Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan. An tử và trợ tử

1. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk lên tiếng về những mồ chôn tập thể ở Izium

Trong bài phát biểu của mình hôm Chúa Nhật 18 tháng 9, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã nói về tình hình ở Ukraine. Ngài nhấn mạnh rằng với sự phù trì của Chúa, người dân Ukraine đang giành lại mảnh đất do Chúa ban cho khi nhắc đến các thành phố và làng mạc mới được giải phóng khỏi bàn tay giết người của kẻ chiếm đóng. Tuy nhiên, ngài ngậm ngùi rơi lệ khi nhắc đến các mồ chôn tập thể vừa được phát hiện ở Izium. Ngài cảnh báo các tín hữu chuẩn bị tâm lý vì thảm kịch ở Izium sẽ vượt rất xa quy mô những gì đã được phát hiện ở những nơi khác như Bucha.

Đức Cha Sviatoslav đã suy tư về điều răn thứ chín như một “hướng dẫn công khai cho những người có đức tin”: “Tôi tôn trọng tài nguyên thiên nhiên của trái đất như món quà của Chúa và sử dụng chúng một cách thận trọng.”

“Trách nhiệm đối với môi trường,” Đức Tổng Giám Mục nói và nhắc lại rằng ngày14 tháng 9, vừa qua trong Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương là Ngày của Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo, “là một phần không thể thiếu của đạo đức Kitô.” Một người không thể hạnh phúc nếu không tôn trọng môi trường. Chúng ta không thể là người thành công. Chúng ta không thể xây dựng một nền văn hóa phò sinh và một nền văn minh phát triển mà không quan tâm đến môi trường”.

“Khi chúng ta nhìn vào ngày hôm nay, người đứng đầu Giáo hội nói thêm, về những gì kẻ thù để lại – đốt cháy và phá hủy các thành phố và làng mạc, cánh đồng lúa mì bị đốt cháy, rừng bị cướp bóc, khai thác chernozem, ao, sông và nguồn nước bị ô nhiễm mà anh chị em không uống được nữa – chúng ta thấy rằng chiến tranh không chỉ là tội ác chống lại sự sống của con người, mà còn là tội ác chống lại sự sáng tạo của Thiên Chúa”.

Ngài nhấn mạnh rằng, theo lời khai của những người nông dân năm nay, Chúa đã ban cho Ukraine một vụ mùa bội thu chưa từng thấy. “Tôi nghĩ điều đó không vô ích. Chúa ban phước cho chúng ta và cung cấp đất đai với sản lượng dồi dào cho thành quả lao động của chúng ta. Chúng ta biết ơn Chúa vì những món quà của Người và biết ơn mảnh đất Ukraine của chúng ta đã nuôi dưỡng chúng ta trong thời kỳ khó khăn của thảm họa quân sự nghiệt ngã này.”

Theo Đức Tổng Giám Mục, chúng ta nên chia sẻ những món quà này với tất cả những người đã bị tước đi cơ hội gieo và gặt và những người lính Ukraine, những người lính của hòa bình và ánh sáng, vừa được giải thoát dưới mũi giày của Nga, những người đang cần nhất hiện nay, những người đã bị thiệt hại nhiều nhất từ cuộc chiến này.

Trong một tin nhắn video vào đêm trước Ngày của Chúa là Đấng Tạo Hóa, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav đã gửi lời cảm ơn đến những người nông dân Ukraine và cảm ơn họ vì họ đã lao động và dũng cảm ra đồng ngay cả khi điều đó có thể nguy hiểm đến tính mạng của họ.


Source:UGCC

2. Video cho thấy tu viện Ukraine có niên đại hàng nhiều thế kỷ bị hư hại bởi trận pháo kích của Nga

Bộ Quốc phòng Ukraine đã công bố video cho thấy thiệt hại và sự tàn phá trên diện rộng ở thị trấn Sviatohirsk sau khi khu vực này được giải phóng khỏi lực lượng Nga vào tuần trước.

Đoạn video cho thấy các bức tường bên ngoài đầy vết rỗ của Sviatohirsk Lavra, một tu viện có từ thế kỷ 16 ở phía bắc vùng Donetsk của Ukraine. Tu viện Sviatohirsk Lavra đã bị hư hại do “pháo kích của Nga” vào tháng 6 năm 2022, theo Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Một phóng viên quân đội Ukraine cáo buộc lực lượng Nga “đốt các thánh tích và giết những người đang tìm nơi trú ẩn bên trong khuôn viên tu viện”.

Tháp tu viện, với một góc bị phá hủy, cũng như các thiết bị quân sự, xe tăng và xe bọc thép bị bỏ rơi nằm rải rác trên đường phố gần đó.

Các tòa nhà dân cư cũng bị ảnh hưởng.

“Tất cả các cửa sổ trong nhà tôi, từ trên xuống dưới đều bị vỡ tan tành”, một phụ nữ lớn tuổi nói trên bờ nước mắt.

Các tòa nhà thương mại cũng được cho là đã bị hư hại đáng kể trong cuộc giao tranh.

Một cư dân khác của thị trấn cho biết nước, điện và internet của anh ta đã bị cắt khi quân đội Nga tiến vào khu vực này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết pháo binh Nga đã phá hủy hơn 113 nhà thờ trong “cuộc chiến toàn diện” với Ukraine.

“Trong số đó có những ngôi thánh đường cổ kính – là những ngôi nhà thờ đã chịu đựng được Thế chiến thứ hai, nhưng không chịu được sự chiếm đóng của Nga”.

“Cũng có những cái được xây dựng sau năm 1991. Việc xây dựng lại Nhà Thờ Các Thánh ở Sviatohirsk Lavra bắt đầu vào năm 2001. Ngày 10 tháng 6 vừa qua được dự trù là kỷ niệm ngày thánh hiến ngôi nhà thờ sau khi được trùng tu,” ông nói.

Trước ngày lễ kỷ niệm này chỉ một ngày, ngôi thánh đường này đã bị “phá hủy” bởi trận pháo kích của Nga.

Trong bài phát biểu của mình, Zelenskiy lưu ý rằng đây “không phải là trận pháo kích đầu tiên vào Lavra,” và “ba linh mục ở Lavra đã bị giết bởi các trận pháo kích của quân Nga vào hôm thứ Tư. Các cử hành Phụng Vụ buộc phải được tổ chức dưới tầng hầm”.

Theo Tổng thống, âm thanh của pháo binh Nga vẫn không dứt tại Lavra.

Zelenskiy chỉ ra rằng nhà thờ Các Thánh ở Sviatohirsk Lavra “thuộc Giáo Hội Chính thống Ukraine, nơi vẫn được coi là trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và Giáo Hội Chính thống Nga, nhưng ngay cả điều này cũng không ngăn được quân đội Nga”.

Trước “sự ủng hộ của hàng giáo phẩm Chính thống giáo ở Nga cho hành động xâm lược Ukraine,” Zelenskiy kêu gọi Giáo Hội Chính thống Ukraine nên “đưa ra kết luận”.

“Quân đội Nga có thể ngừng đốt các nhà thờ. Quân đội Nga có thể ngừng phá hủy các thành phố. Quân đội Nga có thể ngừng giết trẻ em. Chỉ cần một người duy nhất ở Mạc Tư Khoa ra lệnh như vậy. Nhưng thực tế là vẫn không có một lệnh nào như vậy là một sự sỉ nhục rõ ràng cho toàn thế giới”, ông nói.

3. Thông cáo báo chí chung của Liên Hiệp Âu Châu ngày 15 tháng 9 năm 2022 về Nicaragua và vụ bắt giữ Giám mục Rolando Álvarez

Ngày 15 tháng 9, Quốc Hội Liên Hiệp Âu Châu đã ra thông cáo báo chí, toàn văn như sau:

Nicaragua và vụ bắt giữ Giám mục Rolando Álvarez

Quốc hội lên án bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể sự đàn áp ngày càng leo thang đối với Giáo Hội Công Giáo, các nhân vật đối lập, xã hội dân sự, những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo, nông dân, sinh viên và người bản địa ở Nicaragua. Chúng tôi đặc biệt nêu bật việc bắt giữ tùy tiện Đức Cha Rolando Álvarez, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ngài và những người khác cũng như hủy bỏ mọi thủ tục pháp lý chống lại họ.

Hệ thống tư pháp của Nicaragua thiếu tính độc lập và luật pháp được sử dụng như một công cụ để hình sự hóa việc thực thi các quyền dân sự và chính trị. Quốc hội lo ngại về 206 tù nhân chính trị trong nước, lên án việc đóng cửa tùy tiện hàng trăm tổ chức phi chính phủ khác và lên án việc cấm các đảng chính trị đối lập.

Các thành viên Quốc Hội Liên Hiệp Âu Châu mạnh mẽ thúc giục Nicaragua bãi bỏ luật hạn chế quá mức không gian dân chủ và tự do của đất nước và họ yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu tiếp tục hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự ở đó. Quốc Hội mong muốn Liên Hiệp Âu Châu và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở một cuộc điều tra chính thức về Nicaragua và chủ tịch của quốc gia này, là Daniel Ortega, vì những tội ác chống lại loài người.

Nghị quyết đã được thông qua với 538 phiếu thuận, 16 phiếu chống và 28 phiếu trắng.


Source:europarl.europa.eu

4. Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan. An tử và trợ tử

Loup Besmond de Senneville, LA CROIX: “Thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều về những ngày này ở Trung Á. Trong chuyến đi này, đã có rất nhiều cuộc nói chuyện về các giá trị và đạo đức, đặc biệt là trong Đại hội Liên tôn, và một số nhà lãnh đạo tôn giáo đã gợi lên sự mất mát của phương Tây vì nó suy thoái đạo đức. Ý kiến của Đức Thánh Cha ra sao về điều này? Đức Thánh Cha có cho rằng phương Tây đang ở trong tình trạng diệt vong, bị đe dọa bởi việc đánh mất các giá trị của nó? Con nghĩ đặc biệt tới một cuộc tranh luận về an tử, về việc kết liễu sự sống, một cuộc tranh luận đã và đang diễn ra ở Ý, nhưng cả ở Pháp và Bỉ nữa.”

Đúng là phương Tây, nói chung, không ở mức độ làm gương cao nhất hiện nay. Nó không hề còn là một đứa bé rước lễ lần đầu nữa. Phương Tây đã đi theo những con đường sai lầm; thí dụ, chúng ta nghĩ tới sự bất công xã hội đang hiện hữu giữa chúng ta. Có một số quốc gia đã phát triển hơn một chút về công bằng xã hội, nhưng tôi nghĩ tới lục địa của tôi, Mỹ Châu Latinh, cũng là phương Tây. Chúng ta cũng nghĩ tới Địa Trung Hải, cũng là phương Tây: ngày nay nó là nghĩa địa lớn nhất, không phải của Âu Châu, mà là của nhân loại.

Phương Tây đã mất gì khi quên tiếp đón, khi nó cần người? Khi bạn nghĩ tới mùa đông nhân khẩu học mà chúng ta hiện có: nó cần người ta: cả ở Tây Ban Nha – nhất là ở Tây Ban Nha – ngay cả ở Ý cũng có những ngôi làng trống trải, chỉ có hai mươi bà già ở đó, và không có gì khác.

Nhưng tại sao không thực hiện một chính sách của phương Tây, trong đó người nhập cư được bao gồm với nguyên tắc qui định rằng người di cư phải được chào đón, đồng hành, cổ vũ và hòa nhập? Điều đó rất quan trọng, để hòa nhập, nhưng thay vào đó: “không”, và bạn để sự việc trống rỗng. Đó là sự thiếu hiểu biết các giá trị, khi phương Tây trải nghiệm điều này, chúng ta là những quốc gia đã di cư.

Ở đất nước của tôi – đất nước mà tôi nghĩ hiện tại là 49 triệu người – chúng tôi chỉ có ít hơn một triệu người bản địa, và tất cả những người khác đều có nguồn gốc di cư, mọi người: Người Tây Ban Nha, người Ý, người Đức, người Slav Ba Lan, từ Tiểu Á, người Lebanon, tất cả mọi người… Ở đó máu được pha trộn, và kinh nghiệm này đã giúp chúng tôi rất nhiều.

Rồi, vì lý do chính trị, nó không diễn ra tốt đẹp ở các nước Mỹ Latinh, nhưng tôi nghĩ việc di cư vào thời điểm này nên được xem xét nghiêm túc, vì nó nâng cao giá trị trí thức và thích hợp của phương Tây lên một chút.

Ngược lại, với mùa đông nhân khẩu này, chúng ta sẽ đi đâu? Phương Tây đang suy tàn về điểm này; nó hết hạn một chút, nó đã mất…

Hãy nghĩ về khía cạnh kinh tế: nhiều điều tốt đã được thực hiện, nhưng chúng ta hãy nghĩ về tinh thần chính trị và huyền nhiệm của Schuman, Adenauer, De Gasperi, những vĩ nhân đó: họ đang ở đâu ngày nay? Có những con người vĩ đại, nhưng họ không thể đưa xã hội tiến lên. Phương Tây cần đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, và rồi có nguy cơ là chủ nghĩa dân túy.

Điều gì xảy ra trong một trạng thái chính trị xã hội như vậy? Các đấng Mêxia sinh ra: các đấng mêxia của chủ nghĩa dân túy. Chúng ta đang thấy các chủ nghĩa dân túy ra đời như thế nào, tôi nghĩ một vài lần tôi đã đề cập đến cuốn sách đó của Ginzberg, Sindrome 1933: ông ấy nói chủ nghĩa dân túy ra đời như thế nào ở Đức sau khi chính phủ Weimar sụp đổ. Đó là cách các chủ nghĩa dân túy phát sinh: khi nửa vời không đủ sức mạnh, thì người ta hứa hẹn một Đấng Messia.

Tôi nghĩ người phương Tây chúng ta không ở cấp cao nhất trong việc giúp đỡ các dân tộc khác, có phải chúng ta có chút suy đồi không? Có thể có, nhưng chúng ta phải tiếp nhận lại các giá trị, những giá trị của Âu Châu, những giá trị của những người cha sáng lập ra Liên minh Âu Châu, những người vĩ đại. Tôi không biết, có một chút lộn xộn, nhưng tôi nghĩ tôi đã trả lời câu hỏi.

Loup Besmond de Senneville: “Thế còn euthanasia?”

Giết chóc không phải là con người, chấm hết. Nếu bạn giết người với động cơ, cuối cùng bạn sẽ giết nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Hãy để việc giết chóc cho những con thú.

Iacopo Scaramuzzi, LA REPUBBLICA: “Con xin tiếp nối câu hỏi cuối cùng vừa rồi: trong các bài phát biểu của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rất nhiều đến mối liên hệ giữa các giá trị, giá trị tôn giáo và sự sống động của nền dân chủ. Đức Thánh Cha nghĩ lục địa của chúng ta, Âu Châu, thiếu gì? Nó nên học gì từ những kinh nghiệm khác? Và, nếu có thể, con xin nói thêm một điều: trong vài ngày tới, Ý sẽ thực hiện một diễn trình dân chủ với việc bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và sẽ có một chính phủ mới. Cuối cùng khi gặp Thủ tướng mới, Đức Thánh Cha sẽ đề xuất điều gì? Đức Thánh Cha nghĩ đâu là những ưu tiên đối với Ý, những mối quan tâm của Đức Thánh Cha và những rủi ro cần tránh là gì? “

Tôi nghĩ rằng tôi đã trả lời điều này trong cuộc hành trình cuối cùng của tôi. Tôi đã gặp hai tổng thống Ý rất được kính trọng: Napolitano và người hiện tại. Những con người tuyệt vời. Các chính trị gia khác, tôi không biết. Trong chuyến hành trình gần đây nhất của tôi, tôi đã hỏi một trong các thư ký của tôi rằng Ý đã có bao nhiêu chính phủ trong thế kỷ này: hai mươi. Tôi không thể giải thích. Tôi không lên án điều này cũng không chỉ trích điều này, nhưng tôi chỉ không thể giải thích nó. Nếu các chính phủ thay đổi như vậy, thì có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Bởi vì ngày nay trở thành một chính khách, một nhà chính trị lớn, là một con đường gian nan.

Một chính trị gia đặt mình lên hàng đầu vì những giá trị của đất nước, những giá trị lớn lao, và không làm điều đó vì lợi ích bản thân, địa vị, sự tiện lợi… Các quốc gia, và trong số đó có Ý, phải tìm ra những chính trị gia vĩ đại, những người có khả năng thi hành các chính sách, đó là một nghệ thuật.

Chính trị là một thiên chức cao cả. Tôi tin rằng một trong những vị giáo hoàng, tôi không rõ đó là Đức Piô XII hay Thánh Phaolô VI, đã nói rằng chính trị là một trong những hình thức bác ái cao nhất. Chúng ta phải đấu tranh để giúp các chính trị gia của chúng ta duy trì một trình độ chính trị cao, chứ không phải chính trị cấp thấp không giúp được gì cả, thậm chí còn kéo Nhà nước đi xuống, làm nó nghèo đi.

Ngày nay, chính trị ở các quốc gia Âu Châu nên xem xét vấn đề của mùa đông nhân khẩu học, chẳng hạn, các vấn đề liên quan đến phát triển kỹ nghệ, phát triển thiên nhiên, các vấn đề liên quan đến người di cư… Chính trị phải giải quyết các vấn đề một cách nghiêm túc để tiến lên. Tôi đang nói về chính trị nói chung. Tôi không hiểu chính trị Ý: chỉ có điều con số hai mươi chính phủ trong hai mươi năm có vẻ hơi lạ, nhưng mỗi người đều có cách nhảy tango của riêng mình… bạn có thể nhảy theo cách này hay cách khác và chính trị được nhảy theo cách này hay cách khác.

Âu Châu cần tiếp thu kinh nghiệm từ những nơi khác, một số sẽ tiến triển tốt hơn, một số thì không. Nhưng nó phải cởi mở, mỗi châu lục phải cởi mở đón nhận kinh nghiệm của những người khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *