Sau hàng loạt động thái có tính chiến tranh ngoại giao giữa Nga và các nước Âu châu cũng như giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ trong mối quan hệ ngoại giao xám xịt, và quan hệ thương mại có phần u ám mà cộng đồng các nước châu Âu, châu Mỹ đã nhắm vào Trung Quốc trong mấy tuần qua. Điều này gây câu hỏi tò mò: Liệu có cuộc chiến tranh nào xảy ra? Và nếu có chiến tranh thì Việt Nam ra sao?
Có vẻ như câu hỏi này cực kì ngớ ngẩn, bởi với Việt Nam, có chiến tranh hay không có chiến tranh thì suốt nửa thế kỉ nay, thậm chí gần một thế kỉ nay, cuộc chiến tâm hồn người Việt đã lấy đi quá nhiều sinh mạng văn hóa và tiêu trừ, tận diệt căn tính của người Việt. Đụng đến khái niệm “căn tính” lại có vẻ chữ nghĩa. Nhưng thực tế, cuộc chiến tâm hồn đã giết rất nhiều thế hệ Việt Nam. Và giả sử có một cuộc chiến tranh thế giới hay cuộc chiến tranh khu vực xảy ra, thì điều đó không đáng kể so với cuộc chiến tâm hồn.
Hãy nhìn lại hành trình tâm hồn của người Việt sau gần nửa thế kỉ. Đó là chia lìa, mất mát, anh em, cha con, vợ chồng phải lênh đênh trên biển sau những năm tháng dài làm phận thuyền nhân, tứ tán. Những người ở lại thì cúi mặt mà sống qua ngày, ngay cả kẻ thắng cuộc, hãnh tiến cũng chẳng ngóc đầu lên nổi bởi thứ chủ nghĩa cào bằng, phân phát từng miếng ăn và cái đói, nỗi bất hạnh chính trị vì miếng ăn cứ như một tai họa luôn rập rình, treo trên đầu…
Để rồi, khi cái ăn, cái mặc, sự ở tạm ổn, một người cha sẵn sàng để người khác quay phim, bỏ lên mạng xã hội hình ảnh ông vừa nhai cơm, vừa nhoàm nhàm nói (với đứa con gái bên kia đại dương) rằng “không có tiền thì đừng về, đã là Việt Kiều thì về quê phải có tiền, phải cho họ hàng, cha mẹ, về không thì về làm gì, về báo hại à!…”. (trích nguyên văn). Cách nói chẳng còn chút tình cảm hay tình người nào của người cha do đâu mà có?
Trường hợp khác, người cha ngồi kể với con gái và con rể của ông ta (giọng kể đầy hàm ý rằng) nhà bên cạnh có phước, có cô con gái đi làm gái bên Singapore gởi tiền về cho cha mẹ xây nhà, rồi sau đó cô con gái này lấy được anh Tây nên được qua Tây làm dâu, có nhiều tiền để gởi về cha mẹ xây nhà thờ ông bà… Nôm na là cả dòng họ được nhờ vả cô gái kia! Câu chuyện cũng ngầm chứa lời trách cứ của người cha với con gái của ông, bởi trước đây ông từng khuyên con gái ông lấy một ông Hàn Quốc già mà giàu có nhưng cô con gái không nghe theo và quyết theo đuổi tình cảm để xây dựng gia đình. Cô vẫn báo hiếu nhưng không dư dả để cho cha mẹ xây nhà, xây nhà thờ như cô “dâu tây” kia… Vì sao nên nỗi?
Câu chuyện thứ ba, cũng tựa như câu chuyện thứ hai, là một ông cha, đang là cán bộ cấp phường, có ba đứa con gái, cho đi hớt tóc thanh nữ ở Sài Gòn rặt ba đứa, làm được bao nhiêu tiền chúng gởi về cho ông ta xây nhà, cái nhà ông ta thuộc hạng khủng nhất nhì trong phường. Và sau đó ông tiếp tục lấy tiền chúng gởi về để xây nhà thờ họ…
Cả hai trường hợp này, đều liên quan đến mồ hôi, nước mắt của các cô bán thân kiếm tiền báo hiếu cha mẹ và tiền xây nhà, xây nhà thờ họ đều liên quan đến mồ hôi bán thân của các cô. Nhưng kinh khủng nhất là người ta vẫn tự hào, vẫn hãnh diện vì cái nhà thờ to, cái nhà hoành tráng. Người ta quên mất nguồn gốc của đồng tiền để xây nên!
Và có bao nhiêu cái nhà thờ họ, nhà thờ tộc ở Việt Nam được xây từ những đồng tiền nếu không bán thân thì cũng bán danh dự, bán lương tri? Có lẽ con số đếm không xuể! Bởi hầu hết nhà thờ hoành tráng, to lớn, vĩ đại đều hoặc là tiền của giới quan chức Cộng sản mang về xây, hoặc là tiền bán trôn nuôi dòng họ của các cô gái thập thành thập quốc, hoặc là tiền chắt chiu, ki cóp từng đồng của người Việt hải ngoại gửi về xây dựng. Nhưng số nhà thờ được xây bằng tiền chắt chiu của người Việt hải ngoại thấp hơn rất nhiều lần so với số được xây bằng tiền quan chức và tiền bán trôn của gái thập thành thập quốc.
Như vậy, suy cho cùng thì tiền xây nhà, tiền để khoe mẽ thiên hạ, tiền để gọi là củng cố thế lực, sức mạnh dòng tộc thông qua việc xây dựng nhà thờ họ tại Việt Nam, đa phần là những đồng tiền bẩn, những đồng tiền bất chấp danh dự và bất chấp lương tri! Thử hỏi, giềng mối lớn nhất trong quan hệ của người Việt nằm ở yếu tố dòng tộc, giống nòi. Nhưng với cách xây dựng giềng mối như đang thấy thì liệu cái sức mạnh dòng tộc hay tình yêu quê hương gì đó nó có thật hay không?
Vì sao nên nỗi? Có lẽ phải xét đến thế hệ làm cha làm mẹ trước. Tại Việt Nam, hầu hết kinh sách từ Khổng Nho cho đến các sách tôn giáo đều dạy người ta cách làm con nhưng tuyệt nhiên không có cuốn sách nào dạy làm cha làm mẹ. Và việc bóc lột sức lao động của con cái, đặc biệt là con gái trong gia đình có vẻ như là chuyện đương nhiên của đại bộ phận người Việt.
Nhưng vấn đề mấu chốt cũng không nằm ở những cuốn sách dạy làm con nhiều hơn những cuốn sách dạy làm cha làm mẹ hay là những cuốn sách dạy làm cha làm mẹ không có. Bởi yêu thương thuộc về bản năng nhiều hơn lý trí, con khỉ, con bò, con gà, con chó, nhìn chung vạn vật thương con của chúng không nhờ cuốn sách nào cả. Mà đôi khi chính cái xã hội đầy lý thuyết này đã dạy con người trở nên máu lạnh và man rợ hơn. Nhưng cái xã hội nào đã dạy con người Việt Nam tốt đến độ tâm hồn tổn thương dai dẳng và người ta sống trong cuộc chiến tâm hồn mà không nhìn ra?
Có lẽ, cái chủ thuyết lấy vật dục làm kim chỉ Nam của chủ nghĩa Cộng sản đến sau khi giai cấp phong kiến (một giai cấp cũng đen tối và tham lam, ích kỉ vô độ) lụi tàn. Điều này khiến cho nhiều ông, nhiều bà có truyền thống năm đời, bảy đời cắt cỏ chăn trâu bỗng dưng trở thành “ông quyền thế” hoặc có quan hệ dây mơ rễ má với “cách mạng” với cái danh xưng “người có công cách mạng”. Tất cả điều đó như là một bước lên mây, người ta tha hồ tung hê, tha hồ móc ngoặc, tha hồ thể hiện quyền uy và vơ vét…
Và người dân thấp cổ bé miệng, cho dù sống lênh đênh nơi xứ tự do hay sống ngay trong lòng chế độ, sống cùng kẻ thắng cuộc… thì thân phận của họ cũng chẳng có gì thay đổi ngoài bất hạnh và đau khổ. Và kinh nghiệm mấy chục năm sống trong lòng chế độ đã dạy cho họ rằng chỉ có tiền, tiền mang đến vị thế xã hội cho dù đó là tiền bẩn, tiền bán danh dự và lương tri. Bằng chứng là những quan tham luôn sống chễm chệ, người thanh liêm bị xem là ngu si, đần độn.
Lương tri chảy máu, lòng lân mẫn bị tổn thương, tâm hồn con người thụ động bước vào cuộc chiến một mất một còn với vật dục. Và vật dục đã thắng thế, nó nhanh chóng đẩy tâm hồn, đẩy lòng yêu thương, tính tự trọng và danh dự làm người vào chỗ hố rác chế độ. Con người nhanh chóng băng hoại, tâm hồn mục ruỗng một sớm một chiều trong cuộc chiến này.
Bây giờ, giả sử có chiến tranh thế giới hay chiến tranh khu vực xảy ra thì nghĩa lý gì nữa một khi cuộc chiến tâm hồn đã đến hồi kết, tâm hồn không còn chỗ đứng trên đất nước này. Và vô cảm, và máu lạnh, và đội trên đạp dưới, và đạp lên danh dự, lương tri để hưởng lạ… và… có hàng triệu cái và nữa mà chẳng có chỗ cho tâm hồn con người sống sót. Liệu đất nước này sẽ ra sao nếu có chiến tranh?
Không, đáng sợ nhất lúc này là chiến tranh súng đạn không xảy ra, con người không có cơ hội phục chế lòng yêu thương, và con người tiếp tục sống trong cuộc chiến rách nát của tâm hồn!
Viết Từ Sài Gòn