các linh mục được dâng Thánh lễ theo Sách lễ Rôma năm 1962.

Đức Hồng Y Zuppi đã chủ sự các giờ kinh chiều ngày 28 tháng 10 tại Vương cung thánh đường Đức Maria Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, hay còn được gọi là Pantheon.

Vị Hồng Y người Ý, một cộng tác viên lâu năm của Cộng đồng Sant’Egidio Công Giáo, đã đảm nhận vai trò lãnh đạo Hội đồng Giám mục Ý vào tháng Năm. Ngài là tổng giám mục của Bologna từ năm 2015.

Sau khi Tự Sắc Traditionis Custodes của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được công bố vào năm 2021, Đức Hồng Y Zuppi là một trong những giám mục đầu tiên ban hành sắc lệnh trong giáo phận của mình, cho phép tiếp tục cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống tại giáo xứ nơi hình thức thánh lễ này đã được tổ chức từ năm 2007.

Đây là năm thứ 11 People of Summorum Pontificum hay Dân Summorum Pontificum tổ cuộc hành hương Thánh lễ Latinh Truyền thống. Theo trang web của mình, cuộc hành hương này mang đến cho mọi người đang “ad Petri Sedem” nghĩa là “đến gặp Thánh Phêrô” một cơ hội để đưa ra “bằng chứng về sự gắn bó ràng buộc nhiều tín hữu trên toàn thế giới với phụng vụ truyền thống”.

Vào sáng ngày 29 tháng 10, những người hành hương đã tham gia vào giờ chầu thánh thể tại Vương cung thánh đường Thánh Celso và Giuliano, một giáo xứ được giám sát bởi Viện Linh mục Chúa Kitô Vua, một tu hội đời sống tông đồ với trọng tâm là Thánh lễ Latinh truyền thống.

Sau đó, những người tham gia đoàn rước trên quãng đường nửa dặm từ Đền Thờ Thánh Phêrô, nơi cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống tại Bàn thờ Ngai Tòa bởi Đức ông Marco Agostini, một trong những người lo về các nghi lễ của Đức Giáo Hoàng.

Cuộc hành hương đã kết thúc vào ngày 30 tháng 10 với một Thánh lễ Đại Trào tôn vinh Chúa Kitô Vua, được cử hành vào Chúa nhật cuối cùng của tháng 10 theo lịch phụng vụ trước Công đồng Vatican II.

Thánh lễ tại Nhà thờ Ba Ngôi Chí Thánh của những người hành hương sẽ được tổ chức bởi Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô, gọi tắt là FSSP, một tu hội đời sống tông đồ chuyên cử hành nghi thức Rôma theo các sách phụng vụ có hiệu lực vào năm 1962.

FSSP đã xuất bản vào tháng 2 một sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng xác nhận các linh mục của họ có thể các thánh lễ Tiền Công Đông như một ngoại lệ đối với Tự Sắc Traditionis Custodes năm 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thánh lễ này do Đức Ông Patrick Descourtieux, một viên chức của Bộ Giáo lý Đức tin, chủ tế.


Source:Catholic News Agency

2. Các trường học Kitô tại Israel ngày càng gặp khó khăn về tài chánh: từ 10 năm nay, các chính phủ liên tiếp tại nước này liên tục cắt giảm tài trợ.

Trong số các trường đó, có 5 trường Công Giáo thuộc Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem, với khoảng 4.000 học sinh, và 400 nhân viên giảng huấn và hành chánh.

Cha Elia Kurzum, Giám đốc học vụ thuộc Tòa Thượng phụ cho biết các trường Công Giáo này bắt đầu được thành lập từ năm 1847 và vì thế, đó là những trường kỳ cựu nhất tại Israel. Vấn đề là từ 10 năm nay chính quyền Israel cắt giảm nhiều tài trợ, vì nhiều lý do mà đối với phía Công Giáo không được rõ ràng. Cha Kurzum nói: “Chúng tôi luôn đề nghị một chương trình giáo dục cao hơn chương trình căn bản, dầu vậy, những tài trợ không tương ứng với mức độ. Tất cả các trường học Kitô tại Israel đều bị thiệt thòi. Tổng cộng có tới 64 trường với tổng cộng gần 40.000 học sinh.”

Một thông cáo hồi năm 2016 của Bộ giáo dục Israel xếp các trường Kitô vào hàng những trường tốt nhất nước, nhưng rồi chính bộ này cắt giảm tài trợ. Theo cha Kurzum, “có một chính sách đằng sau những quyết định đó”.

Mặc dù bị cắt giảm tài trợ, các trường học của Tòa Thượng phụ vẫn duy trì đường hướng đặc biệt quan tâm đến các gia đình gặp khó khăn, cho các học sinh thuộc các gia đình nghèo, không thể trả học phí, được theo học miễn phí. Cha Kurzum cho biết: “Chúng tôi đón nhận tất cả những học sinh đến xin học tại các trường của chúng tôi, bất luận các em thuộc tôn giáo nào, và chúng tôi cố gắng giúp đỡ các em trong học trình. Tại các trường Công Giáo, chúng tôi đón nhận mọi người, các học sinh Kitô, Hồi giáo, đạo Bahai. Một trong những đối tượng các trường Công Giáo nhắm tới là làm sao để các em xuất thân từ các trường này trở thành những người tìm kiếm hòa bình, những người trẻ cố gắng kiến tạo những con đường hòa bình, trong bối cảnh khó khăn với những chia rẽ, xung đột. Tại các trường này, các học sinh Kitô quen biết các bạn đồng môn người Hồi giáo hoặc người Druzes, những thành kiến có thể bị xóa bỏ. Như thế, các em không còn là kẻ thù của những người mà các em quen biết. Các em được những người bạn cùng nhau nhìn về một hướng”.

3. Cô gái đau buồn này đã chứng kiến cảnh cha mình đi từ luyện ngục lên thiên đàng

Philip Kosloski của tờ Aleteia có một bài viết nhan đề “This grieving girl witnessed her father travel from purgatory to heaven” nghĩa là “Cô gái than khóc cha được chứng kiến cha mình từ luyện ngục lên thiên đàng”. Câu chuyện thật là đánh động vì lòng hiếu thảo của một cô gái trẻ, và đặc biệt hơn nó nhắc nhở chúng ta những lời cầu nguyện và thánh lễ thật hữu ích dường nào để cứu các linh hồn trong luyện ngục. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Vào thế kỷ 17, một cô gái trẻ đau buồn vì cha mới qua đời đã đến gặp cha Millán de Mirando là bề trên tu viện Đức Mẹ núi Montserrat của dòng Biển Đức. Cô năn nỉ cha xin ngài dâng ba thánh lễ cho người cha quá cố của mình.

Cô gái trẻ hoàn toàn tin rằng những thánh lễ sẽ giúp cha cô sớm đến được thiên đàng, giải phóng ông khỏi những đau khổ của luyện ngục. Xúc động bởi niềm tin của cô gái, cha bề trên dâng Thánh Lễ đầu tiên vào ngày hôm sau.

Trong Thánh Lễ khi đang quỳ gối và ngước nhìn bàn thờ, cô gái trẻ đột nhiên thấy cha cô đang đứng gần bàn thờ nơi vị linh mục đang dâng lễ. Cô hét lên khi thấy cha cô đang “quỳ, và bị bao bọc bởi ngọn lửa đáng sợ”. Nhà thờ có những bậc để bước lên cung thánh, và cha cô đang phủ phục ở bậc thấp nhất của những bậc ấy.

Trước phản ứng của cô, cha bề trên đã yêu cầu cô đặt một mảnh giấy nơi cha cô đang quỳ. Mảnh giấy ngay lập tức bắt đầu bốc cháy cho mọi người thấy, mặc dù vị linh mục và cộng đoàn không được nhìn thấy cha của đứa trẻ. Trước sự kiện này, cha bề trên và cộng đoàn rất tin tưởng nên ngày sau đó, nhà thờ đầy chật người đến dâng Thánh lễ thứ hai cho người cha quá cố của cô.

Trong thánh lễ này, cô gái trẻ lại được thấy linh hồn của cha cô một lần nữa. Lần này ông bước lên đứng cạnh thầy phó tế và đã được “mặc một bộ quần áo rực rỡ.” Lúc này cha cô vẫn còn trong luyện ngục, nhưng cô không còn thấy những ngọn lửa nữa.

Trong Thánh Lễ thứ ba, cô gái thấy cha mình lần cuối cùng. Khi Thánh lễ vẫn đang diễn ra trên bàn thờ cô thấy ông đã được biến đổi và được “mặc một bộ đồ trắng như tuyết”. Sau khi kết thúc thánh lễ một điều ngoại thường đã xảy ra. Cô bé kêu lên, “Cha tôi đang xa dần và bay vào bầu trời!” Cô không còn phải lo lắng về linh hồn của cha cô nữa vì cô biết một cách xác tín rằng ông đã được đưa đến cửa thiên đàng.


Source:Aleteia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *