Cửa hàng ‘cứ mang về xài không cần trả tiền’

Ở một góc ngã tư thị trấn biên giới Tri Tôn (tỉnh An Giang), có một cửa hàng tuy khai trương không lâu nhưng rất được nhiều người gần xa biết tới, đó là “cửa hàng không đồng”.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Vân (trái) niềm nở tiếp đón khách hàng, dù họ không phải trả tiền – Ảnh: Tiến Trình

Hàng hóa chỉ để cho

Cửa hàng rộng chưa quá 20m2 nhưng lại có đủ các nhãn hàng thời trang, trăm thứ của quen của lạ. Từ quần áo từ những xí nghiệp may xuất khẩu của Việt Nam, đến những thương hiệu nổi tiếng thế giới; từ những đồ đạc lao động cho đến những món hàng mà những người khá giả cũng động lòng.

Có những món hàng đã cũ, nhưng cũng có những món mới tinh… được chắt chiu 
từ khắp nơi gửi về.

Nhiều khách vào cửa hàng không chú ý bảng hiệu, khi hỏi giá thì được nhân viên ở đây bảo: “Cứ mang về xài, không cần phải trả tiền”.

“Chẳng cần biết gia cảnh bạn thế nào, mọi thứ ở đây đều là của bạn, nếu bạn thích” – chị chủ cửa hàng nở nụ cười tươi chào hàng.

Khách đến nườm nượp. Nhưng hầu hết họ chỉ lựa cho mình chiếc áo, đôi giày, cái nồi… đủ cho nhu cầu của mình. Giống như những món đồ ở cửa hàng này là của họ. Cần gì họ cứ lấy. Không tham.

Câu chuyện của cửa hàng không đồng ở thị trấn biên giới này nhanh miệng được đồn xa. Nhiều người lo rằng ở nơi còn quá nhiều người thiếu thốn, cũng là nơi tạm dừng chân của những người tứ xứ, cửa hàng này chẳng sớm thì muộn sẽ là mục tiêu của nạn… hôi của.

Thế nhưng sau gần bốn tháng mở cửa, từ sáng đến chiều, cửa hàng đã giúp cho hàng ngàn lượt người dân đến đây có được đồ dùng cần thiết, vậy mà hàng hóa luôn luôn đầy ắp.

Chị Nén Sóc Tha (38 tuổi) làm nghề luộc chuối, luộc khoai mì bán ven đường cho khách thập phương. Mục tiêu của chị hằng ngày là kiếm gạo đủ no cái bụng. Ăn ngon, mặc đẹp là thứ gì đó mà những phụ nữ tần tảo như chị “không thèm quan tâm”.

Thế mà ba tháng nay chồng, con chị cũng được khoác quần áo tươm tất không thua gia đình những anh lái gạo, lái dừa… Tất cả có được từ cửa hàng không đồng.

Tha nói cửa hàng này đã “trang bị” cho cả xóm của chị. Nhờ vậy mà chị em không còn ngại mặc áo mới. Có người còn mang về cả tivi, xe đạp, nồi niêu… Tất cả đều không phải trả tiền.

Họ cũng chẳng phải xin xỏ. Chỉ đơn giản, một ngày khác, khi cuộc sống tốt hơn, họ sẽ mang trở lại đây những thứ mình cần cho, cũng như đã từng nhận những thứ 
cần nhận hôm nay.

Cửa hàng không đồng – thừa thì cho – thiếu thì nhận – ở thị trấn Tri Tôn (tỉnh An Giang) – Ảnh: Tiến Trình

Cửa hàng tình người

“Khách tới đây từ khắp nơi. Vui lắm!” – chị Nguyễn Thị Tuyết Vân (44 tuổi, cửa hàng trưởng) cho biết.

Trước đây chị có mở điểm nhận và phát hàng hóa ở công viên Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) với tên cửa hiệu là “Cho đi và nhận lại”. Nghĩa là ai có thứ gì, đồ mới hay đồ cũ còn sử dụng được có nhu cầu muốn cho thì ở đây chị sẽ tiếp nhận, giống như một hình thức ký gửi.

Những thứ đó sẽ được trưng bày như hàng hóa để khách đến nếu thích thì cứ mang về dùng mà 
không cần trả tiền.

Tình cờ ông Men Pholly, bí thư Huyện ủy Tri Tôn, lên mạng xã hội đọc thấy chuyện của cửa hiệu “Cho đi và nhận lại” của chị Vân nên đã đề nghị chị giúp tổ chức một điểm tương tự ở Tri Tôn. Ông Pholly hứa sẽ là người đóng góp đầu tiên cho cửa hàng.

“Cửa hàng không đồng” này nằm dưới sự quản lý của Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo của huyện Tri Tôn. Rất nhiều người đến đây làm việc không công cho cửa hiệu, từ việc giao nhận hàng các nơi gửi về, phân loại hàng hóa, giặt giũ, phục vụ khách…

Chị Vân giải thích kỳ thực đây là điểm nhận và cho không hàng hóa. Nhưng sở dĩ những người sáng lập đặt tên “Cửa hàng không đồng” là để những người đến đây nhận hàng có được tâm lý họ là khách hàng, họ cũng được phục vụ mặc dù họ không phải 
là người trả tiền.

Chị Vân nói danh sách những người cần cho nhiều không kể hết. Phần lớn họ gửi đến nhưng không nói tên.

Như sáng nay, vừa mở cửa hàng thì chị Vân đã thấy chình ình năm bao tải đầy ắp hàng hóa. Trên kiện hàng chỉ ghi là hàng ủng hộ chứ không ghi tên người cho là ai.

Thường xuyên có những chuyến xe giao hàng đến cửa hàng, nhưng hỏi ai gửi thì tài xế lắc đầu, nói chủ nhân hàng hóa không cho nói tên… Từ những tấm lòng đó, sự sẻ chia đã được nối tiếp.

Báo Tuổi Trẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *